Gặp người nặng nợ với sử Việt

Tháng 9 năm nay, trời thu Paris nắng vàng tươi, lung linh như màu rượu cognac nồng nàn. Càng tương phản với tầng hầm lạnh tênh của Thư viện Quốc gia Pháp (BNF). Nhưng mà, trong cái tầng hầm lưu giữ kho báu của nhân loại, tôi lại thấy ấm áp lạ khi lần đầu được chạm tay vào những sách báo, bản đồ xưa về Đông Dương. Nhất là khi được gặp một cây bút lâu đời mà lớp bụi thời gian và nhân gian, lắm lúc làm hoen ố.

Paris - tìm về tờ báo thủy tổ làng báo Việt

Có dịp ra nước ngoài, tôi hay “la cà” các thư viện, bảo tàng hoặc nhà sách. Vẫn là cái thú vặt vãnh, tò mò đi tìm những “mảnh vỡ” lịch sử của nước mình đang lưu lạc đâu đó. Ở BNF, có lẽ những “mảnh vỡ” quý nhất là những chiếc bản đồ Đông Dương, bản đồ Sài Gòn, Hà Nội được vẽ tay từ hai - ba thế kỷ trước. Kế đến, hàng ngàn sách báo cũng ngần ấy thế kỷ xuất bản ở châu Âu và Việt Nam. Trong đó, tôi thầm mong sẽ được thấy tờ Gia Định Báo - tờ báo chữ Việt đầu tiên trong lịch sử Việt. Bản thân tờ báo và nhiều phát minh kỳ vĩ của nhân loại lúc ấy như điện tín, điện thoại, phim ảnh, nhà máy công nghiệp, hàng không v.v.. nhanh chóng đi vào đời sống người Việt, làm nên cuộc sống hiện đại, cùng nhịp với thế giới.

Hiện giờ, nghe nói chưa có thư viện Việt Nam và nước ngoài nào có được đầy đủ các số Gia Định Báo. Cho nên, dù đang xem các bản đồ xưa ở kho Bản đồ của BNF nhưng tôi vẫn “tham lam” ghé qua kho ấn phẩm Nhân văn để tìm xem có Gia Định Báo hay không. Cầu được ước thấy, chỉ sau một giờ chờ đợi thấp thỏm, tôi nhận được hai hộp vi phim Gia Định Báo. Và rồi khi lướt qua những con chữ và trang báo phai mờ, tôi bất ngờ gặp một hình bóng lớn.


Petrus Trương Vĩnh Ký (1837-1898). Ảnh: TL



Tôi được xem vi phim các số Gia Định Báo năm 1872 và 1874. Mỗi số báo chỉ có 4 trang, khổ tương tự A3 hiện giờ. Trình bày báo đơn sơ (thời ấy chưa có ảnh) nhưng các chuyên mục đã được sắp xếp rất thiết thực, không khác báo chí ngày nay. Chẳng hạn, dưới manchette - tên báo bằng chữ Hán và chữ quốc ngữ - là dòng chữ nhỏ cho biết tờ báo ra vào ngày giữa tháng và cuối tháng, kèm theo giá tiền và nơi đặt mua. Kế tiếp, phần nội dung, rất mới lạ cho bạn đọc “hậu sinh”, luôn mở đầu là thông tin về trăng và con nước. Tòa soạn cho trình bày một bảng ghi rất chi tiết thời gian con nước lên cho 30 ngày kế cận, mỗi ngày đủ ba buổi khác nhau! Ôi, Sài Gòn xa xưa là thành phố sông nước, tờ báo cung cấp thông tin dự báo con nước là điều rất cần thiết cho thị dân. Trên báo Pháp cùng thời, không có mục này. Phải là nhà báo Việt “ăn cơm với cá”, mới có thể nghĩ ra việc đáp ứng nhu cầu người dân đi lại và làm ăn bằng một chuyên mục rất báo chí và khoa học như vậy!

