Ngày xưa có một chợ sách...

Một mảnh vỡ của Sài Gòn sôi động

Ở khu sách cũ của Đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 hiện giờ có một người bán sách ngoài 60 tuổi, rất rành rẽ các loại sách “Đông Tây kim cổ”. Đó là ông Hoàng Việt Long, chân bị tật từ nhỏ nên trong giới gọi là “Long Què”. Thấy tôi tìm mua các sách sử và sách giáo khoa cũ, ông Long hướng dẫn tận tình và còn mời khách cùng ngồi uống cà phê, “nhâm nhi” chuyện sách vở, học hành thế kỷ trước. Hóa ra ông Long từng là nhà giáo dạy giờ trường tư và từng là tiểu thương ở ngôi chợ ngày xửa ngày xưa đó. Khi tôi đưa ông xem tấm ảnh Chợ sách Đặng Thị Nhu - tìm thấy trên Flickr.com, ông nheo mắt nhìn, sững người và rồi reo lên: “Ô hay, đây là sạp cô Nở, vợ ông Sang, bây giờ đã đi Úc!”.


Ông Hoàng Việt Long, xem lại hình chụp Chợ sách xưa trên máy tính.


Ông gọi ngay vợ, cũng là người bán sách, cùng đến xem hình: “Em nhận ra không, phía xa xa, gần ra nhà hàng Vân Cảnh là sạp số 2 của mình đó!”. Rồi ông Long hào hứng kể với tôi Chợ sách Đặng Thị Nhu có hơn 105 sạp. Mỗi sạp khoảng hai mét vuông, được đóng ngay ngắn, đâu ra đó, có mái tôn che nắng che mưa. Các sạp được phép dựng dưới lòng đường. Cách ba bốn sạp lại có một khoảng trống rộng để các chủ nhà hai bên đường ra vào. Theo ông, Chợ sách có từ năm 1977, tồn tại đến năm 1983. Đây là chợ do UBND quận 1 mở, có ban quản lý hẳn hoi. “Sự tích” ra đời Chợ sách kể cũng lạ!

Ông Long cho biết trước 30.4.1975, từng có một “chợ trời” bán sách báo cũ và đồ souvenir tại góc đường Lê Lợi - Công Lý (nay là Nam Kỳ Khởi Nghĩa). Chợ trời này mọc trên vỉa hè, chạy dọc bờ tường của Bộ Công Chánh và Bưu điện quận 1. Nó nằm đối diện dãy nhà sách trên đường Lê Lợi, trong đó nhà sách Khai Trí (62 Lê Lợi, sau 4.1975 là nhà sách quốc doanh Fahasa), nhà sách lớn nhất và là cột mốc không thể thiếu trong ký ức của nhiều thế hệ Sài Gòn.

Nếu như dãy nhà sách bên kia đường bán sách báo mới thì bên này đường
- chợ sách vỉa hè lại chuyên bán sách báo cũ. Sách xưa và kể cả sách mới nhưng bán xôn (sách giảm giá) và sách báo do lính Mỹ thải ra trong thời kỳ chiến tranh, đều tụ hội về đây. Đúng rồi, tôi góp chuyện với ông Long, hồi nhỏ, tôi có đi chợ trời sách báo Lê Lợi. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ hình ảnh hàng núi sách đổ trên vỉa hè và những chiếc sạp tạm bợ.

Ngay sau ngày 30.4, chợ trời sách báo còn lấn sân qua phía nhà sách Khai Trí. Vào thời điểm “giao thời”, cả hai bên đường Lê Lợi trở thành nơi đổ sách khổng lồ. Cả một nền văn hóa đồ sộ của miền Nam bỗng chốc bước ra vỉa hè! Sách ùn ùn đến từ trong kho, trong nhà in và ngay cả sách báo “đi hôi” từ Thư viện Hội Việt Mỹ (55 Mạc Đĩnh Chi). Sách lượm lặt từ nhà người Mỹ và các gia đình đã “di tản”. Bản thân tôi, lúc ấy 13 tuổi, hí hửng lần đầu mua được mấy quyển báo Thiếu Nhi đóng bộ và một lô tiểu thuyết Duyên Anh, với “giá vừa bán vừa cho”.

