Giang cảng Sài Gòn – Chợ Lớn

Cách đây hơn 20 năm, tôi có dịp đến cảng Bãi Xàu thuộc huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng tìm hiểu một giang cảng lớn thịnh vượng nhất của miền Tây thời xưa. Thời điểm tôi đến đó, cuộc sống của bà con nông dân tỉnh Sóc Trăng còn nhiều khó khăn. Từ một thương cảng hoạt động nhộn nhịp nhất trong thập niên 70 của thế kỷ trước lâm vào cảnh tiêu điều. Thời trước đó nữa, nơi đây có cả trăm ghe bầu, tàu trọng tải lớn làm công việc vận chuyển lúa gạo thu mua từ các tỉnh lân cận chuyển lên các chành lúa gạo trên bến Bình Đông thuộc giang cảng Sài Gòn – Chợ Lớn.


Kênh Tàu Hủ năm 1955 – Ảnh: Cauchetier.


Sở dĩ tôi bắt đầu từ cảng Bãi Xàu ở miệt sông nước Hậu Giang để nói về giang cảng lúa gạo trên các bến kênh rạch Sài Gòn – Chợ Lớn bởi nó là gạch nối thông thương giữa những con sông và kênh đào từ thời Pháp chiếm Nam Kỳ. Pháp mở rộng kênh rạch miền Tây kết nối kênh rạch Sài Gòn để khai thác vận chuyển lúa gạo về Thương cảng Sài Gòn mang đi xuất cảng. Theo Sơn Nam ghi nhận trong “Ðất Gia Ðịnh xưa”, từ Bãi Xàu, ghe thuyền đi theo kênh Trà Ôn vào sông Tiền, qua Chợ Lớn vào bến Bình Ðông và Bình Tây (Mễ Cốc) nhập vào kho các nhà máy xay lúa. Nhưng chủ ghe là ai? Không phải là những người nông dân một nắng hai sương làm ra hạt lúa. “Tiền vốn của nhà nước Pháp, lúa gạo của nông dân Việt nhưng đem lại lợi tức cho người Hoa mua bán lúa”.

Ðây chính là thời điểm ngành nông nghiệp miền Nam được khai thác tối đa. “Trong 37 năm (1893-1930), trung bình mỗi năm tăng thêm 35,000 hécta ruộng, tổng cộng 1,800,000 hécta đất đưa vào canh tác. Phí tổn đào kênh là 48 triệu đồng, nhưng chính phủ thâu lợi quá to: thêm thuế điền, thuế xuất cảng lúa gạo và tiền bán đất theo kiểu thuận mãi hoặc đấu giá”. Thoạt đầu, nhiều nông dân cứ nghĩ kế hoạch đào kênh của chính phủ Pháp nhằm mở mang nông nghiệp các tỉnh miền Tây nhưng thực chất là đáp ứng nhu cầu giao thông vận tải hơn là công tác thủy lợi đưa nước vào đồng ruộng cho nông dân canh tác. Ðào kênh Trà Ôn để đưa lúa từ Hậu Giang (Bạc Liêu, Rạch Giá, Sóc Trăng, Cần Thơ) về Sài Gòn. Số diện tích canh tác tăng nhanh là do dân số tăng từ các nơi khác đổ về khai khẩn đất hoang, dùng sức người, sức trâu bò là chính yếu.


Bến Bình Đông là kho lúa gạo miền Nam thập niên 30 – Nguồn: Anhxuasg.


Người nông dân làm ra lúa gạo đủ để ăn, phần còn lại đóng địa tô, mua phân bón, bán lúa dư cho người Hoa từ Chợ Lớn xuống thu mua bằng cách bán trước nhu yếu phẩm cho nông dân, tới mùa lúa trả lại bằng lúa. Ðến mùa gặt, thương lái người Hoa đến thu mua, họ ăn trơn mặc trắng điều khiển ghe thuyền chở lúa từ cảng Bãi Xàu tấp nập ngày đêm giong buồm lên đến Mỹ Tho theo sông Bảo Ðịnh vào các kênh rạch cập bến Chợ Lớn. Nhà Thơ Học Lạc mô tả: “…Lớn ròng chung rạch, chia đôi ngả / Cũ mới phân nhau cũng một đò. Phố cất vẽ vời xanh tơ lục / Buồm giong lên xuống trắng như cò…”

