Bất cập trong Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ
Nam Kỳ Lục Tỉnh: Soạn giả Nhị Tấn là tác giả của bộ sách “Nhạc Tài Tử Nam Bộ” và ông cũng là nhà nghiên cứu viết nhiều bài khảo cứu có giá trị về Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ. Bài viết sau đây nói lên sự ưu tư của ông về tình trạng bảo tồn và phát huy Đờn Ca Tài Tử của những phong trào “Đờn Ca Tài Tử” tại Việt Nam hiện nay (29-1-2016).
_____________

Bài viết Bất cập trong đờn ca tài tử Nam bộ nầy là sự tiếp tục góp ý dự thảo Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản phi vật thể Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (giai đoạn 2015-2020).

Chơi Đờn ca tài tử Nam bộ, một bộ môn nghệ thuật dân gian của vùng Nam bộ, được hình thành và định hình vào cuối TK19 và đầu TK20, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, tuy rằng nó rất độc đáo, lôi cuốn, hấp dẫn khi biết nghe nó, nhưng dẫu sao nó là một bộ môn của sở thích, ai biết nó, thích nó thì chơi nó, không biết nó, không thích nó thì không chơi nó, không ai có quyền cấm cản hay bắt buộc ai chơi hay không chơi, chơi thế nầy hay chơi thế kia, chơi vị nghệ thuật hay vị nhân sinh.

Từ lâu, chúng ta hình như đã quên mất cho sự sống hay chết của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực, chính thống của vùng đất Nam bộ. Ngay bây giờ, ta hãy kíp mau tìm mọi phương cách tốt nhứt, ưu tiên nhứt, để thường xuyên trình tấu, tuyên truyền quảng bá cái hay cái đẹp, loại bỏ những bất cập của nó đã tồn tại bấy lâu nay, mới mong có nhiều người yêu thích mà tìm đến chơi với nó, nếu không thì cái thú cầm ca độc đáo nầy sẽ bị chết mất.

Thời văn minh hiện đại, qua truyền thông điện tử, Internet, cái gì cũng có thể xuất hiện tức thời, cái hay, cái đẹp, cái dở, cái xấu trên khắp hoàn cầu đã ồ ạt xâm nhập vào nước ta, với tốc độ nhanh, vô phương kiểm soát, nhứt là trong lãnh vực văn hóa nghệ thuật, nhạc lai căn phi dân tộc, đã chiếm lĩnh thị phần thưởng ngoạn của dân ta.

Có một vũ khí của dân tộc là Đờn ca tài tử Nam bộ, tuyệt hay, lại đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, hy vọng có thể đem ra sử dụng để chiến đấu hầu giành lại thị phần thưởng thức văn hóa nghệ thuật trên các sân chơi, nhưng chiến sĩ tinh nhuệ, thành thục cầm vũ khí nầy để đi chiến đấu, hiện nay, sao mà ít mà lại quá yếu ớt!

Một số thầy đờn vang bóng một thời, có thành tích tốt trong cách truyền ngón, lập ra những lái đờn có cung kiều êm ái nhẹ nhàng, truyền dạy học trò Đờn ca tài tử chuẩn mực thì lần lượt đã qua đời, còn lại số ít thì đã quá già nua, nghèo nàn cơ cực, lực bất tòng tâm, chỉ còn đủ sức để lõ con mắt, ngồi nhìn cả bầy hậu sanh “khỉ quá”, từ thầy cho tới trò, còn mê muội nhầm lẫn, chơi Nhạc cổ truyền một vài bài bản nhỏ thì cho là đang chơi Đờn ca tài tử Nam bộ, không phân biệt được tính thính phòng, ngẫu hứng sáng tạo và tính sân khấu, nhạc đệm theo tình huống kịch, hai phong cách khác nhau, trong một buổi đờn ca cổ nhạc Việt Nam!

Thật ra, chơi Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực, ta cần phải tuân thủ những quy ước, phong cách, âm luật của nó, ta mới thấy được cái cao siêu thâm diệu của nghệ thuật đờn ca thính phòng, tri âm tri kỷ, vì không hiểu biết nên có người lại bài bác, cho là rườm rà, cổ lỗ sĩ, là lỗi thời, lại đi dàn dựng chương trình Bài ca tài tử, cắt câu, cắt lớp, không đầu không đuôi, chia bè, đồng ca, hợp ca theo kiểu Nhạc tây phương, quơ tay múa chân cùng đám múa minh họa, ồn ào, cuồng nhiệt hăng say, phá hoại cái không gian tĩnh lặng để thưởng thức môn âm nhạc thính phòng của trí tuệ và tâm hồn, lại còn cho Đờn ca tài tử cần phải cải cách canh tân cái phong cách như vậy mới mong bắt kịp được cái đà của trào lưu tiên tiến trên thế giới.

