Thử đi kiếm nguyên nhân sự mất tích trong văn học sử Việt Nam của văn chương quốc ngữ lục tỉnh cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20

Lục tỉnh là tên trước năm 1945 của vùng đất Nam bộ ngày nay. Đây là vùng đất đầu tiên bị quân Pháp đánh chiếm làm thuộc địa gần 100 năm. Nói hai chữ Lục tỉnh là để khẳng định những gì đã diễn ra trên một vùng đất đã bị đổi tên từ năm 1945.

Đây là vùng đất đầu tiên có trường học chữ quốc ngữ là trường Khải Tường (tiền thân của trường Lê Quý Đôn ngày nay) và trường d’Adran (tiền thân của trường Trưng Vương và Võ Trường Toản ngày nay).

Đây là vùng đất đầu tiên có báo chữ quốc ngữ là tờ Gia Định Báo ra đời ngày 15-4-1865.

Đây là vùng đất đầu tiên sử dụng chữ quốc ngữ, và bắt đầu từ ngày 1-1-1882 thì bị bắt buộc dùng chữ quốc ngữ trong hệ thống hành chánh.

Vùng đất chiếm gần 1/3 tổ quốc chúng ta có văn chương hay không?

Chắc chắn có! Bởi nếu không thì hôm nay chúng ta tập họp về đây để làm gì? Tìm kiếm cái gì?

Có thể khẳng định rằng, Lục tỉnh là vùng đất đầu tiên có truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch, thơ, phú, bài hát (cho nhạc tài tử), tuồng (hát bội và cải lương) bằng chữ quốc ngữ. Có thể nói đây là vùng đất “Tổ” của báo chí và văn học quốc ngữ.

Thế nhưng văn học sử Việt Nam từ giữa thế kỷ 20 đến nay, gần hai thập niên đầu của thế kỷ 21, vẫn như chưa có trang chánh thức nào ghi nhận một cách minh bạch về nền văn học ấy. Người Việt Nam có học, kể cả giới nghiên cứu văn học Việt Nam, hầu hết đều không biết văn học quốc ngữ sanh ra ngày nào, xuất hiện ở đâu? Ai là người đi tiên phong? Truyện đầu tiên tên gì, của ai? Và tiếp theo đó là những ai? Đã có bao nhiêu truyện ngắn, truyện dài, truyện dịch?...Tất cả đều mất hút trong lịch sử!

Chuyện gì đã xảy ra? Cũng không ai biết và dường như không nhiều người quan tâm!

Giới nghiên cứu và người có học lâu nay dường như đều yên lòng với mấy dòng chữ “văn học quốc ngữ xuất phát từ Nam bộ”, “báo chí quốc ngữ là cái nôi của văn học quốc ngữ”, “những người tiên phong trong văn học quốc ngữ là ông Trương Vĩnh Ký, ông Hồ Biểu Chánh”...Và tiểu thuyết văn học lãng mạn đầu tiên là cuốn...Tố Tâm của ông Hoàng Ngọc Phách in năm 1925 tại Hà Nội!

Sao vậy? Chẳng lẽ cả vùng đất là “cái nôi” của văn học quốc ngữ trong suốt nửa thế kỷ (từ giữa thế kỷ 19 đến hai thập niên đầu thế kỷ 20) mà không có ai viết được tiểu thuyết, không có ai viết được văn xuôi sao? Trong số người được vinh danh thì ông Trương Vĩnh Ký hình như không phải là nhà văn (ngay cả cuốn “ký sự” Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi cũng ít chất văn chương) và chỉ sống ở thế kỷ 19. Ông Ký mất năm 1898.

Trong quá trình tìm hiểu lịch sử báo chí quốc ngữ, đọc kỹ lại những tờ báo xuất bản trong thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tôi phát hiện rằng sự thật không phải vậy, không phải như văn học sử viết, không phải như sách giáo khoa đã dạy.

