Cần Thơ trong ký ức tôi

Triệu Huỳnh Võ


Chợ Cần Thơ thập niên 1960.
(Nguồn: http://mientaycogi.com/wp-content/uploads/2021/02/Cho-Can-Tho-thap-nien-1960.jpg

Tôi sinh và lớn lên ở Cần Thơ cho tới lúc tôi học hết chương trình Trung Học Đệ Nhất Cấp tại Lycée Phan Thanh Giản (PTG) nhưng tôi không biết nhiều lắm về Cần Thơ. Rồi sau biến cố 1975, biết bao sự đổi thay đã xảy ra cho đất nước và dân tộc nhưng những hình ảnh thân yêu của quê tôi, Cần Thơ, trong những tháng năm trước 1975, không bao giờ xóa mờ trong ký ức tôi. Vì là ký ức nên không thể không có những sai sót, xin được niệm tình bỏ qua.

Ngược thời gian về thập niên 50, nếu đi từ Sài Gòn xuống tỉnh Cần Thơ, trên Quốc lộ số 4, thì phải đi qua phà Cần Thơ, xuyên qua sông Hậu Giang. Đứng trên phà, nhìn về phía bên kia sông là địa phận của quận Cái Vồn, nay là quận Bình Minh, người ta có thể nhìn thấy một ngôi nhà khá đồ sộ nằm ven con sông Hậu Giang. Đó là ngôi nhà của ông Năm Lửa, tức Trung Tướng Trần Văn Soái, Tư Lệnh Lực Lượng Phật Giáo Hòa Hảo. Trước khi nền Đệ Nhất Cộng Hòa ra đời, ông Năm Lửa đã đặt bản doanh tại đây. Sở dĩ ông có tên gọi là Năm Lửa vì ông đã từng lái xe hủ lô dùng để cán đường chạy bằng củi đốt lò. Rời phà Cần Thơ, trực chỉ về thành phố Cần Thơ, phải đi qua cây cầu sắt ngắn có tên là cầu Sáu Thanh. Gọi là cầu Sáu Thanh vì phía trong đất liền là một ngôi nhà khá lớn của một nhân vật có tên là Sáu Thanh. Hiện nay, cầu nầy không còn nữa. Qua khỏi cầu Sáu Thanh một đoạn là tới Ngã Ba Lộ Tẻ. Từ đây nếu rẽ về tay trái sẽ đi vào trung tâm thành phố Cần Thơ; nếu rẽ về tay phải sẽ đi vào liên tỉnh lộ dẫn đến các tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá và Hà Tiên. Khoảng thập niên 60, Ngã Ba Lộ Tẻ được cải biến thành khu Bến Xe mới. Bến Xe mới là nơi xuất phát các đoàn xe đi các tỉnh Long Xuyên, Rạch Giá, Hà Tiên; hoặc lên Sàigòn; hoặc đi xuống các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau trên con đường chạy thẳng tắp từ đây về đến tận quận Cái Răng mà không phải đi qua trung tâm thành phố Cần Thơ.

