Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long
Chương 7

Montyon và cuốn Thuyết trình thống kê về Bắc Hà

Montyon1

 

Trong chương 6, chúng tôi đã trình bày Chân dung vua Gia Long qua bốn ngòi bút khác nhau của tác giả Sử Ký Đại Nam Việt, của linh mục Le Labousse phụ tá giám mục Bá Đa Lộc, của Shihõken Seishi, thủy thủ Nhật bị đắm tàu, đến Gia Định cuối năm 1794 và của John Barrow, nhà ngoại giao Anh. Các tác giả này đã khắc họa nên những nét chính của vua Gia Long, mà cho tới bây giờ chúng ta chưa được biết.

Chương này, xin giới thiệu cuốn sách Exposé statistique du Tunkin… của Montyon, học giả Pháp, xuất hiện gần như cùng thời với sách của Barrow và cũng bị Maybon hết sức chê bai, khi ông cho in cuốn La Relation sur le Tonkin et la Cochinchine de M. de la Bissachère (Ký sự về Bắc Hà và Nam Hà của ông de La Bissachère) (sẽ dẫn là Ký sự Bissachère), là thủy tổ sự xuyên tạc lịch sử, mà sau này người ta thường dựa vào để viết lịch sử cận đại Pháp-Việt. Nhưng trước khi Maybon cho in thành sách, thì Ký sự Bissachère đã xuất hiện dưới hai hình thức, từ hơn 100 năm trước:

- Năm 1810, Sainte-Croix đã in Ký sự Bissachère nhưng không đề tên tác giả, trong cuốn sách của mình tựa đề Voyage commercial et politique aux Indes orientales… (Hành trình thương mại và chính trị ở Đông Ấn…).

- Năm 1811 ở Luân Đôn và 1812 ở Paris, nam tước de Montyon viết cuốn Exposé statistique du Tunkinsur la Relation de M. de la Bissachère, missionnaire dans le Tunkin (Thuyết trình thống kê về Bắc Hà… về Ký sự của ông de La Bissachère, thừa sai ở Bắc Hà), nhưng nội dung lại có rất ít điều do Bissachère viết ra.

Tóm lại, cái gọi là Ký sự Bissachère, đã xuất hiện 2 lần: lần đầu trong sách của Sainte-Croix, (1810) và lần thứ nhì trong cuốn Ký sự Bissacchère do Maybon biên soạn (sẽ giới thiệu sau).

Tác phẩm của Montyon, tuy trên bìa có tên Bissachère, nhưng lại là một bộ sách hoàn toàn khác biệt với Ký sự Bissachère, xuất hiện sau tác phẩm của Barrow vài năm. Đây là một cuốn biên khảo, đào sâu vào xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, tinh thần vượt trên những toan tính tôn giáo của phái thừa sai và mưu toan chính trị của phe thực dân, tác giả chú ý đến những vấn đề liên quan đến Gia Long như tổ chức quân đội, xã hội dân sự dưới thời chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn… Đó là cuốn sách của một trí thức Pháp, đứng trên sự xuyên tạc lịch sử.

Nam tước Jean-Baptiste de Montyon (1733-1820) là một nhà hảo tâm và kinh tế gia Pháp; khi chết, ông để gia tài cho Institut de France (Pháp quốc học viện) quản lý, lập ba giải thưởng hàng năm về đạo đức, văn chương và khoa học, mang tên Montyon. Năm 1789, cách mạng bùng nổ, Montyon phải sang Anh tỵ nạn chính trị, ông trở về Pháp năm 1814, dưới thời Vương chính trùng hưng (Restauration).

Năm 1811 và 1812, Montyon cho in ở Luân Đôn một bộ sách tựa đề đầy đủ như sau: Exposé statistique du Tunkin, de la Cochinchine, du Camboge, du Tsiampa, du Laos, du Lac-Tho, par M. M-N sur la Relation de M. de la Bissachère, missionnaire dans le Tunkin (Thuyết trình thống kê về Bắc Hà, Nam Hà, Cao Mên, Chiêm Thành, Lào, Lạc Thổ, của ông M-N [M-N là chữ Montyon viết tắt] về Ký sự của ông de La Bissachère, thừa sai ở Bắc Hà. (Imprimeries de Vogel et Schulze, Luân Đôn, 1811). Năm 1812, ông tái bản sách này ở Paris, thay chữ Exposé statistique (Thuyết trình thống kê) bằng chữ Etat actuel (Tình trạng hiện thời) và bỏ chữ “của M-N” (Nxb Galignani, Paris, 1812). Tác phẩm in ở Luân Đôn năm 1811, gồm 2 tập: tập I, 364 trang và tập II, 162 trang, sẽ dẫn là Montyon I II.

Đọc bộ sách dày 532 trang này[1] ta không hiểu tại sao Montyon lại lấy tên sách là Thuyết trình… về Ký sự của ông de La Bissachère, thừa sai ở Bắc Hà và trong bài Introduction (Tựa) lại đề cao đương sự một cách quá đáng: “Ông Bissachère đã ở Bắc Hà 18 năm, đã đi khắp nơi, biết nghe và nói tiếng Việt… đã quen biết những người cầm quyền quan trọng, thường bàn luận với các quan, chính ông cũng được làm quan… nhiều lần được vua tiếp” bởi vì trong sách có rất ít việc rút ra từ ý của Bissachère (và những chỗ ấy phần nhiều là sai). Văn phong và tư tưởng cao hơn Bissachère rất nhiều. Montyon cho biết: “Còn về những dữ kiện mà ông [Bissachère] đã đưa ra những khái niệm, chúng tôi, tự do tìm thêm qua những hồi ký, thư từ, của những người đã sống ở những nước ấy, đã dự kiến vào những biến cố xẩy ra, có đủ tư cách và xứng đáng tin cậy” (Introduction, Montyon I, t. 7-8).

Chúng tôi nhận thấy, trong sách này, có:

1- Những điều chép của Bissachère: Trong phần hình luật dưới thời Gia Long, Montyon viết: “Những hình phạt cho những tội thông thường được xác định bằng điều luật mọi người đều biết, nhưng những tội nặng, nhất là tội về quốc phòng, thì hình phạt được áp dụng một cách bí mật, chỉ quan toà xử tội biết, đôi khi vua hay viện cơ mật còn làm nặng thêm. Vì thế mà hoàng đế đã cho voi xé xác phản loạn Tây Sơn, và cắt từng miếng thịt quân phản loạn cho lính ăn thịt” (Montyon I, t. 230) “Những người đàn bà bị tử hình còn ghê hơn. Họ bị voi tung lên trời, và khi rớt xuống sừng voi đâm thủng và bị chân voi dầy xéo” (t. 231). Cả hai đoạn này đều sai vì phỏng theo đoạn Bissachère viết về việc Gia Long xử tội voi xé xác anh em Tây Sơn và hai mẹ con tướng Bùi Thị Xuân rồi cho lính “ăn thịt” bà Bùi Thị Xuân! Chúng tôi sẽ nói rõ hơn trong phần viết về Bissachère.

Montyon cho những chi tiết về việc Quang Trung ra Bắc đánh quân Thanh: “trên đường đi, bắt tất cả những ai có thể cầm khí giới phải tòng quân, không theo thì giết, đốt nhà…” (Montyon, Tập II, t. 27). Đoạn này cũng chép của La Bissachère; chúng tôi sẽ trở lại sau.

2- Những điều phản bác Bissachère: Phần viết về tôn giáo chứng tỏ Montyon biết khá rõ về tôn giáo ở phương Đông; ông chống lại quan niệm của Bissachère, và chỉ trích người Âu -nhất là các thừa sai, cho rằng dân Việt theo đạo thờ cúng ma quỷ (Idolâtrie)- vì họ không hiểu niềm tin của người Việt, chỉ biết lấy đạo thiên chúa làm chuẩn mực cho các dân tộc khác. Ở Bắc Hà, sự “ngu dốt” của người Âu đã khiến họ coi tất cả những việc thờ cúng là hủ lậu, phải bác bỏ. Đạo giáo ở phương Đông, nhất là nước Nam bắt nguồn từ Trung Hoa và Trung Hoa bắt nguồn từ Ấn Độ… Người Bắc Hà có truyền thống đa thần, thờ nhiều vị thần linh siêu hình, và họ tin rằng từ rừng núi đến đồng bằng, mỗi nơi đều có một vị thần ngự trị, có ảnh hưởng đến đời sống con người (Montyon I, t. 266- 267).

3- Những điều chép của Barrow: Sách của Montyon có vài điểm giống sách của Barrow chứng tỏ hoặc Montyon đã đọc sách của Barrow, hoặc họ dùng chung tài liệu.

Về việc Nguyễn Ánh chạy trốn năm 1777, Montyon viết: “Người thiếu niên Nguy-en-Chung [Nguyễn Chủng, Chủng là tên Nguyễn Ánh hồi nhỏ, chỉ những người không biết rõ như Montyon hoặc những ai muốn hạ thấp Nguyễn Ánh, mới dùng tên này] được mẹ dẫn dắt, trốn vào rừng, trong nhiều tháng dưới một lùm cây rậm rạp…” (Montyon II, t. 22), đoạn này chép Barrow, mà chúng tôi đã trích dịch và nói những điều sai, trong phần viết về Barrow.

Về Tây Sơn, Montyon viết: “Người em thứ nhì, Nguyễn Lữ là một thiền sư, không thiết việc công, không có khả năng điều khiển, nhưng được giới tăng lữ ủng hộ, và giới này ảnh hưởng đến quần chúng, tạo ra một bề ngoài công lý, một giá trị cao cả cho đảng [Tây Sơn]” (Montyon I, t.19). Chỗ này Montyon dùng chung tài liệu với Barrow nhưng viết rõ hơn.

Sách của Barrow và Montyon, đều nên dịch sang tiếng Việt, bởi đó là những điều mà người ngoại quốc đầu thế kỷ XIX nhìn và viết về nước ta, với những thông tin, phê phán đời sống dân tộc, từ tập tục đến cách ăn ở, tôn giáo, lối xây nhà, đóng thuyền, kiến trúc cung điện Huế… một loại “toàn thư” nhỏ, theo quan điểm ngoại quốc, khá khách quan, không có chủ ý bênh vực chính sách thuộc địa. Dĩ nhiên có những cái sai không thể tránh được, nhưng chúng ta có thể đính chính dễ dàng.

Điều đáng chú ý trong bộ sách của Montyon, ngoài những gì có tính cách nghiên cứu dân tộc học, địa lý chính trị xã hội, tổ chức hành chính… nói chung mà chúng ta có thể kiểm chứng lại qua bộ sách đồ sộ Khâm Định Đại Nam Hội Điển Sự Lệ [thường gọi là Hội Điển, của Nội Các triều Nguyễn]; tác phẩm còn đáng chú ý ở những điểm mà quốc sử không viết, hoặc viết thiếu, hoặc viết với cái nhìn khác, cần đọ với tài liệu của người nước ngoài. Tóm lại, Montyon đưa ra nhiều nhận định mới về Việt Nam cuối thế kỷ XVIII, không thấy trong các sách khác.

