Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long

Chương 16: II - Những người Pháp đến giúp Nguyễn Vương

Sau khi đã tạm xác định được tên những người Pháp đã thực sự đến Nam Hà trong khoảng 1789-1790, một số được nhận văn bằng cai đội của Nguyễn Ánh, chúng tôi sẽ lần lượt tìm lại tiểu sử và công lao của họ, trong phạm vi tư liệu cho phép.

Nhưng trước thời điểm 1789-1780, còn hai người nữa, là Joang (Jean) và Mạn Hoè (Manuel).

Người có công lớn nhất, đã chiến đấu với Tây Sơn đến cùng và đã tử trận, được các sử gia triều Nguyễn ghi tên là Mạn Hoè. Và trước ông, còn một người nữa, là Joang (Jean) ít ai biết đến, nhưng Sử Ký Đại Nam Việt có ghi lại chuyện Joang và Cosserat trong bài Notes biographiques sur les français au service de Gia Long (Ghi chú tiểu sử những người Pháp giúp Gia Long, BAVH, 1917, III, t. 169) cũng tìm thấy giáo sĩ Houillevaux (Bouillevaux) có nhắc đến Joang trong cuốn L’Annam et le Cambodge. Sử Ký Đại Nam Việt đặt sự kiện này vào khoảng 1777-1778. Houillevaux đặt sự kiện vào khoảng 1782, cho nên Cosserat xếp Joang sau Mạn Hoè. Chúng tôi cho rằng Sử Ký Đại Nam Việt có lý hơn, vì vậy đưa Joang lên hàng đầu trong danh sách những người đã đến giúp Nguyễn Ánh.

clip_image002

Joang (Jean)

Không biết rõ nguồn gốc và họ. Cosserat cho biết:

“Có lẽ đã đến Nam Hà vào khoảng 1782. Trong những tư liệu mà tôi [Cosserat] đã khảo duyệt trong khi nghiên cứu, tôi chỉ tìm thấy một nơi nói đến ông, trong cuốn L’Annam et le Cambodge do giáo sĩ C.E. Houillevaux viết. Trong chú thích (t. 381), tác giả kể rằng có hai người Pháp phiêu lưu, xuất hiện giúp đỡ Nguyễn Ánh (Gia Long) trong những năm đầu của cuộc chiến, một người mà các nhà viết sử biên niên hay nhà báo (chroniqueur; chú thích của Cosserat: Chroniqueurs nào?) gọi là Joang (Jean), và một người nữa là Manoe (Manuel), lính thủy người Bretagne, trước làm cho giám mục Adran… Joang có lẽ đã dùng trái phá (grenades) trong trận chiến đánh với Tây Sơn, và có lẽ nhờ khí giới này mà Chuá Nguyễn (Gia Long) đã chiếm lại được Nam Hà lần đầu. Những kẻ phản loạn không biết khí giới quỷ quái này là gì, chạy hết. Điều này xảy ra khoảng 1782 (?)” (Cosserat, bài đã dẫn, t. 169).

Tác giả Sử Ký Đại Nam Việt đặt sự kiện vào năm Nguyễn Ánh 15 tuổi [1777] bị Nguyễn Huệ truy nã gắt lắm, chỉ còn hai thầy trò (Nguyễn Ánh và đứa tiểu đồng) ẩn náu trong rừng, may gặp thầy cả Phao Lồ [tức Paul Nghị hay Hồ Văn Nghị], Ánh xưng danh và nhờ giúp, Nghị chèo thuyền đưa xuống Hà Tiên, giấu trong nhà Bá Đa Lộc, rồi báo tin cho vị giám mục, lúc ấy đang ở Cao Mên, biết. Được một tháng, sợ bị lộ, bèn đưa Ánh vào rừng ẩn, rồi cha Nghị và thầy giảng Toán, thay nhau tiếp tế cho Ánh. Tây Sơn tiếp tục truy lùng, Ánh ẩn trong thuyền của cha Nghị ở Rạch Giá. Tác giả kết luận: “Vì chưng nếu không có thầy cả ấy, thì ông Nguyễn Ánh phải bắt chẳng khỏi” (SKĐNV, t. 13). Và như ta đã biết, linh mục Hồ Văn Nghị sẽ trở thành người thân tín của vua, sau này được vua giao phó những nhiệm vụ khó khăn, tế nhị.

Vẫn theo Sử ký Đại Nam Việt, ít lâu sau, Bá Đa Lộc ở Cao Mên về, mới gặp Nguyễn Ánh, và đem Joang về giúp. Tác giả kể tiếp sang chuyện Joang và chiến công Long Hồ:

“Khi ấy Đức thầy Vê Rô [Bá Đa Lộc] ở Cao Mên mà về, tìm được ông Nguyễn Ánh; người lại đem theo một Lang Sa, tên là Gioang, có nghề võ cũng bạo dạn gan [can] đảm và có tài đánh giặc lắm.

Khi ông Nguyễn Ánh đã tu binh đặng ít nhiều, thì ông Gioang đã giúp người nhiều việc.

