Trịnh Bình An
“Yêu ai, yêu cả một đời”.[1]
Lời mở đầu ca khúc “Nỗi Lòng” nói lên ước mơ của rất nhiều thanh thiếu nữ Việt Nam, có được một người yêu lý tưởng.
Hơn nửa thế kỷ, cuối cùng, người ta mới biết người yêu lý tưởng của Kim Vui là ai.
“Love Found and Lost – The Kim Vui Story” ra mắt năm 2021 tại Hoa Kỳ.
Dịch giả Phan Lê Dũng chuyển Việt ngữ với tựa “Bóng Mây Tình Yêu.”[2]
Kim Vui, đi lên từ giọng ca, nổi tiếng nhờ diễn xuất.
Khi tuổi đời còn rất trẻ, Kim Vui có tất cả những điều… vui nhất: Nhan sắc, tài năng, bạc tiền, danh vọng.
Nhưng, Kim Vui cũng có tất cả những điều buồn nhất: Đau đớn, tủi nhục, lo âu, hoang mang, thất vọng.
Cuộc đời Kim Vui gồm ba tuyến “phim truyện” diễn ra cùng lúc: Cha mẹ xào xáo, con cái bệnh tật, đất nước lao đao. Trong vòng xoáy của ba dòng đời ấy, cộng thêm sự si mê đeo đuổi của vô số đàn ông, không quá khó để một người đàn bà trẻ rơi vào sa ngã.
Thế nhưng, Kim Vui đã không như thế. Kim Vui tránh được những cạm bẫy cuộc đời. Kim Vui đã vượt qua vô số chướng ngại, để cuối cùng, tới được bến bờ yên vui.
Qua “Bóng Mây Tình Yêu”(BMTY), bài viết xin đưa ra một vài khía cạnh cuộc đời người nghệ sĩ tài sắc Kim Vui. Đó là những điều hết sức đặc biệt nhưng ít người biết tới.
⁂
“Năm 10 tuổi tôi đã được chòm xóm quý mến. Lúc nào tôi cũng sẵn sàng giúp những cụ già nhà bên khi con cái các cụ phải quần quật làm việc ở Chợ Lớn hoặc các bến tàu Sài Gòn. Tôi giúp họ làm việc vặt và còn múa hát giúp vui nữa. Những cụ già đó là khán giả đầu tiên của tôi.” (BMTY-Trang 44)
Con đường tới với âm nhạc của “cô bé Vui” hồn nhiên như thế. Về sau, người ta chỉ nhắc tới Kim Vui tài năng tuổi 17. Nào biết tài năng bắt nguồn từ một Kim Vui sẵn mang trong mình một trái tim mẫn cảm và nhân hậu.
Tài múa hát đã đưa Kim Vui lên sân khấu, kiếm được tiền khi mới 14. Nhưng Kim Vui không muốn thế: “Kim Vui muốn trở thành ca sĩ chứ không phải nghệ nhân khiêu vũ.” (BMTY-Trang 49)
Về sau, khi nhìn lại quãng đời đã qua, Kim Vui tâm sự:
“Là một ca sĩ có tiếng, rồi tài tử và đôi khi là họa sĩ, tôi thấy sự diễn xuất và các sáng tác của tôi lúc nào cũng hàm chứa nội dung về đất nước tôi, Việt Nam.”(BMTY-Trang 18)
Tuy còn rất trẻ, Kim Vui đã có ý thức công dân rõ rệt. Kim Vui tham gia ban văn nghệ của Đặc Ủy Phủ Công Dân Vụ năm 16.