Cái chợ sách đồ sộ và “lộn xộn” về cả hình thức và nội dung, được chính quyền mới tạm “nhắm mắt cho qua” nhưng chỉ trong một thời gian ngắn. Khi trật tự giao thông bắt đầu được vãn hồi và nhất là khi chiến dịch lên án, thu gom “sách báo - tài liệu phản động và đồi trụy” được phát động, thì cũng là lúc chợ sách báo trên đường Lê Lợi bị giải tỏa. Nhưng thật may và bất ngờ, ông Long cũng không hiểu vì sao và không biết do ai, năm 1977 đã có quyết định lập ra Chợ sách ở đường Đặng Thị Nhu. Đây là một dãy phố xưa, trước 4.1975 có tên Bùi Quang Chiêu.

Đường chỉ khoảng 200m, gần Chợ Bến Thành. Dân cư trung lưu, lịch sự, nhiều nhà dân đã “di tản”, người mới về không thấy dị ứng gì với việc mở chợ. Chính quyền đưa Chợ sách về đây vừa thuận tiện mua bán, vừa quản lý dễ dàng. Hơn nữa, ông Long nói, nhờ Chợ Đặng Thị Nhu mà nhiều gia đình chạy hàng sách còn giữ được “nồi cơm”.


Chợ sách ngày xưa trên đường Đặng Thị Nhu quận 1 (ảnh: Flickr.com).


Chính vào thời điểm 1977, ông Long lúc ấy đang “mất dạy”vì trường tư đã chuyển thành trường nhà nước được người thân rủ về cùng bán hàng ở Chợ sách. Có lẽ người rành nhất lịch sử Chợ sách là ông Hai Văn Nghệ (tên thật là Hai Sanh, trước 1975 làm cho nhà xuất bản Văn Nghệ). Theo ông Long, ông Hai vốn là Trưởng ban đại diện các bạn hàng tại đây. Ông là người nhiều hiểu biết, đồng thời nắm rõ tình cảnh của từng bạn hàng. Ông thường đến các sạp hàng nhẹ nhàng nhắc nhở bà con chấp hành quy định không bán “sách cấm”.

Nói đến “sách cấm” , ông Long chỉ còn nhớ “truyện chưởng” và sách bói tướng, tử vi là hai loại sách được nhắc nhở nhiều nhất. Rất tiếc, ông Hai Văn Nghệ mất lâu rồi. Ông Long cười: “Chu choa, bây giờ ông Hai còn sống chắc cũng cười xòa khi thấy người ta đã cho in lại cả hai loại sách đó”.

Nơi gặp gỡ của những “người đói”

Ông Long và tôi hào hứng nhớ lại cái không gian văn hóa đa dạng của Chợ sách Đặng Thị Nhu ngày ấy. Theo ông, người bán sách ở đây không phải chỉ có những người “lái sách”, kiếm sống đơn thuần. Ở chợ, có khá nhiều chủ sạp là những người “chơi sách”, nhà giáo, sinh viên, công chức cũ - những người không những là “mọt sách” mà còn là “tín đồ” say mê chuyện sách vở.

Ông Long nhớ gần sạp của ông, có sạp của ông Phạm Công Trang, em trai giáo sư triết Phạm Công Thiện. Ông Trang là kiểu người bán sách “tài tử”, đem sách ra chợ ngồi giải khuây, mong gặp người cùng sở thích để “đàm đạo”. Có nhiều chủ sạp rất “văn nghệ”- khách hàng ghé đến thấy hạp là thành bạn bè, trò chuyện không nghỉ. Lại có những chủ sạp rất “bác học” - thông thạo không chỉ nội dung mà còn biết rõ nguồn gốc và có thêm nhận xét sách vở rất đáng nể.


Đường Đặng Thị Nhu ngày nay.


