Từ Tứ Đại Cảnh đến Tứ Đại Oán

Khoảng cuối thế kỷ 19, các bản Lưu Thủy, Bình Bán, Kim Tiền, Hành Vân, Tứ Đại Cảnh v.v...của Ca nhạc Huế, được các thầy dạy nhạc xứ Huế, xứ Quảng, đem vào đất Nam Bộ phổ biến. Những bài bản này thắm đượm tình cảm, tâm hồn người Việt Nam, được giới Đờn ca tài tử Nam bộ hoan nghinh, đua nhau tìm học.

Bài bản cổ truyền thường được ghi chữ đờn căn bản, giản dị, nhưng khi đờn nhạc sĩ do tâm tư tình cảm riêng của mình mà thêm thắt, nhấn nhá chữ đờn để biến đổi điệu thức nguyên thủy thành một điệu hoàn toàn mới, rất thường thấy trong các Nhóm tài tử, thí dụ Hành Vân Bắc thành Hành Vân Ai, Cổ Bản Bắc thành Cổ Bản Ai, Tây Thi Bắc thành Tây Thi Quảng, Ngũ Đối Hạ chuyển cung chuyển điệu thành Ngũ Đối Ai, v.v...

Bản Tứ Đại Cảnh cũng được biến tấu từ điệu Bắc nhịp đôi hơi dựng (không buồn không vui) của Ca nhạc Huế thành điệu Bắc hơi dựng kiểu Nam bộ. Lần lượt theo thời-gian, các nhạc sĩ bỏ bớt một số câu của Bản Tứ Đại Cảnh, từ 46 câu thành 38 câu, nới nhịp lơi ra, đờn theo cách nhịp 4 tức 19 câu, nhấn nhá chữ Xang chữ Cộng nhiều hơn thành một làn điệu mùi hơn. Điệu Oán bắt đầu manh nha thành hình. Giai đoạn này Bản Tứ Đại Cảnh biến thể được gọi là Tứ Đại Cảnh Nam Phần (cũng có người gọi là Tứ Đại Vắn).

Những ngày đầu của thế kỷ 20, bản Tứ Đại Cảnh Nam Phần không còn đờn kiểu biến thể tùy hứng mà đã được sắp xếp, phân lớp. phân câu, nhịp nội, nhịp ngoại, mô, chầu phân minh, giữ số câu 38, đờn nhịp 4, sau nới ra nhịp 8 và được gọi tên là Tứ Đại Oán. Điệu thức Oán ra đời và được kể là một trong bốn làn điệu chánh là Bắc, Hạ, Nam, Oán trong 20 Bản Tổ của Nhạc tài tử Nam Bộ.

Ta không cần tìm hiểu tác giả bản Tứ Đại Oán là ai vì tiền thân của nó là bản Tứ Đại Cảnh và đây là một công trình tập thể của nhiều nhạc sĩ kế tiếp nhau của hai khối Nhạc miền Đông và miền Tây Nam Bộ (Người có công đầu tiên là nhạc sư Ba Đợi tức Nguyễn Quang Đại, nhạc công của triều đình Huế vô Nam Bộ, dạy Nhạc Cổ Truyền hồi cuối thế kỷ 19). Truờng hợp này cũng giống với truờng hợp của bản Vọng Cổ. Từ bản Hoài Lang của cố nhạc sĩ Sáu Lầu (Cao-Văn-Lầu), các nhạc sĩ của Đờn ca tài tử và Sân khấu cải lương Nam bộ, nối tiếp nhau, nới nhịp lơi ra từ nhịp đôi thành 4, 8, 16, 32, 64, 128, thêm chữ, chạy ngón, sắp xếp lái chầu, lái dứt để đáp ứng nhu cầu trình tấu, ca diễn…

Bản Tứ Đại Cảnh tương truyền là của vua Tự-Đức, sáng-tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất là Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh 4 cảnh đời thạnh trị của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại là Đời).

Tên bản Tứ Đại Oán cũng có nhiều thuyết:
  1. Để đối lại sự tôn vinh bốn cảnh đời vua triều Nguyễn của vua Tự Đức, các nhạc sĩ yêu nước đất Nam Bộ, đã mỉa mai chế độ phong kiến nhà Nguyễn, vì bất lực truớc nạn ngoại xâm, triều đình Huế, phế lập tùy tiện liên tiếp 4 đời vua mà từng mảnh đất thân yêu của tổ quốc vẫn rơi vào tay giặc Pháp. Đúng là 4 cái Oán Lớn hoặc 4 Đời oán hận của 4 đời vua tiếp sau vua Tự Đức.

  2. Sở dĩ bản Tứ Đại được mang tên là Tứ Đại Oán, là vì cấu trúc âm thanh của nó có sự ưu thế về số lượng chữ Oan (chữ Cộng già, điệu Nam gọi là Phan, điệu Oán gọi là Oan).