“Biết được những thay đổi trong đất nước, tôi cho là tôi có thể có cơ hội đóng góp một phần nhỏ vào hoạt động yêu nước đang ló dạng ở Miền Nam. Tôi nghĩ tôi có thể tham gia một một lý tưởng vượt trên việc trình diễn nghệ thuật.” (BMTY-Trang 62)
“Các trình diễn, múa hát pha lẫn những kêu gọi chính trị của chúng tôi ở các thủ phủ quận, ở các thôn ấp. (…) Chúng tôi được hoan nghênh ở mọi nơi vì người dân muốn có sự giải khuây. Và cũng có nhiều người tò mò về chính phủ mới.” (BMTY-Trang 63)[3]
Qua những chuyến công tác khắp nơi, có khi tới tận cao nguyên, Kim Vui chứng kiến rất nhiều cảnh đời. Cô gái ấy bắt đầu băn khoăn về tình hình đất nước:
“Tuy chưa biết chắc những ưu tư chính trị thực sự phải là gì, tôi bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn, và bắt đầu đặt câu hỏi. Tuy chỉ là một diễn viên trẻ, tôi vẫn có cơ hội trình bày suy nghĩ với ông Kiều Công Cung. Ông cũng là một người miền Nam, luôn thân thiện và hành xử đáng kính.” (BMTY-Trang 72)
Tình yêu nghệ thuật, tình yêu đất nước là hai nét nổi bật ở Kim Vui.
Ngoài ca hát, Kim Vui còn thích vẽ tranh. Có thể nhờ năng khiếu mỹ thuật nên cô ca sĩ trẻ Kim Vui thành công khi hát bản “Le Beau Danube Bleu” (Dòng Sông Xanh), một ca khúc đã là “của riêng” đàn chị Thái Thanh. Có lẽ lúc hát, Kim Vui đã “vẽ” một dòng sông xanh tuyệt đẹp trong óc, và rồi cứ thế diễn tả ra?
Phận gái thời ly loạn, Kim Vui giữ cho riêng mình mối ưu tư thời cuộc.
Thế nhưng, định mệnh dường như mỉm cười với Kim Vui. Kim Vui được gặp một người cùng hướng về mảnh đất họ đang có mặt: Miền Nam Việt Nam.
Hai kẻ xa lạ, không cùng màu da, không cùng tiếng nói, gặp nhau thật tình cờ.
“Tôi không diễn tả được cảm tưởng khi nhìn sâu vào đôi mắt đó: Xám, xanh nhạt, xanh lá cây, một sự hòa hợp của những màu đó. Người khách mỉm cười, nhẹ nhàng. (…) Và lúc này đây, tôi hoàn toàn chết sững, ngay trong quán cà phê của tôi.”(BMTY-Trang 100)
Người đàn ông ấy, như một cánh chim bằng, đến rồi lại đi…
“Anh thường nói mơ hồ về những chỗ anh đi, những việc anh làm và những người cùng làm việc với anh. (…) Anh sẽ vắng mặt chỉ vài ngày, nhưng biết anh sẽ lái xe trên những conđường mà nhiều người khác không đi, tôi bắt đầu cầu nguyện cho anh hằng đêm.” (BMTY-Trang 106)
Lúc gặp nhau, họ nói với nhau những lời mật ngọt yêu thương chăng?
“Sau khi tôi từ Sài Gòn trở về, lần đầu chúng tôi có một cuộc bàn luận chính trị sâu hơn bình thường. Anh nói tới những ngày đi vào các thôn ấp trước khi quay về Đà Lạt. Anh cho rằng thay vì giải quyết những tệ hại, chính phủ lại làm ra những lỗi lầm khiến các vấn đề tệ hại trầm trọng thêm. Anh tin hai lỗi lầm quan trọng nhất là việc các nhân viên chức trách thiếu kính trọng đối với người dân, nhất là người dân ở thôn quê. Lỗi thứ hai là đặt các luật lệ thiếu hợp lý làm gia tăng sự căng thẳng giữa Phật Giáo và Công Giáo.” (BMTY-Trang 107)
“Anh nói trong một, hai ngày nữa anh lại lên đường, đi về những tỉnh hướng Bắc. Tôi hỏi anh, tôi có thể đi theo không. Nhưng anh phản ứng bằng một nụ cười tếu và bảo chẳng thể nào đi như thế được.” (BMTY-Trang 107)
Khi tài năng ở một mỹ nhân được cộng thêm lòng dũng cảm, thử hỏi, có người đàn ông nào không bị quyến rũ?