Văn chương lục tỉnh từ cuối thế kỷ 19 đã rất phong phú về thể loại, số lượng và tác giả. Có thể thu thập hàng ngàn tác phẩm của hàng trăm tác giả có tác phẩm in báo, dù thời điểm ấy báo chí quốc ngữ rất hiếm và số còn tồn tại đến ngày nay cũng hiếm như vậy. Những cái tên Nguyễn Liên Phong, Đặng Thúc Liêng, Nguyễn Dư Hoài, Mai Nham, Nguyễn Viên Kiều, Phan Đạt Hảo, Trần Phục Lễ, Trần Đại Học, Nguyễn Chánh Sắt, Lương Dủ Thúc, Ma La Hòa Thượng, Trần Chánh Chiếu... và nhiều cái tên nữa xuất hiện khá đều đặn trên báo hàng tuần với lượng viết khổng lồ. Không chỉ viết những chuyện tình, dịch truyện tàu, mà cả truyện tây. Họ viết bài ca, viết tuồng, làm thơ, phú, truyện thơ...Truyện 1001 đêm được chuyển sang tiếng Pháp năm 1895 thì năm 1898 đã có bản quốc ngữ in trên báo Nam Kỳ. (Xin đừng lầm với tờ Nam kỳ tuần báo của ông Hồ Biểu Chánh). Tờ Nam Kỳ nầy ra hàng tuần vào ngày thứ 5, có thể do ông Trương Minh Ký làm chủ bút, thế kỷ 19 chưa ghi tên chủ bút trên báo, có 16 trang dành phân nửa để quảng cáo và dành từ 2 đến 4 trang cho văn học (trong số 8 trang còn lại). Báo ra số đầu tiên năm 1897 và số cuối cùng năm 1900.

Tôi cũng tìm thấy “truyện” văn xuôi đầu tiên đăng trên Gia Định báo số ra ngày 1-12-1881. Đó là truyện “Tên chăn bò”, và truyện “Thằng ăn trộm với con heo”. Cả hai truyện nầy đều không ghi tên tác giả. Sau đó, khi dò lại cuốn Truyện Langsa diễn ra quốc ngữ của ông Trương Minh Ký thì thấy cả hai truyện trong ấy. Như vậy có thể nói rằng, ông Trương Minh Ký (1855-1900) là tác giả đầu tiên của văn học quốc ngữ Việt Nam. Sau đó 6 năm, ông Nguyễn Trọng Quản cho ra đời truyện Thầy Lazaro Phiền. Cũng phải thôi, vì ông Quản là đàn em nếu không nói là học trò của ông Trương Minh Ký. Bởi năm 1880, chính ông Ký dẫn 13 học trò, trong số đó có ông Quản, sang Alger du học.

Thế nhưng tất cả đều mất tích!

Kiểm lại, tôi thấy hầu hết những nhà nghiên cứu văn học đầu tiên đều là người Bắc. Mặt mạnh của những nhà nghiên cứu nầy là tổng hợp rất tốt, hiểu biết rộng, nhận định tương đối tốt. Nhưng mặt yếu cũng không ít. Đó là sự tự tôn luôn coi của mình là hơn hết, tốt hết, đúng hết và không chịu khó tìm tòi cho ra ngọn nguồn. Và một điều nữa không thể không nói là người Bắc luôn tự cho mình là “đất học”, “đất văn vật”, luôn khinh rẻ người Lục tỉnh là “ít học, trọc phú, chỉ biết ăn chơi”. Từ đó dẫn tới hệ quả, họ đã bỏ qua cả một nền văn học đáng kính khi đặt viết lên những trang văn học sử! Cũng từ đó dẫn tới một dư luận là chỉ người Bắc mới “biết viết văn”, còn miền Nam thì chỉ “ăn chơi, làm giàu” mà thôi.

Chính vì không phải là người Lục tỉnh viết tổng kết văn học, viết văn học sử (và cả sách giáo khoa nữa) nên có thể đã xảy ra ba nguyên nhân sau:
  1. Không biết hoặc không được đọc:

  2. Từ năm 1919, miền Bắc mới chánh thức ử dụng quốc ngữ sau khi vua Thành Thái bỏ thi tuyển chữ Nôm.

    Dù cuối thế kỷ 19, giao thông giữa hai miền đã thông thoáng nhưng việc lưu thông vẫn còn nhiều hạn chế, đặc biệt là giao lưu văn hóa còn rất ít và hiếm. Đến năm 1920-1930, báo ở Sài Gòn mới phát hành ở Hà Nội là tờ Phụ Nữ Tân Văn. Trước đó, hầu như không có tờ báo nào bán ra Hà Nội. Mà báo chí Sài Gòn thì đăng truyện (văn vần lẫn văn xuôi) rất nhiều.