Trong khi đó, người mua sách cũng là người tứ xứ, ham học hỏi. Đặc biệt, nhiều người từ Hà Nội vào, lùng mua không những các sách báo nổi tiếng của Sài Gòn mà còn tìm các sách văn thơ tiền chiến (trước 1945), kể cả các bài nhạc đã “rơi vào vùng cấm” sau năm 1954 ở miền Bắc. Còn người Sài Gòn, nhất là tuổi trung niên, đến đây không chỉ tìm kiếm kiến thức mà có lẽ còn muốn tìm lại những ký ức của một đời sống xưa đã giã biệt. Ông Long nhớ, sách bán chạy suốt mấy năm liền là truyện cổ tích các nước, sách nghiên cứu Indochine (Đông Dương), sách dạy tiếng Anh, tiếng Pháp, sách thuốc và nhất là các loại từ điển bách khoa Anh, Pháp và các sách tranh khổ lớn của Tây Âu.

Không biết ông Long có nhớ “khách hàng học trò” của chợ sách không? Với tôi, ngôi chợ chữ nghĩa này là một phần kỷ niệm không thể thiếu của thời đi học. Thuở lớp 8, 9 và các lớp sau đó, tôi và bạn bè rủ nhau đạp xe ra đấy, không chỉ để tìm sách học. Chúng tôi còn “đọc chui” truyện tranh Spirou, Lucky Luke, Thiếu Nhi đóng bộ, Tuổi Hoa, Thời Nay... những “món ăn” cũ - kiến thức và giải trí, một vài năm trước đã biết qua, nay vẫn thòm thèm. Nhà báo Phạm Công Luận - tác giả bộ sách đồ sộ Sài Gòn - chuyện đời của phố hiện giờ, kể với tôi kỷ niệm đầu tiên của anh ở đây là tìm được một quyển sách dạy gấp giấy Origami “chính cống” của Nhật. Sách hay quá nhưng anh không đủ tiền để mua, cứ quay đi quay lại “xem ké”. Quả thật, lúc đó nhà nào nhà nấy ở Sài Gòn đều eo hẹp tiền bạc. Nhiều lúc sách vở phải ra đi để nhường chỗ cho gạo, cho khoai. Tôi vẫn nhớ không quên những lần hai anh em tôi đau xót gọi người ở Chợ Đặng Thị Nhu đến nhà mua sách.

Người Sài Gòn, nhất là tuổi trung niên, đến đây không chỉ tìm kiếm kiến thức mà có lẽ còn muốn tìm lại những ký ức của một đời sống xưa đã giã biệt.

Khi vào đại học, năm 1980, tôi lại cần đến Chợ sách Đặng Thị Nhu nhiều hơn. Sinh viên chúng tôi có thể tìm được tại Chợ Đặng Thị Nhu nhiều loại sách báo hiếm hoi, không thấy hoặc không mượn được ở thư viện trường hay thư viện thành phố. Vả lại, ở chợ sách này, chúng tôi còn kiếm được những “từ điển sống” - điều hoàn toàn không có ở các thư viện. Đó là những chủ sạp và ngay cả người mua biết vanh vách nhiều chuyện sách vở đời xưa, đời nay. Thêm nữa, chợ sách này, thật mắc cỡ, còn là nơi tôi… kiếm tiền! Ngày đó, không ít lần, tôi xin giấy giới thiệu của nhà trường để đến mua sách ở các cửa hàng sách quốc doanh.

Lúc ấy, có khá nhiều truyện dịch, sách từ điển, sách học ngoại ngữ, sách thuốc - vốn là sách tịch thu từ các nhà sách, nhà xuất bản bị cải tạo. Các sách này chỉ bán cho công nhân viên và sinh viên với giá rẻ nhưng người mua phải có giấy giới thiệu. Mỗi người chỉ được mua một quyển, chẳng khác gì mua thịt hay mua gạo bằng “tem phiếu”. Những quyển sách “giá phân phối” đó được đem ra bán lại ở Chợ Đặng Thị Nhu cũng giúp cho sinh viên một khoản “tiền còm” mua khoai mì, mua xôi ăn sáng và cũng dùng để mua sách vở!