Trên trang đầu, dưới phần Trăng và Con nước, bài vở tờ báo được chia làm hai phần, trình bày giản dị. Bên trái là đất cho “công vụ” (chuyện nhà nước), bên phải là “tạp vụ” (các chuyện khác). Nội dung phần Công vụ không chỉ là văn bản thông báo của chính quyền mà còn là ghi chép, tường thuật các cuộc họp Hội đồng thành phố. Còn phần Tạp vụ, xem ra vừa là “đất” đăng phóng sự ghi nhận của “bổn báo” (lễ lạt...), vừa là chuyện ghi về nhiều đề tài không chỉ riêng ở thành phố (săn bắn được thú rừng...). Trong mắt tôi, rất đáng chú ý, trên phần Tạp vụ, lại có chuyên mục mang tên “Chuyện sách sử nước An Nam”!

Không quên sử Việt

Hóa ra, Gia Định Báo không chỉ là “nhựt trình” thời sự mà còn là “nhựt trình” giáo dục. Những bài tôi đọc được trên mục này là hoạt động của các vua đời nhà Trần và Hồ Quý Ly vào thế kỷ XIV vừa mở rộng bờ cõi, vừa đề phòng âm mưu thôn tính của nhà Minh. Chuyện kể bằng ngôn ngữ Sài Gòn cuối thế kỷ XIX đầy chơn chất, dễ hiểu. Không phải là văn biền ngẫu, lê thê hay có nhiều chữ Hán Việt lạ lẫm. Tôi bỗng nhớ sử Việt thời phong kiến được chép bằng chữ Hán, sách vở do triều đình xuất bản, không dễ đến với người dân bình thường. Vậy mà, ai đã bỏ công sức đọc hiểu và đủ trình độ uyên bác để không những dịch mà còn viết thành những bài báo bằng chữ quốc ngữ?

Ai nói Petrus Ký không có tình yêu nòi giống, tình yêu lịch sử và văn hóa Việt Nam thì cần cẩn trọng xem lại. Petrus Ký yêu nước và đóng góp cho đất nước theo cách của ông, trong hoàn cảnh của ông.

Rất lạ, trên chuyên mục này, cuối bài không thấy đăng tên người viết. Càng lạ hơn, đây là chuyên mục nhắc nhớ lịch sử nước Việt nhưng lại “điềm nhiên” có mặt trên Công báo của chính quyền “Pha Lang Sa” vào thời điểm Nam Kỳ vừa bị sáp nhập vào lãnh thổ Pháp! Trong lịch sử Việt Nam và thế giới, có chính quyền đô hộ nào lại “rộng lượng” cho người dân nô lệ hiểu biết quá khứ hào hùng của mình? Thời nhà Minh, “giặc Ngô” còn cho đốt hết sách vở Đại Việt, đập phá các kiến trúc cổ, bắt người dân Việt mặc trang phục Tàu. Thực dân Pháp chiếm Việt Nam, cũng đã cho trẻ con Việt Nam học sử Tây, học câu nói tự hào “Tổ tiên ta là người Gaulois”!

Không biết Gia Định Báo có phổ biến sử Tây hay không nhưng chỉ bằng chuyên mục “Chuyện sách sử nước An Nam”, những người Việt làm tờ Gia Định Báo cho thấy họ không quên sử Việt và muốn nhiều người dân Việt cũng không quên như thế! Phải chăng, các nhà báo đầu tiên của nước Việt đã khôn khéo thuyết phục, thậm chí “qua mặt” kẻ cai trị, khi làm chuyên mục này? Ai có đủ kiến thức và uy tín để làm chuyện không đùa chơi như vậy?