Về kiến trúc

Montyon nhận xét:

“Ở đây không thiếu gì chất liệu để xây dựng, nhiều đá đẹp, cứng và bóng như cẩm thạch, có đất tốt để nung gạch, nhiều gỗ quý, đẹp. Dân tộc này khéo léo, tinh xảo lạ lùng; tuy vậy kiến trúc lại khiếm khuyết; vì không biết nguyên tắc; ngoài ra, thiên nhiên và luật hành chính cản trở việc xây dựng những toà nhà cân đối, đẹp đẽ, hoành tráng. Ở nhiều nơi, sự ẩm ướt bắt buộc phải để giữa tầng trệt và mặt đất một khoảng trống. Dân chúng không có quyền xây nhà bằng đá và nhiều từng; những cơ sở lớn như chùa chiền và đền đài cũng làm bằng gỗ, để khi bão, dễ chống đỡ, đỡ bị tàn phá. Rất nhiều dinh thự lớn chỉ có tường chính làm bằng đá hay gạch, chỗ còn lại là gỗ cả. Nhà cửa không cân đối, tuy cũng có chút đối xứng, trông như một khối nhiều nhà rộng, không ra hình dạng gì, tuy nhiên, cái vô trật tự đó cũng có vẻ uy nghiêm riêng, nó phản ánh địa vị quan trọng của người chủ nhà” (Montyon I, t. 148-149).

Nhận xét khá tinh tế, Montyon phê bình khắt khe kiến trúc Việt, vì ông nhìn kiến trúc và trang trí theo quan niệm Âu châu, coi những gì Á Châu làm là “không có nguyên tắc”. Điểm đáng chú ý ở đây: tuy chê, nhưng ông không viết như những ngòi bút thuộc địa, thường cho rằng kiến trúc thành trì của người Việt, toàn là Vauban do Puymanel xây dựng, trước khi người Pháp đến Việt Nam không có gì cả!

Về cung điện Phú Xuân, ông viết:

“Những thành phố có nhiều nhà đẹp nhất là Bac-Kin, thủ đô Bắc Hà và Phú Xuân, thủ đô Nam Hà, nơi hoàng đế ngự trị cùng gia đình và quân cấm vệ, đây là một thành đài chiến đấu (forteresse). Quần thần và dân chúng ở ngoại thành. Từ khi kinh đô Bắc bỏ trống, một phần vì bị chiến tranh tàn phá nhưng vẫn để lại những di tích huy hoàng, thì Hoàng cung (le palais de l’Empereur) là dinh thự đẹp nhất nước, có nhiều dinh cơ, vườn rộng mênh mông, có thành luỹ bao quanh, chu vi hai, ba dặm [4 đến 8 cây số], có bốn cửa, theo đúng bốn phương chính. Vào trong cung điện phải xuyên qua nhiều sân, có sân dành riêng cho trại cấm vệ, sân dành cho chuồng ngựa và voi; cung vua hình vuông, hình thức đặc biệt của bậc đế vương; bước lên mấy bậc cẩm thạch mới tới tiền đình. Cung điện có hai tầng, nhiều sảnh đường lớn với rất nhiều cột, cơ man là vàng, trang hoàng kỳ quái và nặng nề, trạm trổ không đẹp, những hình ảnh u ám, vàng dát không đạt hiệu quả. Sự trang hoàng duy nhất đáng khen ngợi là những cột gỗ lim, rất cứng, đặc, chắc, nâu sậm, thứ gỗ nổi tiếng đẹp, nhất là khi nó ngả sang mầu gụ, có vân giống như cẩm thạch, chà bằng lá chuối thì gân nổi lên, nhẵn, bóng, đẹp như véc-ni hảo hạng ngang ánh thủy tinh; những cột này phản chiếu ánh sáng, khiến ta liên tưởng đến những lâu đài pha lê, kim cương, trong truyện thần thoại; nhưng chúng vĩ đại mà không cân đối; những cột ở cửa cung điện có khi cao tới 40 pieds [12,96 m], chu vi chân cột là 5 pieds [1,62m] lên trên thon dần, không có bệ, không có đầu. Cột đặt thẳng trên một hòn đá vuông, chôn sâu dưới đất, trồi lên độ một hai tấc.

Nhất cung điện nhà vua, nhì đền chùa ngoài Bắc, lớn rộng và tráng lệ hơn trong Nam. Vài du khách đầu óc nhỏ nhen, hiểu lầm, gọi chỗ chứa đồ tế nhuyễn là đền” (Montyon I, t.149-151).

Có lẽ đây là sự mô tả sớm nhất của người ngoại quốc về cung điện Huế khi Gia Long mới xây xong phần cốt lõi năm 1805, đó là Cung thành (sau Minh Mạng gọi là Tử cấm thành) và điện Thái Hoà. Khi ấy, Kinh thành còn đắp đất, đến năm Minh Mạng thứ 17 (1836) mới bắt đầu xây gạch (Đại Nam Nhất Thống Chí, tập I, nxb Thuận Hoá, 1992, t.18).

Montyon không thoát khỏi đầu óc cố hữu của người Tây phương, vẫn đem những mẫu mực về cái đẹp của người Âu để đọ và chê cách bài trí cung điện của Gia Long.

Võ Liêm, trong bài La Capitale de Thuận Hoá (Huế) (Kinh đô của Thuận Hoá (Huế), BAVH, 1916, III, (t. 277-288), đã chứng minh sự xây dựng Kinh thành Huế do chính vua Gia Long thực hiện. H. Cosserat trong bài La citadelle de Huế, Cartographie, sau khi trích dẫn Võ Liêm, lại khẳng định một lần nữa: “Hai trích đoạn mà tôi vừa dẫn ở trên, như ta thấy, tuyệt đối chính xác, không cho phép bằng bất cứ cách nào, có thể nghĩ rằng người Âu đã xa gần nhúng vào việc xây thành đài Huế” (BAVH, 1933, tập I và II, t. 3-4).

Theo Hội ĐiểnĐại Nam Nhất Thống Chí, công trình xây cất cung điện Huế trải dài suốt đời Gia Long sang đời Minh Mạng.

Phần Montyon mô tả chính là Hoàng thành và điện Thái Hoà, xây năm 1805, Đại Nam Nhất Thống Chí ghi: “Chu vi 4 dặm linh, cao 1 trượng 5 thước, dày 2 thước 6 tấc, xây gạch, nam và bắc đều dài 151 trượng 5 thước, đông và tây đều dài 155 trượng 5 thước, mở bốn cửa: phiá trước là Ngọ Môn, phiá tả là cửa Hiển Nhân, phía hữu là cửa Chương Đức, phiá sau là cửa Hoà Bình. Phiá trong Ngọ Môn là điện Thái Hoà, là chính điện đại triều…” (ĐNNTC, tập I, t. 20).

Những thông tin này xác định kinh đô Huế là sản phẩm hoàn toàn Việt Nam, không hề có bàn tay Pháp, cũng không theo kiểu Vauban, như Cadière lập lờ xác nhận, sẽ nói đến sau.

Về chúa Trịnh và vua Gia Long

Montyon chỉ trích chúa Trịnh ở Bắc tàn ác độc tài và tỏ ý kính phục đức độ của chúa Nguyễn trong Nam, ông viết:

“Trong thời gian ấy, Đàng Trong do các chúa cai trị, hầu hết đều có tài, đức, một số là những vĩ nhân, tự luyện, tự học, đạt được sự kiên quyết lớn lao, trở thành địch thủ của thế lực mà họ còn phụ thuộc vào [chỉ chúa Trịnh].(…) Người nổi tiếng nhất là Hien- Nquien-Vuong [Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần], nhờ ông mà Đàng Trong chiếm thêm một phần đất Chiêm Thành, thêm những tỉnh ven biển của Chân Lạp, và kiện toàn nền văn minh Đàng Trong” (Montyon II, t. 14-15). Montyon kê khai tên các chúa trong Nam khá đầy đủ, chỉ thiếu Quốc Chúa Nguyễn Phước Chu (1691-1725). Sự nhận xét về các chúa cũng đúng, đặc biệt ông biết chúa Hiền Nguyễn Phước Tần là bậc anh hùng, trong khi ở các tài liệu của nhà dòng thời ấy, chúa Hiền bị các thừa sai gọi là “bạo chuá”.

Về vua Gia Long, Montyon viết:

“Vua Nam Hà, bị đánh đuổi, lẩn trốn, rồi trở lại đất mình. Lại bị đuổi đánh, lại trở về. Bao lần thắng, bại, cuối cùng khôi phục được ngai vàng, nhờ quyền thừa kế, nhờ sức chinh phục, ông thu hồi cả miền Bắc, quan trọng hơn; và như thế trong vùng bán đảo Ấn Độ, ngoài cõi sông Hằng, một cường quốc chưa bao giờ lớn như thế xuất hiện. Qua bao thăng trầm trôi nổi, ta đã thấy một bên là những ý đồ thâm sâu phối hợp như thế, những bất trung bất nghiã quỷ quyệt như thế, những mưu lược cả gan, kỳ lạ như thế, những cảnh tượng bi đát và tàn nhẫn như thế; một bên là sự can đảm chống lại những bất hạnh như thế, một thiên tài trác tuyệt như thế, và cuối cùng đưa đến một kết quả [bất ngờ] không liên lạc với những gì đã xẩy ra trước đó như thế [chỉ sự thống nhất đất nước]; từ những biến cố này, nổi bật lên một dấu ấn phi thường, không giống bất cứ lịch sử của một xứ nào, của một thế kỷ nào, cổ xưa hay hiện đại” (Montyon II, t. 3-4).

Chân dung Gia Long, do Montyon phác thảo, cũng khá gần gụi gụi với những mô tả của Le Labousse, Barrow, mà chúng tôi đã trình bày trong chương trước. Và ông cũng xác định Gia Long khôi phục được ngai vàng, nhờ quyền thừa kế, nhờ sức chinh phục, chứ không phải nhờ sự giúp đỡ của những người lính Pháp, như sau này người ta tìm cách thêu dệt nên.

Anh em Tây Sơn bất hoà

Về việc anh em Tây Sơn đánh nhau, Montyon viết: “Quá mạnh để chấp nhận ông anh là bề trên, Huệ sai người đến trình bày với anh là mình muốn đứng riêng một cõi. Người anh nổi giận, sai chặt đầu các sứ giả của Huệ, và lên cơn tàn bạo quá đáng. Quang Trung trả thù, cầm quân đến đánh anh. Nhưng kết quả của sự phân liệt này là họ hội đàm với nhau về tình hình nổi dậy ở miền Nam, và bắt buộc họ phải bỏ qua thù hận” (Montyon II, t. 28).