  3. Một số nhạc sĩ, ảnh hưởng thuyết Phật giáo, có ý thức muốn giải thoát cái thân xác vật chất cấu tạo bằng Tứ Đại Càn Khôn (Nước, Lửa, Gió, Đất) mà luôn bị đau khổ bởi tứ diệu đế là Sanh, Lão, Bệnh, Tử.
Sự đúng hay sai của các thuyết trên cần phải được nghiên cứu thêm. Đối với các nhạc sĩ Đờn ca tài tử Nam Bộ, chữ oán trong âm nhạc là để chỉ một điệu thức buồn sâu xa nhưng bi hùng chớ không bi lụy như điệu Nam Ai. Khi vừa xuất hiện, điệu Oán đã tạo được một thời vàng son, không thua kém gì bản Vọng Cổ ngày nay. Điệu Oán là một Âm điệu chủ đạo của bộ môn Đờn ca tài tử Nam Bộ qua nhiều thập niên liên tiếp. Các tập bài ca Tứ, Lục, Bát, Thập Tài Tử, xuất bản từ năm 1909 đến 1915 tại Sài-Gòn, đã minh chứng được điệu này. Một điểm quan trọng khác nữa, là vào năm 1915, bản Tứ Đại Oán Bùi Kiệm Nguyệt Nga là bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ đầu tiên, được ông Tống Hữu Định tục danh ông Phó Mười Hai ở Vĩnh Long đưa lên bộ ván để Ca ra bộ, mở màn cho loại hình Ca kịch cải lương, phát triển từ đó cho tới nay.

Sự cấu trúc bản Tứ Đại Oán rất chặt chẽ về mặt văn học nghệ thuật. Theo quyển Nghệ Thuật Sân Khấu Việt Nam của học giả Trần Văn Khải, một nhà sưu tầm, nghiên cứu rất uy tín về các bộ môn Hát bội, Đờn ca tài tử và Sân khấu Cải lương Nam bộ, thì người sáng tác bản Tứ Đại là một nhạc sư kiêm thi sĩ. Bản Tứ Đại là một Bài thơ bát cú Đường luật. Các lớp I, II, Xang Dài I, Xang Dài II, Xang Vắn I, Xang Vắn II, Hồi Thủ, Xang Dứt, tương ứng với các câu Phá, Thừa, Cặp Trạng, Cặp Luận, câu Chuyển, câu Kết của một bài thơ Đường.

Để kết luận, bản Tứ Đại Oán là thuộc Điệu Oán hay Hơi Oán?

Trong Bản luận án về Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, giáo sư tiến sĩ Trần Văn Khê, không công nhận Oán là một điệu thức mà coi là một hơi trong 4 hơi của điệu thức Nam (Nous ne considérons pas la nuance Oán comme un système modal différent du système modal Nam, mains comme une nuance de ce système).

Chúng tôi không đồng ý gọi bản Tứ Đại Oán là thuộc điệu thức Nam hơi Oán.

Thật vậy, tất cả các nhạc sĩ của các thế hệ đi trước chúng ta, đã công nhận điệu Oán là một trong 4 điệu Bắc, Hạ, Nam, Oán, căn bản và nòng cốt của các loại bài bản Đờn ca tài tử Nam bộ. Tứ Đại Oán hoàn toàn không giống bản Nam nào trong 3 bản Nam hiện có, thang âm đi từ hai Ngũ cung (Nhạc tây phương là 2 Octave), từ cung cao về cung trầm không qua trung gian của chữ Xừ, chữ Cộng, dứt câu là dứt khoát không về Xàng lên Xang của điệu Nam, cấu tạo bằng 4 chữ chánh Liu, Xê, Xang, Hò, vẫn còn giữ được cái sườn cứng của điệu Bắc nên đã tạo ra được một làn điệu mùi mẫn nhưng hùng tráng riêng biệt, không lẫn lộn với hơi ai oán của bản Xuân Nữ hay hơi nam của điệu Nam Ai và hoàn-toàn khác với bản Vọng Cổ vì nữ ca sĩ ca Oán phải ca Dây kép của bản Vọng Cổ và ngược lại, Nam ca sĩ phải ca Dây đào thì mới lột tả hết cái tinh diệu trong cấu trúc âm thanh, rất đặc thù của điệu Oán.

Tóm lại, bản Tứ Đại Oán rất xứng đáng đại diện cho một điệu thức riêng biệt, đó là Điệu Oán, một điệu nhạc đặc biệt của Nhạc tài tử Nam Bộ và do công trình sáng tạo tập thể của nhiều lớp nhạc sĩ của đất Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long. Điệu Oán là tổng hợp những tinh hoa thuần túy Việt Nam, của Nhạc ngũ cung cổ truyền, chính thống, theo đoàn người Nam tiến, không hề bị ảnh hưởng của các dòng nhạc Triều Châu, Quảng Đông, Khờ Me hay lai căng âm nhạc Tây phương.