Đường đi vào tỉnh lỵ Cần Thơ phải qua cây Cầu Đôi sắt kiểu Eiffel, bắc ngang qua rạch Cái Khế. Bên hông đầu cầu là nhà lồng chợ Cái Khế. Bên kia cầu là một ngôi biệt thự xinh đẹp nằm cạnh bờ rạch Cái Khế. Biệt thự này có thời đã được sử dụng làm nơi cư ngụ cho các vị chỉ huy quân sự cao cấp người Pháp, và sau nầy là căn cứ của Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Qua khỏi cầu Cái Khế một khoảng ngắn thì tới khu Nhà Đèn, tên gọi nhà máy nhiệt điện của tỉnh. Đi tới là dinh Tỉnh Trưởng nằm về phía tay mặt, phía trái là một công viên nhỏ. Trước mặt dinh Tỉnh Trưởng là một bùng binh khá lớn, nơi xuất phát nhiều con đường. Một đường đâm thẳng ra Bungalow về hướng bờ sông Cần Thơ; bên trái đi ngang qua khám lớn Cẩn Thơ; bên phải là trụ sở Tòa Hành Chánh tỉnh. Một đường khác mang tên là De Lanoue, sau được đổi tên là đường Phan Đình Phùng, chạy dài từ dinh Tỉnh Trưởng xuống tận khu Cầu Xéo. Nơi đây có một nhà thờ họ đạo Thiên Chúa nằm ngay trong khu Xóm Cao Đài, nơi cư ngụ của những người theo đạo Cao Đài. Đường Phan Đình Phùng được coi như xương sống của thành phố chạy ngang qua Hãng bia BGI, Ty Bưu Điện, Tòa án, Tòa Thị Chính, Ty Cảnh Sát, Trường Tư thục Nam Hưng v.v. Một đường khác phát xuất từ dinh Tỉnh Trưởng hướng về Cầu Tham Tướng. Đoạn đầu, từ dinh Tỉnh Trưởng tới khu Đất Thánh Tây, cạnh chùa Cao Đài Một Mắt, có tên là đường Hòa Bình. Mọi người ở đây vẫn quen gọi là đường Hàng Xoài vì dọc theo đường có các hàng cây xoài cao, rợp bóng mát. Đoạn đường nầy chạy ngang qua doanh trại Bộ Tư Lệnh Vùng 4 Chiến Thuật của Quân đội VNCH và dẫn đến chùa Miên Theravada, trường học Thọ Nhơn của người Hoa, rồi tới chùa Cao Đài Một Mắt. Gọi là chùa Một Mắt vì trên tiền đình chùa có vẽ hình một con mắt thật to. Tiếp nối bên cạnh là khu Đất Thánh Tây, nghĩa trang cũ của người Pháp. Bắt đầu từ đây đường Hòa Bình đổi tên thành đường Lý Thái Tổ, chạy ngang qua Nhà MỒ Nhà MỒ, tên gọi lúc đó của Nhà xác, nơi quàng những ngưòi vừa mới chết được chuyển đến từ bịnh viện của tỉnh để chờ được mai táng. Đường Lý Thái Tổ chạy dài tới cầu đúc Tham Tướng. Trước khi tới cầu đúc Tham Tướng khoảng vài trăm thước có một ngã ba, nếu rẽ về bên trái sẽ dẫn tới sân đá banh của tỉnh. Ở lề đường trên đầu cầu và bên dưới đầu cầu Tham Tuớng là chợ chồm hỏm. Chợ chỉ nhóm vào buổi sáng, khá sung túc và tấp nập quanh năm. Nhà của tôi lúc bấy giờ nằm trên đường Lý Thái Tổ, cách Nhà MỒ chừng vài trăm thước, nên từ nhà nhìn qua khu đất trống tôi có thể nhìn thấy Nhà MỒ và khu đất Thánh Tây. Chính vì được ở vị thế này nên tôi đã có dịp chứng kiến một số các sự kiện khá đặc biệt mà tôi sẽ kể sau.

Cần Thơ có nhiều địa danh bắt đầu bằng chữ Cái, như quận Cái Răng. Xung quanh quận Cái Răng còn có những điạ danh khác mang tên Cái Tắc, Cái Nay, Cái Gia, Cái Chanh, Cái Muồng. Riêng quận Ô Môn thì trong điạ phương chí của tỉnh ghi rõ đó là nguyên văn của tiếng Cămpuchia có nghiã là Người Con Gái Đẹp. Quận Ô Môn, cách tỉnh Cần Thơ khoảng 21 cây số, nằm trên tỉnh lộ nối liền các tỉnh Long Xuyên, Châu Đốc, Rạch Giá và Hà Tiên.

Nói về thắng cảnh của Cần Thơ, người ta không thể không nhắc tới Bến Ninh Kiều, Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu.