Thế rồi, Chợ sách Đặng Thị Nhu bị đóng cửa năm 1983. Ông Long kể trước đó - năm 1981, đã có một đợt “kiểm kê sách” làm mọi người bấn loạn song sau đấy sách vẫn được trả lại để bán nếu không nằm trong danh sách cấm. Nhưng hai năm sau, chính quyền bỗng cho kiểm kê lần nữa và sau lần này thì toàn bộ sách của các sạp bị buộc bán ký gởi trong cửa hàng nhà nước. Đó là cửa hàng chuyên bán sách cũ của Quốc doanh phát hành sách (tiền thân của Công ty Fahasa bây giờ), đặt tại số 117 Lê Lợi.

Các chủ sách nhận được tiền lời khoảng 10% nếu sách bán được. Song “tài sản” lớn nhất của cả chủ sạp và người mua là ngôi chợ sách thì không còn nữa. Kể ra, vào thời điểm các loại cửa hàng thương mại, dịch vụ của tư nhân đều bị “cải tạo” dưới nhiều hình thức khắc nghiệt thì Chợ sách Đặng Thị Nhu đã được “cải tạo” một cách êm ái hơn nhiều.


Đường Đặng Thị Nhu ngày nay.


Tuy Chợ sách không còn, nhiều người đổi nghề nhưng nhu cầu mua bán sách cũ và chơi sách vẫn không bao giờ mất trên đất Sài Gòn. Có lẽ vì vậy, theo ông Long, năm 1988, Chợ sách đã “tái xuất giang hồ” trên vỉa hè dọc bờ tường Tiểu học Trần Hưng Đạo, góc Trần Đình Xu (Phát Diệm cũ). Chính Công ty Phát hành sách quận Một đã có sáng kiến mở tại đây khoảng 8 sạp bán sách cũ, bên cạnh các sạp văn phòng phẩm. Quầy sạp của chợ sách nhỏ này khá xinh xắn, là “dư âm” nối dài của Chợ sách Đặng Thị Nhu. Ông Long và nhiều bạn hàng đã đến bán sách tại đây cho đến năm 2006. Sau đó, các sạp này lại bị “dẹp tiệm”, trả lại vỉa hè cho công cộng.

Một số bạn hàng dạt sang bên kia đường, thuê nhà tiếp tục mua bán sách cũ. Trong khi đó, nhiều bạn hàng của Chợ Đặng Thị Nhu trước đây đã tản ra đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận 3) gần bùng binh Cộng Hòa, đường Trần Nhân Tôn (quận 10), đường Nguyễn Chí Thanh (quận 5) là những khu vực có nhà cửa giá rẻ, để tiếp tục hành nghề. Dần dần, thành phố có thêm các khu bán sách cũ ở đường Trần Huy Liệu (Phú Nhuận), Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp). Riêng ông Long bắt đầu “giải nghệ” từ năm ấy, chuyển qua nghề thiết kế vi tính, với mong ước cuộc sống ổn định hơn. Nhưng rồi, cái duyên sách vở lại gọi những người “hàng sách” như ông. Năm 2016, khi Đường sách Nguyễn Văn Bình được thành lập, ông Long có cơ hội trở lại với nghề này.

Tôi hỏi ông Long, liệu thành phố nên tái lập một chợ sách cũ ở một con đường hay một khuôn viên nào đấy, kể cả dọc công viên bến Bạch Đằng như chợ sách cũ bên bờ sông Seine? Ông trầm ngâm rồi cười: “Tôi không biết nữa, bởi hiện giờ ở khu bán sách cũ này, chúng tôi vẫn hồi hộp chưa rõ có được duy trì lâu dài không!”

Chao ôi, chẳng lẽ những chợ sách, đường sách độc đáo của Sài Gòn, một lần nữa lại có thể bị mai một hay sao?