Đờn Ca Tài Tử miền Tây Nam Bộ

Trước nay, người ta thường có câu mời “về miền Tây nghe đờn ca Tài tử...” mà ít khi nghe ai mời về miền Đông... !!! Tuy nhạc Tài tử không dành riêng cho người miền Tây, nhưng ai cũng nhận thấy ở đây đờn ca Tài tử phát triển mạnh, đậm đà chất Nam Bộ, và đã trở thành một “đặc sản” văn hóa âm nhạc vùng miền.

Trong khối thống nhất của Văn hóa – âm nhạc Nam Bộ, đờn ca Tài tử của người miền Tây vừa có những nét chung của nghệ thuật đờn ca thính phòng hết sức tài tử - ngẫu hứng vừa có những nét riêng mà ai cũng dễ dàng nhận ra. Đó là những sáng tạo riêng của “phái Tài tử miền Tây” những năm đầu thế kỷ XX, của Vọng cổ Bạc Liêu, của những bài bản mang nhiều đặc điểm riêng về hơi điệu cùng những huyền thoại danh cầm tài tử: Hai Phát, Tư Huyện, Sáu Quý, Năm Cơ…

1. Phong trào đờn ca Tài tử Nam bộ đầu thế kỷ XX, Phái Tài tử miền Đông, Phái Tài tử miền Tây...

Đến đầu thế kỷ XX, phong trào đờn ca Tài tử ở miền Nam đã rất phát triển, đây là thời kỳ xuất hiện nhiều nhạc sĩ, nhạc sư, nhóm đàn Tài tử. Các nhóm Tài tử ở Nam bộ liên kết thành hai khối mà lúc bấy giờ gọi là “Phái Tài tử miền Đông” và “Phái Tài tử miền Tây”. Họ có những hoạt động âm nhạc mang tính ganh đua với nhiều chủ trương khác nhau nhưng đều góp phần làm phát triển nghệ thuật đờn ca Tài tử. Đứng đầu Phái nhạc Tài tử miền Đông là ông Ba Đợi (Nguyễn Quang Đại), và thầy Ký Quờn (Trần Quang Hườn hay Quờn) đứng đầu phái Tài tử miền Tây. Cả hai Phái Tài tử đều có những công lớn trong việc cải soạn bài bản tiếp thu từ nhạc vùng ngoài, sáng tác thêm bài bản mới, hoàn thiện phong cách nhạc Tài tử và giảng dạy, đào tạo nhiều học trò, phát triển phong trào đờn ca ở Nam bộ.

Ông Ba Đợi vốn là quan nhạc triều Nguyễn, ông đem âm nhạc vào truyền dạy ở miền Nam, có công cải soạn nhạc Thính phòng Huế thành nhạc Nam Bộ.. được nhạc giới tôn làm hậu tổ của ngành nhạc Lễ, nhạc Tài tử Nam bộ.

Khác với Phái Tài tử miền Đông, ngoài việc thu thập và cải soạn những bài bản nhạc vùng ngoài thành nhạc Tài tử, nhóm còn chủ trương sáng tác thêm những bài bản mới. Những bài bản của Thầy Ký Quờn sáng tác đến nay tuy chỉ còn được biết qua những tên gọi, nhưng chủ yếu được sáng tác dựa trên hơi – điệu của nhạc cổ truyền:
  • Hiệp điệp xuyên hoa (Những con bướm đâu hút nhụy hoa)
  • Thanh đình điểm thủy (Chuồn chuồn vờn trên mặt nước)
  • Kim oanh trịch liễu (Con chim oanh làm cong cành liễu)
  • Song cưu đối ngữ (Hai con chim cú nói chuyện)
  • Anh võ năng ngôn (Con vẹt hay nói)
  • Cơ miêu quắc thử (Mèo vồ chuột)
  • Tước dược (Chim sẻ nhảy cao)
  • Cứ hổ bào nhập trọng địa (Hổ báo vào đất dữ)
  • Tróc mã (Đuổi bắt ngựa)
  • Đàn tâm (Mở lòng – trái tim)
Đó là những bài bản viết theo điệu Bắc. Ngoài ra, một số bài được viết theo điệu Nam:
  • Đông hoàng (Mùa đông vàng), viết theo hơi Nam Xuân
  • Thu thinh (tiếng mùa thu) viết theo hơi Nam Ai
Ông sáng tác hai bài theo điệu Oán: Thừa nhan (Gặp gỡ) và Hàn huyên (Tâm sự). Ngoài ra, ông có hai bài theo hơi Nam và hơi Oán, đến sau này còn được nhiều người nhắc tên, nhưng chữ đàn ra sao thì không ai nhớ. Đó là bài “Tẩu lẫn phi oanh (Chạy theo đom đóm) và bài “Dạ bán chung thinh” (Tiếng chuông nửa đêm). Riêng bài “Dạ bán chung thinh” vẫn bị nhầm lẫn là “Dạ bán chung tình”. Một số nhạc sĩ lão thành còn cho bài này đã gợi ý cho bài Dạ cổ Hoài Lang sau này của nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu).