Bến Ninh Kiều, được xây cất từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, nằm dọc từ đầu bờ sông Cần Thơ và đối diện với khu Xóm Chài, chạy dài tới cây cầu tàu tỉnh tại đầu đường Saintenoy. Cảnh trí xinh đẹp, nên thơ của Bến Ninh Kiều đã được mô tả qua câu:

        ‘Cần Thơ có Bến Ninh Kiều.
Trời chiều lộng gió dập dìu người đi’

Trước khi có Bến Ninh Kiều, Cần Thơ đã có hai thắng cảnh rất được các giới thanh thiếu niên tại địa phương cũng như du khách hâm mộ. Đó là Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu, nằm trong khoảng giữa con đường trải đá, bắt đầu từ Cầu Đôi Cái Khế chạy dọc theo rạch Cái Khế tới cầu Rạch Ngỗng. Đường nầy chạy vòng ra sẽ gặp Quốc Lộ số 4 ở cầu Tham Tướng.

Từ trên dốc Cầu Đôi Cái Khế, đi dọc theo bờ rạch Cái Khế về hướng Rạch Ngỗng, truớc khi tới khu Đàn Tiên, du khách sẽ gặp một ngôi nhà đúc mang tên Bót Thầy Phận. Đây là tư gia của thầy giáo Lâm Văn Phận. Tư gia này bị người Pháp trưng dụng làm đồn bót. Sau này, tuy nhà được Pháp trả lại nhưng dân địa phương vẫn quen goi là Bót Thầy Phận. Qua khỏi Bót Thầy Phận là tới chùa Hiệp Minh, dân địa phương quen gọi là Đàn Tiên. Đàn Tiên là một khu vườn cây cảnh, có cổng vào bằng cửa song sắt rất đồ sộ và chỉ mở cửa vào các ngày lễ hội cho công chúng vào xem. Đàng sau vườn là những mộ phần thuộc dòng họ Phan Thông. Trong vườn trồng đủ các loại hoa và cây cảnh được chăm sóc rất công phu, chen lẫn với nhiều hòn non bộ mà mỗi hòn non bộ là một mô hình thu hẹp của một điển tích trong thơ phú. Chính giữa vườn Đàn Tiên có một cây phướng bằng bê tông thật cao. Vào các ngày rằm hay lễ tiết, trên thượng đỉnh cây phướng phất phới những lá cờ đủ màu sắc. Dưới đất, gần bên cây phướng có một bàn đá và hai băng ghế ngồi cũng bằng đá. Trên bàn đá có xếp một bàn cờ tướng cũng bằng đá. Từ lâu, dân địa phương tin tưởng là vào các đêm trăng sáng các vị tiên thường hạ giáng xuống đây để đánh cờ tướng và tên Đàn Tiên có lẽ đã xuất phát từ đó. Sau năm 1975, trong thời gian bị tù cải tạo cộng sản tại trại Hà Tây, miền Bắc, tôi đã có dip gặp một vị trưởng thượng của dòng họ Phan Thông, cụ Phan Thông Thảo. Cụ Thảo là kỹ sư hoá học tốt nghiệp ở Pháp về. Cụ bị cộng sản bắt đi tù cải tạo vì cụ là Chủ Tịch Đảng Tân Đại Việt.

Từ Đàn Tiên nếu tiếp tục đi thêm một đoạn khoảng 800 thước sẽ tới Vườn Thầy Cầu. Đây là một ngôi vườn hoa và cây cảnh rất rộng lớn, mang tên của chủ nhân, Luật Sư Đoàn Hữu Cầu. Luật Sư Cầu làm việc ở toà án Cần Thơ. Ông cho xây khu vườn và căn nhà nền cao ở phiá sau để làm nơi vui thú điền viên khi về hưu. Khác với Đàn Tiên, Vườn Thầy Cầu luôn mở cửa cho mọi người vào xem tự do. Và cũng chính do sự bình dị và nếp sống hòa đồng của gia chủ nên mới được dân địa phương thân mật gọi là Vườn Thầy Cầu. Trong vườn, ngoài các luống hoa đủ loại, đủ màu sắc cùng các cây cảnh và cây ăn trái tươi mát quanh năm, còn có ao sen và ao nuôi cá. Lúc còn sinh thời, chiều chiều Thầy Cầu hay đi bộ đến ao nuôi cá để rải cám cho cá ăn. Thầy Cầu qua đời vào khoảng năm 1960, thọ 73 tuổi. Có thể nói, Vườn Thầy Cầu đúng là một cảnh trí tĩnh mịch, thanh nhã để du khách đến thưỏng ngoạn, ngắm cảnh, nghe chim hót, và nhất là để các nam thanh nữ tú có thể dùng làm nơi hò hẹn. Trong những ngày trời nắng oi bức, Vườn Thầy Cầu là nơi lý tưởng để các học sinh ‘học gạo’ thường hay vào đây để đọc sách hay học bài thi.

