Y Vân - dấn thân vì nghiệp nhạc

Với cá tính sáng tạo riêng biệt của mình, ông tự tin dấn thân vào nghiệp nhạc, tạo tên tuổi vững vàng trong lòng công chúng

Ngày này của 26 năm trước (28-11-1992), nhạc sĩ Y Vân, tác giả của những ca khúc nổi tiếng: “Lòng mẹ”, “60 năm cuộc đời”, “Sài Gòn”, “Ảo ảnh”… trút hơi thở cuối cùng. Đúng như nội dung ca khúc “60 năm cuộc đời” được ông viết theo phong cách rock ‘n roll: “Em ơi có bao nhiêu. Sáu mươi năm cuộc đời…”, Y Vân sống đầy 60 năm như đó là định mệnh được báo trước (sinh năm 1933).

Nguồn gốc nghệ danh Y Vân

Ở trường Dũng Lạc, phố Khâm Thiên - Hà Nội đầu thập kỷ 1950 từng có một thầy giáo trẻ dạy đàn guitar tên Trần Tấn Hậu. Thầy Hậu quê gốc ở Thanh Hóa. Trước khi ra Hà Nội cùng mẹ và các em, thầy đã từng học nhạc do giáo sư Tạ Phước giảng dạy tại vùng tự do khu Bốn. Do mồ côi cha sớm, thầy đã cùng mẹ và các em ra Hà Nội, cư trú tại một túp lều xiêu vẹo trong ngõ chợ Khâm Thiên. Cũng chính thời gian này, Hà Nội xuất hiện một nhạc sĩ mới với cái tên Y Vân gắn liền với ca khúc “Lòng mẹ” đang nhanh chóng loang vào đời sống bởi giai điệu da diết của nó: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào - Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào - Lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào - Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng mẹ yêu…”.

Hóa ra nhạc sĩ Y Vân chính là thầy Trần Tấn Hậu. Vì quá yêu tiểu thư Tường Vân ở phố Khâm Thiên nên khi nàng đi lấy chồng, thầy Hậu quá đau đớn rời trường Dũng Lạc. Cũng vì quá yêu nàng nên thầy lấy bút danh là Y Vân tức là “yêu Vân” cho ca khúc đầu tay của mình viết về người mẹ tần tảo sớm khuya vất vả nuôi đàn con mồ côi. Còn nỗi đau mất người yêu, Y Vân dồn nén trong các ca khúc sáng tác sau này: “Đò nghèo”, “Nhạt nắng”..., đặc biệt là “Ảo ảnh”. Lúc này, Y Vân lại cùng gia đình vào Sài Gòn từ trước hiệp định Genève. Ở đấy, Y Vân tiếp tục dạy nhạc, viết sách dạy nhạc, sáng tác ca khúc và hòa âm phối khí để kiếm sống.


Nhạc sĩ Y Vân. Ảnh: TƯ LIỆU.


Nhờ vào Sài Gòn, Y Vân nhanh chóng được tiếp cận với nhạc nhẹ, bởi thế nên “Ảo ảnh” tuy là một tình ca viết về mối tình vừa thất lỡ nhưng vẫn mang hơi thở trẻ trung, tiết tấu mới mẻ: “Yêu cho biết bao đêm dài. Cho quen với nồng cay. Yêu cho thấy bao lâu đài. Chỉ còn vài trang giấy…”. Cả giai điệu và ca từ đều toát lên một ảo ảnh lấp lánh như xa, như gần nhưng đều không có thực: “Dòng mực xanh còn đấy. Hứa cho nhiều. Dù bao lời nói. Đã phai tàn. Thành mây thành khói. Cũng xem như không mà thôi”.

Những ngắt nhịp “hứa cho nhiều”, “đã phai tàn” như những vết cắt khiến cho lá thư tình viết bằng mực xanh cứ rơi lả tả theo cảm xúc đau buồn. Đau buồn ấy khiến cho khi chuyển đoạn không còn là cao trào mãnh liệt mà là những bước lùi bất ngờ, bàng hoàng như tan vỡ: “Những ân tình em đong bằng nước mắt. Khóc cho đầy hai chữ tình yêu… Vắng con tàu sân ga thường héo hắt. Thiếu anh lòng em thấy quạnh hiu”.