Tôi nghĩ đến một người. Đó vừa là người đề xuất làm Gia Định Báo, vừa là giáo sư ngôn ngữ hiếm hoi thời ấy. Người ấy từ nhỏ cho đến tuổi thanh niên đã được học văn hóa Việt Nam và kiến thức châu Âu. Ông là một trong những người Việt hiếm hoi có dịp “xuất dương” đi một số nước Đông Nam Á và đến Tây Âu vào “thời bế quan tỏa cảng”. Càng quý hơn nữa, ông từng làm phiên dịch cho phái đoàn Phan Thanh Giản - phái đoàn Việt Nam đầu tiên trong lịch sử đi đến các nước phương Tây. Ông không những là người viết báo mà còn có thời gian làm Chánh tổng tài Gia Định Báo (giống như tổng biên tập). Ông tên là Petrus Trương Vĩnh Ký!

Hà Nội - quyển sử 1870

Vi phim Gia Định Báo ở Paris bỗng dẫn tôi “trở lại” Hà Nội. Một tháng trước đó, tôi đã cầm trên tay một quyển sử Việt xưa do bạn Nguyễn Thế Bách sưu tập. Nhà Bách ở bên bờ đê Nhật Tân, nhỏ thôi nhưng là một kho sưu tập nhiều sách hiếm. Đặc biệt là sách in từ thời Pháp thuộc, trong đó có các truyện thơ in trên giấy dó, giấy bản ở Hà Nội, vào những năm đầu thế kỷ XX. Nhưng quyển sử Việt anh có lại là cổ vật xuất xứ ở Sài Gòn, trang bìa ghi rõ in năm 1875. Quyển sách in khổ nhỏ (gần với A5), không chỉ quý về niên đại mà còn quý gấp bội bởi các tác giả và tấm lòng của họ.


Trang trong ghi lời Petrus Ký khi làm sách Đại Nam Cuốc Sử Kí Diễn Ca. Ảnh: PT


Đó là quyển Đại Nam Cuốc Sử Kí Diễn Ca (thời ấy ký âm chữ QuốcCuốc), nguyên tác bằng chữ Nôm của Lê Ngô Cát. Đây là một loại chuyện kể lịch sử bằng thơ lục bát từ đời Hồng Bàng đến Gia Long. Tác phẩm này rất thân quen với thế hệ tôi ở miền Nam vì đã được học trong chương trình quốc văn đệ thất (lớp 6). Song giờ đây gặp lại, tôi học được một điều rất mới mẻ: quyển sử ký bằng thơ này do chính Petrus Ký chuyển sang chữ quốc ngữ và còn có những trang viết của chính ông về sử Việt! Trong trang mở đầu của sách, Petrus Ký đã nói mục đích biên soạn như sau: “Ta chép sách này ra chữ quốc ngữ có ý cho con trẻ các trường coi cho biết truyện, sau là tập viết chữ cho trúng tiếng trúng dấu cho quen...”. Đặc biệt, ông viết: “Kể sau đây, ta biên ra tên tuổi các đời vua từ Hồng Bàng thị đến nay, để cho kẻ siêng học coi đó mà nhớ thứ lớp cho kỹ”. Ý tại ngôn ngoại, vài hàng như thế đã bộc bạch một tình yêu tiếng Việt, tình yêu đất nước thầm kín mà khi đọc tiếp những trang viết sau đó, người đọc có thể cảm nhận nhiều hơn. Đó chính là sáu trang tóm tắt lịch sử Việt Nam, trong đó có một trang giải thích “Tên hiệu nước An Nam” và các trang ghi tên và năm tháng lịch sử đất nước từ đời Kinh Dương Vương đến đời vua Tự Đức. Đây cũng là cách ghi niên biểu lịch sử của sách sử hiện đại mà gần 50 năm sau, quyển sử Việt bằng chữ quốc ngữ đầu tiên - Việt Nam sử lược (1919) đã có cách làm tương tự.