Lớp trẻ tấn lên trong môi trường giáo dục, nặng phần đề cao chủ nghĩa thực dụng, các em có năng khiếu về âm nhạc đều đổ xô vào các trường dạy Nhạc Tây phương, có ham mê Âm nhạc cổ truyền của ông cha ta thì không có một trường lớp chánh qui, ưu đãi, uy tín nào để giảng dạy bộ môn Đờn ca tài tử Nam bộ, nên vì yêu mến cái bản sắc văn hóa dân tộc, bộ môn văn hóa nghệ thuật của quê hương thì buộc lòng phải đi theo học Đờn ca cổ nhạc ở cái phần ngọn của Đờn ca tài tử, tức nhạc đệm cho lối trình diễn trên sân khấu, để mau đi đờn Cải lương, đi sô tiệc tùng, phòng trà, quán rượu, làm phương kế sinh nhai, do đó vốn liếng về Nhạc tài tử Nam bộ, chỉ biết lõm bõm, chưa đi đến nơi đến chốn, khó có thể cầm vũ khí Đờn ca tài tử Nam bộ đi đánh đuổi nhạc ngoại lai trên các sân khấu lớn, các sân chơi nhỏ, để giành lại thị phần khán thính giả của mình, về nghe lại âm nhạc quê hương mình.

Thật vậy, Đờn ca tài tử Nam bộ là sản phẩm của tâm hồn, tài năng, trí tuệ, một nghệ thuật tinh hoa, độc đáo của dân tộc Việt Nam, không thể đem ra chơi đùa một cách tùy tiện mà không có chút tự tôn dân tộc, bây giờ, các điểm sinh hoạt vui chơi từ thành thị đến nông thôn, lớp trẻ bị cuốn hút theo loại hình Nhạc tây phương, một cây đờn ghi ta điện, thường thấy trong các buổi liên hoan tiệc tùng, đám giỗ, đám cưới, người đờn cương gặp kẻ ca cương, ca những bài ca cổ nhạc, với những lời ca dung tục, không tính văn học, phi nghệ thuật, để làm vui lòng cho những người lắm tiền nhiều của, không tư cách lẫn đạo đức. Đờn ca kiểu nầy, mọi người nhìn vào, chỉ thấy đây là một trò đùa mất dạy, trơ trẽn, bôi bác, chớ không thể tìm đâu ra cái nghệ thuật mà UNESCO vinh danh Đờn ca tài tử Nam bộ Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, để mà say mê, để mà yêu thích, để mà đi tầm sư học đạo, để mà truyền nghề cho thế hệ mai sau...!

Có một anh chàng, ham mê Đờn ca tài tử, nhưng không biết đâu là cái gốc cái rễ, đâu là cái ngọn của bộ môn nầy, sự hiểu biết về đờn ca của anh ta thì chỉ bằng một đứa học trò không có năng khiếu, mới học quọt quẹt vài ba chữ đờn đầu tiên, nhưng nguồn tài chánh thì lại quá ư dồi dào, đã bỏ tiền ra để tài trợ cho các Câu lạc bộ Đờn ca tài tử từ TP. Hồ Chí Minh cho đến các tỉnh thành Đông, Tây Nam bộ, mở lớp dạy Đờn ca tài tử, bài ca của các tác giả khác, anh không biết ý nghĩa, hợp chữ đờn trầm bổng, anh tự ý bôi sửa tứ tung, nghiễm nhiên anh là thầy đờn, chương trình giảng dạy môn Đờn ca tài tử Nam bộ do anh cải cách, canh tân vạch ra, kể về công lao bảo tồn và phát huy Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực, anh đã không có công chi mà còn trở thành một tội đồ chuyên đi phá hoại dòng âm nhạc truyền thống Việt Nam, do ông cha ta đã dày công xây đắp để lại, vậy mà nhiều cán bộ chức năng thiếu hiểu biết, chỉ thấy tiền bạc anh bỏ ra, theo kiểu xã hội hóa, là tôn vinh anh, để cho anh ta tự do lèo lái con thuyền giáo dục Đờn ca tài tử Nam bộ về cập bến bờ vinh quang hay bị trôi dạt ra khơi đầy phong ba bão tố, cũng thây mặc kệ nó, miễn là người ngoại đạo, không biết gì, thấy có nhiều người tối ngày hễ cơm no ấm cật thì rậm rật đờn ca, thì cho là Đờn ca tài tử Nam bộ đang hồi sinh trở lại và đang sống khỏe hơn bao giờ hết, thế là được rồi đấy!

