Kiệt Tấn: Từ Nụ Cười Tre Trúc đến Thương Nàng Bấy Nhiêu

Kiệt Tấn, ngó hiền khô, dáng lờ đờ, miệng ít nói, nói bằng mắt, nhất là với… đàn bà. Kiệt Tấn viết về đàn bà, thương đàn bà, thương muốn chết, khoái đàn bà, khoái chí tử, ghiền đàn bà như ghiền ma túy và dĩ nhiên, nếu đàn bà lại đọc Kiệt Tấn và cho dăm ba ý kiến thì còn… gì bằng.

Trái ngược lại với bọn con trai, vì yêu đương mà xao lãng đèn sách, khi có người con gái bên cạnh tôi càng học được. Tôi vừa đánh đàn vừa học bài, thỉnh thoảng hôn lên má nàng một cái, vậy mà học tiến bộ ngó thấy. Không có nàng, tôi lăng xăng tìm kiếm, không học hành được gì hết. Tìm không ra, tôi tưởng phát khùng tới nơi.

(Người em xóm học, trang 82)

 

Khác với Nụ cười tre trúc, Thương nàng bấy nhiêu không mang cho người đọc cái “choc” ban đầu. Quen với bút pháp Kiệt Tấn, độc giả không còn bỡ ngỡ với lối nói thẳng toẹt, chẳng giấu diếm, phanh phui từ tình cảm đến thân xác: thân xác mình, thân xác người đối diện, không chỗ nào từ.

 

Nụ cười tre trúc đến với người đọc bằng tình yêu quê hương, yêu mẹ, bằng những khám phá, những rạo rực của tình yêu và nhục cảm của người con trai mới lớn, bằng những trạng thái điên loạn của tâm hồn, bằng những hình ảnh khó phai của một quá khứ vật vờ trong đời người xa xứ. Nếu trong tình yêu, Nụ cười tre trúc còn chút ngượng ngùng, dè dặt của thuở ban đầu, thì Thương nàng bấy nhiêu đi thẳng vào tình yêu của ông cũng rõ ràng:

Riêng tôi, tôi không quan niệm tình yêu mà không có tình dục. Nếu ép tôi bỏ một thứ, có lẽ tôi giữ lại tình dục.

(Đêm cỏ tuyết, trang 61)

Tôi đam mê, nhiều lúc muốn tự vận thì có. Yêu? (còn phải hỏi lại). Biểu tôi định nghĩa tình yêu, tôi cũng bí luôn.

(Đêm cỏ tuyết, trang 67)

 

Dấm dớ thế chơi, chứ Kiệt Tấn bí sao được, tôi không chắc thứ tình Kiệt Tấn đối với đàn bà chỉ là tình yêu, mà còn đa mang, pha trộn giữa yêu thương, đam mê, ham muốn và che chở.

 

Qua cái vẻ ngoài có vẻ sống sượng, trần truồng của ngôn ngữ, bên trong ấp ủ một tình yêu dịu dàng, êm ái, tiếng Pháp có chữ tendresse, tôi không tìm được chữ tương đương trong tiếng Việt, để chỉ cái tình của Kiệt Tấn đối với đàn bà: Âu yếm đã đành, mà thắm thiết cũng chưa gói tròn hết nghĩa.

 

Kiệt hay Kiệt Tấn ngó đàn bà trong trạng thái nguyên thủy (không quần áo), với con mắt một họa sĩ trước Vệ Nữ khỏa thân: Ông trân trân nhìn cái đẹp. Sự thèm muốn trước cái đẹp thể xác là điều tất đến như đói thì ăn, khát thì uống, không có gì xấu xa, không có gì cần phải che đậy, thật thà và hiện hữu như những nhu cầu chính yếu của con người:

Tôi là một vệ tinh vô danh tiểu tốt, quay xung quanh ngực và mông nàng, quay điên cuồng và hạnh phúc. Cho đến ngày nổ tung trên trục quay hay cho đến lúc tôi lạc quỹ đạo đâm xầm vào hành tinh mẹ và cả hai đều bốc cháy tan tành, trả lại bụi sao cho ngân hà, cho nguyên thủy, cho thuở khai thiên lập địa, không có âm không có dương, không có tôi không có nàng, không có đam mê không có dâm luyến, tôi với nàng chỉ là một.