Nói đến Cần Thơ thì phải nói tới ngôi trường PTG, một trường Trung Học công lập lớn nhất ở miền Tây được thành lập vào đầu thế kỷ 20, sau trường Nữ Trung Học Gia Long (1913) nhưng trước trường Trung Học Petrus Ký (1925). Đã có một thời, học sinh ở các tỉnh lân cận phải khăn gói đến trường PTG để học tiếp bậc Trung Học Đệ Nhất Cấp, hoặc bậc Trung Học Đệ Nhị Cấp khi mà các tỉnh chung quanh chưa có trường Trung Học hoặc chỉ có tới bậc Đệ Nhất Cấp. Từ tên Collège de Can Tho, thời Pháp thuộc, trường được đổi tên thành Lycée PTG vào tháng 8 năm 1945. Trường có kiến trúc kiên cố theo đúng nghĩa kín cổng cao tường với cửa trước và cửa sau của trường nhìn ra hai mặt đường Capitaine d’Hers (sau đổi thành đường Phan Thanh Giản) và đường Saintenoy (sau có tên là đường Ngô Quyền). Một phần của trường, và lại là phần lớn nhất, đã bị trưng dụng làm doanh trại cho quân đội từ sau thế chiến lần thứ hai, nên có lúc trường chỉ gồm hai dãy lầu nằm đối diện với Ty Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) trên đường Ngô Quyền. Toàn bộ cơ sở bị quân đội trưng dụng đã được hoàn trả cho trường sử dụng làm lớp học vào khoảng năm 1956. Tới năm 1964, chính hai dãy lầu nằm đối diện với Ty CSQG nầy lại được tách ra để thành lập một trường mới, trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm (ĐTĐ). Trường Nữ Trung Học ĐTĐ ngăn cách với Trường PTG bằng đường Pasteur. Môt chiếc cầu gỗ nối liền trường Trung Học PTG với trường Nữ Trung Học ĐTĐ được dùng làm lối di chuyển cho quý vị giáo sư khi đổi giờ dạy. Cây cầu này còn được các học sinh trường ĐTĐ dùng để đi qua thực tập tại phòng thí nghiệm trường PTG. Tới năm 1975, tức trải qua hơn một nửa thế kỷ, kề từ ngày thành lập, ngôi trường kỳ cựu ở Miền Tây nầy đã được xem như là cái nôi sản xuất ra bao lớp người có khả năng phục vụ trong mọi lãnh vực của đất nước. Có nhiều người đã từng giữ vai trò lãnh đạo hoặc chỉ huy trong guồng máy quốc gia trong các thời Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa.

Cần Thơ, cũng như một số địa phương khác, đều có những sự việc đặc thù xảy ra do hoàn cảnh hay tình hình riêng rẽ ở trong vùng tạo nên. Vào các thập niên 40 và 50, tôi đã có dịp chứng kiến một vài sự kiện có phần khá đặc biệt ở Cần Thơ nên xin được kể lại sau đây.

Vào một đêm, trước năm 1945, khi mọi người trong tỉnh đang an giấc thì bỗng bị đánh thức bởi từng hồi chuông đổ vang lên từ nhà thờ Thiên Chúa ở Cầu Xéo. Sáng hôm sau, mọi người loan tin cho nhau là Cha Sở người Pháp của nhà thờ nửa đêm hôm qua đã bị kẻ lạ mặt đột nhập uy hiếp và dùng dao xẻo mất một lỗ tai. Nhà chức trách sau đó có điều tra nhưng không thấy công bố kết quả.