Sau ngày giải phóng, Âm nhạc dân gian Nam bộ, do các thầy đờn Nhạc tây phương lãnh đạo chỉ huy, việc truyền nghề, giảng dạy đều qua lăng kính Nhạc tây phương, việc cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ cho các ông thầy bà cô trong các trường nhạc của nhà nước đều do các thầy đờn có học vị cao trong lãnh vực Nhạc tây phương, ngồi trong hội đồng chấm thi, nên sự hiểu biết căn cơ nguồn cội, tính chất, nghệ thuật của nền Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, vốn đã có cả ngàn đời nay, được xây dựng trên nền tảng triết học đông phương, các thầy đờn có bằng cấp cao theo kiểu cách tây phương hiện nay, khó thể hoàn thành nhiệm vụ của một ông thầy truyền dạy nhạc truyền thống cho đúng căn cơ bài bản.

Dòng Âm nhạc truyền thống Việt Nam sẽ còn tồn tại, không bị lai căng mất gốc, được bao nhiêu lâu nữa là do tại trời hay do tại ta?, thật ra là do tại chính chúng ta, những người có quyền hạn, chức năng, có thương yêu, giúp đỡ, nâng niu chăm sóc nó hay không, hằng ngày vun phân tưới nước nó từ gốc cho đến ngọn thì nó vẫn còn tồn tại, khoe sắc màu cùng năm châu bốn bể, nếu ta cứ bỏ hoang Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực như bấy lâu nay thì đất ruộng cày sẽ bị giặc cỏ bò lan, lúa nàng thơm chợ Đào có thể còn sống nổi nữa hay không?!

Khổ nỗi, không có trường nghệ thuật dân gian chuyên biệt, hoặc Hội Đờn ca tài tử Nam bộ do các nghệ sĩ, nghệ nhân tài năng, uy tín đảm nhiệm nên bấy lâu nay, các cuộc tổ chức liên hoan, hội diễn nhạc truyền thống, chỉ biết theo hệ thống dọc, trung ương thì nhờ địa phương, Trung tâm văn hóa tỉnh, quận, huyện, thì nhờ các thầy cô của các Nhạc viện làm giám khảo, do đó Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực, chính thống không được quan tâm, nếu có quan tâm thì biết gì để mà quan tâm cái gốc rễ của bộ môn nầy, thôi thì cứ quanh đi quẩn lại, ba cái tiết mục Ca cổ cải lương, trình tấu cái phần ngọn của Đờn ca tài tử Nam bộ cho chắc ăn, vậy mà trong các liên hoan, hội diễn, lại luôn mang danh nghĩa là để Bảo tồn và Phát huy Đờn ca tài tử Nam bộ! Rõ là tréo cẳng ngỗng!

Các Câu lạc bộ, Tụ điểm tư gia, vẫn đang say mê chơi Đờn ca tài tử kiểu thính phòng, tri âm tri kỷ, đờn ca trọn bài trọn bản, đó là điều rất đáng mừng, nhưng tổ chức liên hoan, hội diễn do chánh quyền tổ chức thì lại không có lần nào đá đụng tới cách chơi nầy, các bài bản tài tử không được sử dụng trình tấu, nếu có thì cũng trích câu, trích lớp 20 Bài Bản Tổ như bên Sân khấu cải lương đã thường làm, nên nhiều người không thèm học trọn bài trọn bản làm chi cho mệt, những bài bản khó đờn, khó ca, khó nhớ, khó có đất dụng võ!

Một số người chơi, đam mê, hiểu biết hơn, tụ tập nhau lại để chơi Đờn ca tài tử chuẩn mực, nhung như rắn mất đầu, mạnh ai nấy chơi theo kiểu cách của mình, thậm chí, có những ngón đờn chuyền chữ sai căn lạc điệu, khi được bè bạn góp ý thì lại cho là thầy mình dạy như vậy, không thể đờn khác.

