Rạp hát Nguyễn Văn Hảo theo dòng lịch sử Saigon

Nhiều bạn ái mộ cải lương ở Westminster – Hoa Kỳ gởi email cho tôi (Nguyễn Phương): “Chúng tội ái mộ cải lương tuồng cổ biết tin các nghệ sĩ Vân Hà và Chí Linh cùng các nghệ sĩ trong gia tộc của cố nghệ sĩ Thanh Tòng tổ chức hát lại các tuồng Hồ Quảng ở rạp Công Nhân TPHCM. Không biết Rạp Công Nhân là rạp nào, xin bác cho biết, nếu được xin cho biết các hoạt động của nghệ sĩ tại rạp Công Nhân trước 1975”.

Trả lời: Nói đến rạp hát Nguyễn Văn Hảo cũng là dịp để nhắc lại những chuyện liên quan đến nghệ thuật và nghệ sĩ cải lương trong thế kỷ 20, tôi xin phép trả lời câu hỏi trên bằng bài viết đăng trên Thời Báo.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, miền Bắc chiếm được miền Nam, đổi tên thành phố Saigòn thành ra Thành Phố HCM, Rạp hát Nguyễn Văn Hảo số 30, đường Trần Hưng Đạo đổi tên là Rạp Công Nhân, còn gọi là Nhà hát kịch thành phố HCM.

Rạp Nguyễn Văn Hảo được xây cất từ đầu thập niên 1940 do ông điền chủ Nguyễn Văn Hảo quê ở huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, mua đất và bỏ tiền mướn nhà thầu xây cất rạp hát. Mặt Rạp hướng ra đường Galliéni (nay là đường Trần Hưng Đạo). Cửa sau rạp trổ ra đường Bùi Viện.

Rạp Nguyễn Văn Hảo xây 3 tầng khán phòng với tổng số ghế cho khán giả là 1.200 ghế chưa kể số ghế súp đặt dọc theo đường đi khi gánh hát bán hết vé chính thức. Lầu 3 dành cho khán giả hạng ba có 300 ghế, được đóng bằng ván dài trên một cái giàn gỗ. Ghế được đóng từng hàng, từ thấp lên cao như băng ghế trong rạp hát xiếc. Lầu 2 dành cho khán giả hạng nhất và hạng nhì có 400 ghế, bọc nệm da đỏ có lưng dựa. Tầng trệt có 500 ghế bọc nệm da đỏ có lưng dựa dành cho khán giả thượng hạng và hạng nhất.

Sân khấu rộng 14m, trừ hai panneau che hai bên mỗi bên 2m, mặt tiền dành cho sân khấu biểu diễn là 10m, chiều sâu sân khấu 14m, phông trắng làm phông sân khấu để trình diễn cách tường trong 4m.

Phía tay phải của rạp hát có một hành lang rộng 5m, dài từ cửa trước đến sát phông sân khấu độ 50m. Hành lang nầy dành cho đoàn hát để phông màn, chỗ để tủ làm tuồng cho đào, kép phụ (hạng ba), vũ nữ, vệ sĩ. Đây cũng là dự phòng của rạp để phòng có lối ra cho khán giả khi có hỏa hoạn.

Phía tay trái của rạp cũng có hành lang rộng 5m đó là nơi có hai phòng vệ sinh lớn với nhiều phòng vệ sinh nhỏ riêng biệt: một dành cho khán giả nam, một phòng dành cho khán giả nữ. Mỗi phòng có robinet nước cho khán giả rửa tay, rửa mặt.

Rạp Nguyễn Văn Hảo và dãy lầu chung cư cùng tên dài nối tiếp hai con đường. Đầu “mũi tàu” buy đinh Nguyễn Văn Hảo là Tháp Ngà ca vũ nhạc Tour D’ Ivoire, tận cùng góc kia là đường Kictchner. Rạp Nguyễn Văn Hảo chính gốc là nơi diễn tuồng cải lương nhưng cũng là nơi từng diễn ra những sự kiện nổi bật trong lịch sử Saigon.