Vào đầu tháng 9 năm 1945, tức khoảng một tháng sau ngày Việt Minh lên cầm quyền ở Cần Thơ thì xảy ra cuộc xung đột giữa những người theo Việt Minh và các thành phần thuộc tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Từ tờ mờ sáng, khúc đường Lý Thái Tổ từ Cầu Tham Tướng tới khu bệnh viện Cần Thơ, chật ních những tín đồ Hòa Hảo. Với y phục màu đen, đầu quấn khăn màu dà, tay cầm gươm, dao rất thô sơ, họ rầm rộ tiến về hướng tòa Hành Chánh tỉnh. Việt Minh, trang bị súng trường, dàn lực lượng phong tỏa đầu đường Lý Thái Tổ. Sau các lời cảnh cáo buộc phe Hòa Hảo phải rút lui và giải tán không có kết quả, Việt Minh cho nổ súng. Tín đồ Hòa Hảo tan hàng. Mạnh ai nấy chạy thoát thân. Sự việc nầy xảy ra ngay trưóc nhà tôi nên tôi được dịp chứng kiến từ đầu đến cuối. Có nhiều người chết và bị thương nằm sòng soải trên mặt đường. Người còn sống khiêng, cõng người chết và bị thương, bỏ chạy thoát thân. Cũng cùng trong ngày hôm đó, ngày 9 tháng 9, năm 1945, một nhóm khác của tín đồ Hòa Hảo lũ lượt kéo về Cần Thơ từ hướng Cái Vồn qua ngã Cầu bắc Cần Thơ nhưng cũng bị Việt Minh truy cản và giải tán. Việt Minh cáo buộc những phần tử Hòa Hảo âm mưu cướp chính quyền tỉnh Cần Thơ trong khi tín đồ Hòa Hảo nói là họ chỉ tổ chức đi đón Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Theo Việt Minh cộng sàn thì những người bị tử thương trong cuộc xô xát là do chính gươm dao của họ mang theo gây nên trong lúc bỏ chạy.

Vào một buổi chiều, vài tuần sau, người dân trong tỉnh Cần Thơ lại rầm rộ kéo nhau đi vào khu sân banh khi nghe tin Việt Minh sẽ xử bắn tội phạm ở tại đây. Vì sân banh nằm gần nhà nên tôi đã có dịp len lỏi đi theo để xem cảnh xử bắn. Hôm đó, sân banh từ trên khán đài xuống tới hai cánh sân cỏ hai bên khán đài, chật ních những người đi xem. Giữa sân có ba người bị trói đứng vào ba trụ gỗ cao hơn đầu người và hướng về phía khán đài. Cả ba đều bị bịt mắt bằng vải đen. Đội hành quyết có sáu người lính mặc quân phục bằng vải ka ki màu vàng, mang súng trường. Qua lời của những người đứng xem xung quanh, tôi được biết các tử tội gồm có em của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, con trai của ông Năm Lửa, và người thơ ký ghi chép thi phú của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ. Thủ tục hành quyết bắt đầu bằng việc đọc bản án nhưng vì đứng xa nên tôi không nghe rõ. Trưởng đội hành quyết ra lệnh chuẩn bị cho sáu xạ thủ, trong tư thế bắn đứng, hướng họng súng thẳng về các tử tội. Từ sáu nòng súng trường, tôi thấy lóe ra những tia lửa vàng chói. Các tử tội gục đầu trên các trụ gỗ. Một người mang súng lục đi tới từng tử tội để bắn thêm một phát ân huệ vào màng tang của họ. Về sau, được biết ba người bị hành quyết là ông Huỳnh Công Mậu, em của Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ; ông Trần Văn Hoành, con trai của ông Trần Văn Soái; và ông Nguyễn Xuân Thiệp, thơ ký riêng chuyên biên soạn thi phú, sấm giảng của Đức Thầy. Tất cả ba bị Việt Minh bắt sau cuộc xung đột ngày 9 tháng 9 năm 1945 tại Cần Thơ và đã bị toà án Nhân Dân của Việt Minh kết án tử hình. Thi thể các tử tội được đưa về nhà xác, nằm ngang bịnh viện Cần Thơ và được chôn cất trong khu đất nằm phiá sau nhà xác. Từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, ba ngôi mộ trên đã được các tín đồ Hòa Hảo tu bổ lại và được tôn vinh là mộ phần của ba liệt sĩ Hòa Hảo.

