Kỷ niệm làm dĩa hát VIETNAM – TRADITION DU SUD (Nguyễn Vĩnh Bảo & Trần Văn Khê)

Dĩa hát này do Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo trong lúc ghé thăm tôi tại Paris, năm 1972, đã được anh Charles Duvelle (Giám đốc phụ trách Ban ghi âm và xuất bản dĩa hát với nhãn hiệu Ocora) mời đến ghi âm một dĩa hát về Đờn ca Tài Tử Miền Nam.

Phòng ghi âm được mở ra từ 08g30′, các kỹ sư và mọi người đều sẵn sàng chờ hai anh em chúng tôi đến để ghi âm. Chúng tôi đã đem theo một cây đờn Tranh, một cây đờn Kìm, một cây đờn Sến, một cây đờn Gáo và một cây đờn Tỳ. Thêm cả hai chiếc áo dài gấm xanh, quần trắng, khăn đóng để lúc nào chụp hình làm bìa cho dĩa hát thì hai anh em chúng tôi mặc quốc phục hẳn hòi.

Đến phòng họp, anh Vĩnh Bảo nói nhỏ với tôi: “Mình phải ghi âm mà sao tôi thấy không có hứng chút nào cả! Mà không hứng chắc đờn không hay”. Tôi biết ý nghệ sĩ của ta, khi không vui như vậy, thì lúc ghi âm nhạc sẽ không có hồn, tôi liền nói nhỏ với Charles Duvelle tâm trạng của anh Vĩnh Bảo lúc này và yêu cầu anh để cho hai anh em chúng tôi đi ra ngoài uống cà phê. Đối với bên Pháp tiền thuê phòng ghi rất đắt, nên người ta thường tiếc từng phút từng giây thuê, nhưng anh Charles Duvelle là người hiểu biết tâm lý của Nhạc sĩ phương Đông, anh vui lòng bảo các kỹ sư chuyên gia đi uống cà phê một giờ đồng hồ rồi trở lại. Vừa ra khỏi phòng thì anh Vĩnh Bảo nói tiếp:“Mình sẽ ghi âm đờn ca tài tử, mà tôi nhìn thấy trước mặt toàn là những nhạc khí của phương Tây như piano, violin, cell, harp… ngổn ngang thì không thể nào những nhạc khí đó gợi hứng cho tôi được”. Tôi hiểu ý bạn nên trong lúc đợi cà phê, tôi gọi anh Charles Duvelle nói qua ý kiến của bạn tôi thì anh Charles Duvelle chẳng những không thấy khó chịu mà còn đồng ý, và ra lệnh cho dẹp hết tất cả các nhạc khí của phương Tây. Anh Vĩnh Bảo rất vui cùng đi với tôi ra ngoài phòng thu đến một tiệm cà phê thưởng thức 2 tách “Expresso” thật đậm. Nói chuyện khào một chút, anh Vĩnh Bảo tươi cười và nói: “Bây giờ ông thần âm nhạc nhập rồi”.

Hai anh em chúng tôi trở lại, bắt đầu từ 10g00′, phòng ghi âm bật đèn đỏ và hai anh em chúng tôi lại ngồi ôm đờn rao một chút. Anh Charles Duvelle hỏi: “Hôm nay chương trình thâu như thế nào?” Tôi trả lời: “Tôi không soạn chương trình trước, bởi vì theo phong cách đờn tài tử của chúng tôi, hễ cao hứng thích bản nào thì đờn bản đó không thể qui định trước, nhưng chúng tôi thường mở đầu bằng hơi Bắc, rồi đi lần đến hơi Nam, chúng tôi sẽ tuần tự thâu, rồi anh sẽ góp ý kiến để bài nào trước, bài nào sau, để hấp dẫn người thính giả Pháp”. Và tôi nói với anh Charles Duvelle rằng hai anh em tôi sẽ bắt đầu bằng 3 bài Bắc nhỏ “Lưu Bình Kim” (Lưu Thuỷ Đoản – Bình Bán Vắn – Kim Tiền Huế). Anh Vĩnh Bảo sẽ đờn Tranh, tôi (Trần Văn Khê) đờn Tỳ Bà. Đờn một lần từ đầu chí cuối, anh em chúng tôi vừa đờn, vừa nhìn nhau mỉm cười, không nghĩ rằng mình đang ở phòng ghi âm. Khi đèn đỏ tắt anh Charles Duvelle đứng dậy giang hai tay ôm anh Vĩnh Bảo và tôi, vừa lắc đầu, vừa đưa ngón tay cái lên trời, miệng luôn nói: “Merveilleus!!!” (Tuyệt vời). Anh sung sướng và nói: “Tôi đã dự nhiều buổi ghi âm đờn loại thính phòng, nhưng chưa có lần nào mà tôi có cảm hứng bị lôi kéo theo tiếng nhạc, mặc dầu đây là lần đầu tiên trong đời tôi nghe những bản các anh vừa diễn tấu, tuyệt vời, tuyệt vời quá”. Anh rót hai chén trà mời anh Vĩnh Bảo và tôi, nghỉ một chút sẽ ghi tiếp, anh Vĩnh Bảo nói liền: “Anh em chúng tôi đang trên đà hứng, chúng tôi sẽ tiếp tục thâu liên tiếp, nếu kỹ thuật cho rằng hoàn hảo, thì ra dấu, chúng tôi sẽ đờn luôn như một buổi chúng tôi hoà đờn tài tử với nhau”. Các kỹ sư đồng ý và tiếp tục. Anh Vĩnh Bảo lấy đờn Sến rao mấy câu theo giọng Quảng, nói với tôi: “Anh Khê lấy đờn Gáo đi, anh em mình đờn chơi một bản Tây Thi Quảng”.