Thầy Ký Quờn còn là tay sáng kiến, ông không ngừng cải tiến các nhạc khí. Nhiều người còn nhắc đến cầy đàn “Đại ba tiêu”, “Tiểu ban tiêu” được ông sáng chế có dáng dấp như cây quạt “ba tiêu” thần kỳ trong truyện “Tây Du” có khả năng quạt tắt núi lửa. Theo mô tả và vẽ lại theo ký ức của Gs. Trần Văn Khê và nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, cây đàn có hình dáng gần như cây guitare, nhưng thùng đàn có hình cây quạt nói trên. Đàn có 4 dây tơ như các cây đàn dây gẩy cổ truyền.

Thầy Ký Quờn còn chế tác đàn “song thương”, làm bằng hai nửa phần vỏ trái dừa khô, có 2 hoặc 3 dây và đàn bằng cung kéo (đàn song thương có lẽ được cải tiến đàn gáo có hộp cộng hưởng là nửa vỏ gáo dừa khô). Ông còn sáng chế ra đàn “Đại đồng minh”, là loại nhạc khí 3 dây có hộp hưởng hình chữ nhật, diễn tấu bằng cung kéo nhưng không giữa cung vĩ ở giữa các dây như đàn cò (nhị). Các nhạc sư thường so sánh đàn Đại đồng minh với đàn Contrebasse của nhạc phương Tây. Hoặc ông sáng chế đàn Trùng Đồng: cải tiến từ đàn bầu nhưng hộp cộng hưởng lớn hơn và có đến 2 cần, 2 bầu đàn... Nhiều nhạc sư cho rằng ban đầu thầy Ký Quờn muốn cải tiến cây đờn kìm để có thể kêu to hơn, âm vang hơn. Nhưng sau đó là những chế tác nhiều nhạc khí khác nhau... Tuy nhiên, do hình dáng những nhạc khí mà ông chế tác lạ mắt, người đời không quen dùng nền dần dần bị bỏ quên. Và sau này, do chiến tranh cũng như nhiều lý do khác, những nhạc khí, những bài bản của ông đều bị thất lạc... Có thể, cùng trong phái Tài tử miền Tây lúc đó còn nhiều sáng tác, canh cải của nhiều nhạc sĩ khác nữa, nhưng rất tiếc chúng ta còn quá ít tài liệu về họ.

Trong những ganh đua của hai Phái nhạc miền Đông và miền Tây còn được nhạc giới kể đến việc sáng tác hai nhóm bài bản:
  • Nhóm bài Tứ Bửu do nhóm tài tử miền Tây sáng tác gồm: Minh hoàng thưởng nguyệt, Ngự giá đăng lâu, Phò mã giao duyên và Ái tử kê.
  • Đáp lại, nhóm miền Đông sáng tác nhóm bài Ngũ Châu, gồm: Kim tiền bảng, Ngự giá, Hồ lan, Vạn liên và Song phi hồ điệp.
Sau Thầy Ký Quờn, nhạc giới Tài tử miền Tây có thể còn nhiều người thích sáng tác bài bản, cải tiến nhạc khí... cũng như không thiếu những danh cầm với những ngón đờn thần diệu khác nữa. Họ đã góp phần xây dựng đờn ca Tài tử miền Tây nói riêng và nghệ thuật đờn ca Tài tử Nam bộ nói chung.