Sự “Nhạc chặt đầu các sứ giả của Huệ”, không thấy ghi ở đâu. Có thể Montyon đã đọc thông tin của một vị thừa sai sống trong triều đình Thái Đức. Nếu đúng, đây là một nguyên nhân gần, cần tìm hiểu thêm, nó giải thích lý do tại sao Nguyễn Huệ đem binh vây Qui Nhơn, mà các nhà nghiên cứu thường chỉ đưa ra giả thuyết vì “Huệ không chia cho anh của cải cướp được ở Bắc Hà”.

Về việc lính Pháp giúp Nguyễn Vương

Montyon có lẽ là người Pháp hiếm hoi viết một câu như sau: Vài sĩ quan Pháp theo giúp Nguyễn Chủng, tập cho quân sĩ kỷ cương và vài nhà buôn Pháp bán tàu cho ông.

Dân chúng mỏi mệt vì chiến tranh, và cũng vì kiệt sức hai bên tạm dừng trong một thời gian: nhưng Nguyễn Chủng lợi dụng cơ hội này để xây dựng đồn luỹ theo lối Tây phương, làm tàu chiến theo mẫu những tàu Pháp mà ông mua được” (Montyon II, t. 34).

Điều Montyon xác nhận “vài sĩ quan Pháp theo giúp Nguyễn Vương” sẽ được chứng minh dần dần qua các tư liệu. Những ngòi bút thuộc địa thổi phồng con số lên thành vài trăm.

Về kỹ nghệ đóng thuyền và thuyền chiến bọc đồng của Việt Nam

Về kỹ nghệ đóng thuyền ở Việt Nam, Montyon, trong phần trích dẫn dưới đây, so với những gì Barrow viết về việc này (đã trích dẫn trong chương 4) cho thấy hai người có những điểm đồng quy, nhưng Montyon có thêm những thông tin khác:

“Về việc đóng thuyền, nước này [nước Nam] có một kỹ thuật đặc biệt: những tấm ván làm thuyền được buộc chặt với nhau bằng dây mây, thay đinh, lối ráp này khiến thuyền uyển chuyển hơn, đặc biệt chống lại sóng biển.

Những thuyền lớn, ngoài tay lái thường, còn một tay lái phòng hờ có hình thể đặc biệt. Tay lái thường, ngắn, được gắn gần như thẳng góc; tay lái khác thường dài hơn, được gắn gần như nằm ngang: khi gió to, người ta dùng tay lái khác thường, khiến tàu đi nhanh hơn. Khi biển động, dùng cả hai tay lái.

Tàu đi gần biển nhỏ hơn tàu của người Hoa, có hình dạng cổ xưa, thuỷ bàn (vành đỡ nước) còn khiếm khuyết nên tàu đi chậm.

Ít lâu nay, người Bắc Hà làm tàu đi bể theo lối Tàu, nghiã là phân chia hàng hoá ra từng ngăn riêng dành cho mỗi chủ, bằng ván gắn vào tàu và trét các kẽ hở cho kín để nước không thấm được; vì vậy, khi tàu nhận một cú sốc mạnh, không bị rối loạn ngay tức khắc, và khi tàu bị thủng một lỗ hổng nước chảy vào, cũng dễ biết lỗ ấy ở đâu.

Tàu chiến chia làm 2 loại: thuyền buồm nhiều tay chèo (galère) hoặc chiến hạm (vaisseau). Thuyền chiến buồm, dài từ 50 đến 80 pieds [16,20m đến 25,92m] làm bằng ván dài như chiều dài thuyền. Mỗi bên có một hàng người chèo, trang bị từ 15 đến 20 đại bác, từ 6 đến 12 đơn vị đạn.

Chiến hạm, lớn hơn, thân tàu vững hơn và kiến trúc tốt hơn tàu Trung Hoa. Từ vài năm nay, còn có biến chuyển thuận lợi: chấp nhận phương pháp Âu châu để làm tàu, nhưng phần cột buồm và cánh buồm chưa hoàn hảo, nhiều cột buồm còn làm bằng một thân cây độc nhất, không vững như khi được giữ bằng các ngăn trong tầ\àu, lại không có đài (hune) trên cột buồm nên lái khó; trục buồm buộc vào cột buồm, chỉ ở hai đầu chứ không ở giữa, cánh buồm được bố trí khá nghệ thuật, để cắt gió, nhưng vì làm bằng lá hay những chất khác không bền như gai, nên không vững chống gió; khi bị thấm mưa, phải tưới nước bể lên, và dù bị thấm nước gì, nếu không khô ngay trong vòng 24 tiếng đồng hồ thì sẽ bị mục.

Việc bọc đồng và những kỹ thuật tân tiến khác cũng đã được biết đến, nhờ sự kiểm tra các tàu Tây phương, nhưng chưa thấy thực hiện.” (Montyon I, t. 128-130).

Montyon và Barrow, dường như dùng hai tài liệu khác nhau, nhưng gặp nhau ở điểm: kỹ thuật đóng tàu của Việt Nam khác với kỹ thuật Tây phương.

Montyon đặc biệt chú ý đến tay lái khác thường của tàu chiến Việt Nam:

Những thuyền lớn, ngoài tay lái thường, còn một tay lái phòng hờ có hình thể đặc biệt. Tay lái thường, ngắn, được gắn gần như thẳng góc; tay lái khác thường dài hơn, được gắn gần như nằm ngang: khi gió to, người ta dùng tay lái khác thường, khiến tàu đi nhanh hơn. Khi biển động, dùng cả hai tay lái.

Sự “khác thường” này, chúng tôi lại thấy Trịnh Hoài Đức có viết. Trong đoạn nói về việc chặt cây, lấy gỗ, làm lạt, đóng tàu thuyền; ông ghi sự sáng tạo của Đỗ Thanh Nhơn, đặc biệt trong việc đóng tàu chiến, có câu:

Tháng 7 năm Canh Tý (1780)… Thanh Nhơn mới sáng chế đóng thuyền chiến, làm bánh lái dài để đi đường biển yên ổn, nhưng vẫn để bánh lái tròn khi trước để dùng khi đi đường sông, gọi là thuyền hai bánh lái, phiá trên gác sàn chiến đấu, hai bên treo phên tre để che cho thuỷ binh ở dưới chuyên lo chèo chống, trên thì bố trí bộ binh để xung kích, nhờ vậy mà kỷ xảo của thuỷ sư càng tinh nhuệ, đến nay [khoảng 1820] cũng vẫn theo” (Trịnh Hoài Đức, Vật sản chí, Gia Định Thành Thông Chí).

Theo Montyon, khi ông viết những dòng này (vào khoảng sau 1800) thì Nguyễn Vương đã biết các kỹ thuật mới như tàu bọc đồng, nhưng chưa áp dụng. Nhưng có lẽ ông lầm, Nguyễn Vương có tàu bọc đồng từ rất sớm, bằng cách nào thì ta sẽ phải điều tra thêm. Chỉ biết:

“Ngày 9/4/1785 (ngày 1/3Ất Tỵ), Nguyễn Ánh sang Xiêm với 30 quần thần, 200 quân và 5 chiến thuyền: Phượng Phi, Bằng Phi, Hùng Trì, Chính Nghi, Thuyền Ô” (TL, I, t. 223).

Điều này chứng tỏ Nguyễn Ánh đã mua hoặc đã đóng được thuyền bọc đồng (vì Phượng Phi và Bằng Phi là tàu bọc đồng) từ năm 1785. Tàu Phượng Phi năm 1790 giao cho Trần Văn Học và Nguyễn Văn Chấn (Vannier) cai quản (Liệt truyện II, t. 282). Tháng 3/1801, Long phi, Phượng phi và Bằng phi giao cho Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier), và Lê Văn Lăng (de Forcanz) điều khiển (TL, I, t. 432).

Liệt truyện về Võ Di Nguy, ghi: “Năm Mậu Thân [1788], mùa thu, lấy lại được thành Gia Định, vua gọi Di Nguy về, sai coi thuyền Nội thủy, Trung thủy, bổ làm Khâm sai thuộc nội cai cơ, đốc làm thuyền Đại Chiến, thuyền Hải Đạo.”

Và: “Năm Ất Mão [1795] quân giặc vào Đà Diễn, Di Nguy đem thuyền quân tiến sát đến đảo Sầm, hợp với Trương Phúc Luật đánh giữ, giặc phải lui. Di Nguy cùng ngay với Phạm Văn Nhân đem Tả quân đi thuyền lớn bọc đồng chạy đến thành Diên Khánh.” (LT, tập 2, t. 121).

Như vậy, ngay từ năm 1785, Nguyễn Ánh đã có thuyền chiến bọc đồng, năm 1788, sai Võ Di Nguy đốc làm thuyền Đại Chiến, thuyền Hải Đạo.

Vậy, Montyon cũng như Le Labousse đều chép lầm khi tưởng rằng đến năm 1800, Nguyễn Ánh mới đóng được tàu bọc đồng, như trong thư ngày 24/4/1800 của Le Labousse, được nhiều người trích dẫn.

Thêm một chứng nữa, là trong Hịch của Quang Trung tháng 8/1792 (sẽ đăng kỳ tới) cũng nói đến tàu bọc đồng, vậy có thể xác định chắc chắn là Nguyễn Vương đã có tàu chiến bọc đồng từ trước 1792, có thể vào năm 1788, khi sai Võ Di Nguy đóng thuyền Đại chiến và thuyền Hải đạo.

Theo bản thống kê của Hội điển về các tàu thuyền ở Huế, không ghi rõ năm, nhưng ta hiểu đó là đầu đời Gia Long, vì thời Minh Mạng đã bắt đầu có tàu chạy bằng hơi nước hay máy:

“Ở Kinh sư có 265 chiếc. (Các hạng thuyền bọc đồng 29 chiếc, thuyền vận chuyển đường biển 10 chiếc, thuyền vận chuyển đường sông 3 chiếc, thuyền vượt biển lớn 25 chiếc, thuyền vượt biển vừa 15 chiếc, thuyền vượt biển nhỏ 10 chiếc, thuyền tàu Ô 9 chiếc, thuyền sơn đỏ 6 chiếc, thuyền sơn đen 14 chiếc, thuyền đầu nhỏ 2 chiếc, thuyền con 19 chiếc, thuyền xuồng 11 chiếc, thuyền xuồng kiểu mới 6 chiếc. Các hạng thuyền con 34 chiếc, thuyền lồng 2 chiếc, thuyền nhẹ 11 chiếc). (Hội Điển, Bản nxb Thuận Hoá, 1993, Tập 13, quyển 205, t. 16-17).

Sau chiến tranh, mà Huế còn 29 tàu bọc đồng, vậy trong thời chiến, Nguyễn Vương có bao nhiêu tàu bọc đồng? Chắc chắn không chỉ có ba tàu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, do Chaigneau, Vannier và de Forcanz điều khiển, được các sử gia thuộc địa hết sức đề cao, coi như chỉ có “người Tây” mới điều khiển được “tàu Tây bọc đồng”.