Vào năm 1956, tức cách lần xử bắn ba nhân vật Hòa Hảo trước đây hơn mười năm, tại Cần Thơ lại có thêm một cuộc xử tử một nhân vật khác, ông Lê Quang Vinh, cũng thuộc giáo phái Hòa Hảo. Ông Lê Quang Vinh, nổi tiếng với tên Ba Cụt, Chủ Tịch Dân Xã Đảng, đã từng điều khiển một lực lượng võ trang, toàn người Hòa Hảo, khét tiếng chống lại Việt Minh cộng sản trong các vùng Long Xuyên và Châu Đốc. Sở dĩ ông Lê Quang Vinh còn có tên là ông Ba Cụt vì ông bị cụt ngón trỏ ở bàn tay phải. Lực lượng võ trang của ông Ba Cụt rút vào bưng sau khi chính phủ của ông Ngô Đình Diệm cho giải thể các đơn vị võ trang thuộc hai giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo và cho sáp nhập vào Quân Đội Quốc Gia Việt Nam. Theo tin chính phủ thì ông Ba Cụt bị lực lượng Quân Đội Quốc Gia đồn trú ở Chắc Cà Đao bắt khi ông đang di chuyển bằng xuồng ngang qua vùng này. Nhưng có dư luận cho rằng ông Ba Cụt bị ông Nguyễn Ngọc Thơ, sứ giả của ông Ngô Đình Diệm, đánh tiếng mời ra thương lượng việc hợp tác, rồi cho bố trí mai phục bắt sống ông ta. Ông Ba Cụt bị đưa ra Tòa và được xét xử tại Tòa án Cần Thơ. Toà đã tuyên án tử hình ông ta. Tài liệu về sau xác nhận ông Nguyễn Ngọc Thơ có gặp ông Ba Cụt để thương lượng việc hợp tác. Lần tiếp xúc đầu xảy ra vào ngày 29 tháng 2 năm 1956 tại Tân Châu, Châu Đốc và lần thứ hai vào ngày 4 tháng 4 năm 1956. Cả hai lần thương thuyết đều không có kết quả vì ông Ba Cụt khăng khăng giữ lập trường một quân đội trong một quân đội. Quân Đội VNCH sau đó đã mở cuộc hành quân trong vùng Long Xuyên và đã bắt được ông Ba Cụt ngày 13 tháng 4 năm 1956 tại Chắc Cà Đao, cách tỉnh Long Xuyên khoảng 7 cây số.

Một lần nữa, vì nhà tôi ở sát hiện trường xử tử Ba Cụt, nên tôi lại được chứng kiến cảnh tượng xử tử hình lần thứ hai trong đời. Lần nầy, việc hành quyết tử tội được thực hiện bằng máy chém.

Từ chạng vạng đêm trước, tại khu Đất Thánh Tây, ở phía góc trái Chùa Cao Đài Một Mắt, trên đường Lý Thái Tổ, bỗng có nhiều ngọn đèn điện được thắp lên một cách bất thường. Nếu không có hiện tượng nầy thì không ai biết sẽ có việc xử tử vào ngày hôm sau. Khi đến gần hiện trường, từ ngoài đường nhìn vào, khoảng 50 thước, không biết từ lúc nào, một máy chém đã được dựng lên. Chiều cao của máy chém khoảng 3 thước. Máy chém được đặt hướng về phía ngoài đường. Không thấy rõ lắm lưỡi máy chém. Chung quanh hiện trường có người canh giữ và đèn được thắp sáng suốt đêm. Rạng sáng ngày hôm sau, vào khoảng 7 đến 8 giờ sáng, một chiếc xe nhà binh loại mui bít bùng chạy đến và ngừng ở ngoài cổng. Sau đó, người ta thấy nhiều lính Hiến Binh (sau này là Quân Cảnh) áp giải ông Ba Cụt từ trên xe đi vào trong. Hôm đó ông Ba Cụt mặc bộ quần áo bà ba đen, dáng người ốm, nhỏ và thấp. Từ ngoài đường nhìn vào, những gì xảy ra bên trong không còn thấy được một cách chính xác lắm. Tôi chỉ thấy được lúc ông Ba Cụt bị áp giải tới máy chém rồi bị ngã xấp xuống trước máy chém, chớ không thấy được lúc máy chém rơi xuống. Được biết người đọc bản án tử hình ông Ba Cụt là ông Phan Văn Bộ, Chánh Lục Sự Tòa án Cần Thơ. Và cũng theo lời của ông Phan Văn Bộ kể lại thì, sau khi vừa nghe xong bản án hành quyết, ông Ba Cụt đã bị ngất xỉu rồi. Như thông lệ, xác của ông Ba Cụt được đưa về quàng tại nhà xác bịnh viện Cần Thơ. Theo các tin tức mới đây thì thi thể của ông Ba Cụt không được chôn cất một cách bình thường mà bị chặt ra làm ba khúc, sau đó đem thả trôi sông cốt không cho lực lượng trung thành với ông Ba Cụt có cớ để tiếp tục chống lại chính phủ.