    Do đó có thể nói rằng, người Bắc-dù là người chuyên nghiên cứu văn học-ở đầu thế kỷ 20, biết rất ít, đọc được rất ít những tác phẩm văn học của Lục tỉnh. Vả lại, khi họ có nhu cầu (sau khi chữ quốc ngữ được chánh thức phổ biến ở miền Bắc) thì cả một nền văn học của Lục tỉnh ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, thì họ không biết, hoặc không tìm đọc được.

    Một ví dụ cho tình trạng nầy là “lý lịch” họa sĩ Bút Sơn.

    Bút Sơn là người đã đoạt giải biếm họa của báo Phong Hóa năm 1934 với tranh vẽ “Xã Xệ” một nhân vật hài hước nổi tiếng cùng với nhân vật Lý Toét trên tờ Phong Hóa. Song do giao thông không thuận tiện, Bút Sơn chỉ vẽ vài bức cho Phong Hóa rồi thôi. Nhân vật Xã Xệ sau năm 1934 chủ yếu do các họa sĩ miền Bắc vẽ. Điều đáng nói là cả Nhất Linh, giám đốc tờ Phong Hóa cũng không biết Bút Sơn là ai, chỉ biết là “người Sài Gòn”. Trong khi đó, Bút Sơn đang là một nhà báo cũng có chút tên tuổi ở Sài Gòn. Ông mất năm 1941.

    Dường như năm 1998, tiểu thuyết Thầy Lazaro Phiền của ông Nguyễn Trọng Quản mới được công bố chánh thức trong tập “truyện dài đầu tiên và tuyển tập các truyện ngắn Nam Bộ” do Cao Xuân Mỹ biên soạn, Bùi Đức Tịnh giới thiệu và hiệu đính và do Nhà xuất bản Văn Nghệ TP Hồ Chí Minh cùng Hội nghiên cứu giảng dạy văn học TPHCM xuất bản. Đến năm 2006, giáo sư Nguyễn Huệ Chi viết “cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết theo lối mới là Truyện Thầy Lazaro Phiền in năm 1887 nhưng sau đó ròng rã đến ngót 25 năm đã không được một người nào kết tục. Mãi đến 1910 mới có thế hệ tiểu thuyết thứ hai”. (Ba đặc điểm trong bước khởi đầu của văn xuôi tự sự quốc ngữ Nam Bộ, tạp chí Kiến Thức Ngày Nay số 570 ngày 10-6-2006).

    Không thể phủ nhận là giáo sư Nguyễn Huệ Chi là nhà nghiên cứu văn học Việt Nam “có số má” nhưng ông cũng không biết rằng, sau Nguyễn Trọng Quản (kể cả trước đó) có khá nhiều tác giả, tác phẩm ở Lục tỉnh.

    Tôi xin được kể một vài tác phẩm in trên báo Nam Kỳ như Đố ngộ cố nhân của Nguyễn Dư Hoài, người Bến Tre, Chuyện thằng Lằng của Mai Nham, người Sài Gòn, Chuyện vợ ngoan làm quan cho chồng của Phạm Hảo hạt, người Biên Hòa, Chuyện người cạo râu vô duyên bạc phận của Nguyễn Thới Nhàn, Truyện hai chị em ruột của FXT, truyện Mài gươm dạy vợ của Lương Dủ Thúc....Những truyện, những tác giả nầy viết trong thế kỷ 19. Nếu chịu khó tìm đọc lại các tờ báo đầu thế kỷ như Nông Cổ Mín Đàm, Lục Tỉnh Tân Văn, Nhựt Báo Tỉnh...chúng ta còn có thể kiếm thêm được từ vài chục đến hàng trăm tác phẩm (cả sáng tác lẫn dịch thuật) của vài chục tác giả.

    Với một lượng tác phẩm và tác giả nhiều và đông đúc như vậy mà giáo sư Nguyễn Huệ Chi dám mạnh miệng nói “ròng rã suốt 25 năm đã không có được một người nào kế tục” chứng tỏ rằng giáo sư không biết hoặc không được đọc các tác phẩm tôi đã kể.