Vậy trước hết, khi thấy quan Nhất Trịnh [Tây Sơn] đã lấy đặng đồn kia, thì ông Gioang cứ phép tây mà làm nhiều trái phá, đoạn xuống thuyền lớn. Bấy giờ Nhất Trịnh chưa ngờ điều gì, thì vào Long Hồ, là nơi quân Tây Sơn đóng nhiều tàu lắm. Vậy ông Nguyễn Ánh làm tướng cai quân, và ban đêm, thình lình, thì xông vào đánh quân Tây Sơn. Khi ấy, ông Gioang chỉ đốt và bắn trái phá, nên quân Tây Sơn bất thình lình nghe tiếng trái phá, và thấy nhiều người chết, thì sợ hãi lắm, vì chưa từng biết sự làm vậy, cũng chưa thấy trái phá bao giờ, nên bỏ tàu mà nhẩy xuống sông. Những kẻ phải chết chém hay là bị trái phá thì chẳng bao nhiêu song kẻ chết đuối vì sợ mà vội nhảy xuống sông đè lộn nhau, thì không biết là ngần nào. Trong trận này, ông Nguyễn Ánh làm tướng [15 tuổi], rất khôn ngoan và gan đảm lắm, vì cũng đánh như lính, dầu chung quanh người chết gần hết, song ông ấy chẳng phải nao. Khi đã tàn trận mà thấy ông ấy những máu dầm dề cả mình, mà chẳng bị vết tích gì, thì ai ai đều kể là phép lạ. Những tàu quân Tây Sơn ở Long Hồ, thì ông Nguyễn Ánh lấy được hết” (Sử Ký Đại Nam Việt, t. 13-14).

Thực Lục chép vắn tắt trận Long Hồ như sau: “Tháng 11 (ta) tức tháng 12/1777), đánh úp Điều khiển giặc là Hoà ở dinh Long Hồ (tức tỉnh Vĩnh Long ngày nay) cả phá được. Tháng 12 (ta, tức tháng 1/1778) đánh được Sài Gòn” (TL, I, t. 205).

Vẫn theo Sử Ký Đại Nam Việt, Gioang còn xuất hiện thêm một lần nữa: “Ông Nguyễn Ánh thì cậy ông Gioang sắm sửa khí giái [giới] cùng đóng nhiều tàu, và sắm nhiều đồ khác cho đặng đánh giặc theo phép bên Tây” (SKĐNV, t. 14).

Nếu tin Sử Ký Đại Nam Việt, thì ta có thể tạm tóm tắt tình hình như sau:

Khoảng tháng 11/1777, Bá Đa Lộc từ Cao Mên về Nam Hà, đem theo Jean, và Jean đã làm trái phá, một loại lựu đạn thô sơ. Thứ trái phá này nổ làm quân Tây Sơn hoảng sợ, nhẩy xuống sông chết đuối rất nhiều. Nguyễn Ánh thắng trận Long Hồ, thu được nhiều tàu bè, khí giới của Tây Sơn làm nền móng, tiếp tục cùng Đỗ Thanh Nhơn và quân Đông Sơn, đánh chiếm Gia Định.

Mạn Hoè (Manuel)

Chuyện Mạn Hoè được nhiều nơi ghi lại trong sử Việt Nam:

1- Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức trong là một trong những tác phẩm đầu tiên viết về Mạn Hoè:

“Tháng 3 [Nhâm Dần, tháng 4/1782], anh em Tây Sơn là Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ dẫn 3 vạn quân thủy bộ vào lấy Gia Định. Thuỷ quân của ta bày trận ở ngã bẩy Cần Giờ, quân Tây Sơn nhờ thuận gió và thủy triều nên căng no buồm xông thẳng vào, quân ta không đánh mà tự tan rã, chỉ có chiếc tàu phương Tây của Mạn Hoè là chống cự được lâu. (Mạn Hoè là người nước Pháp, theo giúp rất hiệu dụng, làm quan đến Khâm sai Cai cơ quản đội Trung Khuông, được phong tước An Hoà Hầu, khi chết được tặng là Hiệu Nghiã công thần phụ quốc Thượng tướng quân, được tòng tự ở miếu Hiển Trung). Nguyễn Huệ cho quân vây đánh đốt cháy tàu đó, Mạn Hoè chết, quân Tây Sơn thừa thắng phá luôn quân ta ở ngã ba Lôi Sạp (Soi Rạp), thẳng tiến Bến Nghé, quan quân phải chạy tan tác.” (Gia Định Thành Thông Chí, Trấn Hà Tiên, bản điện tử do Lý Việt Dũng dịch và chú giải).

2- Đại Nam Thực Lục soạn sau Gia Định Thành Thông Chí, chép rằng:

“Tháng 3 [Nhâm Dần, tháng 4/1782], giặc Tây Sơn Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ vào đánh phá. Văn Nhạc nghe tin Đỗ Thành Nhân đã bị giết, mừng nói: “Thanh Nhân chết rồi, các tướng khác không đủ sợ nữa!” Bèn đem chiến thuyền vài trăm chiếc, cử đại binh vào đánh. Quân Tây Sơn đến cửa biển Cần Giờ. Vua sai Tống Phước Thiêm điều bát trận thủy binh ở Ngã Bẩy (Thất Kỳ giang). Giặc nhân gió mạnh xông thẳng tới. Quân ta phải lùi. Một mình cai cơ là Mạn Hoè, đi tàu Tây cố sức đánh rất lâu. Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu, Mạn Hoè bị chết (Mạn Hoè là người Phú Lãng Sa, Bá Đa Lộc giới thiệu là người dùng được, vua trao cho chức Khâm sai Cai cơ coi đội Trung Khuông, sau được tặng là Hiệu nghiã công thần phụ quốc thượng tướng quân)” (TL, tập I, t. 211-212).