Nhân dịp Hội Chợ Saigon năm 1949, phái đoàn Tân Cổ Nhạc cố đô Huế gồm có các nghệ sĩ, nhạc sĩ Vĩnh Phan, Bữu Lộc, Vũ Đức Duy, Quốc Thuận, Châu Kỳ, Tôn Thất Cảnh cùng với các nghệ sĩ Saigon Trần Văn Trạch, Thu Hồ, Mộc Lan, Minh Diệu họp thành Đại Ban trình diễn Đại Nhạc Hội đầu tiên ở Sagon tại Rạp Nguyễn Văn Hảo.

Thời điểm 1950- 1951, Saigon chưa có Hội Trường chính thức như rạp Norodom (sau đổi tên là Rạp Thống Nhứt) rạp Nguyễn Văn Hảo được dùng làm nơi nhóm họp, những cuộc Hội nghị có tính cách văn hóa, xã hội, chính trị có đông người dự. Ngày 24/10/1953 tại rạp Nguyễn Văn Hảo, Hội Nghị Toàn Quốc Việt Nam do ông Trần Trọng Kim làm chủ tịch với bản tuyên bố: “Nước Việt Nam Độc Lập không gia nhập Liên HIệp Pháp” làm rúng động chính giới Pháp tại Paris.

Cửa sau của sân khấu Nguyễn Văn Hảo có một ngã tư tuy không chính thức ghi trên bản đồ nhưng qua báo chí nhiều người biết: Ngã Tư Quốc Tế.

Ngã Tư Quốc Tế ở mé sau rạp Nguyễn Văn Hảo. Đường Đề Thám chạy ngang đường Hưng Đạo (Galliéni) tới mút đường Phạm Ngũ Lão. Sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo là đường Bùi Viện một đầu chạy ra đụng đường Kitchner, đầu kia Bùi Viện đi thẳng đến đường Cống Quỳnh. Gọi là Ngã Tư Quốc Tế vì ngay tại ngã tư nầy có hai tiệm nước: tiệm Vĩnh Toàn sát sau rạp hát, tiệm Vĩnh Hưng đối diện tiệm Vĩnh Toàn bên kia đường Bùi Viện. Tiệm Vĩnh Hưng thường được giới báo chí, nhà văn, nhà chính trị làm nơi gặp gỡ, bàn luận thời cuộc như nhóm chống Cộng của Hồ Hữu Tường… tiệm Vĩnh Toàn được các nghệ sĩ cải lương, các nhà báo loan tin văn hóa nghệ thuật như Đức Hiền, Tam Mộc, Văn Thà, Tình Thiệt, Huỳnh Công Minh chọn làm chỗ trao đổi tin tức và loan tin về nghệ sĩ, về các đoàn hát và tuồng tích mới, về các chuyện tình duyên của nghệ sĩ tài danh.

Nếu Givral là cái radio Catinat thì Ngã tư Quốc Tế là cái radio Cải lương. Ai muốn biết tin tức chính trị thì tới tiệm Vĩnh Hưng hoặc tới Givral, còn muốn nghe tin tức nghệ sĩ và tuồng hát thì tới tiệm nước Vĩnh Toàn tại Ngã Tư Quốc Tế.

Rạp Nguyễn Văn Hảo có biệt danh là Hàng Không Mẫu Hạm, các đoàn hát sau một chuyến lưu diễn miền Tây hay miền Trung về Saigon, có tuồng mới đều tìm mọi cách để mướn rạp Nguyễn Văn Hảo để khai trương tuồng mới.

Tết năm 1953, đoàn Việt Kịch Năm Châu khai trương tuồng Tây Thi Gái Nước Việt tại rạp Nguyễn Văn Hảo, đánh dấu sự chuyển hướng chủ trương “Thật và Đẹp” của nghệ sĩ Năm Châu. Trước đây nghệ sĩ Năm Châu chủ trương vô vọng cổ không phựt đèn đỏ như các gánh hát Hoa Sen, Thanh Minh, Kim Chưởng…không ca gác bài bản nhỏ để vô vọng cổ. Trước khi ca cổ nhạc trong tuồng, không đàn rao kéo dài trước khi ca mà chỉ đàn ngắn để nghệ sĩ biết hơi bản nhạc (hơi Ai hay Xuân), nghệ sĩ nói lời thoại như hát kịch nói rồi bắt vô ca chớ không nói theo hơi đờn trước khi ca. Khi hát Tây Thi Gái Nước Việt, Năm Châu diễn theo lối Thi Ca Vũ Nhạc và không áp dụng những cấm kỵ khi diễn tuồng như đã kể..