(Đêm cỏ tuyết, trang 62, 63)

 

Không thể lấy luân lý đạo đức mà đánh giá Kiệt Tấn, vả chăng những giá trị ấy không còn là nỗi băn khoăn thường trực của con người. Tuyết là một nhân vật khó quên, sống tự nhiên, để cảm giác mặc sức tung hoành. Với Tuyết, yêu đương cũng đầy vẻ phàm trần như Kiệt:

- Em có yêu anh không?

- Em hổng biết, nhưng em khoái anh.

(Đêm cỏ tuyết, trang 60)

 

Tuyết dễ với mình, với người, và dễ tha thứ. Tuyết không biết nói văn chương. Tuyết thật thà, không cần suy tưởng vòng vo hơn thiệt. Tuyết là vẻ đẹp trần truồng của con người khi chưa có lớp son giả tạo của luân lý đạo đức tô lên:

- Anh biết hông, mỗi bữa chiều em bắt ghế ra ngồi trước quán, ngó ra ngoài đường thấy người ta đi qua đi lại, em nhớ anh thấy mồ. Lúc nào anh học thuộc bài hết rồi thì anh mau mau về đây cho em thỏa mãn”.

(Đêm cỏ tuyết, trang 69)

 

Những nét của Tuyết, cũng là những nét đậm, thực, trong sáng và tinh khiết của con người thuở hồng hoang khi chưa bị văn minh làm vẩn đục.

 

Người em xóm học đưa sang một Kiệt Tấn khác: Đứng trước vẻ đẹp của người đàn bà, Kiệt Tấn trở thành thi sĩ. Văn ông không hề gợi dục, khi viết dường như có chất thơ đâu đó lãng đãng bước vào. Nhục cảm của thi nhân bỗng nhiên trong sạch lắm:

Tôi ghì nàng trong tay, cơn dục tình lại dấy lên trong mạch máu. Căn gác tối lù mù, chúng tôi để nguyên cửa sổ mở. Da thịt Diane ăn nắng hâm hấp nóng và thơm mùi biển, như rong, mặn mòi. Muối đọng trên mắt, trên môi, trên tai, trên cổ, trên đầu vú, trên bụng, trên tóc, trên gò tình. Diane thì thầm những cảm giác thơm mặn tương tự trên da thịt tôi. Mặt trời và nước biển tăng độ nồng say cho cường dục. Chúng tôi làm tình trong bóng tối hoàng hôn chập choạng.

Hương nắng còn đọng trên da lụa, tay khua tưởng đánh thức mặt trời, dục lên sóng biển và điệu tây ban cầm sẽ phả ra từ khung cửa sổ khuất kín của nàng. Dấu cỏ mất còn đó. Dấu bầm trên vú trái còn đó. Lời thề yêu em suốt đời còn đó. Tôi nựng nịu gò tình. Hôn lên ẩm ướt. Yêu. Yêu.

(Người em xóm học, trang 105, 113)

 

Nếu tình yêu trong Đêm cỏ tuyết là thứ tình dồn dập, vũ bão và tươi sáng của thuở đầu đời, thì tình yêu trong Người em xóm học đã có mùi đắng cay, đau khổ, là sự thăng hoa của hai tâm hồn cô đơn, không định hướng:

Bằng thân trăn mềm, bằng ngực no nê, bằng tình điên rồ, Diane đã giải thoát tôi khỏi cô đơn đỉa đói và đem tôi về đoàn tụ với loài người. Nàng hòa giải tôi với đời sống. Tôi thay xiêm đổi áo và đính hôn với mùa hè, với nắng nóng, với mặt trời, với cỏ cây, với chim chóc.

(Người em xóm học, trang 93)

 

Trong trạng thái cô đơn tuyệt vọng dẫn đến những bất thường gần như điên loạn, con người – tự bản chất muốn tồn tại – phải tìm lại thế quân bình, và Kiệt Tấn đã tìm thấy cứu cánh trong tình yêu, tình dục. Dưới cái điệu bộ chán đời, muốn tự tử, có cái ham sống, sống thật nhiều, sống đến đam mê không độ lượng, trong chiều sâu, trong chiều rộng, của cả tinh thần lẫn thể xác.

 

Tình yêu của Kiệt Tấn, không chỉ có ngất ngư, không chỉ có rên rỉ, năn nỉ, xô ra, quấn vào, cuồng nhiệt, mê tơi, cực điểm, chết ngất, mà còn có chân thành.