3- Sử Ký Đại Nam Việt viết về Mạn Hoè với những chi tiết không có trong chính sử:

“Ông Nguyễn Ánh sai ông Hữu Ngoại [Đỗ Thành Nhơn] đi với người Lang Sa kia, đã sang với đức thầy Vê Rô [Bá Đa Lộc] mà ở lại giúp việc nhà nước, tên là Manoe (Emmanuel)” (Sử ký Đại Nam Việt, t. 15).

Vài trang sau, tác giả tả trận Long Hồ, tháng 4/1782 như sau:

“Vua nghe tin ấy [tin Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh] chẳng lấy làm lo chút nào, bởi có nhiều tàu, nhiều ghe, cùng khí giái [giới] sẵn; lại có nhiều binh sĩ lắm. Vậy vua bắt các quan và binh sĩ đi đón quân giặc. Trước hết có một ông Manoe, là người Lang Sa, cai một chiếc tàu lớn: Chẳng hay những tàu vua xuống sông đi ngược nước, chưa ra cửa [Cần Giờ], liền gặp những thuyền quân giặc Tây Sơn vào cửa đi xuôi nước. Mấy tàu vua có một chiếc đi trước là tàu ông Manoe, phòng triệt chẳng cho quân Tây Sơn vào cửa.

Bấy giờ quan quân thấy tàu quân Tây Sơn vào cửa mà chạy xuôi nước thuận gió làm vậy, thì kinh khiếp cả. Vả lại ông Manoe chẳng quen đàng [đường], thì tàu phải [mắc] cạn, chẳng còn đi được; lại chẳng ai có gan đến cứu người. Quân trong tàu thấy làm vậy, lại quân giặc ở gần lắm, thì mất viá. Lại thấy tàu đã bê vào bờ, nên quân ấy chạy trốn, chẳng còn ai ở lại. Ông Manoe một mình ở trong tàu túng lắm; song chẳng ngã lòng, một cứ thói quân lính bên tây mà đánh cho đến chết. Quân giặc thấy tàu phải cạn thì đua nhau đến. Nhưng mà bao nhiêu người xuống tàu ấy thì ông Manoe chém đi hết. Song bởi quân ấy đông quá, mà ông Manoe thì một mình chẳng làm chi được. Bấy giờ ông ấy thấy tàu đầy quân giặc, thì xuống dưới lòng xét, nơi đã quen trữ thuốc súng mà đốt đi. Cho nên bỗng chốc cả thuyền vỡ ra cháy cách gớm ghiếc lắm; bao nhiêu người trong tàu chết hết; và những chiếc tàu ở xung quanh thì phải vỡ cả. Ông Manoe chết cách khốn nạn như vậy; song thiên hạ khen làanh hùng” (Sử ký Đại Nam Việt, t. 24).

Tập hợp cả ba nguồn tin trên chúng ta có thể tóm tắt trận Ngã Bảy như sau:

Tháng 4/1782, nghe tin Đỗ Thanh Nhơn đã bị Nguyễn Ánh giết, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ thống lĩnh đại binh vào đánh Gia Định. Nguyễn Ánh sai Tống Phước Thiêm dàn quân chống giữ ở Ngã Bảy (Thất Kỳ Giang), nơi bảy dòng sông giao nhau. Thuyền Tây Sơn xuôi chiều gió, mạnh tiến vào cửa Cần Giờ. Quân của Tống Phước Thiêm tan rã. Tàu của Mạn Hoè, không thuộc đường sông, bị mắc cạn. Theo Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Huệ cho quân bao vây, “ném hỏa khí đốt tàu”. Như vậy quân của Nguyễn Huệ đã dùng “hoả khí”, có thể hiểu là một loại “trái phá” chăng?

Theo Sử Ký Đại Nam Việt, Mạn Hoè tự đốt thuốc súng của tàu, để chết cùng địch quân.

Trịnh Hoài Đức nói: “Nguyễn Huệ cho quân vây đánh đốt cháy tàu đó” và Thực Lục nói: “Giặc đổ quân bao vây bốn mặt, ném hỏa khí đốt tàu”, tức là tàu của Mạn Hoè bị quân của Nguyễn Huệ đốt; có thể vì Thực Lục chép Gia Định Thành Thông Chí, hoặc vì một lý do nào khác, cả hai nguồn tin này đồng quy.

Đối với triều đình, Mạn Hoè là người anh hùng và có công nhất. Sau khi chết, ông được thăng Hiệu Nghiã công thần phụ quốc Thượng tướng quân, bài vị được thờ ở đền Hiển Trung cùng các danh tướng khác. Đền Hiển Trung ở trên đường Sài Gòn-Chợ Lớn, Pháp gọi là Pagode des Mares, và bị Pháp tiêu hủy trong trận đại đồn Kỳ Hoà với Nguyễn Tri Phương, năm 1861.