Thế nhưng, với người đàn ông ấy, vẫn còn có một thứ quyến rũ hơn.
“Cuộc chiến, một phiến nam châm phức tạp, đa chiều, lấp lánh như kiếng vạn hoa hãi hùng sẽ kéo anh và các bạn anh, chìm dần vào các thôn ấp, các rừng rậm, để tìm một công thức thắng cuộc.”(BMTY-Trang 143)
Tình yêu của Kim Vui và “anh”, rất gần với câu: “Yêu, không phải là nhìn nhau, mà là cùng nhau nhìn về một hướng.”[4]
Thế nên, không quá khó để thấy tình yêu của hai người ngày càng nồng nàn hơn.
“Anh giải thích anh không muốn đưa tôi về phía Bắc, bên trên Nha Trang, vì mỗi lần chúng tôi gần nhau anh lại yêu tôi hơn. Nên anh không muốn tôi gặp bất cứ nguy hiểm nào.”(BMTY-Trang 126)
Nhưng, người đàn ông ấy, trớ trêu thay, rất giống với “anh” trong bài hát “Chân Trời Tím.” – Ba chữ định mệnh gắn liền với Kim Vui.
“Anh từ lửa khói quê hương. Đường hun hút biên cương. Một mình ngắm trăng suông.”[5]
Còn Kim Vui, rất giống với “em” trong bản nhạc buồn.
“Anh chắc em mơ về nơi chân trời tím. Mơ chúng ta in bóng chân trời xa. Nhưng anh biết muôn đời, muôn kiếp sau. Anh với em không thể đến gần nhau.”
Chân trời tím lãng mạn kia, không có anh và em.
Bởi, anh cuối cùng đã chọn.
Anh chọn, không có em.
“Anh đã giảm cân rất nhiều và ít khi cười. Theo tôi nhớ, đúng hơn, chẳng bao giờ thấy anh cười. Hình như, anh chỉ cảm thấy thoải mái khi tôi hỏi thăm các người bạn đã đi theo anh, người Việt và người Mỹ. Mới thoáng chốc, tôi có cảm tưởng như mới chỉ vài giờ, anh đã lại lên đường. Tôi chưa có cơ hội để cho anh biết tôi đã hoàn tất thủ tục ly dị và lúc này có thể tự do thành hôn với anh.“
“Tôi biết với anh, chẳng người đàn bà nào khác có thể sánh với tôi, nhưng tôi chưa đoán trước được các tiếng gọi hấp dẫn ma quái: Những tiếng gọi thì thầm của những người bạn chiến đấu, một sự mạo hiểm chung và cùng hy sinh cho một lý tưởng cao thượng.” (BMTY-Trang 155)
“Rồi anh xuất hiện ở nhà tôi, bẩn thỉu, mỏi mệt, trông như một bóng ma của người tôi yêu. Trong nhà đang có bạn tôi, một họa sĩ và hai ký giả, đang ở phòng khách. Anh không chào họ, chỉ cầm tay đưa tôi vào bếp.
Anh bất thần bảo tôi là anh không thể tiếp tục phân đôi người anh để vừa đến với tôi, vừa tham gia cuộc chiến. Anh sẽ không trở lại Sài Gòn để cùng chia xẻ cuộc đời với tôi nữa. Không có thời giờ cho hai chúng tôi, không có không gian cho tôi trong thế giới của anh. Tôi lập tức chết sững, ngã xuống sàn, và không thể ngừng khóc. Frank quay người, biến mất.” (BMTY-Trang 157)
Người đàn ông tên Frank – “Frank Scotton.“
Frank Scotton tới Sài Gòn năm 1962 khi vừa 24 tuổi. Suốt 13 năm sau đó, Frank miệt mài với sứ mạng hỗ trợ Miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến chống xâm lược.
Thế nhưng, nỗ lực của Frank, cùng nỗ lực của hàng triệu người dân Miền Nam, đã không thể vượt qua những thử thách khắc nghiệt.