 

Từ người yêu đầu đời trong Bến đò trao thơ đến em bán quán thời trung học, em tóc hung, tóc vàng… thời du học, và những em đi khách, thời trung niên, Kiệt Tấn đều thành thật với họ:

- Anh yêu em nhiều không?

- Yêu nhiều lắm.

- Anh thề yêu em suốt đời đi.

Tôi thấy câu nói có vẻ cải lương nên ngần ngừ. Nàng thúc giục, tôi đáp:

- Anh nói vậy sợ nói láo.

- Anh nói láo cũng được, miễn là anh thành thật khi nói.

Tôi ngượng miệng quá nên cứ nín thinh. Nàng rớm nước mắt:

- Anh không nói thì em ở lại trong rừng này luôn, anh về một mình đi.

Rồi Diane phụng phịu quay mặt bên kia. Tôi đành vuốt tóc nàng và xuống vọng cổ:

- Anh thề yêu em suốt đời, chịu chưa?

Nàng quay lại cười khoái trá như con nít được quà. Thấy thương hết sức. Tôi lập lại câu nói đó và cảm thấy lòng mình thành thực. Tôi lại hôn nàng. Tôi đê mê nhìn ngắm thiên đường của mình rất lâu. Nàng rên khẽ.

(Người em xóm học, trang 95)

 

Thấy người đàn bà đẹp yêu đã hẳn. Gặp người đàn bà xấu, cũng lại thương. Kiệt Tấn đặc biệt ở chỗ đó và cũng… thấy thương ở chỗ đó. Gặp người xấu, giả tảng không tả chân dung nàng, ngó lơ, chỉ tả sơ dáng dấp, gặng lắm cũng chỉ ơ hờ:

- Em xấu lắm phải không anh?

Thấy tôi nằm im không trả lời, nàng nắm vai tôi lắc lắc: “Em xấu lắm phải không anh?” Tôi không ừ hử. Nàng bật khóc. Khóc thút thít. Rồi tiếng khóc lớn dần. Nàng lại lắc lắc vai tôi: “Em xấu…”. Câu hỏi bỏ ngang. Tiếng khóc vắng xa. Hình như nàng day mặt qua bên kia và tiếp tục khóc.

Tôi còn sật sờ. Hí mắt, mặt trời chóa đom đóm, vội khép mắt lại.

(Sáng dậy nghe em khóc, trang 157)

 

Người con gái ấy, chắc xấu, bơ vơ, không có nghề độ thân, se sẽ bước vào nghiệp giang hồ, e dè, ngượng ngập trên con đường phiêu lưu, chừng như ngại lạc:

Em khép cửa phòng lại, rón rén đến ngồi bên cạnh giường tôi lên tiếng:

- Em sợ!

Tôi nói em sợ thì khóa cửa lại đi. Em đứng dậy khóa cửa rồi trở lại bên giường ngồi như khi nãy. Tôi hé mắt sật sờ ngó lên thấy lưng em áo đỏ ướt rượt, thon gọn. Tôi nói bộ em tính bận áo ngồi vậy hoài cả đêm hay sao? Tôi thiếp đi không biết bao lâu. Mở mắt ra vẫn thấy cái lưng áo đỏ còn sờ sờ đó. Tôi lại thúc dục, lần thứ hai, lần thứ ba, nàng mới chịu tắt đèn ở đầu giường và nằm xuống. Tôi lè nhè sao em không mang giày, xách bóp và đeo kiếng mát mà ngủ luôn cho nó đủ bộ bình tích. Nàng vẫn không nhúc nhích. Tôi lại lè nhè em nằm ngủ như vậy là hư hết áo đó nghe, nàng mới chịu nhỏm dậy. Trong bóng tối tôi nghe tiếng nút bóp mở lách cách. Cái âm thanh rất đàn bà, rất mỹ miều, rất quyến rũ và rất kích thích dâm. Khi nghe tiếng lách cách chấm dứt bằng âm thanh dây thun tuột ra khỏi gót son đánh bựt lên một tiếng đoạn trường là biết… thế là nát cánh hoa rừng! “Là giết đời nhau đấy biết không?”