    Đến đầu thế kỷ 21, điều kiện để tìm đọc những tài liệu xưa đã tương đối dễ dàng mà một chuyên gia nghiên cứu văn học lại không đọc được những tác phẩm xưa của Lục tỉnh thì trước đó hơn nửa thế kỷ những nhà nghiên cứu văn học “rất có thể đã không biết hoặc không được đọc các tác phẩm của Lục tỉnh”. Và vì vậy họ đã xuống bút để nói rằng “tiểu thuyết lãng mạn đầu tiên của văn học Việt Nam là cuốn Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách in tại Hà Nội năm 1925”!

    Người Bắc làm quen với chữ quốc ngữ từ Đại Nam Đồng Văn Nhật báo (sau đổi tên thành Đăng Cổ Tùng Báo) ra đời năm 1891 ở Hà Nội. Đây là tờ báo in hai thứ chữ Hán và Việt và tồn tại không lâu. Hơn 20 năm sau đó, năm 1913, người Bắc mới được đọc một tờ báo quốc ngữ chánh hiệu là tờ Đông Dương tạp chí. Đông Dương tạp chí là phụ bản của tờ Lục Tỉnh Tân Văn ở Sài Gòn, phát hành dưới thương hiệu khác ở Hà Nội do một nhóm trí thức miền Bắc thực hiện.

    Một thời gian rất dài sau đó, từ năm 1929, báo Phụ Nữ Tân Văn ở Sài Gòn là tờ báo đầu tiên phát hành ra Hà Nội và miền Bắc.

    Tôi nói có ngằn như vậy để quí vị hiểu rằng, báo chí trong Nam hiếm khi phát hành ra Bắc (có lẽ do điều kiện giao thông) trước năm 1929. Đây cũng là một nguyên nhân khiến người Bắc không đọc được, không biết được văn chương Lục tỉnh đã xuất hiện từ rất lâu trên các báo ở Sài Gòn.

    Không biết, không thấy không hề đồng nghĩa với không có!

  3. Tự đặt chuẩn:

  4. Khi quyết định chọn Tố Tâm là tiểu thuyết đầu tiên ắt hẳn các nhà nghiên cứu tiên phong đã tự đặt ra một thứ chuẩn mực cho tiểu thuyết. Đó là “văn phải chải chuốt, nội dung phải sang trọng, bay bổng”. Chiếc giày của các vị đó quá nhỏ so với nền văn học nước nhà.

    Đây cũng là chuẩn mực lâu nay của những người viết ở miền Bắc.

    Trong khi đó, văn Lục tỉnh thì khác.

    Văn Lục tỉnh thì “viết như nói, thô ráp chủ yếu chuyển cái thần chớ không quan tâm nhiều đến chữ nghĩa”. Và nội dung thì “rất bình thường, không bay bổng, gần đời sống, ai cũng đọc được”.

    Tôi nhớ, thập niên 1960-1970 ở Sài Gòn, có rất nhiều tiểu thuyết của Người Nhạn Trắng, Người Khăn Trắng, Vương Linh, Nghiêm Lệ Quân....in bán tràn lan khắp các ngỏ xóm. Hầu hết là tiểu thuyết diễm tình, vụ án tình và người đọc bình dân rất thích. Chỉ riêng những người có chút ít chữ nghĩa thì coi đó là “tiểu thuyết ba xu” bởi tiêu chuẩn tiểu thuyết của họ phải như Tự Lực văn đoàn trở lên.

    Vì vậy, khi đem tiểu thuyết của Lục tỉnh áp vào cái tiêu chuẩn nói trên thì...trớt hướt! Và điều gì đã xảy ra....các vị cũng đã biết!

  5. Đọc nhưng không hiểu:

  6. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng.

    Tôi là người Lục tỉnh trăm phần trăm và sống ở Lục tỉnh gần hết đời. Thế nhưng, khi đọc những tiểu thuyết của tiền nhân tôi cũng phải...tra tự điển! Vì sao? Vì có quá nhiều từ ngữ xưa, quá nhiều tử ngữ, quá nhiều nét riêng. Ví dụ tôi phải mất một thời gian mới hiểu chữ “chửng” nghĩa là chừng ấy. Phải tra cứu, suy luận mới hiểu hai chữ “nước giá” nghĩa là nước đá. Rồi phải có “kinh nghiệm” mới hiểu các chữ “thoàn” nghĩa là thuyền, đò, chữ “hườn” nghĩa là hoàn lại, “ngươn” nghĩa là nguyên....

    Đây mới chỉ là những chữ thường dùng. Còn rất nhiều chữ khác nữa mà ngay một người Lục tỉnh cũng...khó hiểu.