4- Cosserat trong bài Notes biographiques sur les Français au service de Gia Long (Ghi chú tiểu sử những người Pháp giúp Gia Long), (BAVH, 1917, III, t. 166-169) viết khá dài về Mạn Hoè, ông kể hai câu chuyện: linh mục Bouillevaux viết về cái chết của Mạn Hoè và chuyện Bá Đa Lộc tâu vua Louis XVI về Mạn Hoè, để thuyết phục vua Pháp ký hiệp ước cầu viện.

Linh mục Bouillevaux trong cuốn L’Annam et le Cambodge kể rằng: “… Người lính can đảm này điều khiển một chiếc thuyền chiến ở trận Cần Giờ, thuyền anh bị nạn, thuỷ thủ bỏ hết, chỉ mình anh ở lại, dũng mãnh như sư tử, nhưng bị Tây Sơn bao vây tứ phía, thấy họ đã lên thuyền, anh châm lửa vào thuốc súng, cùng nổ với kẻ thù.”

Bouillevaux viết gần giống Sử ký Đại Nam Việt, vậy có thể ông đã tham khảo cuốn sử này, hoặc cả hai viết theo tài liệu nhà dòng.

Khi Bá Đa Lộc đem hoàng tử Cảnh sang Pháp cầu viện, ngày 5 hay 6/5/1787, giám mục được vào triều kiến vua Louis XVI, với sự hiện diện của Thống chế de Castries, Bộ trưởng Hải quân và Công tước de Montmorin, Bộ trưởng Ngoại giao.

Nội dung buổi triều kiến được hai bộ trưởng tham dự ghi lại trong notes, và được lưu trữ trong văn khố Bộ Hải quân và Bộ Ngoại giao; Faure sưu tầm hai bài notes này, viết lại trong cuốn Monseigneur Pigneau de Béhaine (sẽ dẫn là Faure) (t. 78-85). Không rõ ông có thêm thắt gì không.

Theo Faure, Bá Đa Lộc trình bày tình hình chung đại khái như sau: Việt Nam có vị trí thuận lợi, ai chiếm được thì có thể làm chủ sự lưu thông cả vùng, ngăn ngừa được đế quốc Anh bành trướng. Những lợi ích đem quân giúp Nguyễn Ánh rất lớn mà sự đổ bộ lên vịnh Đà Nẵng là an toàn, v.v. Bá Đa Lộc xác định với Pháp hoàng rằng lực lượng thủy binh của Tây Sơn “không có gì đáng kể”, ông nói: “Những chiến thuyền mạnh nhất của chúng chỉ bằng thứ tàu nhỏ ba buồm (chasse-marée) của ta. Thần có thể nói rằng, trong [trận chiến] lúc bắt đầu cuộc nổi loạn, một thần dân can đảm của bệ hạ mà hạ thần dẫn từ Pondichéry đến giúp Nguyễn Ánh, chỉ huy một tàu bé, với 10 đại bác rất nhỏ và vài tên lính thuỷ ở vùng Gia Định (Sài Gòn); vậy mà cũng cầm cự được một ngày, chống lại cả một hạm đội của quân địch gồm 100 chiến thuyền, mà không bị bắt. Đúng, là anh tử tiết với tàu. Đúng, anh là một người Pháp can đảm, có một nghị lực phi thường, mà tên tuổi anh, vì hành động này, sẽ mãi mãi là thần tượng ở nước Nam” (Faure, t. 82-83).

Không rõ vì cố ý hay vì không biết, mà Bá Đa Lộc đã báo cáo sai lầm về sức mạnh quân sự của Tây Sơn, và về sự cầm cự của Mạn Hoè. Nhưng chính những sai lầm này, kèm theo sự lầm lẫn có thể đổ bộ dễ dàng lên vịnh Đà Nẵng (lúc đó Quang Trung đang làm chủ) mà giám mục Bá Đa Lộc đã gặp những cản trở của phe chống lại việc cầu viện.

Dù sao chăng nữa, thì hai người Pháp Jean (Joang) và Manuel (Mạn Hoè) là hai người đã giúp Nguyễn Ánh trong thời điểm đầu giao tranh với Nguyễn Huệ.

Khi phái đoàn Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh từ Pháp về tới Pondichéry (1788) dư luận chắc khá sôi nổi, cho nên có một số thủy thủ đào ngũ trên các tàu Pháp, và một số người khác, từ Pondichéry hay Macao tìm đến Nam Hà đầu quân dưới cờ Nguyễn Ánh. Trong số đó có: Guillaume Guilloux, Jean-Baptiste Guillon, Julien Girard de l’Isle-Sellé, v.v. Chúng tôi sẽ lần lượt, tìm lại dấu vết của họ dưới đây.