2. Những đóng góp cho phong trào đờn ca Tài tử Nam bộ

Đóng góp cho sự hình thành và phát triển phong trào đờn ca Tài tử là một đội ngũ đông đảo các nhạc sư, nhạc sĩ. Họ có thể đã được nhạc giới truyền tụng, tôn vinh... nhưng cũng có những nhạc sư, nhạc sĩ chỉ lưu tên tuổi trong trí nhớ của các thế hệ sau bởi những ngón đàn thần diệu... Có thể kể rất nhiều những người trong số họ, như:
  • Nhạc Sanh Khị (Nhạc Khị, Lê Tài Khị) ở Bạc Liêu, ông là người không chỉ giỏi nghề nhạc lễ mà còn là một tay đờn Tài tử lừng danh. Trong nhiều nghiên cứu, Nhạc Khị còn được cho là người mở đầu cho nhóm Tài tử Bạc Liêu với nhiều sáng tạo, đóng góp cho nhạc Tài tử sau này.
  • Cao Văn Lầu, người sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, bài nhạc khởi đầu cho bài Vọng cổ nhịp tư, nhịp tám, nhịp mười sáu, nhịp 32... Bài Vọng cổ được mệnh danh là bài bản “vua” trong sân khấu Cải Lương nhưng cũng là bài bản đã gợi ý cho bao nhiêu danh cầm sáng tạo hệ thống dây mới, lối đánh mới, chữ đàn lạ ... Bài Vọng cổ còn là bài bản đã tạo nên biết bao tên tuổi của những danh cầm như: danh cầm Ba Lích (Long Xuyên), Năm Cơ (Trà Vinh)... Hay các danh ca Cô Hai Đá, Cô Tư Bộn, Ba Nhơn, Tư Bé, nghệ sĩ Năm Nghĩa, Út Trà Ôn... đã vang danh khắp Nam kỳ lục tỉnh.
  • Thời gian sau của nghệ thuật đờn ca Tài tử còn được sự đóng góp của nhiều danh cầm miền Tây như Hai Phát (Hồng Tấn Phát, Trà Vinh), Giáo Thinh (Nguyễn Văn Thinh, gốc Sa Đéc, sau lên Sài Gòn), Nguyễn Vĩnh Bảo, Ba Cần, Ba Chột... Họ là những nhạc sĩ, nghệ sĩ biểu diễn đồng thời là những nhạc sĩ sáng tác, là những người thầy. Họ đã đào tạo nhiều thế hệ học trò tiếp nối con đường nghệ thuật và phát triển đờn ca Tài tử như ngày nay.
  • Từ những năm 20, 30 của thế kỷ XX, ở miền Tây còn nổi lên phong trào canh cải, thể nghiệm, đưa nhiều nhạc khí khác nhau vào dàn hòa đàn Tài tử. Đàn đoản, đàn sến, đàn tam... lần lượt được các nhạc sĩ thể nghiệm đưa vào dàn hòa đờn - ca. Khoảng năm 1930, thầy giáo Tiên ở Rạch Giá là người đầu tiên đem đàn mandoline để đàn bản Việt. Mặc dù tiếng đàn của ông trên đàn mandoline rất đơn giản, chưa có nhấn nhá, thêm thắt... Nhưng việc sử dụng đàn mandoline là một gợi ý cho những canh cải tiếp sau đó như: móc lõm phím đàn mandoline và chỉ sử dụng 4 dây đơn để nhấn nhá dễ dàng hơn; sáng chế đàn guita-mando còn gọi là đàn octavina (to hơn mandoline nhưng nhỏ hơn đàn guitare) và cuối cùng là cải tiến, móc lõm phím cây đàn guitare espagnole để có cây đàn guitare phím lõm ngày nay...
  • Cùng giai đoạn này nghệ thuật sân khấu Cải lương đã rất phát triển. Nổi lên như một “mốt thời thượng” là sự tiếp thu các kịch bản, nội dung từ điện ảnh hoặc sân khấu hí kịch Nam Trung Hoa do những người Triều Châu (Tiều), Quảng Đông (Quảng) đưa vào miền Nam. Không ít những nhạc sĩ đã chuyển soạn bài bản nhạc phim, nhạc Tiều, nhạc Quảng cho Cải lương. Những bài này cũng được nhạc giới sử dụng đờn ca trong những buổi hòa đờn. Đặc biệt là hàng loạt những bài bản được in trong cuốn “Nhạc Tài tử” do nhóm Tài tử Bạc Liêu soạn lục, ghi chép và xuất bản: Liêu Giang, Mẫu đơn, Thuấn hóa, Lưỡng long tranh châu, Nhựt nguyệt, tam Quan nguyệt, Hòa Duyên, Cảnh xuân, Vạn thọ, Huỳnh ba, Ngũ quan...
Sự chuyển soạn và đờn ca những bài bản này cho gần với âm điệu Việt đã dẫn đến việc sinh ra một loại hơi – điệu mới làm phong phú âm nhạc cổ truyền miền Nam: “Hơi Quảng”. Hơn thế nữa, những lối đàn ca của nhóm nhạc Tài tử Bạc liêu cũng “phảng phất” dâu đó lối rung nhấn của hơi Quảng, sự pha trộn các hơi điệu Quảng và hơi Bắc, hơi Quảng và hơi Nam Đảo... không chỉ trong khi hòa đàn, diễn tấu Tài tử mà còn hiện hữu trong Nhạc Lễ Nam bộ!