Bản Tây Thi thuộc về điệu Bắc, là một trong 6 bài Bắc lớn, nhưng đờn theo điệu Quảng, tức là theo phong cách Nhạc Quảng Đông, chữ Xự, chữ Cống thay vì phải rung thì chúng tôi mổ, chữ Xang phải mổ thì chúng tôi rung. Anh Vĩnh Bảo tự do rao, tôi kéo đờn Gáo đưa hơi theo anh và khi anh Vĩnh Bảo gõ song lang tiếng đầu, anh em chúng tôi vào bài. Lúc đờn hai anh em tôi nhìn nhau mỉm cười đắc chí, khi có những câu nào đờn chuyền hay hoặc nhấn độc, say với nhạc như đang ở trong một nơi nào đó tại Đất Nước Việt Nam. Khi dứt bản, từ trong phòng kỹ sư vang lên một tiếng “Impeccaple” (hoàn hảo), mọi người đều hoan nghênh.

Anh Vĩnh Bảo mới nói: “Sao bây giờ tôi lại thích rao một câu buồn…”. Anh lấy cây đờn Kìm lên dây rồi bắt đầu rao, tôi đưa tay ra hiệu cho kỹ sư ghi âm. Khi anh Vĩnh Bảo chấm dứt, anh Charles Duvelle trên mặt còn nét cảm động, anh đến ôm anh Vĩnh Bảo mà nói: “Tôi không phải vừa nghe khúc nhạc Việt Nam, mà tôi lim dim đôi mắt, và cảm thấy nghệ thuật tuyệt vời đã biến thành ra những giọt âm thanh rơi vào tim tôi theo mỗi tiếng đờn”. Còn gì thú vị bằng đờn Bá Nha Việt Nam đã lọt vào tai Tử Kỳ người Pháp! Tiếp tục ghi thêm bản Phú Lục chấn, anh Vĩnh Bảo đờn tranh, tôi đờn Kìm.

Rồi Anh Vĩnh Bảo rao buồn trên đờn tranh.

Buổi ghi âm chấm dứt lúc gần 12 giờ trưa trước giờ dự định. Tiếp theo, anh Vĩnh Bảo đề nghị ghi âm những bản anh đã ghi với các nghệ sĩ bên Việt Nam để làm 3 cuồn băng nhạc cổ miền Nam cho nhà kinh doanh yêu văn nghệ Nam Bình. Nên sau 5 tiết mục vừa kể trên, còn có những bản:
  • Lưu Thủy Trường: Nhạc sư Vĩnh Bảo đờn tranh hòa với Hai Phát đờn tam (3 dây, mặt đờn bịt da trăn).
  • Nam Xuân: Vĩnh Bảo đờn tranh, Mười Tiễn đờn kìm.
  • Ngũ cung Đảo: Vĩnh Bảo đờn tranh, Năm Vinh đờn kìm, Hai Thơm đờn violon.
  • Vọng cổ: Vĩnh Bảo đờn tranh, Sáu Tửng đờn kìm, Chín Trích đờn cò.
Khi anh Charles Duvelle gặp chúng tôi để giải quyết vấn đề thù lao cho nghệ sĩ thì sau khi trao ngân phiếu với số tiền đã định trong hợp đồng, anh tươi cười lấy ngân phiếu riêng của anh ghi thêm một số tiền và nói: “Đây là số tiền để cảm ơn người nghệ sĩ đã cho tôi những phút thoát trần khi nghe một điệu nhạc, dầu không phải quen thuộc như nhạc phương Tây nhưng có khả năng làm cho tôi say mê đến quên cả những khó khăn trong cuộc đời”.

Anh Vĩnh Bảo rất bất ngờ với món quà quá đặc biệt này. Hai anh em chúng tôi phải nhìn nhận rằng ông Charles Duvelle mặc dầu không phải một người hiểu biết nhạc tài tử nhưng lại có phong cách như người chơi sành điệu trong tài tử: ông biết chiều chuộng người nghệ sĩ, nắm bắt được tâm lý của những nghệ sĩ phương Đông, và là người tôn trọng nghệ thuật hơn kỹ thuật. Được làm việc chung với một người như vậy thì đó là cái may mắn trong cuộc đời hai anh em chúng tôi.

______________


Mời nghe những bản đờn trong CD đó sau đây: 

1. Lưu Thuỷ Đoản, Bình Bán Vắn, Kim Tiền Huế - Nguyễn Vĩnh Bảo & Trần Văn Khê


2. Tây Thi Quảng - Nguyễn Vĩnh Bảo & Trần Văn Khê


4. Phú Lục Chấn - Nguyễn Vĩnh Bảo & Trần Văn Khê


6. Lưu Thuỷ Trường - Nhạc sư Vĩnh Bảo ‎(đờn Tranh)‎, Hai Phát ‎(đờn Tam)‎


7. Nam Xuân - Nhạc sư Vĩnh Bảo ‎‎(Tranh)‎‎, Mười Tiễn ‎‎(Kìm)‎‎


8. Đảo Ngũ Cung - Năm Vĩnh ‎(Kìm)‎, Hai Thơm ‎(Violon)‎, Vĩnh Bảo ‎(Tranh)‎


9. Vọng cổ - Nguyễn Vĩnh Bảo ‎(Tranh)‎, Sáu Tửng ‎(Kìm)‎, Chín Trích ‎(Cò)‎