Gia Long trực tiếp điều khiển việc đóng tàu

Như trong chương 6, Chân dung vua Gia Long, tất cả các tác giả đều nói Nguyễn Ánh trực tiếp điều khiển mọi việc, ở đây, Montyon lại xác định thêm một lần nữa:

Ông [Gia Long] là người giỏi nhất về chiến thuật, là kỹ sư giỏi nhất, là người kiến trúc tàu giỏi nhất, ở xứ ông”. Và ông chú thích: “Để thu thập kiến thức đóng tàu, ông không làm như César Pierre đệ nhất, là cầm búa, cũng không trở thành thợ mộc, mà ông mua một chiến hạm kiến trúc Tây phương, rồi tháo ra từng mảnh và lắp lại, để biết rõ đối tượng: về tính chất kiên cố, về chủ lực của nó và về sự chắp nối tất cả những thành phần khác nhau.” (Montyon II, t. 52).

Việc Gia Long mua tàu chiến của Tây phương làm mẫu, Barrow có ghi lại và Le Labousse cũng viết trong thư ngày 28/4/1800. Theo Hội điển, phương pháp làm tàu thời Minh Mạng đã tiến dần đến “kỹ nghệ hoá”: chế mẫu sẵn từng mảnh của mỗi loại thuyền, tàu, thợ cứ theo thế mà ráp, lắp.

Trở lại việc lấy một tàu Tây phương làm mẫu, việc này đã có từ thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635), chúa đã lấy những tàu Tây phương bị bão dạt vào bờ làm mẫu, để hiện đại hoá tàu thuyền của mình. Vì thế, chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687), khi còn là Thế tử Dũng Lễ Hầu đã thắng hạm đội của Hoà Lan ở Cửa Eo (cửa Thuận An) năm 1644.

Người đọc hôm nay sẽ hỏi: làm sao có thể đóng tàu bằng cách tháo ra ghép lại như Nguyễn Ánh làm? Nhưng ở cuối thế kỷ XVIII, sự tiến bộ về khoa học của Tây phương chưa thực xa, tàu Tây và tàu Ta, chưa khác nhau nhiều. Trong phim The Bounty của Roger Donaldson (I984) với Mel Gibson và A. Hopkins, đạo diễn đã thiết kế rất rõ chiếc tàu chiến buồm của quân đội hoàng gia Anh năm 1787, và mô tả cuộc sống, trình độ lính thủy và các sĩ quan. Chúng ta có thể xem phim này để hiểu điều kiện sống tên tàu, tại sao lính thuỷ đào ngũ, khi tới châu Úc, châu Á, những vùng đất hứa; và lại có người bỏ tàu đi đánh thuê cho Nguyễn Ánh hoặc đi buôn, tìm của, tìm vàng… Chuyện những thủy thủ nổi loạn trên tàu The Bounty, cho chúng ta những bức hình nổi của các chuyến tàu Tây phương sang Á Châu thời ấy.

Barrow và Montyon đều cho biết Gia Long không làm tàu giống hệt Tây phương, mà chỉ lấy những cái hay của tàu Tây và giữ lại cái hay của tàu Việt.

Tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh

Hầu hết các sử gia thuộc địa đều cho rằng những người Pháp đóng vai trò hàng đầu trong tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh, chính họ đã xây dựng nên quân đội này và giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại ngai vàng. Chúng ta cần tìm hiểu rõ tổ chức quân đội đó là gì? Được cấu trúc như thế nào? Những người Pháp đã giữ những chức vụ gì trong đó và họ đã lập những chiến công nào? Montyon là người biết khá rõ về tình trạng quân đội của Nguyễn Ánh, nhờ những điều ông viết, mà ta có được hình ảnh rõ nét của tổ chức binh bị này; trước hết, về đời sống quân ngũ, y phục, khí giới, sau đến cách chia đơn vị và bộ chỉ huy.

Về điều kiện sống và quân phục dưới thời Gia Long, Montyon viết:

“Khẩu phần lính mỗi ngày là một đọi [tô] rưỡi gạo, tức là vào khoảng 5 hay 6 cốc café của chúng ta [Pháp] do vua ban. Còn lương bổng và quần áo thì địa phương lo (…) Thấp nhất là 2 quan tiền một tháng, cao nhất là 6 quan tiền [tác giả chú thích: chiếu theo giá đồ ăn rất rẻ thời đó, thì nghi có sự sai lầm trong thông tin] nên có bất công trong sự khác biệt này.

Lính được phát y phục một năm hai lần, gồm có một áo nịt mặc sát người, bằng vải hay lụa, thô; trên áo nịt là một áo chiến bằng toan hay nỉ dầy mua của Tàu có lẽ buôn từ Âu châu sang. Áo chiến tay rộng, cổ đứng, dài tới ngang lưng, quần dài quá đầu gối; ống chân và bàn chân để trần. Đầu đội mũ tròn có chóp, trang trí bằng một chùm lông gà. Mũ bằng rơm hay sợi tre bện lại, đánh vec-ni, không thấm nước, đầu quấn một mảnh vải hay lụa dài 15 đến 20 pieds [4, 86m đến 6, 48m] để tránh bị kiếm chém, có mũ đội lên trên.

Tất cả quần áo này, trừ áo nịt, là đồng phục, mầu đỏ quốc gia, có vài dấu hiệu để phân chia binh chủng khác nhau. Người lính đeo trên cổ hai túi nhỏ, một đựng trầu cau và túi kia để thuốc lá. Ngoài ra, còn khoác trên vai một túi dết đựng quần áo cũ, tiền bạc và khi đi hành quân ở những nơi không có trạm lương thực, họ đem theo gạo ăn cho sáu bẩy ngày”.

Về trang bị vũ khí và cách dàn trận, chiến đấu, Montyon viết:

“Hoàng đế cung cấp vũ khí: mỗi người một súng trường và dao nhọn cắm đầu súng, một thanh kiếm, một thương dài, một búa, một gậy chập hai: tức là hai gậy bằng nhau, gỗ rất cứng, đầu bó vào nhau bằng một chùm tóc nhồi vào trong. Đó là thứ vũ khí kinh hồn nhất: khi biết sử dụng, bằng một cử động chớp nhoáng, nó chém đứt kiếm, thương, và chặn đạn.

Khí giới và cách vận dụng đã tiến triển nhiều. Người ta còn mua của Anh và Pháp súng máy và súng lưỡi lê. Hiện nay, hầu như tất cả quân đội Bắc Hà đều được trang bị như thế, còn súng hoả mai rất hiếm.

Hoàng đế cung cấp cho quân đội đại bác Âu châu, tốt hơn đại bác bản xứ. Trong những công binh xưởng, khí giới được quản lý kỹ, số lượng rất lớn, cất giữ chỗ kín để tránh bọn bất lương nhòm ngó.

Dụng cụ âm nhạc trong quân đội là trống, cũng giống như trống Âu châu, còn thêm trống chuông, ống tiêu, các loại kèn khác nhau, chũm choẹ (cymbale), hai miếng gỗ gõ vào nhau. Quân nhạc khá hay, nhưng hơi ồn, cho phép quân đi đúng điệu.

Thuốc súng chế tạo đã tốt hơn trước, nhưng vẫn chưa bằng thuốc súng của người Âu; cháy chậm hơn, và nổ nhỏ hơn”.

Như vậy, cả hai miền Nam Bắc đều mua khí giới của nước ngoài, để bổ sung cho phần vũ khí chế tạo trong nước. Montyon cho rằng cách luyện tập chiến đấu cũng đã ít nhiều được hiện đại hoá theo lối Tây phương, ông viết:

“Các quan chỉ huy, điều khiển trận địa bằng những lá cờ nhỏ, vị trí và hướng cờ chỉ lệnh. Nhưng khi đánh nhau, các quan không đi trước: cai đội đi sau đội quân, trưởng hiệu đi sau hiệu quân.”

“Nói tóm lại, trại quân, dàn trận, chiến đấu, tất cả đều được điều khiển theo lối Tây phương, tuy nhiên cách vận dụng khí giới chưa được khéo léo, mau lẹ; mất nhiều thì giờ để lên đạn, bắn chưa trúng lắm, đại bác chưa biết nhắm trúng.

Trong những trận đánh cuối cùng, người ta đã dùng pháo bay (artillerie volante), hiệu quả vô cùng, người trong nước [chỉ quân hai bên] sợ lắm; họ bảo đó là sấm dây và là khí giới tàn phá không thể chống lại được“.

“Hệ thống đồn lũy theo kiểu châu Âu đã được sử dụng để xây thành đài, không thể xâm nhập được khi bị những người trong nước bao vây” [chỉ quân hai bên, ở đây nói đến sự kiên cố của thành Diên Khánh, bị hai bên đánh đi chiếm lại nhiều lần, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề Diên Khánh sau] (Montyon I, t. 254-258).

Thuỷ binh

Theo thư Victor Olivier (de Puymanel) gửi Stanislas Lefèbvre ngày 16/4/1798, thì hải quân của Nguyễn Ánh lúc đó [1798] gồm 447 chiến thuyền và 42.000 người (Salles, Jean Baptiste Chaigneau et sa famille, BAVH, 1923, I, t. 54).

Thuỷ binh là sức mạnh của quân đội Nguyễn Ánh, chuyển động rất nhanh khi thuận gió mùa. Theo Montyon, thủy binh được trang bị vũ khí như sau:

“Thủy binh được tổ chức như bộ binh. Thủy thủ là những người lính, khí giới chỉ khác [bộ binh] là thương của họ dài hơn. Lực lượng thủy quân quan trọng hơn [lục quân], khi các vùng -hiện nay đã quy vào một mối- còn dưới sự lãnh đạo của nhiều lãnh tụ. Vì các “nước” này đều nằm trong vịnh, nên một bờ biển có thể tấn công dễ dàng bờ biển khác, đường biển ngắn hơn đường bộ nhiều.

Vua Nam Hà khi còn dẹp loạn, chỉ mới chiếm lại vài tỉnh, mà đã có 200 thuyền chiến buồm (galères) và 25 chiến hạm (frégates) trang bị 10 đại bác, ngoài hai cỗ ở đầu và cuối tàu.

[Sau chiến tranh] số thuyền tàu đã giảm đi, nhưng được vẽ lại kiểu, trước hết là phần dưới, rồi đến phần trên, và sau cùng là cột buồm. Có thuyền chiến (barque de guerre) chở 50 người và những tàu nhỏ (chaloupe) trang bị 25 đại bác và đằng trước có một khẩu đại bác dài, nhỏ kiểu xưa (coulevrine). Những tàu thay thế thuyền chiến buồm, lớn hơn và tốt hơn, trang bị từ 12 đến 20 đại bác, từ 6 đến 12 đơn vị đạn. Ngoài ra hạm đội còn được tăng cường bằng những tàu chiến mua của người Âu.