Ghe tàu chở lúa gạo giong buồm về Chợ Lớn bằng đường kinh Chợ Lớn hay kinh Tàu Hủ. Chợ Lớn thịnh vượng một phần nhờ con kinh này thông thương với miệt Hậu Giang. “Tàu nhỏ, ghe thương hồ, các ghe chài “ăn lúa” từ Bạc Liêu, Bãi Xàu, Sóc Trăng, kéo lên, hoặc thuyền “cá đen” Biển Hồ (Nam Vang) đổ xuống, đều noi theo con Kinh Tàu Hủ nầy mà “ăn hàng”, “ăn gạo”, hoặc đợi “cất lúa” lên cho các nhà “tầu khậu” và nhà máy xay Chợ Lớn, cũng như nhờ con Kinh Tàu Hủ này để giao dịch với thương cảng và các tàu buôn xuất ngoại” (Sài Gòn năm xưa – Vương Hồng Sển).


Cầu Bình Tây với ghe lúa chờ dỡ hàng xuống bến – Nguồn: Anhxuasg.


Do đó bến Bình Ðông không còn là một bến ghe đò bình thường như những bến ghe đò khác ở trung tâm Chợ Lớn nữa. Quy mô hoạt động ở tầm vóc là một trong những giang cảng quan trọng của vùng Chợ Lớn, là vựa chứa lúa của miền Nam. Những người cố cựu sống tại đây từ trước năm 1945 cho biết, dọc hai bên bờ kinh có nhiều nhà máy xay gạo và chành lúa dựng san sát nhau. Sơn Nam viết trong “Bến Nghé xưa” rằng vào năm 1927, ở Bến Bình Ðông có tới 70 nhà máy xay lúa, sản xuất ra thị trường mỗi năm gần 3 triệu tấn gạo, trong khi mức cầu xuất cảng thời đó tối đa 1,300,000 tấn. Tàu hai ba trăm tấn qua lại dễ dàng nhờ lòng kênh sâu. “Dòng kinh sâu rộng, ghe thuyền đậu dài 10 dặm (1 dặm = 576 thước tây), theo hai con nước lớn nước ròng, thuyền bè qua lại chèo chống ca hát, ngày đêm tấp nập, làm chỗ đô hội lưu thông khắp ngả, thật là tiện lợi” (Lịch sử khẩn hoang miền Nam – Sơn Nam).

Câu chuyện của ông Năm Quới ở gần cảng Bãi Xàu làm tôi mường tượng ra cảnh trên bến dưới thuyền một thời của bến Bình Ðông. Từ lúc còn thanh niên, ông Năm từng làm tài công một ghe chở lúa lên Chợ Lớn. Cuộc sống bồng bềnh rày đây mai đó buộc ông phải đưa gia đình từ quê lên định cư gần cầu Bình Tây. Năm 1950, ông mua một mảnh đất nhỏ giá rất rẻ, không giấy tờ, dựng tạm căn nhà mái tôn vách lá. Vậy mà lần hồi vô làm thợ máy cho nhà máy rượu Bình Tây có tiền sửa sang lại căn nhà, lấn ranh ra phía bờ kênh. Thời đó người dân tứ xứ khắp nơi tản cư về Sài Gòn để tìm cuộc sống mới, một số người cắm dùi ngay tại mé kênh, dựng chòi tạm bợ. Có chỗ chui ra chui vô với họ là “thiên đường” rồi, không phải ở thuê ở mướn tốn kém tiền bạc. Công việc làm ở bến bãi chỗ nào cũng nhận nhân công, không sợ thất nghiệp. Ðàn ông thì bốc vác lúa gạo, hàng hoá nông sản từ lục tỉnh lên, làm công nhân hãng xưởng hoặc đi làm thợ phụ ở các lò gốm, phụ nữ buôn bán hàng rong, trẻ con được đến trường đi học.


Nhà dân lấn chiếm kênh rạch ở Chợ Lớn, có những đoạn kênh bị tắc nghẽn từ những năm 60 – Nguồn: Anhxuasg.