3. Đờn ca Tài tử miền Tây, ngẫu hứng và sáng tạo...

Trong diễn tấu nhạc Tài tử, chưa thấy những phân tích, phê bình về “phong cách” nhất là phong cách của một nhóm, “phái” nhạc (như với nhạc Tài tử miền Tây chẳng hạn)... Nhưng mọi người đều có thể có những nhận xét hết sức rõ ràng về tiếng đàn của một cá nhân nhạc sĩ nào đó. Bởi nhạc giới hết sức am hiểu thuộc từng chữ đàn của lòng bản và cách thể hiện của người nhạc sĩ Tài tử phải luôn thêm thắt, thêu thùa, hoa lá... Phong cách của nhạc Tài tử là ngẫu hứng, đờn ca phải luôn sáng tạo. Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo thường nói[1]: “...Mỗi nhạc sĩ mỗi cách tô điểm riêng, do đó, một bản đàn qua rồi đàn trở lại, lần nào cũng không giống lần đàn nào; mỗi lần đàn có mỗi hay ho duyên dáng, sức sống riêng biệt. Chính ở điểm này mà thính giả Việt Nam đánh giá tài ba của nhạc sĩ nào là: ngón đàn tươi mới, đàn mùi, sắp chữ, sắp nhịp hay... mà ít ai tán thưởng tác phẩm...”. Như vậy, nếu đã có ngẫu hứng, có sáng tạo trong diễn tấu thì phong cách của mỗi người nhạc sĩ sẽ thể hiện trong quá trình diễn tấu đó. Tuy vậy, do ít có những bài viết, nghiên cứu về những vấn đề này nên chưa có những hệ thống hóa về phong cách của nhạc sĩ cũng như của nhóm nhạc sĩ...

Tuy nhiên, cũng theo nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, “...phong cách đàn Tài tử rất là quy tắc, đàn phải tròn vành rõ nghĩa, bản nào dây nấy, hòa với nhau phải rõ nhạc khí nào chánh, nhạc khí nào phụ...” và ông nhắc nhở: “muốn thêm thắt thì phải nghĩ đến việc thêm để làm gì, vì ý gì? Đối với đàn các bài “tổ”[2] thì khi thêm thắt phải có ý nghĩa, vừa phải và giữ nét hay, nét chính của bài bản...”

