Nhân vật người lính miền Nam dưới cái nhìn của hai nhà văn đảng viên CS gốc lính QLVNCH: Thế Vũ và Ngụy Ngữ

Hai người viết trẻ mà sau năm 1975 trở thành đảng viên Cọng Sản, làm việc trong lảnh vực văn hóa là Ngụy Ngữ và Thế Vũ. Ngụy Ngữ chuyên về viết kịch bản, phim bản. Và Thế Vũ, chức vụ cuối cùng là Phó Tổng Thư Ký tạp chí Thanh Niên thành phố HCM.

Văn tức là người. Qua những sáng tác của họ trước 1975, người đọc có thể hình dung ra những tư tưởng khuynh tả, bất mãn với chế độ, chống Mỹ. Tuy nhiên có một sự khác biệt giữa họ là một đàng, Ngụy Ngữ chửi rủa hàng ngũ quân đội miền Nam, từ thương phế binh, đến người lính, và công khai ca ngợi phe địch… Còn Thế Vũ thì khác, trong hầu hết các truyên mà tôi được đọc, hầu như chúng ta thấy nhân vật nguời lính của Thế Vũ là nhân vật đáng thương, là giàu tình nhân bản. Không bao giờ đọc một lời nguyền rủa, khinh mạn, mạt sát như Ngụy Ngữ đã viết trong hầu hết các truyện ngắn trên tạp chí Vấn Đề.

Tại sao tôi lấy Thế Vũ để chứng tỏ những điều mà Ngụy Ngữ viết là láo khóet, bịa đặt, vu khống. Bởi lẽ nếu lấy một tác giả không phải là đảng viên CS, thì việc chứng tỏ này có thể bị ngộ nhận do ở vị trí và cách nhìn chủ quan về cuộc chiến của mỗi tác giả chăng.

Khi kể về một đơn vị lính miền Nam ghé qua một thành phố, Ngựy Ngữ viết:

Thành phố đang sinh họat bình thường. Chợt có tin lính rằn ri đổ đến, tất cả nhốn nháo sợ hãi và những cánh cửa tiếp theo nhau khép nhanh lại, chợ tan, người thưa thớt tới lui khép nép, khắp các đường lớn đường nhỏ không còn một bóng gái trai… (Phố miền Nam – Vấn đề 50 tháng 9-71).

thì Thế Vũ tả cái cánh phố miền Nam ấy như sau:

Phố buổi tối cũng khá đông người. Con phố chính mở cửa cũng đến hơn mười giờ. Quanh chợ những gánh quà lặt vặt đặt sát bên nhau, những xe bánh mì, nước ngọt, những sạp báo và tạp hóa, những gánh bắp từ các rẫy xa đưa về, lửa than hồng và mùi bắp tươi nướng tỏa ngát. Đủ mọi thứ sắc áo lính xuôi ngược, những biệt kích quân, những toán biên phòng, những đơn vị địa phương hay cơ động, tất cả hầu như đều mới trở về từ những cánh rừng xa, những tóc râu bơ phờ, những quần áo bẩn nhớp, những đôi giày trận sờn rách bạc màu, những khuôn mặt mệt mỏi và ê chề. Sinh họat của thị trấn như tùy thuộc hoàn toàn vào mức độ giao động ở vùng biên giới, với những đoàn quân tình cớ ghé lại một đêm, với những thương binh vừa bắt đầu bình phục trong bệnh viện dã chiến lếch thếch băng qua những con đường cho đỡ nhớ. Những nửa đêm về sáng thị trấn có thể thảng thốt lắng nghe tiếng chân loạng choạng bước đi của bọn lính say khướt mù dắt nhau tìm lối trở về đơn vị tiếng la hét, tiếng khóc lóc thảm thiết của bọn người sống bằng súng đạn chiến trường và cái chết đè nặng trên cuộc đời lâu dần không làm thị trấn buồn tủi nữa, giòng sông nước đục lờ vẫn không ngừng chẩy ngược về rừng như họ rồi sẽ được trả trở ra vùng biên giới, ở đó ngày tháng là bóng tối và ánh sáng, đời sống là sự kéo dài cái chết của chính mình yà trái tim cơ hồ như đã không còn đập trong lồng ngực của họ nữa…
(Thế Vũ : Ngoài sân bay, Trình Bày số 30 ngày 22-10-1971)

Về tình đồng đội thì trong lúc Ngụy Ngữ dùng tạp chí Vấn Đề do Mai Thảo và Vũ Khắc Khoan chủ trương để trút những hằn học căm hận lên hàng ngũ quân đội VNCH, gọi thương phế binh VNCH là “bọn què quặt hết thời”, phết sơn đen lên một tập thể lính miền Nam ư là “những con thú tật nguyền” một bọn “bệnh họan”, “say sưa”, “phá phách”, không lý tưởng…. Ngay cả người sĩ quan Dù miền Nam mở chốt lựu đạn tự sát trên đồi máu sau khi đồi bị tràn ngập thì cũng bị NN đem ra mai mỉa bởn cợt “anh chưa chết đâu anh”. Trong khi đó thì người chị “bên kia” là “chị Hà” – kẻ mà “với vô số máy thu thanh lảm nhảm từng ngày bây giờ, chị Hà được kể vào hàng ngũ những người lầm đường theo giặc”, thì NN cũng mượn ý của đại tướng McArthur để thôi bong bóng lên tận chín tầng mây:

“Chị Hà (…) đã nhập vào đoàn người đã mờ trong u chiều vô danh của đất trời vạn cổ; mờ và không bao giờ mất


Thì ngược lại, trong lúc trốn ẩn ở Saigon, sau khi “tự ký phép”, Thế Vũ đã nhớ thê thiết đến đồng độ của mình:

“Sau những ngày đầu tiên cố gắng du mình vào nhịp sống khá lạ lẫm của thành phố bởi những năm tháng trước đó mãi mê hì hục cầm súng, bên cạnh những khuôn mặt bạn bè thân thiết ngày xưa cũng vừa mới trở về, tôi bắt đầu nghĩ tới những lá thư mà mình dự tính viết cho những người ở xa
.

Lá thư thứ nhất cho người bạn chiến binh còn trôi nổi ngoài chiến trường biên giới. Đó là người đã chia cho tôi những điếu thuốc lá nghèo khó ngày tôi mới ra trình diện đơn vị, người đã hằng đêm nằm chung với tôi trong một căn lều dã chiến, đã từng dìu tôi trong những cơn say khướt mù ở hậu cứ, ở thị trấn đừng quân, đã an ủi tôi trong những cơn đau đớn tủi nhục, và cuối cùng đã xót xa giúp tôi (..) thoát khỏi những vòng kẽm gai đồn binh một ngày cuối tháng Tám. Tôi muốn viết cho người bạn của tôi một lá thư, trong đó có thể tôi sẽ nhắc lại những lời cuối cùng mà người bạn đã buồn bã nói với tôi, có thể tôi sẽ chỉ nói cho người bạn biết rằng tôi vẫn bình yên, tôi đang tự do, tôi đang sống sung sướng một cách khốn khổ và đơn độc, có thể tôi sẽ nói về những kỷ niệm hay những mơ ước cũng có thể, để kéo dài đủ một trang thư, tôi sẽ nói với người bạn về bao nhiêu điều khác. Nhưng sau một vài lần cố gắng, bởi những thôi thúc chân tình một cách kỳ quặc, tôi không thể viết được. Đầu tiên tôi nghĩ có thể người bạn không còn ở đơn vị nữa : chết, đào thoát hay thuyên chuyển về một chiến trường khác hoặc vào tù. Kế tới, tôi nghĩ biết đâu người bạn không đau xót hơn khi được tin tôi, dù sao tìm thấy tự do một cách nào đó ở thành phố vẫn là một mơ ước lớn lao cho những kẻ còn cầm súng ngoài chiến trường trong cuộc chiến nầy. Sau cùng, ít ra trong hoàn cảnh nầy hay bạn tôi ở ngoài kia cũng có một người, mang vóc dáng bi đát. Tôi khốn khó và đơn độc đây hay người bạn đang bị câu thúc (..) ở ngoài kia đều là những hình ảnh bi đát khốn cùng dưới mắt kẻ khác. Sống bi đát, viết thư thăm hỏi một người bạn đang chịu đựng một cuộc sống không kém bi đát, lại nói về những điều chẳng vui gì hiện tại,quả thật là một việc làm quá sức buồn bã. Viết thư cho người khác là đi tìm một niềm vui khuất mờ ở đâu đó. Nhưng làm sao, tôi có thể tìm thấy niềm vui kia trong việc làm buồn bã của tôi
.
(trich NHỮNG THƯ KHỐNG VIẾT ĐƯỢC, Trình Bày số 34 18-12-1971)

Tại sao Thế Vũ – một người viết văn có khuynh hướng khuynh tả, chống đối chiến tranh, lại nhớ thê thiết đến đồng đội của ông?

Câu trả lời là tình đồng đội.

Có ở trong đơn vị tác chiến, có đánh giặc thật sự, có thấy bạn bè ngả xuống, có chia chung điếu thuốc, hay chén rượu đế pha co ca, mối hiều được cái tình này. Thế Vũ chẳng yêu gì đời lính. Ông không hối hận việc ông đào ngũ. Vậy mà lá thư thứ nhất ông dành trái tim mình cho người bạn cùng một đơn vị với mình. Bởi ông đã nhận ra, không phải riêng ông mà tất cả đều mang vóc dáng bi đát. Đủ biết là tình đồng đội là mạnh mẽ đến dường nào.

Như vậy, tôi có thể khẳng định là Ngụy Ngữ chưa có một ngày tác chiến. Ông ta ở hậu cứ. Trong các bài văn của Thế Vũ ta thấy địa danh nơi tác giả viết là Cheo Reo, Dakto, Tân Cảnh. Còn địa danh Ngụy Ngữ ta thường thấy cuối bài là Blao. Blao là nơi đa số nhà văn nhà thơ trốn lính ẩn dật thường tìm đến để chờ ngày hòa bình. .