⁂
Tác phẩm “Uphill Battle” của Frank Scotton ra đời trước “Love Found and Lost” của Kim Vui.
Trong “Lời Ngỏ về ấn bản Việt ngữ“, Frank viết như sau:
“Cuối cùng, nếu bạn đọc cảm thấy không vui với những mô tả của tôi về những khiếm khuyết của phía Việt Nam, thì xin hãy đọc lại những nhận xét của tôi về những khuyết điểm còn trầm trọng hơn của phía Hoa Kỳ. Thay vì đổ lỗi cho nhau, chúng ta nên tìm cách hiểu rõ bản chất bất định của cuộc chiến.”[6]
Cuộc chiến ấy, Frank gọi là “Cuộc Chiến Leo Dốc.” Ở đó, khó khăn chồng chất khó khăn, oằn nặng trên vai con dân Miền Nam. Ở đó, tất cả đều là nạn nhân. Ở đó, tất cả đều bất định. Cũng bất định một mối tình – Mối tình của Kim Vui.
⁂
“Hai tình yêu đặc biệt và lâu dài nhất của tôi là tình yêu dành cho quê hương đã sinh ra tôi, và tình yêu dành cho một người đàn ông.” (BMTY-Trang 20)
Tình yêu thứ hai Kim Vui đã tìm lại.
Tình yêu thứ nhất thì sao?
Phải chăng, tình yêu ấy như một “bóng mây” – “Bóng Mây Tình Yêu” – ngay ở trên mà không sao với tới.
Để rồi, dù tiếng hát không còn cất cao nữa, nhưng những thổn thức trái tim, mãi trào dâng mà không thể nhận chìm.
Tổ Quốc ơi!
Yêu người, yêu cả một đời!
__________
Ghi chú:
[1] Ca khúc “Nỗi Lòng” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh.
[2] “Bóng Mây Tình Yêu – Hồi Ký Kim Vui” – 280 trang. Ấn phí $25. Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản năm 2023. Để mua sách qua bưu điện, xin gửi chi phiếu về: VLAC /TS Tiếng Quê Hương – P.O. Box 4653, Falls Church, VA 22044, USA. Liên lạc email: uyenthaodc@gmail.com . Hay, đặt mua online trên trang Barnes & Noble. https://www.barnesandnoble.com/w/bong-may-tinh-yeu-dung-phan/1144050060
[3] Về giai đoạn Kim Vui hoạt động tại Đặc Ủy Phủ Công Dân Vụ, người viết được nghe nhà văn Uyên Thao (người sáng lập Tủ sách Tiếng Quê Hương) kể rằng: Ông Nguyễn Ngọc Lương (từng là ký giả có tiếng của tờ New York Times) khi còn làm việc ở Phủ Công Dân Vụ đã từng nói về thiếu nữ Kim Vui với sự trân trọng đặc biệt: “Kim Vui có ý thức rất tốt trong công việc.”
[4] Ca khúc “Chân Trời Tím” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh (1964 – ký tên Anh Chương và Nguyễn Văn Hạnh). Tiểu thuyết cùng tên của nhà văn quân đội Văn Quang (1964). Phim điện ảnh cùng tên của đạo diễn Hoàng Vĩnh Lộc (1971).
[5] “Aimer, ce n’est pas se regarder l’un l’autre, c’est regarder ensemble dans la même direction.” Câu trong Chương cuối, Phân đoạn 3 – “Terre des Hommes” – của nhà văn Antoine de Saint-Exupéry.
[6] “Uphill Battle: Reflections on Vietnam Counterinsurgency” (Cuộc Chiến Leo Dốc: Suy nghiệm về Chiến Tranh Chống Du Kích tại Việt Nam) – Hồi ký Frank Scotton. Dịch giả Phan Lê Dũng. 560 trang. Tủ sách Tiếng Quê Hương xuất bản 2015. Ấn phí $25. Hay, đặt mua online trên trang Amazon.