Tuy nhiên, đã không ít lần chúng ta nghe nói đến “Vọng cổ Bạc Liêu”. Đó là lối hát Vọng cổ khác nhau của một số ca sĩ. Chẳng hạn, cô Hai Đá ca bản Vọng cổ nhịp tám với lời “...Gió bấc lạnh lùng, trên con đường ba sinh thấy hoa rụng rời trên mặt đất...” (do Soạn giả Lê Kim Hải viết lời), với kiểu lên giọng đặc biệt (thay vì xuống Xang, lại kên Liu ở cuối câu) ai cũng cho rằng đó là phong cách riêng, là “Vọng cổ Bạc Liêu” !

Mặt khác, nhiều nhạc sĩ đã sáng tạo cách lên dây đàn khác nhau để từ hệ thống dây mới, họ có lối sắp câu nhạc, thêm chữ đàn mới lạ, ngẫu hứng hơn nữa trong diễn tấu. Từ đó, có “dây Đồng Tháp”, “dây Tứ Nguyệt”, “dây Ngân vang”, “dây Bán Ngân vang”...

Tạm kết

Có thể nói, đờn ca Tài tử miền Tây đã có những đóng góp xứng đáng cho nghệ thuật đờn ca Tài tử Nam bộ, và phần nào đó đã thể hiện những nét riêng mà ai cũng dễ dàng nhận thấy:
  • Trong sáng tạo bài bản, họ luôn tìm tòi, đưa ra những bài bản mới, luôn cải soạn để làm giàu hệ thống bài bản Tài tử.
  • Về nhạc khí, những nhạc sĩ miền Tây luôn đi đầu trong chế tác, cải tiến nhạc khí. Họ là những người giàu sáng kiến, thích tìm tòi, canh cải... nhưng trên hết vẫn là lòng say mê sáng tạo và luôn hướng đến việc kết hợp nghệ thuật dân tộc với những cái mới, tiếp thu những giá trị văn hóa âm nhạc bên ngoài.
  • Trong diễn tấu, nhạc sĩ miền Tây luôn là những người có tính cách ngẫu hứng sáng tạo. Rất nhiều danh cầm, danh ca Tài tử đã ghi tên mình trong lịch sử hơn 100 năm hình thành và phát triển của nghệ thuật đờn ca Tài tử. Lịch sử không thể ghi chép hết những tên tuổi và những đóng góp của họ cho phong trào âm nhạc phát triển rộng khắp và có sức mạnh lan tỏa như nhạc Tài tử. Đó cũng là đặc điểm của thể loại, tính chất “tài tử’ vậy. Mặt khác, do giao lưu, tiếp biến với người Hoa vùng lục tỉnh, vừa mang dấu ấn của sự sáng tạo trong điều kiện diễn tấu nghệ thuật diễn xướng, nhạc giới Tài tử miền Tây còn có những sáng tạo riêng.
Đờn ca tài tử miền tây Nam bộ không có những nét riêng biệt, rạch ròi về phòng cách so với đờn ca Tài tử miền Đông hay tách biệt với nghệ thuật đờn ca Tài tử Nam bộ. Họ có những sáng tạo riêng, có những đóng góp hết sức rõ ràng, có một lối ca diễn chân thật, đậm đà... nhưng trên hết, đờn ca Tài tử miền tây Nam bộ vẫn là những thành viên của phong trào đờn ca Tài tử Nam bộ, vẫn thuộc nguồn cội chung của Văn hóa – âm nhạc Nam Bộ - Việt Nam.

______________________________

[1] NGUYỄN VĨNH BẢO, “Nhạc Tài tử Nam bộ”, bản đánh máy, tài liệu cá nhân, trang 6 và những bài giảng cá nhân.

[2] Ý nhắc khi diễn tấu các bài trong hệ thống “Hai mươi bài Tổ” của nhạc Tài tử Nam bộ.