Ngày 19/12/1955, đoàn Kim Thoa khai trương bảng hiệu với vở tuồng Lấp Sông Gianh bị kẻ lạ mặt liệng một trái lựu đạn lên sân khấu, giết chết hai nghệ sĩ (nhiếp ảnh viên Ba Cương và em vệ sĩ tên Phiên), soạn giả kiêm đạo diễn Duy Lân vị cụt một chân,, nghệ sĩ Hai Tiền, danh ca Sáu Thoàng, đào chánh Đoàn Thiên Kim bị thương với nhiều mảnh đạn trên lưng và trên cánh tay.

Tháng 4 năm 1955, Thủ tướng Ngô Đình Diệm mở cuộc hành quân đánh dẹp các lực lượng quân sự các phái (Bình Xuyên, Hòa Hảo, Cao Đài) tại Đô Thành Saigon, quân đội của ông Diệm tấn công Công An Xung Phong tại Bót Centrale (bót cảnh sát trên đường Hưng Đạo) của Lai Văn Sang và Lai Hữu Tài (thuộc nhóm Bình Xuyên Bảy Viễn). Trận chiến gây hỏa hoạn lớn, thiêu rụi hàng trăm căn nhà từ chợ Nancy, qua đường Nguyễn Cảnh Chân, đến gần Bót Công Lộ ở đường Phát Diệm. Khi lực lượng Bình Xuyên tan rã, thấy dân chúng bị cháy nhà tiêu tan tài sản, các nghệ sĩ cải lương Thanh Minh, Kim Chưởng, Hoa Sen, Việt Kịch Năm Châu tổ chức hát tại rạp Nguyễn Văn Hảo một tháng trời, tất cả doanh thu (nghệ sĩ không lãnh lương) đều sung vào quỹ cứu trợ cho nạn nhân bị hỏa tai vì chiến tranh. Ông Nguyễn Văn Hảo không thu tiền mướn rạp trong một tháng các đoàn hát gây quỹ cứu trợ nạn nhân chiến cuộc tại Đô Thành.

Năm 1958, chánh phủ Ngô Đình Diệm mở cuộc giao lưu Văn Hóa nghệ thuật với Pháp, Đài Loan, Ấn Độ, Nhật Bổn và Hoa Kỳ.

Đoàn nhạc sĩ Bộ Gõ Pháp (Ensemble de percussions de l`orchestre National de France) trình diễn một tuần lễ tại rạp IDECAF (Viện trao đổi Văn Hóa Pháp) và một đêm tại rạp hát Ciné Đại Nam.

Đoàn hát Đài Loan (Quốc Lập Phục Hưng Hý Kịch) diễn một tuần lễ ở rạp Đại Quang Chợ Lớn và ba đêm tại rạp Nguyễn Văn Hảo cho khán giả Hoa Kiều ở Chợ Lớn và Saigon xem. Chỉ có thiệp mời, không bán vé. Ban chấp hành Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu Tương Tế VN được mời xem các tuồng Đậu Nga Oan, Phụng Nghi Đình và Tinh Trung Báo Quốc (Nhạc Phi) tại rạp Nguyễn Văn Hảo.

Đoàn Ấn Độ ba chục nghệ sĩ trình diễn tại rạp Nguyễn Văn Hảo ba đêm và đến thăm nghệ sĩ Việt Nam tại Hội Ái Hữu Tương Tế VN tại số 133 đường Cô Bắc Saigon (xem ảnh).

Đoàn ca vũ Nhật Bổn trình bày một tuần lễ ca múa nhạc ở Rạp Đại Nam và một tuần ở Rạp Oscar Chợ Lớn.

Đoàn trượt tuyết Hoa Kỳ diễn hai tuần lễ ở sân Mayer và diễn một đêm tại rạp Nguyễn Văn Hảo, trong đêm diễn ở Nguyễn Văn Hảo tay trống cự phách của dàn nhạc Mỹ tranh tài với tay trống tài danh Huỳnh Anh (con của nhạc sĩ Sáu Tửng). Cuộc đọ tài hy hữu mà tay trống Huỳnh Anh đã không thua tay trống dàn nhạc Hoa Kỳ, khơi dậy lên nhiều trận vỗ tay cổ võ và báo chí viết nhiều bài khen ngợi nhạc trưởng Huỳnh Anh.