Nhân đề cập đến việc ông Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao và bị xử chặt đầu, tôi còn nhớ Giáo Sư Nguyễn Tri Hựu của trường PTG đã đưa ra một nhận xét nửa chua chát nửa dí dõm là “vì ông Ba Cụt bị bắt tại Chắc Cà Đao, nên hậu quả đương nhiên là ông phải bị Chặt Cái Đầu”.

Là một tỉnh lớn ở trong Nam Kỳ Lục Tỉnh trước kia, và với danh tiếng của ngôi trường PTG lúc đó, Cần Thơ đã thu hút được các tinh hoa hiếu học từ các tỉnh Miền Tây. Và cũng chính vì thế Cần Thơ đã sản sinh ra không ít những người có tên tuổi lớn cho đất nước.

Trong lãnh vực văn nghệ. Về cổ nhạc, có nữ nghê sĩ nổi tiếng, Cô Năm Cần Thơ. Cô Năm Cần Thơ sống cùng một thời với nam nữ nghệ sĩ cổ nhạc ở Bến Tre, Út Trà Ôn và Cô Ba Bến Tre. Về tân nhạc, có nhạc sĩ Trần Văn Trọng, bút hiệu Anh Việt; và nhạc sĩ Lê Thọ Trung. Cả hai nhạc sĩ này là Đại Tá trong Quân Lực VNCH. Về môn bóng tròn có các cầu thủ Há của đội Tổng Tham Mưu, cầu thủ Sự và cầu thủ Quang của Đội Quan Thuế Sài Gòn. Tất cả đều xuất thân từ Đội bóng tròn tỉnh Cần Thơ.

Trong lãnh vực văn hóa giáo dục. Qúy ông Phạm Hoàng Hộ, Nguyễn Văn Trường, và Nguyễn Duy Xuân, đã từng là Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa.

Trong lãnh vực chính trị. Cần Thơ có nhiều khuôn mặt lớn trong chính phủ. Bác Sĩ chuyên khoa về mắt, Lê Văn Hoạch từng là Thủ Tướng trong thời Nam Kỳ Tự Trị. Tưởng cũng nên nhắc là vào ngày 1 tháng 6 năm 1946, ông Nguyễn Văn Thinh, Thủ Tướng Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hòa Nam Kỳ, được một Hội Đồng Tư Vấn bầu lên, đã tuyên bố thành lập một nước Nam Kỳ Tự Trị. Khi Bác Sĩ Hoạch nhận ra làm Thủ Tướng, một nhật báo hồi đó có bài vè chế diễu ông như sau: “ Te te hoành hoạch, sao không ở nhà coi mạch, kẽo trèo cao rồi té cái ạch.”. Trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa có ông Lâm Lễ Trinh làm Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ. Ông Trinh là người quê ở Quận Cái Răng. Thời Đệ Nhị Cộng Hòa có ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ Tướng Chính Phủ. Ông Cẩn sinh quán ở làng Phú Hữu, Cần Thơ và nguyên là học sinh trường Collège de Can Tho, tiền thân của trường Trung Học PTG.