Tôi hỏi phải mất một thời gian dài để gây dựng cuộc sống ổn định tại Sài Gòn, sao ông lại quay về cố hương sinh sống. Ông Năm Quới trầm ngâm như nhớ lại quãng đời cơ cực làm thuê làm mướn để mưu sinh trên đất Sài Gòn đô hội nhưng lắm tranh giành. “Ðúng là Chợ Lớn thuở đó còn nhộn nhịp lắm. Từ đoạn bến Mễ Cốc chạy đến bến Bình Ðông, Hàm Tử, Chương Dương ghe đò tấp nập ngày đêm. Tuy vậy bên kia kênh Tẻ từ cầu Chữ Y kéo dài đến Trần Xuân Soạn và cầu Tân Thuận, ghe đò không bằng một góc trên kênh Tàu Hủ. Phần đất bên mé đó thuộc về đất Bình Xuyên do tướng Bảy Viễn cai quản, có lính gác dọc bờ kênh, ghe thuyền đi lại nhiều khi bị kêu vô trình báo. Hơn nữa, bến bãi, kho chành không có, chỉ có tàu sắt của Pháp ra vô chở hàng từ các tỉnh miền Tây ra cảng Sài Gòn. Ðến năm 1955, lính ông Diệm đánh tan quân Bình Xuyên, Bảy Viễn thoát chạy ra Vũng Tàu rồi dông sang Pháp. Kênh Tẻ dần hồi phục, xây dựng bến bãi, ghe đò nhộn nhịp trở lại như hàng chục năm trước”.

Tuy vậy, cuộc sống trên các dòng kênh không bao giờ lắng động. Người dân quê ở các tỉnh mất an ninh do chiến tranh khiến một số người kéo nhau lên Sài Gòn sinh sống. Các bến bãi bờ kênh bị chiếm cứ. Bà con sống nhếch nhác, chiếm dụng mặt nước, rác rến xả đầy xuống kênh, chính quyền lại không nạo vét định kỳ. “Hồi tôi mới đến ở chỗ cầu Bình Tây, nước còn xanh, vậy mà sau mười năm nước trở nên đen ngòm mỗi khi triều xuống. Mùi hôi nồng nặc, muỗi mòng như trấu, cầu cống hư hao không ai tu bổ, sống ở đây riết sinh bệnh, nên tôi bàn với vợ con trở về Bãi Xàu sau khi xác lập giấy tờ nhà cửa”.


Kênh Tẻ ra giang cảng Tân Thuận thập niên 60 sau khi chính quyền TT Diệm dẹp tan quân Bình Xuyên – Nguồn: Panaroma.


Từ đầu thập niên 60 là thời kỳ bắt đầu suy tàn của những bến trên các kênh rạch ở Chợ Lớn. Ghe vận chuyển nông sản từ miền Tây lên Sài Gòn giảm sút do xe cộ trở thành phương tiện vận tải tiện lợi nhanh chóng. Mặt khác, các nhà máy xay lúa được xây dựng tại các tỉnh rất nhiều nên kho chành chứa lúa gạo bến Bình Ðông, Bình Tây lần hồi lụn bại. Cuộc sống của người dân lao động càng phức tạp hơn. Năm 1972, sau khi hoàn tất giấy tờ nhà cửa, gia đình ông quyết định bán căn nhà quay về đất hương hỏa quê nhà. “Thời đó, căn nhà nhỏ trong khu lao động nghèo vậy mà có người trả giá 80 lượng vàng. Với số tiền này, tôi dư sức xây một ngôi nhà khang trang và đủ tiền sắm chiếc ghe chài đi biển cho thằng con trai lập gia đình ra riêng”.

Người từng sống ở các bến bãi Sài Gòn – Chợ Lớn chắc hẳn còn nhiều ký ức trong nỗi nhớ cuộc đời. Có người đã rời xa căn nhà sàn gầy dựng bằng sức lực cần lao của mình như ông Năm Quới để về quê hay đến vùng đất mới phương xa nhưng vẫn lưu giữ những kỷ niệm đẹp một thời của vùng kênh nước trên bến dưới thuyền. Có người còn ở lại trong những căn nhà tạm bợ ọp ẹp bên bờ kênh đang phấp phỏng chờ giải tỏa. Hoặc cũng còn những người từ nơi khác đến tiếp tục cuộc sống thương hồ bên dòng kênh Tẻ, kênh Ðôi chờ một vận may mới thay đổi cuộc đời hay buồn tình xuống câu vọng cổ: “Cho đò nhỏ chênh vênh cô đơn buồn tuyệt vọng, con nước về đâu sao để bến… mong… chờ”.