Guillaume Guilloux

Quê ở Vannes (Morbihan), tình nguyện binh nhất trên tàu Le Duc de Chartres. Theo danh sách thuỷ thủ đào ngũ của Faure, Guilloux lên Pondichéry ngày 22/6/1784, và ở lại (Faure, t. 246). Từ năm 1784 đến 1790 không biết Guilloux làm gì. Ông được văn bằng Phó cai đội của vua ngày 27/6/1790, trong có câu:

“Hoàng thượng nhận thấy, dù J. Guilloux, quốc tịch Pháp, chưa có cơ hội làm việc nhiều, nhưng đã tỏ ra có thiện chí, nhất là đến từ rất xa, để phục vụ trong thuỷ binh của nhà vua; vì thế hoàng thượng ban cho y chức Phó cai đội nhuệ tài hầu, dưới quyền của JM. Dagot [Dayot]… (Louvet, I, t. 538).

Trong thư của Le Labousse gửi Hội thừa sai Paris ngày 16/6/1792, có câu:

“Tất cả những người Pháp ở đây giúp vua được hơn hai năm, đều trở về Macao. Trong đó có hai anh em Dayot, quê quán Rhedon, ông Vannier, quê Auray. Các ông Launey và Guilloux quê ở Vannes, đều đã sang lại Pondichéry rồi; Launey, ngày mồng một năm ngoái [1/1/1791], và Guilloux tháng giêng vừa rồi…” (Cadière, Documents relatifs à l’époque de Gia Long, BEFEO, t. 28).

Như vậy, Guilloux bỏ vua Gia Long, trở về Pondichéry tháng 1/1792. Và theo Cosserat, thì “Đi mất, không để lại dấu vết” (Cosserat, bđd, t. 172).

Jean-Baptiste Guillon

Quê ở Vannes (Morbihan, Bretagne). Trong danh sách thủ thủy đào ngũ của tàu Dryade, Faure viết:

“Tình nguyện binh nhì (nhận ngày 22/12/1787), trên tàu Dryade, rời cảng Lorient ngày 27/12/1787. Vào bệnh viện Pondichéry ngày 1/8/1788, ra ngày 14/8/1788. Trở lại Pondichéry cùng với tàu ngày 1/7/1789 và ở lại đây. Chú thích: Tới Brest, mang giấy thông hành của toà thị chính Saint-Brieuc ngày 18 Germinal năm thứ XIII, (18/4/1804), lên tàu Républicain làm đội phó tài công (deuxième maitre de timonerie)” (Faure, t. 242).

Như vậy, Guillon đến Pondichéry từ ngày 1/7/1789, ở lại đây không biết bao lâu rồi tìm cách đến Nam Hà. Guillon nhận văn bằng phó cai đội của vua ngày 27/6/1790, trong có câu:

“… tuy chưa có cơ hội trổ tài, nhưng đã tỏ ra có thiện chí, đến từ rất xa để phục vụ trong thủy binh của nhà vua. Hoàng Thượng tin tưởng vào tài năng của y, với văn bằng này, ban cho y chức Phó cai đội oai dõng hầu, dưới quyền của JM Dagot [Dayot]…” (Louvet, I, t. 537)

Faure còn viết thêm rằng: “Ông Guillon, nhận chức Lieutenant de vaisseau Nam Hà ngày 27/6/1790, đã phụng sự ở đó cho tới ngày về lại Brest, tức là trong vòng 14 năm” (Faure, t. 242). Câu này chắc là sai, vì Thực Lục không ghi tên Guillon trong các chiến dịch hành quân và Cosserat cho biết, ông cũng không tìm thấy dấu vết gì của Guillon trong vòng 14 năm này (Cosserat, t. 172).

Cần phải nói thêm, Jean-Baptiste Guillon tình nguyện trên tàu Dryade, tàu này rời Lorient ngày 27/12/1787, trên có Olivier de Puymanel và phái đoàn Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh. Vậy có thể Jean-Baptiste Guillon đã quen Puymanel và Bá Đa Lộc trong chuyến đi này. Và có thể đó là lý do khiến Guillon tìm đến Nam Hà.

Julien Girard de l’Isle-Sellé

Không biết quê ở đâu. Theo Cosserat, có lẽ là công chức thuộc địa, vì không thấy tên trong danh sách thủy thủ đào ngũ của Faure. Trong văn bằng vua cấp cho Isle-Sellé ngày 27/6/1790, có câu:

“…với văn bằng này, cấp cho y chức Cai đội long hưng hầu, giao cho y quản chiếc tàu Le Prince de Cochinchine, dưới quyền điều khiển và phải tuân mọi lệnh của Jean-Marie Dagot [Dayot], chỉ huy phân khu có tàu này” (Louvet, t. 535)

Văn bằng này rất giống văn bằng của Vannier, cả hai đều ở dưới quyền Dayot. Tuy nhiên không thấy Thực Lục nói đến tên ông, và Cosserat (t. 173) cũng cho biết: có lẽ ông không ở lâu vì, tôi không tìm thấy tài liệu gì của ông sau năm 1790.

Jean-Marie Despiaux (?-1824)

Jean-Marie Despiaux là một bác sĩ, ở Nam Hà từ 1799 đến khi ông mất, khoảng 1824. Ông được vua Minh Mạng giao cho đi Macao mua thuốc phòng ngừa (vaccin) bệnh đậu mùa.

