Sài Gòn ngày nay chắc có vài ba trăm ngôi chợ kể cả chợ chồm hổm, chợ nhóm nơi đầu xóm, chợ họp trong mấy tiếng rồi tan, các siêu thị lớn nhỏ. So với thời gian cách đây hơn nửa thế kỷ, một quãng thời gian không ngắn không dài, chợ búa lúc đó chỉ chừng vài chục cái nằm rải rác khắp nơi. Nói điều này, để thấy dân số Sài Gòn phát triển quá nhanh. Nhiều làn sóng di dân nối tiếp từ các nơi đổ về Sài Gòn làm ăn sinh sống. Nhu cầu mua bán, chợ búa theo đó mà hình thành. Nhiều ngôi chợ mới được cất thêm, chợ cũ chỉnh trang to lớn, khang trang hơn trước.
Vài người bạn lớn tuổi tôi quen dường như tiếc nuối những hình bóng cũ của các ngôi chợ ngày xưa. Chợ Ðũi, Chợ Nancy, Chợ Cầu Muối, Chợ Cầu Ông Lãnh, Chợ Cá Trần Quốc Toản, Chợ Da Bà Bầu và còn nhiều chợ khác đã biến mất. Nói cho cùng, những ngôi chợ đó không mất đi mà nó chuyển sang một hình thái khác. Nó hiện diện trong tâm tưởng mà khi nhắc đến bỗng dưng làm xôn xao những ký ức chập chờn nối tiếp nhau về khiến câu chuyện chợ búa trở nên hào hứng.
Có ông nghe nhắc đến chợ là nhớ đến món ăn ngon của những hàng quán. Nào là mẹt bánh tầm bì ngay góc chợ Nancy, tô hủ tiếu bò viên thơm lừng mùi xá bấu chỉ bán vào chiều tối bên hông Chợ Bình Tây… Có người nhớ tiếng rao lanh lảnh của những gánh hàng rong chè, cháo; người lại nhớ độc món tôm khô củ kiệu hay đậu phộng rang húng lìu đưa cay cùng mấy chai la ve con cọp hay vài xị đế cây lý sau lưng Chợ Da Bà Bầu. Nhắc đến chợ búa là tâm hồn ăn uống trỗi dậy mà lại là những món ăn rất đỗi bình dân. Chuyện chợ búa, mua bó rau, mớ cá là chuyện của mấy bà nội tướng trong nhà.
Một ông tuổi gần chín mươi nhớ hồi còn nhỏ thỉnh thoảng theo mẹ đi ngắm chợ quê, hếch mũi ngửi mùi thơm thức ăn từ những hàng gánh, nghe tiếng rao hàng, nghe người bán gọi khách một cách thân quen: “Hôm nay mợ Hai dắt thằng cu đi chợ hả”. Nghe ông nói, khung cảnh chợ quê sao mà ấm áp lạ lùng!
Chuyện ngày xa xưa ấy ở làng Bình Thủy, Cần Thơ. Ông cụ nhớ khung cảnh chợ làng miền quê yên ả. Người bán buôn ở chợ không nhiều chừng năm sáu chục nhúm hàng cây trái, rau quả, cá đồng, gà vịt, mắm muối, một hai thớt hàng thịt gia súc, cau trầu, bánh kẹo nhà quê… “Tôi chỉ biết mặt một vài người bán hàng sống cùng làng nhưng không hiểu sao rất nhiều người ở chợ đều biết má tôi như người quen thân từ lâu lắm. Chắc ông nội làm hương cả trong làng nên nhiều người biết đến?”. Má tôi giải thích: “Chẳng phải đâu con, mỗi ngày má đều xách giỏ đi chợ, riết rồi người ta quen mặt, gặp nhau chào hỏi xã giao vậy thôi. Tình cảm kẻ bán người mua tự nhiên hình thành thân quen vậy đó”.
Sau này lớn lên đi học ở Sài Gòn, rồi ông sang Pháp du học. Chuyện ăn uống ông phải tự lo nấu nướng để tiết kiệm chi phí. Cả tuần mới đi siêu thị một lần mua đồ về cất trong cái tủ lạnh nhỏ. Giá cả hàng hoá ghi sẵn, mua xong tính tiền, bước ra ngoài chỉ muốn nhanh chân về nhà mà trong đầu chẳng có tâm trạng mình vừa đi chợ. Siêu thị chẳng qua là một cửa hàng lớn, một ngôi chợ mua bán văn minh, sạch sẽ. Mọi thứ hoạt động một cách trình tự chẳng khác gì máy móc. Dường như nơi đó thiếu cái tình của cảnh chợ búa đúng nghĩa như hồi bé còn ở quê nhà. Cái tình này chỉ có con người mới thiết lập đầy đủ nhất.
Ông trầm ngâm một hồi, rồi nói: Không biết tôi nghĩ như vậy có đúng không? Một lần cuối tuần tôi cùng vị giáo sư người đồng hương đi chợ hải sản gần một bến cảng nhỏ. Quang cảnh chợ không khác gì chợ quê xứ mình. Mấy cô, mấy bà đầm và cả đám đàn ông đeo tạp dề đứng bán cá, tôm, cua chứa trong những chiếc thùng gỗ kiểu loại thùng gỗ chứa súng. Thật ngạc nhiên khi nghe người ta buôn bán lại rao ơi ới. “Cá tươi mới về đây bà con ơi. Tươi rói, ngon lắm đây!”. Vừa lúc thầy trò chúng tôi đi ngang qua hàng cua biển. Những con cua biển to trông thật hấp dẫn. Chúng tôi dừng lại khi nghe anh chàng bán cua mời mọc hỏi han: “Cua ngon lắm đấy! Lâu rồi sao không thấy ông đi chợ?”. Anh chàng nhìn thầy tôi cười nói khiến tôi cứ tưởng hai người quen biết nhau lâu rồi. Thầy nói: “Có quen gì đâu. Chẳng qua là thói quen ngôn ngữ xã giao của kẻ chợ, đon đả với khách hàng, chào mời sao cho chân tình để thiết lập mối dây tình cảm. Có mua, có bán được hay không, không quan trọng. Ðó là cách tiếp thị bán hàng gần gũi và dễ gây thiện cảm cho người mua”.