    Chưa kể những chữ đồng dạng nhưng khác nghĩa hoàn toàn giữa hai miền Nam Bắc. Ví như chữ “tàu”. Khi người Lục tỉnh nói đi tàu thì ai cũng hiểu là đi bằng phương tiện chuyên chở “dưới nước”. Lục tỉnh không có tàu thủy, tàu hỏa! Khi người Lục tỉnh nói đi “quá giang” thì ai cũng hiểu là đi xa bằng phương tiện chuyên chở. Khi nói “đi xe đò” là đi xa bằng xe. Người Lục tỉnh nói “thối” nghĩa là thối tiền lại (chưa kể nói long, nói lái) hoàn toàn không có nghĩa như miền Bắc. Người Lục tỉnh nói “bóng” thì hiểu cái gì đó mông lung, mõng mảnh, dễ bể....và gần như không có nghĩa là tròn. Hể nói tới “biển” thì người Nam hiểu rằng đó là một vùng nước mặn và không ai hiểu là cái bảng cả! Khi nói “đuổi” thì liền hiểu là bị truất phế, lột chức, văng ra khỏi...và hoàn toàn không có nghĩa là rượt theo!

    Sự khác biệt khá nhiều về từ ngữ ấy khiến người nghiên cứu văn học tiên phong vô cùng khó hiểu như đọc truyện của Pháp mà không biết tiếng Pháp.

    Đọc tiểu thuyết mà không hiểu thì không thể cảm được. Mà không cảm được chắc chắn không thể minh định hay hay dỡ! Mà không thể minh định được thì....
Theo tôi đó là ba yếu tố chánh đã khiến văn chương Lục tỉnh biến mất trong văn học sử. Tất nhiên, sự việc càng đậm đà thêm khi các công trình nghiên cứu đi sau vẫn lập lại những gì người đi trước đã nói. Và càng tệ hơn khi sách giáo khoa vào cuộc. Chính sách giáo khoa đã biến sự thiếu sót của các nhà nghiên cứu tiên phong trở thành thực tế khi gieo vào đầu óc của nhiều thế hệ học sinh học Việt Văn rằng “miền Nam không biết viết văn”. Từng lớp lớp người có học đã tin tưởng như vậy và họ dễ dàng bỏ qua tất cả những tiểu thuyết, truyện thơ...in trên báo mỗi ngày, có truyện in ngay trên bìa cuốn tập học, có truyện bán tràn lan ở các tiệm tạp hóa! Tôi là một trong số đó. Tôi từng nghĩ rằng các truyện thơ Thầy Thông Chánh, Cậu Hai Miêng, Thơ Sáu Trọng...là thứ thơ truyền miệng, thơ dân gian...cho đến khi tôi mua được tập thơ và đọc thấy tên tác giả. Và trong số nầy không thể bỏ qua tác giả Đặng Nghi Lễ, một người viết khá nhiều truyện thơ, hay Trần Phong Sắc người dịch khá nhiều tiểu thuyết tàu và cũng là tác giả cuốn Tục Lục Vân Tiên.

Tất nhiên, sự thiếu sót ấy không thể không có yếu tố “vùng miền”, yếu tố “chánh trị” góp vào.

Truyện Thầy Lazaro Phiền, phát hiện khoảng năm 1994 và in lần đầu (nếu chưa chính xác xin quí vị chỉnh lại giúp) năm 1998. Thế nhưng 20 năm qua, hình như trong các văn bản chánh thức của văn học sử và sách giáo khoa vẫn chưa ghi nhận. Các văn bản lịch sử văn học vẫn y như cũ. Có thể ngay trong nhà trường, việc dạy học cũng như xưa chớ chưa điều chĩnh lại!?

Tại sao? Tôi không biết.