Trong lãnh vực quân sự. Cũng có rất nhiều người xuất thân từ Cần Thơ và đã từng nắm giữ nhiều chức vụ chỉ huy trong Quân Lực VNCH như Trung Tướng Trần Văn Minh, Tư Lệnh Không Quân; Thiếu Tướng Lâm Văn Phát, Tổng Trưởng Bộ Nội Vụ (Thiếu Tướng Lâm Văn Phát là con thầy Lâm Văn Phận); Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I.

Có hai nhân vật, tuy sanh quán không phải ở Cần Thơ nhưng có vợ là người Cần Thơ. Đó là ông Phan Khắc Sửu và Chuẩn Tướng Nguyễn Văn Khương. Ông Phan Khắc Sửu, tốt nghiệp kỹ sư Canh Nông ở Pháp, kết hôn với người con thứ bảy của ông Lê Đình Thống. Dòng họ Lê Đình được coi là rất phong lưu tại vùng Cầu Tham Tướng. Ông Phan Khắc Sửu, quê quán ở Quận Cái Vồn, đã có thời làm Quốc Trưởng VNCH. Ông Nguyễn Văn Khương thì kết hôn với người con út của ông Phạm Thành Đài, một vị Hương Cả. Ông Hương Cả Đài có một tòa nhà lầu khá rộng nằm trên đường Ngô Quyền nối dài thẳng đến Chùa Cây Bàng. Khu nhà chung quanh được mọi người biết đến dưới cái tên Xóm ông Cả Đài. Ông Khương, mang cấp bậc Đại Tá, được bổ nhiệm giữ chức vụ Tỉnh Trưởng tỉnh Phong Dinh (Cần Thơ) khoảng vài năm trước 1975. Đại Tá Nguyễn Văn Khương bị Việt Cộng phục kích chết khi đi dự lễ khánh thành một trường học trong tỉnh và được vinh thăng Chuẩn Tướng.

Sau biến cố 30 tháng Tư năm 1975, tuy không bị mất tên như Sài Gòn, nhưng Cần Thơ cũng đã mất đi một di sản văn hóa lớn không những cho người dân sở tại mà còn cho toàn thể mọi người trong các tỉnh ở Miền Tây. Đó là việc Trường Trung Học PTG bị xóa tên, và được thay bằng tên Trung Học Châu Văn Liêm. Tiến Sĩ Huỳnh Long Vân, một cựu học sinh trường Trung Học PTG, hiện đang định cư ở Úc, trong những năm gần đây, đã bỏ ra rất nhiều công sức vận động với các giới chức cộng sản Việt Nam thuộc ngành văn hóa giáo dục nhằm phục hồi danh xưng cũ cho Trường Trung Học PTG. Mới đây, đã có một vài dấu hiệu tiến triển trong nỗ lực này. Trong văn thư đề ngày 20 tháng 1 năm 2008, Viện Sử Học của cộng sản đã công nhận cụ Phan Thanh Giản là người yêu nước. Ngoài ra, trong buổi tọa đàm của giới lãnh đạo cộng sản tỉnh Cần Thơ ngày 21 tháng 5 năm 2009, việc hoàn trả danh xưng cũ Phan Thanh Giản cùng việc giữ nguyên kiến trúc hiện nay của ngôi trường đã được đưa ra thảo luận.

Những thắng cảnh đẹp ngày nào của Cần Thơ như Đàn Tiên và Vườn Thầy Cầu, tuy không bị xoá tên như trường Trung Học PTG, nhưng giờ đây đã trở thành hoang vắng, điêu tàn; bởi lẽ vùng đất mặt tiền hai nơi trên đã bị lấn chiếm đề xây cất mới và thiếu sự chăm sóc của các gia chủ sau cuộc đổi đời năm 1975.

Tất cả sự thay đổi do nhu cầu mở mang hay chỉnh trang ở tỉnh Cần Thơ sau năm 1975, ngay cả việc hoàn thành cây cầu bắc ngang qua sông Hậu Giang trong năm 2010 mới đây, không sao có thể bù đắp được sự mất mác những di sản văn hóa nêu trên. Những di sản nầy vốn đã in sâu trong ký ức của người Cần Thơ và không bao giờ nhạt phai trong lòng cư dân các tỉnh Miền Tây.