(Sáng dậy nghe em khóc, trang 165)

 

Thế mà cái chàng Kiệt, cần đàn bà như cần hô hấp ấy, lại … không làm gì cả, lại giả đò lảng vào cơn say để… nằm im thin thít. Thấy thương biết mấy. Đàn bà, với những tế nhị hiếm có, với những câu chuyện hóm hỉnh ngập duyên thầm, Kiệt đưa nàng chập chững bước vào tình yêu, ngỏ cửa hạnh phúc cho người con gái xấu số, và nàng đã bập bẹ tập cười.

Sáng dậy nghe em khóc là một truyện ngắn đầy cảm xúc, từ anh thiếu tá cao ráo đẹp trai, làm tình một cây xanh rờn, được mấy em sến chết mê chết mệt, đến cô em gái lầu xanh “anh làm nhẹ nhẹ, coi chừng vẹo cái mũi em mới sửa hồi chiều”, cá tính mỗi nhân vật được Kiệt Tấn phô bày những nét dí dỏm, sâu sắc, không dài dòng.

 

Ba truyện ngắn xuất sắc nhất của Kiệt Tấn trong tập Thương nàng bấy nhiêu: Đêm cỏ tuyết, Người em xóm học  Sáng dậy nghe em khóc, ông đều viết về tình dục và đàn bà cả. Một Kiệt Tấn ngùn ngụt dục tình, yêu tận mạng, nấp sau một Kiệt Tấn đầy cảm xúc, yếu đuối, ưa che chở đàn bà và cần sự che chở của đàn bà.

Trong ba truyện trên, truyện nào người đàn bà cũng đến với Kiệt Tấn như một sự hiện hữu băng trinh (trên phương diện tâm tưởng), đến và đi trong đời chàng, cho trọn vẹn, không đòi hỏi một trao đổi vật chất nào. Từ Tuyết bán quán đến Diane xóm học rồi Hồng đi khách, Kiệt Tấn vẽ họ với những nét đặc thù:

- Thì chờ anh học thành tài về nước cưới em.

Nàng ngó tôi hoài nghi:

- Anh đừng có nói cà rỡn. Bản mặt anh mà cưới em.

Tôi kênh kênh:

- Thiệt chớ! Em mà dám chờ thì anh cũng dám cưới cho mà coi.

Nàng nghiêm mặt (ít khi tôi thấy nàng nghiêm như vậy) làm thằng nhỏ hơi teo:

- Hồi thở giờ em có biểu anh cưới em lúc nào đâu mà bữa nay anh phát thinh nói kỳ cục vậy?

Kiệt Tấn là một nhà văn gạt ra ngoài những ước lệ sẵn có (anticonformiste), ông sợ những… anh hùng, sợ những người… không-sợ-chết, và ông thêm “nếu có người xả mình binh vực những nhân vật không cần ai binh vực hết (như thượng đế, như lãnh tụ, như chủ tịch, như tổng thống) thì tôi, tôi binh đĩ”.

 

Tâm lý trong truyện của Kiệt Tấn, phần lớn là tâm lý của chính tác giả. Ông đạt một cách dễ dàng: Trong trạng huống nào, Kiệt Tấn viết về mình cũng rõ, cũng sâu. Tâm lý các vai khác, gián tiếp bật ra cái khéo léo và duyên dáng của Kiệt Tấn trong đối thoại.

 

Ông chưa phơi bày tâm lý người khác một cách thoải mái. Do đó, khi Kiệt Tấn viết hộ vợ, trong truyện ngắn Cho thiếp theo cùng, Kiệt Tấn chưa đặt mình vào tâm hồn vợ, nhiều đoạn ông phải vận dụng đến những hoàn cảnh trớ trêu kỳ cục (cocasse) để đưa câu chuyện tới chỗ miễn cưỡng buồn cười (như cảnh hai lần ông say rượu tông xe vào nhà Nhân dân Tự vệ và bót Cảnh sát).

 

Nhân đây tôi cũng xin bàn đến cách dùng thơ, ca dao, tục ngữ và nhạc phổ vào văn của Kiệt Tấn.

 

Theo tôi, thỉnh thoảng đem vào vài câu, đắc địa, làm nổi câu văn rất có duyên, nên lắm. Nhưng đừng lạm dụng, dùng nhiều quá hóa nhàm. Thí dụ câu này:

Khi nghe tiếng lách cách chấm dứt bằng âm thanh dây thun tuột ra khỏi gót son đánh bực lên một tiếng đoạn trường là biết… thế là nát cánh hoa rừng! “Là giết đời nhau đấy biết không? Dưới giàn hoa máu đứt dây thun, giận anh em viết dòng dư lệ?.