Từ khi hoà bình, hoàng đế đã quy tụ được tất cả các sức mạnh thủy binh chống đối dưới trướng, ông coi nhẹ thủy binh hơn trước, bởi không thật cần thiết nữa; hai phần ba lính thủy được cải chế và sát nhập vào bộ binh; ông không mua tàu ngoại quốc nữa và cũng ít đóng thêm tàu. Còn ba chiến hạm được giữ lại trong số những tàu đã mua, cũng không dùng đến, để mắc cạn trong bùn, 200 chiến thuyền khác chỉ dùng chở gỗ, lương thực, hàng hoá, là thứ thuế đóng bằng sản vật, dành để cung cấp tư liệu cho những đồ chế biến của nhà nước.

Mặc dầu chưa biết rõ lối đóng tàu biển theo kiểu Tây phương, và cũng chưa biết thuật vận dụng, thêm những người chỉ huy không biết thuật sơ đẳng của thủy binh; và khi thủy binh không có kiến thức, không biết dùng địa bàn (boussole), thì không thể làm gì được cho sự vận chuyển, cho những cuộc hải chiến.

Tuy nhiên điểm làm cho thủy binh này rất dữ dội, đó là những hoả pháo to bằng cánh tay, chứa đựng hoả chất dùng để đốt phá thuyền, tàu địch; nước ở dưới tàu, thay vì dập tắt lửa, lại làm cho lửa bùng lên, chỉ có thể dập tắt bằng đất; người ta cũng dùng hoả pháo này trên bộ, nhưng nó bớt nguy hiểm hơn vì dễ dập tắt.” (Montyon I, t. 258-261).

Những thông tin trên đều rất đáng chú ý, duy có nhận xét: “những người chỉ huy không biết thuật sơ đẳng của thủy binh, không biết dùng địa bàn, không biết vận chuyển”… cần phải xét lại, bởi nếu quả thực tình trạng chỉ huy như thế thì ai là người cai quản hạm đội Kinh đô gồm 265 chiếc tàu thuyền, với 29 tàu bọc đồng, 25 thuyền vượt biển lớn, v v… ghi trong Hội điển? Và lấy gì giải thích các chiến thắng của Nguyễn Vương trên quân đội Tây Sơn, phần lớn dựa vào thủy chiến?

Ngoài ra, “hoả pháo” mà Montyon nói tới ở đây, không biết có phải là “Hổ lửa” mà Tôn Sĩ Nghị nói tới trong điều thứ năm của bản Tám điều quân luật, răn tướng sĩ, như sau:

“Quân Nam không có “sở trường” gì khác. Họ chỉ dùng các “ống phun” làm thứ lợi khí. Thứ lợi khí ấy gọi là “Hổ lửa”. Trong khi hai bên giáp nhau họ dùng vật ấy đốt cháy quần áo người ta, để cho người ta phải lui. Nhưng cái thuật ấy cũng chỉ như thế mà thôi, so với súng ống của ta còn kém xa lắm. Hiện đã chứa sẵn vài trăm “lá chắn” bằng da trâu sống, nếu gặp “ống phun” của người Nam phun lửa, quân ta một tay chắn đỡ lửa, một tay cầm gươm chém bừa, họ sẽ phải lướt ngã” (Hoàng Lê nhất thống chí, t. 283).

“Hổ lửa” có lẽ không dễ dập tắt như vậy, cho nên Tôn Sĩ Nghị đã không đại thắng. Những người ngoại quốc khi đến nước Nam có ý kinh mạn thường hay gặp chuyện bất ngờ.

Tình trạng dân chúng trong chiến tranh

Theo Montyon, trong chiến tranh Nguyễn Ánh-Tây Sơn, người dân không bắt buộc phải theo phe nào, họ có quyền đứng trung lập, ông viết:

“Chiến tranh ở xứ này đã gây những tàn phá lớn lao, tàn ác khôn lường, tuy nhiên có những trường hợp các tướng đã thiết lập một quân lệnh nghiêm minh chưa từng thấy ở Âu châu; trong cùng chiến tranh này, người ta thấy một binh đội tiến đánh quân Tàu xâm nhập miền Bắc lãnh thổ trên đường đi dùng bạo lực, cướp bóc, vô cùng tàn ác, bắt tất cả những ai có thể cầm khí giới phải đi theo, nếu không thì giết; không chịu tiếp tế cho quân đội hay lẩn trốn thì bị đốt nhà; người già, đàn bà, trẻ con không còn gì để ăn.[Đoạn này viết theo Bissachère chỉ thái độ của quân Quang Trung khi đi đánh quân Thanh, nên rất sai lầm; Thực Lục và Liệt Truyện, ghi rõ và đúng hơn]. Nhưng trước đó ít lâu, một đoàn quân khác [quân Tây Sơn] đến vây thành của vua Nam Hà [Gia Định] nhận được kỷ luật sắt: lính không được lấy gì của dân mà không trả đúng giá, không được vào nhà dân mà không được họ cho phép. Binh lính hai bên đánh nhau, dân đứng nhìn, tiếp tế cho quân đội và được trả đúng giá những gì họ cung cấp, chỉ bắt buộc phải công nhận người chiến thắng làm minh chủ.

Đây cũng là một nhận xét về cuộc chiến khá đặc biệt, cho ta hiểu rõ hơn tâm lý người dân, tại sao dân miền Nam có thể sống còn qua bốn lần Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Đinh đánh đuổi Nguyễn Ánh, rồi lại trở về Trung. Và Nguyễn Ánh, sau bốn lần thua chạy, vẫn đương nhiên trở lại Gia Định và được quần chúng chấp nhận.

Tổ chức quân đội thời Lê

Phần cốt lõi của vấn đề là Nguyễn Ánh tổ chức quân đội theo cách nào, người Pháp có nhúng tay vào không, hay Nguyễn Ánh vẫn giữ truyền thống quân đội Việt, đời Lê?

Theo Phan Huy Chú, về cơ bản, quân đội Việt Nam từ thời Lê trung hưng chia ra như sau:

“Binh chế đời Lê, từ Trung hưng trở về sau, đặt làm: Dinh, Cơ, Đội, Thuyền; Bộ binh là Dinh, Cơ, Đội; Thuỷ binh là Thuyền. Dinh lớn thì 800 người, thứ đến 160 người. Cơ lớn thì 500 người, thứ đến 200 người. Đội lớn thì 275 người, thứ đến 15 người. Thuyền lớn thì 86 người, thứ đến 20 người. Có 12 Dinh; 58 Cơ, 238 Đội và 62 Thuyền, đại lược là như thế” (Lịch triều hiến chương, Binh chế chí, tập III, t. 22).

Nhưng Phan Huy Chú cũng lưu ý đến số quân đời Lê, mà ông cho là thống kê không phù hợp: “Các quân trong, ngoài, đại đa số bất quá 56.500. Đến đời Cảnh Hưng [1740-1786] lại đặt thêm 24 cơ vệ binh. Tổng số binh chỉ được hơn 65.700 người thôi, tôi [Phan Huy Chú] từng lấy làm lạ, binh của nhà Lê, ở buổi đầu có việc gọi ra đến 20 vạn người, khi mới trung hưng chỉ lấy binh ở hai xứ cũng đến hơn 12 vạn, mà sau đời Bảo Thái lại tuyển thêm, đời Vĩnh Hựu lại mộ thêm, đời Cảnh Hưng lại đặt thêm vệ binh, thế mà số quân lại không đầy 7 vạn là cớ làm sao?” (Lịch triều hiến chương, t. 22-23). Phan Huy Chú cho rằng, đầu đời Lê, luật tắc nghiêm minh, ghi chép cẩn thận, không ai trốn lính được. Đến các đời sau, không nghiêm cẩn, ẩn lậu nhiều, ghi chép không cẩn thận, nên số quân sai và kém đi. Montyon, không biết lấy tài liệu nào, chép quân số Bắc Hà là 140.000 người, tức là gấp đôi con số ghi nhận chính thức.

Tổ chức quân đội thời Nguyễn Ánh

Thời Nguyễn Ánh, Montyon ghi chép khá rõ ràng, trước hết về tình trạng chung:

“Năm 1806, tình trạng quân đội thời bình là 150.000 người. (…) Thời chiến quân đội gia tăng tuỳ theo tình hình chiến trận. Trong thời kỳ nội chiến, tất cả những ai có thể cầm được vũ khí đều phải tòng quân; và năm 1800, năm mà hoàng đế còn là vua Nam Hà, chưa chinh phục xong cả nước, mà quân đội của ông cũng đã lên tới 139.400 người (…) người ta chắc chắn rằng trong thời bình, quân đội Bắc Hà có 140.000 người” (Montyon I, t. 250).

“Lực lượng quân đội được chia làm 6 Dinh (Armées): Dinh I, phòng vệ vua, ít quân nhất. Bốn dinh kế tiếp được 4 đại thần cột trụ triều đình thống lãnh. Dinh thứ sáu, đông nhất, được một vị đại thần đặc biệt do hoàng đế chỉ định, điều khiển.

Mỗi Dinh lại được chia thành 5 Chi (Corps), Chi thứ nhất đóng bên quan Đại thần và cũng là tướng chỉ huy. Bốn chi kia, mỗi chi do một tướng nhị phẩm điều khiển. Chi lại chia làm Hiệu (Vệ hay Cơ) (Régiment) do một chánh, phó Trưởng hiệu (Colonel ou Sous-colonel) đứng đầu. Mỗi Hiệu (Vệ, Cơ) gồm 12 Đội (Compagnie). Mỗi đội 50 hay 60 người, do một Cai đội (Capitaine hay Sous-capitaine) điều khiển. Lính được chia thành nhóm 10 người, do đội trưởng (Premier soldat) chỉ huy. Có 7 phẩm ngạch quan võ, Cai đội (Capitaine) là ngạch cuối cùng. (Montyon I, t. 252).

Montyon dịch khá sát những chức vụ trong quân đội Việt, so với Thực Lục tháng 6/1790 (tháng 5 ÂL) ghi: “Năm dinh Trung quân, Tả quân, Hữu quân, Hậu quânTiên phong, mỗi dinh đều là 5 Chi, mỗi chi 5 Hiệu, mỗi Hiệu 3 Đội, mỗi Đội 4 Thập(TL, I, t. 259). “Chi đặt chánh phó Trưởng chi, Hiệu đặt chánh phó Trưởng hiệu, Đội đặt Cai đội, thập đặt Đội trưởng”. (TL, I, t. 260).

Theo Thực Lục, ở thời điểm 1790, những ông tướng cầm đầu các Dinh là: Lê Văn Quân làm Chưởng dinh Tiền Quân. Tôn Thất Hội làm Chưởng dinh Hậu quân. Nguyễn Huỳnh Đức làm Chưởng dinh Hữu quân. Võ Tánh làm Chưởng dinh Tiên phong. Nguyễn Văn Thành chỉ là Hiệu úy tiền chi Trung quân, có thể chính Nguyễn Ánh trực tiếp chỉ huy Trung Quân. Tháng 7/1793, Lê Văn Duyệt vẫn còn làm Cai đội. Đến tháng 12/1793, mới được thăng Vệ Uý.