Có thể đó là thứ tình cảm của lời nói dối chân thật của người khác chủng tộc hay cùng màu da mà người nghe biết rõ nhưng vẫn thấy vui trong lòng. Nó gần giống như thứ tình cảm thân quen của người buôn bán tại một chợ quê ngày xưa nơi thôn dã, chỉ có điều lời nói đó xuất phát từ trái tim hay lý trí mà ta cảm nhận “cái tình” sâu hay cạn. Sau khi đỗ kỹ sư ngành hoá, về nước rồi lên Sài Gòn làm việc. Và sau nữa lập gia đình sống tại vùng Tân Ðịnh. Thuở đó, vào khoảng cuối thập niên 1950, vùng này đã đông đúc dân cư, trong khi nhích xuống phía sau Cầu Kiệu vẫn còn là một vùng nửa nông thôn nửa thành thị.
“Thi thoảng tôi vẫn chở bà xã đi chợ cuối tuần trên chiếc Goebel mới mua sau khi lập gia đình, lúc thì Chợ Tân Ðịnh, khi thì Chợ Bến Thành hay Chợ Ða Kao để bả cần mua những thứ mà chỉ ở chợ đó mới có bán và cũng để tôi được nhìn ngắm, quan sát nhiều bức tranh chợ búa khác nhau quanh khu vực mình sống. Không hiểu sao tôi lại yêu mến cảnh chợ xô bồ hay có lẽ những hình ảnh chợ búa làng quê ngày xưa còn nhỏ theo má đi chợ luôn làm ký ức trong tôi xao động. Trong lúc chờ bà xã vào chợ mua đồ, tôi ngồi trên yên xe chờ bên hông chợ cạnh mấy chiếc xe thổ mộ chở hàng. Nhìn mấy con ngựa mắt mở to thân thiện với thiên hạ qua đường, chốc chốc ngoe nguẩy cái đuôi quật ngược lên cao xua đuổi lũ ruồi xanh bu lên cái mông trửng giỡn. Ðôi khi hứng khẩu tôi tán gẫu với mấy bác xà ích vui tính trong khi chờ vài ba người khách cho đủ cỗ xe hoặc khi mình tôi ngồi quan sát cảnh hàng họ của những người buôn gánh bán bưng, kẻ mua người bán kỳ kèo giá cả con gà con vịt hay những lời nói bỗ bã đúng nghĩa thứ ngôn ngữ của kẻ chợ búa. Nói chung, chợ búa là nơi thể hiện đủ loại tâm tính con người, ở chợ mới thấy hết được cái ý vị của đời”.
Nghe ông nói “cái ý vị của đời”, có chút phảng phất màu sắc quang cảnh chợ làng của nhà thơ Ðoàn Văn Cừ ở các làng quê xứ Bắc ngày xưa. Vào những ngày lễ, hội hè, Tết nhất, chợ búa luôn đông người. “Người mua bán ra vào đầy cổng chợ / Con trâu đứng vờ lim dim mắt ngủ / Ðể lắng nghe người khách nói bô bô / Anh hàng tranh kĩu kịt quẩy đôi bồ / Tìm đến chỗ đông người ngồi dở bán… (Chợ Tết bản chép tay của Ðoàn Văn Cừ). Cái ý vị đời của Ðoàn Văn Cừ ở chợ quê chính là sự chân chất, mộc mạc trong sinh hoạt chợ búa thuở ấy. Hẳn nhiên màu sắc của chợ Tết càng thêm sinh động ngoài những gam màu chợ búa bình thường.
Sài Gòn từ thuở ông về Tân Ðịnh định cư và làm việc thì đã là một thành phố đông người, không cần phải là vào ngày lễ hay Tết nhất người đi chợ mới đông như các chợ nhỏ ở làng quê. Ông nói: “Chợ búa lúc nào cũng đông đúc người mua kẻ bán. Mỗi ngày các bà nội trợ đều phải xách giỏ đi chợ nấu ăn, gặp mặt mua hàng thường xuyên rồi thành quen thuộc, ngay cả khi ghé một sạp hàng, người mua chưa mở miệng thì người bán đã biết khách cần mua thứ gì, chẳng cần phải trả giá khi cân miếng thịt, bó rau. Cái thân tình của kẻ chợ hình thành một cách tự nhiên, thuận mua vừa bán. Tất nhiên, bên cạnh đó, chợ cũng là nơi hội tụ những kẻ khốn cùng nhưng đó chỉ là số ít nhỏ nhoi. Chuyện này thì nhiều nơi đều có thể xảy ra bến xe, góc phố, nhà ga… Nhưng chợ là một nơi dễ kiếm cái ăn nhất.
Một lần trong khi chờ bà xã vào chợ Tân Ðịnh, chợt thấy đứa trẻ quần áo nhếch nhác đến xin ăn ở hàng bán bánh cam bánh còng bên hông chợ gần chỗ ông dựng xe. Bà già không nói gì đưa cho thằng bé cái bánh cam, thằng bé nói lí nhí trong miệng, vừa xoay bước chân đi thì bà gọi ngược: “Này nhỏ, cầm thêm cái bánh còng ăn cho đỡ đói”. Thằng bé đi rồi, bà ngồi nói một mình: “Mình đã khổ lại còn có kẻ khổ nạn hơn”.