Ảnh: PT


Petrus Ký chỉ viết có sáu trang liệt kê thôi nhưng đó là công sức tích hợp từ hàng chục năm học hỏi sử Việt, không chỉ qua các tài liệu bằng chữ Hán Nôm mà còn bằng nhiều nguồn ngôn ngữ khác. Thêm nữa, chắc hẳn đó còn là kết tinh của tình yêu quê hương xứ sở, của nỗi trăn trở dù làm việc cho chính quyền Pháp vẫn không quên nòi giống Việt của mình! Trong điều kiện sách báo bị kiểm duyệt mà Petrus Ký bằng một cách nào đấy đã cho sử Việt xuất hiện trên Gia Định Báo và còn được in thành sách như Đại Nam Cuốc Sử Kí Diễn Ca. Hơn nữa, sách này còn in bằng tiền nhà nước để làm sách cho học sinh thế hệ mới học bằng chữ quốc ngữ. Quả thật, tưởng chừng là chuyện nhỏ, song ngẫm kỹ đó lại là chuyện lớn, một kỳ công hiếm có!

Kho tài liệu và trái tim quý

Dường như, chưa ai gọi Petrus Ký là nhà sử học. Nhưng hơn 100 tác phẩm của ông hợp lại chính là một kho tài liệu quý về lịch sử nhiều mặt của Việt Nam. Trong đó, đặc biệt về Sài Gòn và Nam Bộ, nếu không có hai quyển sách Tiểu giáo trình về địa lý Nam KỳKý ức lịch sử Sài Gòn và vùng phụ cận thì chúng ta sẽ mất đi hẳn những thông tin và ký ức quan trọng được trình bày một cách rất khoa học về thuở khai sanh miền đất phương Nam. Ngay cả bản đồ chi tiết thành Gia Định 1790 và nhiều địa danh cổ xưa của Sài Gòn, như ngày nay ta biết, là nhờ ông sưu tầm và chú giải rõ ràng. Petrus Ký còn là một trong những người lý giải tên Sài Gòn và tìm hiểu lịch sử Sài Gòn vào thời kỳ trước khi người Việt vào.


Tượng Petrus Ký tại nhà mồ của ông góc Trần Hưng Đạo - Trần Bình Trọng (quận 5, TP.HCM). Nhà thờ và mộ Petrus Ký vẫn do gia đình giữ gìn. Khu vực này rất cần được coi là di sản kiến trúc và nhân vật văn hóa. Rất nên làm nhà lưu niệm và thư viện lưu giữ tài liệu của Petrus Ký tại đây. Ảnh: PT


Petrus Ký cũng là người đầu tiên sưu tầm và chuyển qua chữ quốc ngữ nhiều “chuyện đời xưa” và những áng thơ văn bất hủ của người Việt như Kim Vân KiềuLục Vân Tiên. Trên đường học hỏi về Sài Gòn và Việt Nam, tôi nhìn thấy hình bóng Petrus Ký hiển hiện như một “cây cao bóng cả”, không thể thiếu. Trước đây, tôi và nhiều người được may mắn đi học tại ngôi trường trung học mang tên Petrus Ký, được cái duyên biết Petrus Ký như một nhà bác học văn hóa, một tấm gương hiếu học và làm việc sáng tạo không ngừng. Đến bây giờ, tôi càng thêm kính mến Petrus Ký vì những điều ông làm cho nghề báo, nghề sử.

Ai nói Petrus Ký không có tình yêu nòi giống, tình yêu lịch sử và văn hóa Việt Nam thì cần cẩn trọng xem lại. Petrus Ký yêu nước và đóng góp cho đất nước theo cách của ông, trong hoàn cảnh của ông. Lòng yêu nước là tâm huyết chung được mọi người thể hiện bằng nhiều cách, nhiều dòng chảy. Trăm sông đều về biển, tôi nghĩ bản thân kẻ sĩ như Petrus Ký không cần đời sau ghi công. Nhưng các thế hệ đời sau vẫn phải đối xử khách quan và văn minh với tiền nhân, đừng hiểu sai, đừng xúc phạm, đừng để những vết thương kéo dài qua năm tháng! Kỷ niệm sinh nhựt Petrus Ký vừa qua (6.12), đúng 180 năm, mong lớp bụi thời gian và nhân gian đừng làm hoen ố tấm gương trong.