Không biết ông đến Nam Hà năm nào, nhưng được nhận văn bằng của vua ngày 2/4/1799.

“Văn bằng cấp cho M. Despiaux

Trẫm, vua Nam Hà, cấp bằng này cho Jean-Marie Despiaux, quốc tịch Pháp. Người có tên J.M. Despiaux, nghe tiếng trẫm lãnh đạo công minh đã tìm đến Nam Hà, trẫm biết y có tài làm thuốc, ban cho y chức bác sĩ trong quân đội, lệnh xuống tàu Phụng [Phượng phi] theo quân, sẵn sàng tới bất cứ nơi nào cần gọi, để hành nghề. Nếu người mang tên J.M. Despiaux, không chu toàn bổn phận, sẽ bị trừng phạt theo đúng luật pháp. Khâm tai.”

Ngày 2/4/1799. (Louvet, I, t. 537).

Cosserat cho biết: Despiau (Despiaux, tên những người Pháp mỗi chỗ viết một khác) quê ở Bazas (Gironde). Bác sĩ giải phẫu. Chắc chỉ có vai trò rất phụ. Theo Đức Chaigneau, ông đã có thời ở Macao rồi đến nước Nam, được người Pháp ở đây đón tiếp nên quyết định ở lại, và làm việc trong số các thầy thuốc của Gia Long. Ông đã có mặt lúc Bá Đa Lộc mất, ngày 9/10/1799, đã săn sóc cho vị giám mục tới phút cuối.

Lá thư của Vannier viết cho M. Baroudel ngày 13/7/1820, cho biết:

Tôi [Vannier] đề nghị với vua [Minh Mạng] sai M. Despiau đi tìm [thuốc chích ngừa ở Macao đem về], ông ở đây đã lâu và cũng là một trong những thầy thuốc ở trong cung. Nhà vua bằng lòng…” (Cadière, Doc. Rel., BEFEO, t. 63).

Một lá thư nữa của giám mục La Bartette gửi M. Baroudel từ Huế ngày 2/8/1821 (Cadière, Doc. Rel. BEFEO, t. 65) và một thư khác của Vannier gửi cho M. Baroudel từ Huế ngày 2/8/1821 (Cadière, Doc. Rel. BEFEO, t. 67) cũng nói đến sự hiện diện của M. Despiau vào thời điểm này.

Rồi không có tin gì nữa, cho đến năm 1825, trong bản báo cáo của nam tước Bougainville gửi Bộ trưởng Thuộc địa và Thủy quân, viết từ Đà Nẵng, ngày 12/2/1825, trên tàu La Thétis có câu: “Ngay hôm tôi đến đây, tôi đã trao cho quan sở tại một lá thư cho ông Chaigneau, trong đó tôi yêu cầu ông đến Đà Nẵng và thông báo sự cập bến của Hạm đội; tôi không biết ông quan này đi lúc nào, chỉ ngày hôm sau nữa, ngày 14, tôi mới biết là chỉ còn có một người Pháp ở đây, ông Despiau, thầy thuốc, vừa mới chết…” (Cordier, Le consulat de France à Huế, t. 106).

Theo Đức Chaigneau (Souvenirs de Huế, t. 231): ” Ông Despiau, những khả năng trí tuệ đã bị mất đi, không còn sáng suốt để làm thầy thuốc, điều mà ông nhận là đã có học trong thời trẻ. Người ta gọi ông là bác sĩ, nhưng ông chỉ có tên thôi, còn thì ông chỉ cho thuốc chữa bệnh ngoài da, mà người Việt rất thích. Ông Despiau thuộc đám kiều dân nhỏ chúng tôi, không có gia đình ở Huế, rất thân với hai gia đình Pháp chúng tôi [Chaigneau và Vannier] mà ông coi là gia đình ông” (Trích theo Cosserat, bđd, t. 177-178).

De Forcant (Forcanz) (?-1811) và trận Thị Nại 1801

Quê miền nam Bretagne. Không có tên trong danh sách 369 người lính đào ngũ do Faure cung cấp. Louvet đưa de Forcanz vào danh sách những sĩ quan đến nước Nam cùng Bá Đa Lộc năm 1789, nhưng, Louvet, ngoài sưu tập những văn bằng vua ban cho những người Pháp, những điều ông viết về giai đoạn này không có gì là bảo đảm.

Qua những gì ghi trong chính sử Việt, đầu năm 1800, khi Nguyễn Ánh quyết định đem quân giải vây cho Võ Tánh và Ngô Tòng Châu đang bị Trần Quang Diệu bao vây rất ngặt trong thành Bình Định, de Forcant cùng Vannier và Chaigneau được bổ vào Trung quân, dưới quyền điều khiển của Tống Phước Lương; từ tháng 3/1800, quản ba tàu đồng, đi theo hải quân của Nguyễn Văn Trương, trong chiến dịch.

Thực Lục, việc tháng 2 ÂL (tháng 3/1800) ghi:

“Sai khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Chấn [Vannier] quản tàu đại hiệu Phượng phi, Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau] quản tàu đại hiệu Long phi, Lê Văn Lăng [de Forcant] quản tàu đại hiệu Bằng phi, theo Trung quân sai phái đi đánh giặc. (Bọn Chấn đều là người Phú Lãng Sa)” (TL, I, t. 407).