 

Nếu ngừng ở “là giết đời nhau đấy biết không?” câu văn úp mở, thật duyên dáng.

“Dưới giàn hoa máu đứt dây thun” thêm vào đã hơi cố, còn “Giận anh em viết dòng dư lệ” không những vô nghĩa mà còn thừa.

 

Đôi khi, bắt được ngón khéo (astuce), ông lập lại hoài như đoạn: “Vân tiên cõng mẹ trở ra, đụng phải cột nhà cõng mẹ trở vô!... Vân Tiên cõng mẹ trở vô, đụng phải cái bồ cõng mẹ trở ra!... Vân Tiên cõng mẹ trở ra, đạp bãi cứt gà cõng mẹ trở vô!” (Nụ cười tre trúc, trang 29).

 

Đoạn ấy gây thiệt hại cho cái duyên của Kiệt Tấn nhiều lắm. Trong Thương nàng bấy nhiêu, Kiệt Tấn đã ít dùng loại văn phổ thơ và nhạc này, câu văn trở nên “của ông” nhiều hơn.

 

Ngoài ra, trong tập Nụ cười tre trúc, nhiều đoạn ông thả tư tưởng đi lang thang, đang kể chuyện này bắt sang chuyện khác, lối ấy thường dùng trong tùy bút, tuy phóng khoáng, nhưng với truyện ngắn, làm đứt mạch chuyện, không nên sử dụng nhiều.

 

Trong Thương nàng bấy nhiêu, cấu trúc câu chuyện đã chặt chẽ hơn, bớt những chỗ “lạc đề”, do đó dễ lôi cuốn người đọc hơn.

 

Tuy nhiên, về tính cách tự nhiên, về những tình cảm bột phát, về những suy tưởng chín mùi, về nhạy cảm, về cách sử dụng ngôn ngữ, Nụ cười tre trúc nhiều chỗ mạnh hơn Thương nàng bấy nhiêu, nên có tính cách tiêu biểu cho văn phong Kiệt Tấn.

 

Tôi không cho Kiệt Tấn là một nhà văn phong tục, mặc dầu ông viết về những phong tục hủ lậu rất hay (Chuông ngân chạnh nhớ yêu đầu). Kiệt Tấn lại cũng không phải là một nhà văn sành tâm lý (trừ khi ông viết về tâm lý của mình). Ngoại trừ Vườn chanh miệt biển, mang những suy tưởng về ảo giác của cuộc đời, Kiệt Tấn lại càng không phải là một nhà triết lý, kỳ dư ông coi rẻ món này (Kiệt Tấn hay cà khịa với ông anh làm giáo sư triết).

 

Nhưng đọc Kiệt Tấn, người ta thấy những yếu tố: phong tục, tâm lý và đôi khi cả triết lý. Dường như, nếu có, cũng là… ngoài ý muốn của tác giả: Kiệt Tấn xuất sắc và hơn người ở chỗ đó.

 

Điều thứ nhì, đọc Kiệt Tấn, ngoài cái vẻ hóm hỉnh, đôi khi sống sượng, ngôn ngữ buông tuồng, đam mê đến cuồng nhiệt, ẩn một con người yếu đuối nhưng bao dung, một tâm hồn cô đơn đến bệnh hoạn. Kiệt Tấn chia sẻ tất cả của mình cho người, từ những cuộc làm tình sôi nổi đến những giây phút tuyệt vọng không lối thoát. Người yêu của Kiệt Tấn trong Thương nàng bấy nhiêu phần lớn là những kẻ bơ vơ, những tâm hồn ngây thơ hay trụy lạc: ở ai chăng nữa, người đọc cũng tìm thấy cái khía cạnh băng trinh của tâm hồn. Viết về tình yêu, có rất nhiều người, nhưng về yêu thương, chỉ Kiệt Tấn đặc sắc.

 

Mối băn khoăn của người cầm bút là không bao giờ viết hết được tư tưởng trong đầu mình. Dường như Kiệt Tấn không có cái băn khoăn ấy. Ông đã sống, đã viết, nếu không hết, thì cũng gần trọn vẹn những cảm giác sôi sục của mình. Cung cách đặc biệt dấn vào văn chương như thế, mấy khi chúng ta gặp được.