Tóm lại, khoảng 1790, bộ binh của Nguyễn Ánh chia đơn vị như sau: Thập: 10 người; Đội: 40 người; Hiệu (Vệ, Cơ):120; Chi: 600; Dinh: 3000. Thời ấy còn ít quân, sau có thay đổi.

Montyon cho rằng, năm 1800, có khoảng 139. 800 người (theo thống kê của Barisy). Riêng bộ binh được phân chia như sau: Đội: 50-60 người; Hiệu (Vệ, Cơ): 600; Chi: 3000 người. Dinh: 15.000 người.

Montyon cho in bản thống kê toàn bộ lực lượng quân đội Nguyễn Ánh năm 1800, bản này gần giống bản Barrow mà chúng tôi đã in trong chương 4; cho thấy Nguyễn Ánh có 12.000 Vệ binh. Dưới nhà vua là 5 ông tướng coi 5 dinh, mỗi dinh 6.000 người. Tổng số quân đội của Nguyễn Ánh, năm 1800 là 139.800 người. Trong phần phụ lục ở dưới, chúng tôi in lại cả hai bản này.

Phúc trình của Chaigneau

Một tài liệu khá quan trọng nữa là bản phúc trình của Chaigneau đệ lên chính phủ Pháp năm 1820 nói về tình hình nội trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao của nước Việt thời đầu Minh Mạng và sự lợi hại nếu chiếm Việt Nam. Trong bài phúc trình mật này, Chaigneau cho biết:

“Sức mạnh quân đội tại ngũ trong thời bình của vua là 80.000 người; nhưng đến thời chiến, con số này có thể dễ dàng lên đến 200.000 người”.

Về tình trạng binh bị, Chaigneau viết:

“Bộ binh: Trong thời bình, Hoàng đế vẫn luôn luôn phòng bị. Đội Vệ binh của vua gồm 30.000 người, độc lập với 40 Chi (Régiments) [quân chính quy] chia làm 5 Dinh (Colonnes): Tiên phong (Avant-garde), Hữu quân (Droite) Tả quân (Gauche), Hậu quân (Arrière-Garde) và Trung quân (Centre) (…) Ngoài 5 dinh bộ binh, Hoàng Đế còn một binh đội khác gồm 5 binh đoàn (légions), mỗi binh đoàn có 5 Chi được tổ chức và phân phối như những Dinh, cũng do những vị đại thần điều khiển. Còn phải kể thêm lực lượng các Chi ở mỗi tỉnh, mà con số thay đổi tùy vùng. Ở Sài Gòn có khoảng 16 Chi”.

Như vậy, Chaigneau, khi làm thống kê quân đội đầu triều Minh Mạng, cũng vẫn ghi tổ chức giống như thời trước, chỉ có số quân trong mỗi đơn vị, có ít nhiều thay đổi:

“Mỗi Dinh có 8 Chi. Mỗi Chi có 10 Đội. Mỗi Đội có 60 người (riêng Đội Vệ binh có 120 người). Tóm lại: một Chi có 600 người. Một Dinh có 4800 người. Một vị đại thần chỉ huy một Dinh. Một chánh, một phó trưởng Chi (Colonel, Lieutenant-colonel) cho mỗi Chi, và một chánh, một phó Đội trưởng (Capitaine, Lieutenant) cho mỗi Đội, tạo thành bộ chỉ huy”

So với Thực Lục thì thấy: Chaigneau dịch ĐộiCompagnie (40-60 người), Chi (600 người) là Régiment, và Dinh (3000-5000 người) dịch là Colonne (4800 người). Như vậy, khoảng 1820, khi Chaigneau làm bản phúc trình này, thì hoặc ông đã bỏ quên đơn vị Hiệu, Vệ (120 người) hoặc tổ chức quân đội nhà Nguyễn đã đơn giản hoá đi, tức là bỏ đơn vị Hiệu giữa Đội và Chi, để quay về với tổ chức thời Lê, tức là chỉ còn ba đơn vị cơ bản: Đội (40-60 người), (hay Chi, 600 người) và Dinh (trên 3000 người).

Điểm đặc biệt là Chaigneau cho biết cả số voi trận:

“Toàn bộ voi trong quân đội là 800 con, kể cả 120 con trong đội Vệ binh. Tượng binh dưới quyền điều khiển của một vị đại thần” (André Salles, Notice sur la Cochinchine fournie par M. Chaigneau (Tiểu dẫn về nước Nam của ông Chaigneau), BAVH, 1923, II, t. 265-266).

Thống kê của Chaigneau càng tỏ đậm nét tổ chức quân đội của Nguyễn Ánh, từ cách phân chia đội ngũ đến nội dung quân đội: kỵ binh trâu, tượng, không có gì là Tây phương cả.[2]

Chức vụ và nhiệm vụ của những người Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh

Cadière tìm cách dịch các chức vụ trong quân đội của Gia Long sang tiếng Pháp, phần nói về chức vụ của Chaigneau, ông viết như sau:

“Chaingeau, trước 1802, là Cai cơ “Commandant de régiment”. Năm 1802, Gia Long cho thăng Chưởng cơ “Général de régiment”. Quân đội Việt chia thành “compagnies” (đội), do một Đội trưởng “Premier de la Compagnie” và một Cai đội “Commandant de compagnie” điều khiển, chức sau cao hơn chức trước. Chúng ta sẽ thấy có Phó cai đội “Commandant de compagnie en second”. Nhiều Đội làm thành một Cơ “Régiment”. Mỗi Régiment do một Cai Cơ “Commandant de régiment” và một Chưởng cơ, mà tôi dịch là “Général de régiment” điều khiển. Chưởng Cơ lớn hơn Cai cơ. Tôi không biết nếu Chưởng cơ coi một hay nhiều Cơ. Nhưng có lẽ một Cơ thì đúng hơn, bởi vì, như ta đã thấy, trong văn bằng của Chaigneau, sau khi được thăng Chưởng cơ, cũng chỉ coi có hai Đội quân, tức là Đội một và Đội hai Kiên-Thuỷ.

Trong Liệt truyện, có một bài mà ta sẽ thấy sau, nói rằng Đa-đột (đối với tài liệu này là Chaigneau), Ba-ni-ê, Lê-Văn-Lăng (de Forcant) và Ô-li-vi, khi mới từ Âu châu đến, đều được nhận chức Cai-đội. Điều đó đúng với Vannier, Dayot, Barisy, Isle-Sellé, và Lebrun. Không có ai, trong buổi đầu, nhận chức phó Cai đội. Vậy chúng ta đành phải công nhận, mặc dù vẫn có chút hồ nghi, rằng Chaigneau, khi đến Nam Hà, cũng nhận được chức Cai đội, trừ phi ông được hưởng ân huệ đặc biệt, lên thẳng chức “Cai cơ”.

Năm Cảnh Hưng thứ 51, 1790, ít lâu sau khi đến Nam Hà, những người bạn của Chaigneau, nhận được chức Cai đội hay phó Cai đội. Chaigneau đến vài năm sau, 1794, lúc ấy mới nhận chức Cai đội hay Cai cơ“. (Cadière, Les francais au service de Gia Long, Leurs nom, titres et…, BAVH, 1920, I, t.150)

Thực ra, Vannier, Chaigneau và de Forcant (có chỗ viết Forcanz), đến tháng 2-3/1800 (tháng 2 ÂL) khi được cai quản các tàu hiệu: Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, vẫn còn là Cai đội (TL, I, t. 407). Nói khác đi, Vannier ở chức Cai đội 11 năm (1790-1801), Chaigneau 7 năm (1794-1801), de Forcant không biết đến Gia Định lúc nào; và trong suốt thời gian này, họ chỉ được cai quản khoảng 40- 50 người lính, kể cả khi được lái các tàu hiệu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, họ vẫn phải ở dưới quyền một viên Cai cơ người Việt. Như vậy đủ biết việc lên chức không dễ dàng.

Đến tháng 7/1801 (tháng 6 ÂL), ba người này mới được lên chức Cai cơ [có thể cai quản từ 120 đến 300 người, vì các tàu Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi có thể chở tới 300 lính]. Thực Lục viết: “Cho Khâm sai thuộc nội cai đội Nguyễn Văn Thắng [Chaigneau], Nguyễn Văn Chấn [Vannier] và Lê Văn Lăng [de Forcant] làm Khâm sai thuộc nội Cai cơ, vẫn quản các thuyền hiệu Long phi, Phượng phi và Bằng phi” (TL, I, t. 451).

Cuối cùng, đến tháng 6/1802, sau chiến thắng toàn diện, cả ba được thăng lên Chưởng cơ [có thể cai quản 600 quân], theo sự lên chức chung của toàn thể quân đội. Văn bằng của Vannier ghi ngày 6/12/1802; Chaigneau ghi ngày 6/12/1802, (André Salles, Notice sur la Cochinchine fournie par M. Chaigneau, BAVH, 1923, II, t.270).

Nhưng Chaigneau cũng chỉ được coi có hai Đội quân, tức là Đội một và Đội hai Kiên-Thuỷ, nghiã là vào khoảng hơn 100 quân.

De Forcant mất năm 1811, sau đó chỉ còn Chaigneau và Vannier ở lại trong triều, với chức tước và được hậu đãi: vua cho giữ lại 50 lính thuỷ làm quân hầu cận, nhưng họ không có quân và cũng không cho thuyền hiệu để cai quản. Đó là những người làm việc lâu nhất cho Gia Long.

Riêng trường hợp Olivier de Puymanel, từ tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL) đã được thăng từ Cai đội lên Vệ Uý ban trực tuyển phong hậu vệ Thần sách (TL, I, t.286), đến tháng 6/1795 Puymanel bỏ đi Macao rồi lại trở về làm một số nhiệm vụ khác cho vua, và mất năm 1799, ở Malacca.

Kết luận về tổ chức và sự cải tổ quân đội của Nguyễn Ánh

Nhìn lại tổ chức này, ta thấy có những điểm đáng chú ý sau đây:

1/ Những điều Montyon, Chaigneau, và cả Cadière viết, chứng tỏ quân đội Nguyễn Ánh không có gì là “Tây phương” cả, từ cách trang bị vũ khí đến nội dung các binh đoàn.

2/ Quân đội Nguyễn Ánh được tổ chức giống như đời Lê: Đội, Cơ, Dinh, chỉ thay đổi tên, số người và chức tước các quan võ. Đơn vị quân đội vẫn bắt đầu từ Đội (40-50) người, đến Hiệu, (Vệ, Cơ) (từ 3 đến 10 đội), sau tới Chi (5 đến 10 Cơ) và sau cùng là Dinh (5 Chi trở lên). Hai đơn vị ở giữa: Cơ và Chi, có thể bỏ đi một, tùy theo thời điểm.