Nguyễn Vương không thể giải vây được Bình Định vì lực lượng thủy quân hùng hậu của Võ Văn Dũng đậu ở cửa Thị Nại.

Đặng Đức Siêu bày kế đánh hoả công, dụng cụ đã làm xong.

Nguyễn Vương mật định hôm 28/2/1801 sẽ tấn công chớp nhoáng.

Trận Thị Nại thứ hai xẩy ra ngày 1/3/1801 (xin nhắc lại: trận Thị Nại thứ nhất tháng 7/1792, Nguyễn Ánh phá tan thuỷ quân của Nguyễn Nhạc), Nguyễn Ánh phá tan thuỷ quân của Võ Văn Dũng, chiến thắng lớn nhất của Nguyễn Ánh, đưa chiến tranh vào ngõ quặt quan trọng.

Trong trận này, de Forcant, Vannier và Chaigneau điều khiển ba chiếc thuyền đồng hộ tống nhà vua. Mặc dù chiến thắng lớn, nhưng quân Nguyễn vẫn không giải vây được Bình Định. Đặng Đức Siêu dâng kế đánh ra Quảng Ngãi, Quảng Nam trước.

Thực Lục, tháng 2 ÂL (tháng 3-4/1801):

“Sai Nguyễn Văn Trương điều bát thuỷ quân tiến ra Quảng Ngãi, Quảng Nam đánh giặc. Vệ uý vệ Tuyển phong hữu Tả dinh quân Thần sách là Phan Văn Đức. Vệ uý vệ Phấn dực Trung quân là Tống Phước Lương, Chánh vệ vệ Thuận võ là Vương Văn Học và các chúa tàu hiệu Long phi, Phượng phi, Bằng phi là bọn Nguyễn Văn Chấn [Vannier], Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau], Lê Văn Lăng [de Forcant] đều thuộc quyền” (TL, I, t. 432).

Trong chiến dịch Quảng Nam, de Forcant, Vannier, Chaigneau, ở dưới quyền điều khiển của tướng Phạn Văn Nhân đánh vào cửa biển Đà Nẵng.

Sau khi Nguyễn Văn Trương chiếm lại dinh Quảng Nam. Nguyễn Ánh ban thưởng cho tướng sĩ thắng trận, trong dịp này, De Forcant, Vannier, Chaigneau, được thăng chức Cai cơ. Thực Lục, tháng 6 ÂL (tháng 7/1801) ghi:

“Cho Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Chấn, và Lê Văn Lăng làm Khâm sai thuộc nội cai cơ, vẫn quản các thuyền hiệu Long phi, Phượng phi và Bằng phi” (TL, I, t. 451).

De Forcant và Vannier được sai nhiệm vụ tải lương. Thục Lục, tháng 11 ÂL (tháng 12/1801) ghi: “Sai chúa tàu Phượng phi là Nguyễn Văn Chấn và chúa tàu Bằng phi là Lê Văn Lăng chở 15.000 phương gạo từ Quảng Nam đến quân thứ Thị Nại” (TL, t. 474).

Về phiá tài liệu Pháp, sự hiện diện của de Forcanz được ghi nhận từ năm 1800, trong lá thư của Le Labousse gửi hội thừa sai Paris, viết ngày 24/4/1800.

Đây là lá thư dài linh mục Le Labousse viết về công trạng của vua Gia Long, có một đoạn nói đến chuyện Gia Long tự đóng tàu theo lối Âu Châu, trong đó có câu: Tàu Bằng Phi [l’Aigle] 26 đại bác, do de Forcant, người miền nam Bretagne, điều khiển” (Cadière, Documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long), BEFEO, t. 39).

Về phiá Pháp, cũng có nhiều chứng từ về việc de Forcant dự trận Thị Nại 1801:

1- Thư của Chaigneau viết cho Barisy ngày 2/3/1801, có câu:

“Barisy thân. Chúng ta vừa đốt sạch thủy quân của địch, không thoát một ghe. Cho tới bây giờ, trận này đẫm máu nhất của quân đội nước Nam. Địch chiến đấu đến chết. Phía ta cũng có nhiều người chết và bị thương, nhưng so với thắng lợi mà vua thu được thì chẳng có gì đáng kể. Vannier, Forcanz và tôi đều dự trận này và trở về lành lặn…” (Doc. Rel., BEFEO, t. 39-40).

2- Lá thư dài của Barisy gửi M. Létondal ngày 11/4/1801, mô tả trận Thị Nại, tuy Barisy không nói đến nhiệm vụ của ba người này trong trận chiến, nhưng có nhắc đến tên ba người Forsanz, Vannier và Chaigneau (Doc. Rel., BEFEO, t. 41).