Năm 1960 đoàn hát Hoa Sen của ông bầu Bảy Cao, sau khi thành công với sân khấu có chiếu phim xen các lớp diễn cải lương, ông bầu Bảy Cao thực hiện sân khấu quay tại rạp Nguyễn Văn Hảo khi khai trương tuồng Mộng Hòa Bình. Sân khấu Nguyễn Văn Hảo được lắp thêm bên trên sân khấu cũ một sân khấu tròn đường kính 8 thước. Trên sân khấu giả đó Bảy Cao cho dàn hai cảnh khác nhau, mỗi cảnh chiếm nửa sân khấu tròn. Khi đổi cảnh thì nhơn viên hậu đài đẩy cho sân khấu quay từ từ, chuyển cảnh trước vô trong, để hiện ra cảnh thứ hai đã dọn sẵn bên trong. Nghệ sĩ từ từ đi trên sân khấu quay và tiếp tục diễn trên cảnh mới đẩy ra.

Khi công nhân hậu đài đẩy cho sân khấu quay, đèn vẫn để sáng cho khán giả thấy sân khấu quay, cảnh tuồng vẫn diễn như chuyện xảy ra khi diễn viên đi từ cảnh nầy qua cảnh khác.

Hôm khai trương sân khấu quay có nhiều ký giả kịch trường được mời đến xem, ông bầu Bảy Cao hy vọng khi hát cảnh quay thành công, báo chí kịch trường sẽ có nhiều bài viết ngợi khen, không ngờ khi cảnh hai quay đến nửa chừng, không hiểu vướng mắc như thế nào mà công nhân không thể đẩy cho cảnh quay tiếp được, họ cố đẩy thật mạnh, cảnh trí rung rinh rồi đổ ụp xuống, cô đào Ái Hữu bị cảnh đổ trên đầu, bể đầu máu phun đầy mặt, phải đưa đi bệnh viện cấp cứu: sau đó nghệ sĩ Bảy Cao dẹp cái sân khấu quay luôn.

Năm 1961 rạp Hưng Đạo xây xong. Rạp lớn, có máy lạnh, có 1200 ghế nệm bọc da đỏ, lại ở vị trí trung tâm thành phố, trước mặt là đường lớn Trần Hưng Đạo, lại có đường tẻ kể bên là đường Nguyễn Cư Trinh, thuận tiện giao thông, có bãi giữ xe gắn máy nên khán giả xem hát cải lương đều đến rạp Hưng Đạo.

Năm 1962, khai trương rạp Quốc Thanh, ở đường Võ Tánh. Rạp Quốc Thanh cũng là rạp hát lớn như rạp Hưng Đạo, cũng có máy lạnh và bãi giữ xe dưới hầm sân khấu nên rạp Nguyễn Văn Hảo và rạp Thành Xương không có đoàn hát nào mướn để hát. Nguyễn Văn Hảo và Thành Xương đổi thành rạp chiếu bóng thường trực.

Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, nhà cầm quyền CS tịch thu tất cả các rạp hát, giải tán tất cả các đoàn hát tư nhân. Rạp Nguyễn Văn Hảo được sửa mặt tiền, mang tên rạp Công Nhân hay là Nhà Hát Kịch thành phố HCM.

Rạp Nguyễn Văn Hảo dưới thời Việt Nam Cộng Hòa là nơi biểu diễn nghệ thuật sân khấu, với nhiều vở tuồng đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của khán giả. Khi CS chiếm các rạp hát, rạp Nguyễn Văn Hảo đổi tên, khán giả Saigon không bỏ tiền ra mua vé để đến nghe tuyên truyền đường lối chánh sách của đảng,

Nhớ thời hoàng kim của sân khấu cải lương ở thế kỷ trước.


Phái đoàn nghệ sĩ Ấn thăm giao lưu với hội Nghệ Sĩ Việt Nam.


Diễn vở “Lấp sông Gianh” ở rạp Nguyễn Văn Hảo.


Rạp Nguyễn Văn Hảo thành Nhà Hát kịch Thành Phố.