3/ Không có gì chứng tỏ những “sĩ quan” Pháp đã cải tổ quân đội Nguyễn Ánh theo lối Tây phương. Chính học giả Cadière, một trong những người biện hộ cho điều này, cũng rất bối rối khi ông phải dịch những chức vụ trong quân đội Gia Long sang tiếng Pháp. Nếu quân đội này được tổ chức theo kiểu Pháp, thì ông đã không gặp khó khăn đó.

4/ Có thể nói Nguyễn Ánh cải tổ quân đội, theo đòi hỏi của cuộc chiến: Vì Tây Sơn có lực lượng pháo binh và công binh hùng hậu, có khả năng xây thành luỹ chớp nhoáng, Nguyễn Ánh nhiều lần tăng trưởng đội ngũ quân Thần Sách (công binh và pháo binh); vì Tây Sơn có lực lượng Tượng binh hùng hậu, Nguyễn Ánh cũng phải có đội voi trận để đương đầu, Nguyễn Đức Xuyên là người chỉ huy kiêm cả Thần Sách lẫn Tượng binh, hai đội quân đặc biệt theo sự cải tổ quân đội của Nguyễn Ánh.

5/ Những người lính Pháp đến đánh giúp Nguyễn Ánh, đã tự mình khai man hoặc do chính Bá Đa Lộc khai man họ là “sĩ quan” (thực ra họ chỉ là binh nhì, binh nhất, chúng tôi sẽ chứng minh sau), nên đã được Nguyễn Vương cho chức Cai đội (tháng 6/1790), là cấp thấp nhất trong phẩm trật quan võ.

6/ Phần lớn những người này không được lên trật nhanh; ví dụ Vannier, đến Gia Định sớm nhất và có nhiều kinh nghiệm thuỷ quân nhất, trong 11 năm, ông vẫn ở nguyên trật Cai đội, và Chaigneau, là thủy thủ đi biển từ tuổi 12, vậy mà trong 7 năm không được lên trật. Điều đó chứng tỏ họ không có công trạng gì nhiều.

7/ Ai có công, đều được ghi rõ, Liệt truyện ghi tên những người:

- Mạn Hoè (Manuel) với lòng quả cảm, chết trận, được đưa vào đền Hiển Trung.

- Puymanel mua bán vũ khí cho Nguyễn Vương và chuyên hướng pháo binh. Năm 1792, được thăng chức Vệ uý quân Thần Sách. Năm 1797, theo Nguyễn Văn Khiêm đi đánh Đà Nẵng, lập kế hoả công đốt thuyền địch (Liệt truyện, tập 2, t. 228).

Thần sách là pháo binh và công binh, chứ không phải là “một thứ quân chủ lực” hay là “quân ở Kinh” như Tạ Trí Đại Trường lầm tưởng khi ông đề cao Puymanel là người “đã tập luyện cho đám cận vệ 12 ngàn người theo chiến thuật Tây Phương” (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 231), hoặc cho rằng Puymanel là người “xây thành Vauban Gia Định, cùng Lebrun, theo lời yêu cầu của Nguyễn Ánh” (LSNCVN, t. 205, 233), hay ông viết: “Thành Diên Khánh là của Olivier vẽ ra, nó là em sinh sau của thành Gia Định” (LSNCVN, t. 267), đó là những xác định không có cơ sở, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong phần viết về Olivier de Puymanel.

- Ba người còn lại là Vannier, Chaigneau và de Forcant, điều khiển ba tàu đồng Phượng Phi, Long Phi và Bằng Phi, hộ tống Nguyễn Vương trong các chiến dịch 1801-1802. Năm 1802, sau chiến thắng, cả ba được thăng chức Chưởng cơ.

Đó là bốn chức quan võ lớn nhất của người Pháp, được Liệt truyện ghi nhận (tập 2, t. 507).

7/ Sau cùng, xin tóm tắt lại tình trạng của những người Pháp đến giúp Nguyễn Ánh:

Tháng 6/1780, một số người như: Vannier, Dayot, Barisy, Isle-Sellé, Puymanel, Lebrun… được nhận chức Cai đội. Tháng 7-8/1792 (tháng 6 ÂL) Puymanel được thăng Vệ Uý.

Tháng 7/1801 Vannier, Chaigneau, de Forcant, được thăng Cai Cơ.

Tháng 12/1802, Vannier, Chaigneau, de Forcant, được thăng Chưởng Cơ.

Đó là tất cả những người Pháp có chức vụ cao nhất và ở lại lâu nhất trong quân đội Gia Long.

Những người khác đều đã bỏ đi, qua hai đợt: đợt đầu, 1792, khi hay tin Nguyễn Huệ quyết định san bằng Gia Định, nhưng chưa thực hiện, thì Nguyễn Huệ mất. Đợt thứ nhì năm 1795.

Vai trò của người Pháp trong quân đội Nguyễn Ánh khá rõ ràng. Thực Lục và Liệt Truyện đều ghi công đầy đủ, không hạ thấp hoặc lờ đi giá trị của họ. Các học giả và sử gia Pháp như Cadière, Maybon cũng không tìm được gì mới hơn, ngoài sự tôn vinh vô bằng cớ và đưa vào danh sách này, Dayot, một người phản bội Gia Long, chúng tôi sẽ nói đến trong phần viết về Dayot.

Tại sao Maybon triệt hạ cuốn sách của Montyon?

Bộ sách của Montyon, giúp ta làm sáng tỏ một số vần đề liên quan đến “công trạng” của người Pháp đối với Nguyễn Ánh. Tại sao sử gia Maybon lại có ác cảm với cuốn sách này?

Khi viết bài giới thiệu tác phẩm của Montyon, in trong cuốn La Relation de La Bissachère (t. 33-67), Maybon đã không tiếc lời chỉ trích tác giả: “tích tụ những lẫn lộn và sai lầm quá đáng”, “phạm những cái sai rành rành về dữ kiện”, “bất lương, đánh lừa độc giả”. Ông liệt kê nhiều “tội” lắm, đáng kể nhất là “tội”, dám đề tên La Bissachère ở bìa sách.

Về việc này, chúng tôi tạm đưa giả thuyết: Đó là thời kỳ quý tộc Pháp phải trốn cách mạng 1789, và hàng trăm nghìn người bị đe dọa máy chém. Nam tước Montyon trốn sang Anh, nên không thể đề tên mình ở một cuốn sách dù in ở Anh hay ở Pháp; ông bèn mượn tên Bissachère, là một vị linh mục đã sống nhiều năm ở Bắc Hà và được nhiều người biết đến.

Tiếp đó, Maybon đưa ra đòn thứ nhì: ông trích một đoạn rất dài trong bài tựa của Montyon, trong có những câu ca ngợi Gia Long, để mỉa rằng: tác giả chuyên nghề ca tụng.

Đòn thứ ba, về nội dung cuốn sách, Maybon phê: “Người ta thấy Montyon đã mở rộng cửa cho đủ loại tin tức, đủ loại nguồn, và ta sẽ kinh ngạc thấy trong hai tập sách này một sự pha trộn đầy đủ liều lượng giữa những điều đúng, những báo cáo hoàn toàn bịa đặt và những thông tin không có nguồn nào khác ngoài trí tưởng tượng phong phú” (Maybon, Relation Bissachère, t.43). Với một lời giới thiệu như thế, ai còn tìm đọc cuốn sách này?

Mặc nhiên, không thấy Maybon vạch ra được một đoạn nào là “hoàn toàn biạ đặt” hoặc do “trí tưởng tượng phong phú”.

Đòn chót, để chứng minh Montyon chép của Barrow, Maybon in lại trên hai cột, một bên là phần viết của Montyon, một bên là phần viết của Barrow, với lời rào đón:

“… để cung cấp một vài thí dụ về cách viết của ông [Montyon], tốt hơn là in bảng trình bày những sự vay mượn của ông” (Maybon, Relation Bissachère, t. 54).

Như chúng tôi đã trình bày, có những điểm giống nhau giữa hai cuốn sách, nhưng khó quyết đoán là Montyon chép của Barrow, chỉ có thể kết luận: hai người này dùng chung tài liệu.

Bộ sách của Montyon dày 532 trang, bàn đến rất nhiều vấn đề không có trong sách của Barrow [179 trang] và Bissachère [72 trang]. Bảo rằng Montyon chép của hai tác giả này là khiên cưỡng.

Maybon đã khai trừ cuốn sách của Barrow. Bây giờ ông lại xổ toẹt bộ sách của Montyon.

Chúng ta có thể hiểu một số lý do khiến Maybon hành động như vậy:

1- Về việc khôi phục ngai vàng, Montyon viết: “[Gia Long] khôi phục được ngai vàng, nhờ quyền thừa kế, nhờ sức chinh phục” (Montyon II, t. 3), chứ không phải nhờ Bá Đa Lộc và các “sĩ quan” Pháp.

2- Về việc người Pháp giúp Gia Long, Montyon viết: “Vài sĩ quan Pháp theo giúp Nguyễn Chủng, tập cho quân sĩ kỷ cương và vài nhà buôn Pháp bán tàu cho ông” (Montyon II, t. 34). Sự xác định “vài” sĩ quan Pháp, đi ngược với điều mà nhiều người trong số đó có Maybon, thổi lên thành vài trăm.

3- Về việc đóng tàu, Montyon viết: Ông [Gia Long] là người giỏi nhất về chiến thuật, là kỹ sư giỏi nhất, người kiến trúc tàu giỏi nhất, ở xứ ông” (Montyon II, t. 52). Điều này đi ngược với sự đề cao: Puymanel và Dayot, chỉ huy việc đóng thuyền tàu ở Việt Nam.

4- Về kiến trúc thuyền, Montyon viết: “Về việc đóng thuyền, nước này [nước Nam] có một kỹ thuật đặc biệt: những tấm ván làm thuyền được buộc chặt với nhau bằng dây mây, thay đinh, lối ráp này khiến thuyền uyển chuyển hơn, đặc biệt chống lại sóng biển”. (Montyon I, t. 128). “Chiến hạm, lớn hơn, thân tàu vững hơn và kiến trúc tốt hơn tàu Trung Hoa” (Montyon I, t.129). Nhận xét này trái với lập luận: Trước khi người Âu đến, người Việt không biết đóng thuyền, tàu.

Như vậy, ta có thể kết luận rằng: hai cuốn sách khá quan trọng, một của người Anh Barow và một của người Pháp Montyon viết về thời đại Tây Sơn-Nguyễn Ánh, xuất bản rất sớm, từ đầu thế kỷ XIX, đã không xuyên tạc sự thực lịch sử. Sự xuyên tạc đến từ Bissachère và những người đi sau.

______________________________________


[1] Tóm tắt nội dung tác phẩm của Montyon: Quyển I (364 trang)

Phần thứ nhất: Mở đầu: Con người đã biết rõ mặt địa cầu, vậy ta phải sử dụng lợi ích đó: khám phá đất Bắc Hà (Montyon I, t.1).