3- Thư của Le Labousse gửi về Hội Thừa sai, đề ngày 20/4/1801, ở Bình Khang, cũng mô tả trận Thị Nại 1801, nhưng ông viết về nhiệm vụ của những người Pháp này một cách chi tiết, đặc biệt ông kể lại chiến công của De Forcant:

“Chiến thắng lẫy lừng nhất, sẽ để lại dấu ấn trong biên niên sử nước Nam, là vua vừa thắng thủy quân Tây Sơn ở hải cảng Quy Nhơn, chỗ trên bản đồ đề Chine-Chine [Thị Nại]. Ở đó, cách đấy 7, 8 năm trước, ông đã phá hải quân của địch. Ông vừa tái tạo lần thứ nhì hôm 1/3. [...]

“Những sĩ quan Pháp, các ông Chaigneau, Vannier, và De Forcanz, điều khiển các tàu le Dragon [Long Phi], le Phoenix [Phượng Phi] và L’Aigle [Bằng Phi] cũng đi chiến dịch này.

Mỗi người với tàu trang bị khí giới, có nhiệm vụ hộ tống nhà vua và phò trợ tất cả những thuyền chiến trở về. (Ils accompagnèrent le roi chacun avec un bateau bien armé et ce fut eux qu’il chargea de faire entrer toutes les galères).

Nhưng lúc đánh nhau, họ bị giữ lại để hộ tống vua. Khi nghe thấy tiếng đại bác nổ, máu Pháp sôi sục trong huyết quản, vua phải nghiêm cấm mới cản được lòng nhiệt thành của họ. Giữ họ lại bên vua còn khó hơn là thúc quân tiến lên giữa những trận mưa đại bác. Ông de Forcanz đã không dằn lòng trước cơn hăng say chiến đấu; lòng can đảm thúc đẩy, đang đêm lẻn vào cảng một mình đốt hết bảy tàu chiến trang bị khí giới nhiều nhất.

Các ông Vannier và Chaigneau cũng có thể làm được như thế, nếu làm theo lòng can đảm, nhưng các ông nhớ ra rằng mình có nhiệm vụ canh gác cho cả ngai vàng trong con người nhà vua” (Doc. Rel., BEFEO, t. 45-46).

Đoạn văn rất hào hứng này của vị linh mục phô trương lòng nhiệt thành và sôi sục của Vannier, Chaigneau, và nói đến hành động can đảm và chiến công của de Forcant, và cũng cho ta biết: Trong trận Thị Nại, ba người này chỉ huy các tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi có nhiệm vụ hộ tống vua. Một tư liệu khác, cho biết, bộ chỉ huy của Nguyễn Vương đậu ở một vịnh kín đáo, cách chỗ đánh nhau khá xa. Như vậy ta có thể hiểu những tàu hộ tống cũng không phải xông pha tên đạn nhiều.

Lá thư của Barisy, viết ngày 16/7/1801 cho các ông Marquini và Létondal, kể về trận Phú Xuân, cũng nhắc đến tên de Forcanz, Vannier và Chaigneau, trong trận đánh Huế.

Theo Cosserat, thì đó là lần chót ông thấy tên de Forcanz.

Sau chiến thắng Phú Xuân, cả ba người Pháp theo giúp Nguyễn Ánh đến chiến thắng sau cùng là de Forcanz, Vannier và Chaigneau, sẽ được thăng chức Chưởng Cơ. Cả ba đều lấy vợ Việt và ở lại Huế.

Trong thư của M. Audemar, viết tại Nam Kỳ ngày 28/4/1811 báo tin J.M Dayot vừa chết vì đắm tàu, có thêm câu: “M. De Forcanz cũng mới chết và chết trong điạ ngục (en réprouvé); ít ra chúng ta không có một ức đoán nào để tin rằng ông ấy đã tự cứu rỗi linh hồn” (Doc. Rel, BEFEO, t. 61).

Vậy de Forcanz từ trần trong tình trạng bỏ đạo. Ông được chôn ở Huế năm 1811.

Theo Cadière: “Nghe nói de Forcant có nhiều con: cậu Của (Nguyễn Văn Của), cậu Vinh (Nguyễn Văn Vinh), cậu Nhỏ (Nguyễn Văn Nhỏ)… một người đi ra nước ngoài rồi về chết ở Nam Hà. Một người khác, đã kết thúc trong nghèo đói, bên bờ dốc thành nội, nơi anh ta ở, gần kho gỗ cũ (mộc thương). Một người con gái không để lại dấu vết rõ. Cậu Nhỏ có lẽ đã mất lúc còn bé, và được chôn cạnh cha. Còn cậu Của, đã để lại kỷ niệm trong lòng họ đạo Phủ Cam, như một kẻ cờ bạc, không làm ăn gì cả”. (Cadière, bđd, t. 65).

Cosserat (t. 189) trích theo Đức Chaigneau, trong Souvenirs de Huế, (t. 194, note 1) cho biết: nhà ông ở Bao Vinh đối diện với nhà Vannier.

Mộ ông nằm trên bờ phải kênh Phủ Cam, xóm Phủ Tú, làng Dương Xuân, huyện Hương Trà; năm 1898, đề tên mộ Vannier, nhưng Vannier về Pháp và mất ở Lorient. Cadière chứng minh đó là mộ của de Forcant. (Cadière, Les Français au service de Gia Long, BAVH, 1918, II, t. 59-60).