Nửa thế kỷ trước, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã viết “Văn học miền Nam phải có quyền được các học giả nghiên cứu sâu rộng. Bộ văn học sử của Dương Quảng Hàm cũng như các bộ phê bình của Vũ Ngọc Phan đều phiến diện. Việc giảng dạy trong các nhà trường không thể tiếp tục như cũ. Không thể quá nặng về văn học miền Bắc mà lầm tưởng là văn học Việt Nam, vì văn học Việt Nam từ thế kỷ 18 trở lui chính là văn học hai miền, mà từ giữa 1862 đến 1932 thì miền Nam đã vọt lên vai tiền phong, hướng dẫn cả mọi phương tiện phát triển văn học quốc ngữ, mà còn đào tạo những nhà văn, nhà báo cho cả hai miền sau một cách trực tiếp hoặc gián tiếp”. (xin xem Khi những lưu dân trở lại do Thời Mới xuất bản tại Sài Gòn năm 1969). Trãi qua nửa thế kỷ lên tiếng, nhưng tiếng nói của ông lạc lõng trong thế giới im lặng nầy!

Chúng ta có viên ngọc rất quý và đang bỏ lăn bỏ lóc nó trong góc tối của lịch sử. Nếu biết điều ấy hẳn các nhà nghiên cứu bạn bè trên thế giới chắc chắn sẽ cười chúng ta là không biết xài đồ quý!

Có thể cũng có nhiều người cùng suy nghĩ như tôi nhưng không nói ra vì “nhạy cảm”, vì chứng tỏ một thái độ gì đó, dù đó là thái độ đúng mực của một người nghiên cứu. Người ta sợ mấy tiếng “phân biệt Nam Bắc”, người ta sợ ai đó đánh giá là người “cục bộ địa phương”. Thậm chí khi tôi viết mấy chữ “Lục tỉnh” cũng có bạn khuyên nên dùng chữ “Nam Bộ”. Sao vậy? Chúng ta đang đề cập đến lịch sử, mà lịch sử thì phải đúng như những gì đã diễn ra, đã có! Không thể vì một lý do ngoại lực nào đó mà thay đổi để vừa lòng ai đó!

Nếu là người nghiên cứu văn học thực sự thì không thể bỏ qua trường hợp nhà văn Bửu Đình. Xin miễn kể ra đây lý lịch của ông, tôi chỉ xin nói một chuyện, mà nếu thực sự quan tâm đến văn học nước nhà, người ta đã phải biết. Đó là ông viết tiểu thuyết đăng báo khi đang ở tù. Tiểu thuyết Mãnh trăng thu của ông đăng năm 1930 trên báo Phụ Nữ Tân Văn, khi đó ông đang là tù nhân ở Côn Đảo. Trong lịch sử văn học Việt Nam hình như chưa có nhà văn nào được ghi nhận là “có truyện đăng báo khi đang ở tù” cả.

Chỉ với một chuyện như vậy để thấy rằng, việc nghiên cứu văn học, nhứt là đối với văn học Lục tỉnh, văn học Nam bộ hầu như chưa được ai để ý, đặc biệt là những nhà nghiên cứu văn học ở miền Bắc. Nhiều bộ sách nghiên cứu văn học tương đối “đồ sộ” nhưng cũng chỉ lập lại của những người đi trước và chưa thực sự cho thấy công sức “nghiên cứu” nhiều lắm.

Thưa quí vị, tôi rất cám ơn quí vị đã cho tôi có dịp bày tỏ quan điểm của mình trên diễn đàn cao quý nầy. Tôi cũng cám ơn tất cả quí vị đã có lòng với văn chương của Lục tỉnh, quê hương tôi.

Thiển nghĩ, đã đến lúc phải trả lại sự công bằng cho văn học của một vùng đất đã đi tiên phong. Đã đến lúc phải dọn lại cái ghế xứng đáng cho văn học, văn chương Lục tỉnh trong văn học sử. Và đã đến lúc phải làm cho em cháu chúng ta ngày sau hiểu rằng, văn học Lục tỉnh đã đi những bước đi đầu tiên trong văn học sử quốc ngữ hiện đại, và những người viết đầu tiên là những người Lục tỉnh, người Sài Gòn chớ không ai khác.

Những tiền nhân ấy, có lẽ họ không cần vinh danh, không cần có tên đường, không cần chỗ ngồi trang trọng trong văn học sử. Nhưng, chúng ta là cháu con, là lớp người đi sau có chút hiểu biết, cần phải làm tất cả những việc đó. Nếu không lớp em cháu sau nầy sẽ nguyền rũa chúng ta.

Tôi không phải là nhà nghiên cứu văn học, tôi không sợ sự nguyền rũa ấy nhưng vì trách nhiệm của một người cầm viết, có chút ít chữ nghĩa, tôi cũng lo lắng.

Trân trọng cám ơn