Tụ điểm nào có máy móc tăng âm, có tài tử đờn khá giỏi thì rủ nhau kéo đến để đờn ca vui chơi cho sướng cái miệng, bất cần đúng sai trật trúng, mà nếu có trật thì có thì giờ đâu mà sửa chữa mà góp ý, thời gian tụ điểm chỉ có 3 tiếng đồng hồ thôi!

Một nhược điểm của các tụ điểm chơi với máy móc tăng âm, máy móc phần đông không phải là loại tốt, luôn mở thật to tiếng để chiều theo yêu cầu của cây đờn ghi ta điện và các tay đờn cùng người ca mà không bao giờ nghĩ đến, không gian nào thì âm lượng nấy, người thưởng thức mới nghe rõ đươc tiếng đờn và lời ca, đàng nầy, người ca thường trở thành kẻ la hét, dàn đờn y như những cỗ máy xay đá, trong một công trường xây dựng, người nghe y như những phạm nhân đang bị tra tấn bằng một thứ âm thanh chát chúa, hỗn độn, điếc tai, nhức óc, bạn bè lâu ngày gặp nhau, muốn hàn uyên, tâm sự, bình phẩm khen chê để học hỏi về nghệ thuật Đờn ca tài tử thì không phút giây nào có được cái không gian tĩnh lặng, vì người ca cũng y như những chiếc xe buýt tranh chuyến tài, tới phiên mình thì lật đật ra ca, tranh thủ trong 3 giờ tụ điểm sinh hoạt, lá bài tới tay mà không đánh thì sẽ bị rục tùng mất!

Tụ điểm Đờn ca tài tử khi chơi với máy móc tăng âm, cần phải trang bị máy móc tốt, cũng cần có người hiểu biết về âm thanh điện tử để điều chỉnh sao cho âm lượng vừa đủ nghe, mới mong cho người nghe thưởng thức được một nghệ thuật âm nhạc vừa trí tuệ, vừa bình dân, vừa bác học, vừa chứa đựng tâm tư tình cảm, ngẫu hứng sáng tạo của người chơi.

Rất tiếc, các CLB, tụ điểm, lại không coi trọng phần thưởng thức của các bè bạn tri âm, âm luật “Thất Bất Đàn” xưa, rất coi trọng điều này, không có tri âm nghe đờn thì không đờn, vậy mà các tụ điểm phần đông, chỉ phục vụ cho người đờn ca sướng tay sướng miệng trong lúc tập dợt những bài bản chưa bao giờ hoàn chỉnh mà thôi! Người sành điệu nhờ tôi giới thiệu tụ điểm để họ đến thưởng thức Đờn ca tài tử Nam bộ, thật tình tôi không dám giới thiệu CLB, tụ điểm nào chơi cho xứng tầm Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực!

Các người theo học và chơi Đờn ca tài tử Nam bộ, lòng yêu thương quê hương đất nước của họ thì không thể chê vào đâu được, khổ nỗi, phần đông, họ ở trong giai cấp bình dân, nghèo khổ, không thể chịu đựng nổi học phí của các bậc sư phụ có tài năng, có danh tiếng, mấy trăm ngàn đồng một giờ dạy học, nên đành đi tìm những ông thầy dạy với giá rẻ, có khi còn trả ngược tiền học phí lại cho học trò ca để thầy có quân xanh mà tập dợt bài bản! Những ông thầy không đủ tài năng và bản lĩnh sư phụ như vậy, đã làm hư thế hệ học trò của mình, các nghệ sĩ, nghệ nhân có tâm huyết, có tài năng, do dạy giá rẻ, hoặc dạy miễn phí, các học trò hình như những con chim bị kinh cung chi điểu thị vân cao phi, không ai thèm đến học!

Con đường đi đến bến bờ vinh quang của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ chuẩn mực, còn quá xa vời, các ông cán bộ chức năng của ngành văn hóa nghệ thuật thành phố, có thấy được những bất cập nầy hay không, nên Bảo tồn và Phát huy Đờn ca tài tử Nam bộ bằng văn bản và lời nói suông thì chưa đủ, mà phải có những hành động thiết thực, cụ thể, giúp đỡ, bám sát hơn nữa, thì việc bảo tồn và phát huy ngày càng tốt hơn, một di sản phi vật thể của nhân loại, lúc đó các báu vật nhân văn sống mới có cơ hội chung tay góp sức cùng chúng ta trong công việc Bảo tồn và phát huy cái Kho tàng to lớn, rất quý báu là Đờn ca tài tử chuẩn mực của thành phố Hồ Chí Minh chúng ta vậy!