Có lẽ vì vết thương này mà Y Vân đã tìm được cá tính sáng tạo riêng biệt của mình, để đủ tự tin dấn thân vào nghiệp nhạc như một hiệp sĩ tử vì đạo.

Nhạc sĩ đa tài

“Lòng mẹ” và “Ảo ảnh” đã tạo nên thương hiệu Y Vân trong lòng công chúng yêu nhạc Việt. Ở Sài Gòn, cũng có nhiều nhạc sĩ viết ca ngợi “Hòn ngọc Viễn Đông” này nhưng phải tới khi Y Vân “xuất chưởng” bằng “Sài Gòn” với tiết điệu cha cha cha thì Sài Gòn mới thực sự có “Sài Gòn ca” của chính mình: “Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai. Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay. Nếp sống vui tươi nối chân nhau đến nơi này. Sài Gòn đẹp lắm! Sài Gòn ơi! Sài Gòn ơi!”

Không có mô tả nào về Sài Gòn lại “rất Sài Gòn” như “Sài Gòn” của Y Vân. Nhất là với một chuyển đoạn thực sự trẻ trung, sôi động: “Lá la la lá la. Lá la la lá la. Tiếng cười cùng gió chan hòa niềm vui say sưa. Lá la la lá la. Lá la la lá la. Ôi đời đẹp quá, đẹp quá, tràn bao ý thơ”.

Không chỉ tiên phong trong công cuộc hội nhập với nhạc nhẹ, Y Vân vẫn thường nặng lòng cùng cổ nhạc. Công trình nghệ thuật “Dân ca ba miền” ông làm cùng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông với việc phát hành băng đĩa “Continental 6”, có cả ấn bản tiếng Anh “Vietnamese traditional songs” đã gây tiếng vang lớn trên thế giới từ 1974.

Với hàng trăm ca khúc, hàng ngàn phối khí, những đoạn nhạc phim viết cùng Nghiêm Phú Phi, Lê Văn Thiện, Văn Phụng… các sách dạy guitar, tự học guitar theo phong cách thời trang, jazz hay flamenco, Y Vân xứng đáng với tầm vóc của một nhạc sĩ dấn thân vì nghiệp nhạc.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông vẫn tiếp tục nghiệp nhạc với việc tham gia Đoàn Ca nhạc Hương miền Nam, viết nhạc phim, nhạc sân khấu. Trong nhạc phim, Y Vân lại thành công bất ngờ với một ca khúc thiếu nhi “Như bầy sơn ca” viết cho phim “Sơn ca trong thành phố” của nhà văn Nguyễn Khắc Phục: “Khi đi tung tăng với bạn bè - Khi đi trên phố với người thân…”.

Dù âm nhạc xác lập cho ông cái tên Y Vân giữa cuộc đời nhưng thực sự đó là nghiệp của ông.


Có Tuấn Khanh là nhờ Y Vân

Không chỉ lo sáng tạo của riêng mình, Y Vân còn kích thích sáng tạo nơi bè bạn. Sau hiệp định Genève, trong dòng người di cư vào Sài Gòn, có ca sĩ Trần Ngọc vốn là bạn cũ từ thời sống ở Hà Nội. Thấy bạn cũng có năng khiếu sáng tác, Y Vân đã khuyến khích Trần Ngọc viết chung một ca khúc. Để viết chung ca khúc cùng Y Vân, Trần Ngọc đã lấy bút danh là Tuấn Khanh (Tuấn là tên anh trai Trần Ngọc, còn Khanh là tên con trai của anh Tuấn). Vậy là “Đò ngang” đã ra đời với tên đồng tác giả là Y Vân - Tuấn Khanh. Nhờ “cú hích” này mà âm nhạc miền Nam thời kỳ đầu đất nước bị chia cắt có thêm nhạc sĩ Tuấn Khanh, sau đó ít lâu đã nổi tiếng với ca khúc “Chiếc lá cuối cùng”.