Chương I (t. 11): Xác định địa danh đất Bắc. Chỉ trích người Âu bóp méo tên nước, tên thành phố Á Châu, vì không hiểu nghiã: “Gọi tên Tunkin là không đúng: tên của xứ đó là “Nước Nam”… bao gồm hai miền Tunkin (Bắc Hà) và Cochinchine (Nam Hà). Và để phân biệt, người ta gọi Nam Hà là Đàng Trong và Bắc Hà là Đàng Ngoài. Sự sai lầm đến từ việc [người Âu] lấy tên Đông Kinh (Tunkin) là kinh đô để gọi cả miền.” (Đoạn này viết theo Bissachère).

Ch. II (t.16): Địa lý Bắc Hà (núi non, sông ngòi, bờ biển, đảo). Ch.III (t. 26): Khí hậu (êm dịu, các mùa, gió bão). Ch.IV (t. 37): Địa chất (tính chất đất đai, hang động, mỏ vàng, mỏ bạc, nước độc). Ch.V (t. 48): Chủng tộc (diện mạo, tính tình, thể chất, phong tục, bệnh tật). Ch.VI (t. 56): Dân cư (thống kê dân số, phân phối, nạn đói và chiến tranh). Ch.VII (t. 64): Súc vật (gia súc, thú rừng, bò sát, cá, chim). Ch.VIII (t. 84): Đất đai và trồng trọt (nông sản, hoa quả, thảo mộc, gia vị, vị thuốc, lâm sản…). Ch.IX (t. 117): Chài lưới và đường thủy (nghề đánh cá, nghề làm tàu biển). Ch.X (t.130): Công nghệ (các lý do và trở ngại khiến công nghệ và nghệ thuật thấp kém). Ch.XI (t.139): Nghệ thuật (Âm nhạc, ngâm thơ, hội họa (chê người Việt không biết vẽ) điêu khắc, trạm trổ, nhẩy múa (chê), kiến trúc: tả cung điện Phú Xuân (t.148). Ch.XII (t. 154): Thương mại (nội thương: trở ngại phát triển, đo lường, tiền tệ; ngoại thương: miền Bắc bị giới hạn, miền Nam mở rộng hơn, thể chế, sản vật trao đổi). Ch.XIII (t.173): Thực phẩm (dồi dào, nhiều loại tôm cá, gia súc, cách thức ăn uống. Khen người Bắc ăn ngon hơn người Nam và người Nam ăn ngon hơn 4 dân tộc xung quanh). Ch. XIV (t. 187): Y phục. Ch.XV (t.192): Nhà cửa.

Phần thứ nhì: Trật tự xã hội (t.197)

Ch.I (t. 199): Tổ chức chính trị ở Bắc (thần phục Tàu trên nguyên tắc, thực tế độc lập, tự chủ). Ch.II (t. 215): Luật vua, lệ làng (cưới hỏi, quyền huynh thế phụ, kiện tụng, luật pháp). Ch.III (t. 235): Tài chính (thuế khoá). Ch.IV (t. 247): Lực lượng quân sự (cách đánh nhau ngày xưa, tình trạng hiện thời, tổ chức, lương bổng, y phục, khí giới, thao luyện, kỷ luật, hải quân). Ch.V (t. 262): Tôn giáo (sức mạnh, ảnh hưởng, giáo lý, giáo huấn, thờ phụng, tế tự, thờ cúng tổ tiên, đạo Phật, đạo Khổng, lịch sử người Âu đến Việt Nam, đạo Chúa và cấm đạo). Ch.VI (t. 290): Tính tình người Bắc (trọng quyền sở hữu, ghét đổ máu, từ thiện, thân ái, yêu kính mẹ cha, trọng người già, ăn mặc kín đáo, ít mãi dâm, vui vẻ, thích thanh lịch, có óc công dân, can đảm, trọng danh dự, lười biếng, háu ăn, khoe khoang, lòng căm thù dân tộc). Tính tình của dân Chàm, Lào và Lạc Thổ [Lạc Thổ được tác giả xác định: nam giáp Lào, bắc và đông giáp Bắc Hà, tây giáp Tàu, chắc là vùng Lai Châu, Sơn La]. Ch.VII (t. 313): Tập tục (trang điểm, để tóc dài, nhuộm răng đen, ăn trầu, đám ma, tuồng chèo, các trò chơi: chọi gà, cờ tướng). Ch.VIII (t. 331): Ngôn ngữ (so sánh với tiếng Tàu, tổ chức ngôn ngữ Việt, tính chất, cách phát âm, chữ viết và cải cách chữ viết). Ch.IX (t. 350): Khoa học (sự chậm tiến của khoa học, có nhiều khoa: thiên văn, thuốc ta, in ấn, trường dạy). Ch.X (t. 358): Văn chương (Người Bắc tự kiêu về văn chương của họ, sự giầu có của tiếng Bắc không giúp ích cho văn chương. Văn phong tiết độ. Nói giỏi. Sử không đúng và viết không hay. Tính chất của thơ, kịch, sự thoái trào của văn chương, khả năng khôi phục.)

Quyển II (168 trang)

Phần thứ ba : Chương I (Montyon II, t.1- 54): Những biến cố chính ở Bắc Hà, Nam Hà và các nước khác. Tác giả chia lịch sử Việt Nam làm 4 thời kỳ: Thời kỳ 1 (t. 4): Từ lập quốc đến nhà Lê. Thời kỳ 2 (t. 10): Vua Lê-chúa Trịnh. Thời kỳ 3 (t.13): Nam Bắc phân tranh. Thời kỳ 4 (t. 15): Chiến tranh Nguyễn-Tây Sơn. Ch.II (t. 55): Tóm lược các dữ kiện và các nguyên nhân. Ch.III (t. 97-131): Dự kiến tương lai.

Phụ lục: Một số tài liệu (t.133)

Dụ phong Hoàng tử Cảnh làm Đông cung (1793) (t.135)

Dụ phong chức quan khâm sai (t.137)

Hịch của vua Quang Trung gửi dân hai miền Quảng Ngãi và Quy Nhơn (t.140)

Bản kê khai lực lượng quân sự của Nguyễn Vương trong cuộc chiến khôi phục ngai vàng (t.141-142)

Lá thư của Bá Đa Lộc (t.143-144)

Lá thư của thừa sai Grillet đề ngày 4/8/1793 (t.145)

Bài tựa tiếng La tinh cho cuốn từ điển Việt-Bồ-La (t.147-148)

10 điều răn của Chúa, song ngữ Việt-Pháp (t.149-151)

Trích di chúc Khang Hy (1723) (t.152-156)

[2] Trong phần phụ lục, Montyon cho in bản thống kê toàn bộ lực lượng quân đội Nguyễn Vương năm 1800, tạm gọi bản Montyon để phân biệt với bản Barrow. Hai bản có lẽ cùng nguồn Barisy; có thể Montyon chép lại bản Barisy viết tay; còn Barrow thu gọn và sắp xếp lại cho dễ hiểu. Bản Montyon cho thấy Nguyễn Vương có 12.000 Vệ binh. Dưới Nguyễn Vương là 5 ông tướng coi 5 dinh, mỗi dinh 6.000 người.

Lực lượng quân sự của vua Nam Hà trong cuộc chiến khôi phục lãnh thổ

Can-hung:

Fenk-junk….. 4 bataillons 3.200

Iroé-junk…… 4 4.000

Iroé-haim….. 4 4.000

Coupeurs de têtes 12 compagnies 800

Ong-jong-don-ton… 5 régiments … 10 compagnies 6.000

Ong-jong-don-sna…. 5….. 10 6.000

Ong-jong-don-ham… 5….. 10 6.000

Ong-jong-don-thien… 5 10 6.000

Ong-ban-jouk-thien… 5….. 10 6.000

Bufles espèce de cavalerie anciennement d’usage, mais aujourd’hui décréditée (Trâu thay ngựa trong chiến trận xưa, nay đã bỏ)… 24 escadrons… 6.000

Le Prince Royal ….. Corps de Saakoun 20 escadrons… 12.000

Ong han-Quoan….. Corps don-han…. 14 …. 11.200

Ong-han-Quoan…. Corps Don-han-Quoan 14…. 7.000

Ong-jien-Quoan…. Corps Jien-Quoan… 14……. 7.000

Tổng cộng …. 85.200

Ong-jien-Shpaon… Corps de Jien-Shpaon.. 6 bâtiments … 4.800

Can-King…. Artillerie (pháo binh)… 30 15.000

Thiy-Chooa et Ong-yam…Eléphants (voi) 200… 16… 8.000

Ong-jong-joany… Galères, 100…. 12… 8.000

Ong-haa…. Thao (thuyền)… 4…. 1.600

Ong-jam…. Arsenal (xưởng đóng tàu).. 12…. 8.000

Ong-Koan-baux… Charpentiers calfats (thợ trét) 12… 8.000

Vaisseaux européens (Tàu Tây phương)… 2….. 1.200

Tổng cộng tất cả….. 139.800

(Montyon II, t. 141-142)

Chúng tôi để nguyên tiếng Pháp, không dịch vì không biết rõ những chữ phiên âm từ tiếng Việt ra như Ong-jam, chỉ đoán là Ông Giám (quân); Ong-jien-QuoanÔng Tiền quân; Ong-han-Quoan Ông Hậu Quân, v.v. Chắc là nguyên bản của Barisy, vì Barisy có lối viết như thế. Barrow sửa chữa và sắp đặt lại cho có hệ thống, dễ hiểu hơn:

Đây là lực lượng quân đội Nam Hà năm 1800, theo đại uý Barisy

Bộ binh

24 đội kỵ binh (cưỡi trâu)… 6.000 người

16 đại đội voi (200 con)… 8.000 người

30 đại đội pháo binh… 15.000 người

25 chi đoàn 1.200 người trang bị vũ khí Âu châu… 30.000 người

Bộ binh trang bị kiếm và súng cổ trong nước… 42.000 người

Vệ binh tập luyện theo lối Âu châu….. 12.000 người

Tổng cộng bộ binh…. 113.000 người

Thuỷ binh

Lính thợ trong xưởng đóng tàu….. 8.000 người

Lính thuỷ, mộ hay nối dõi (cha, anh), trên những chiến hạm đậu ở cảng… 8.000 người

Lính biệt phái sang những tàu chiến kiểu Tây phương… 1.200 người

Lính biệt phái thuyền buồm (jonque)… 1.600 người

Lính biệt phái 100 thuyền chiến chèo (galère)… 8.000 người

Tổng cộng thủy binh…. 26.800 người

Tổng cộng tất cả: 139.800 người

(Barrow II, t. 237-238)

Nhận xét: Cả hai bản kê khai này, có thể thiếu sót, sai lầm, bởi nếu so với số thuyền tàu và thuyền chiến bọc đồng ghi trong Hội điểnThực Lục, thì không thể gọi là đầy đủ.)