Trăng và thiếu nữ Hoàng Thành

Tôi bỗng nhận ra mình “fall in love” với bức tranh sơn dầu “Trăng Hoàng Thành” của Nguyễn Đình Thuần quá đỗi. Bức này theo tôi, ông vẽ theo trường phái Ấn Tượng như tranh thiếu nữ vào những thập niên 50, 60 ở miền Nam Việt Nam. Ông cũng từng bước vào thử nghiệm trường phái Siêu Thực trong 10 năm. Tuy nhiên sau này phần lớn tranh ông nghiêng về trường phái Trừu Tượng.


Trăng Hoàng Thành, sơn dầu.


Một ngày tôi gặp người thiếu nữ đẹp ngời áo vàng hoa cúc ở nhà họa sĩ Nguyễn Ðình Thuần. Tóc nàng là những dải mây mang sóng đại dương xanh ngát. Ánh trăng hoàng thành lấp lánh trải lân tinh lên tóc nàng làm nổi bật bọt sóng trắng giữa bờ tóc đen. Ðằng sau khuôn mặt thanh tú là vùng trời đá dựng, tạo một vòng cung ôm ấp lấy mảnh trăng chưa chín nửa vàng, nửa xanh. Bố cục xanh, lam, chàm, tím đậm lạt khiến nổi bật làn da và màu áo quyền quý của những triều đại Huế xa xưa.

Trịnh Thanh Thủy (TTT): Anh có thể chia sẻ cùng độc giả lý do tại sao anh chọn ngành mỹ thuật và theo học ở trường Mỹ Thuật Huế?

Nguyễn Ðình Thuần (NDT): Xong Trung Học, tôi bắt đầu đi làm. Theo tôi, trong chiến tranh Việt Nam ít ai thuận tình nhập cuộc vào đó khi có điều kiện. Họ không chịu khoác áo lính vì họ suy nghĩ nhiều về cuộc chiến Nam Bắc, nên họ không muốn đi. Tôi cũng không muốn nhập ngũ nên đã làm sụt tuổi khi đến hạn quân dịch. Trường Mỹ Thuật Huế gần nhà, tôi vào dự thi tuyển. Có 150 thí sinh, họ chọn ra 15 người, tôi là người đứng thứ 15. Sau đó tôi được hoãn dịch vì lý do học vấn. Ðến khi tốt nghiệp ngành Mỹ Thuật vừa lúc mất nước, tôi di tản qua Mỹ.

TTT: Thủy có xem những tranh lụa của các họa sĩ Việt ngày trước và rất thích. Trong một cuộc trò chuyện anh có tiết lộ khi còn theo học Mỹ Thuật Huế, anh học chuyên ngành về tranh luạ. Xin anh cho biết một chút về cách dạy hàn lâm của trường này ngày đó về kỹ thuật vẽ tranh lụa Việt Nam?

NÐT: Tôi xin kể vắn tắt một chút về kỹ thuật làm và vẽ tranh lụa. Có 2 phương thức để thực hiện. Một: Vẽ trực tiếp lên lụa bằng màu khô, dạng như trang trí. Chị Nguyễn Thị Tâm ở trường Mỹ Thuật Gia Ðịnh có làm một số như vậy cho nó nhanh. Hai: Vẽ theo lối truyền thống. Lụa vốn là lụa tơ nên ăn màu, còn lụa nylon không ăn màu. Ðể chuẩn bị cho một tấm lụa vẽ tranh, phải sửa soạn hồ, để tráng lên lụa mấy lớp. Mục đích để khi khô vẽ cho có nét, và cho màu không bị nhoè ra ngoài. Tuy nhiên trong khi tô 1, 2 lớp màu, phải rửa từ từ cho đến khi tấm lụa chỉ còn màu mà không còn hồ nữa. Sau đó dùng bàn chải đánh cho màu thấm vào. Khi độ đậm nhạt đã hoàn chỉnh, đó là lúc những hạt, sớ lụa đã thấm màu hoàn toàn, mặt trước cũng như mặt sau. Kỹ thuật vẽ lụa phải rất cẩn thận. Giả dụ khi vẽ người, vật hay phong cảnh trên lụa trước đó phải có sẵn bố cục, hình ảnh rồi vẽ phác mọi thứ vào bản nháp, vẽ tới, vẽ lui, chọn những nét chính đáng giữ lại sau đó mới đồ lên lụa, xong cho màu vào. Màu phải pha màu nước ở ngoài trước. Tỷ như muốn vẽ một màu tím, có thể pha màu đỏ, xanh ở ngoài chén nước màu loãng và tô cho thấm vào sớ lụa. Có khi một mảng màu phải tô cả trăm lần mới thấm, từ nhạt tới đậm dần theo ý của mình. Ngược lại mảng màu sẽ trở nên cứng ngắc vì nó không thấm vào hoặc không đi đâu cả. Thành ra muốn vẽ áo của một cô gái màu tím, mình có thể bỏ một lớp nhẹ màu đỏ thiệt mỏng. Phải dự trù cái màu đỏ ấy nó lên độ đậm nhạt thế nào, rồi dùng màu xanh phủ lên cho nó ra màu tím. Tranh lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ thận trọng. Có khi trên bàn có cả trăm chén màu pha sẵn. Màu vẽ ngày xưa không được tốt như bây giờ trong đó có bột mà vải lụa không thể để có bột lợn cợn nên màu phải pha ra từng chén rồi tô lên lụa cả trăm lần cho tới sắc độ vừa ý mới được. Cực vô cùng.


Nguyễn Đình Thuần sinh năm 1948 tốt nghiệp Viện Mỹ Thuật Huế năm 1973 và triển lãm tranh cũng trong năm này tại Hội Việt Mỹ Đà Nẵng. Là thành viên của the East Hawaii Cultural Council-USA. Ông đã từng có tranh triển lãm tại các tiểu bang ở Hoa Kỳ, ngoại quốc và Việt Nam.


TTT: Nghe anh kể vẽ tranh lụa ngày xưa khổ quá, vậy rồi vẽ sai phải bỏ hết? Chắc tốn kém lắm vì lụa đắt?

NDT: So với sơn dầu, ngày ấy lụa rẻ hơn nhiều. Một tấm lụa chỉ vài trăm đồng trong khi một ống màu đã mấy trăm đồng rồi. Thời đó tôi nghèo đâu có tiền mua sơn, mua bố, hơn nữa một năm chỉ cần 2 bài sáng tác thì đâu có tốn hao bao nhiêu nên tôi học vẽ tranh lụa. Tuy nhiên học vẽ tranh lụa có lợi vì sau này khi vẽ tranh sáng tác mình giỏi hơn về “Cơ thể học” và kỹ thuật chồng màu vì khi qua vẽ tranh sơn dầu cũng sử dụng những kỹ thuật này y như vậy.

Ðể tôi kể thêm về lý do tại sao tôi chọn lụa. Thầy dạy vẽ tranh lụa của tôi là Phạm Ðăng Trí. Ông đã học dự bị ở Cao Ðẳng Mỹ Thuật Ðông Dương và dày kinh nghiệm về màu sắc tranh lụa. Một bức tranh của ông là “Người suối bạc” được giải khuyến khích ngoài Bắc thời đó, bạn ông là Xuân Diệu thỉnh thoảng có nhắc tới tên ông. Ở trường Mỹ Thuật, những sinh viên muốn nhập vào dòng nghệ sĩ sáng tác phần lớn chọn vẽ sơn dầu. Tranh lụa dành cho phụ nữ vì họ kiên nhẫn, tỉ mỉ, dịu dàng, hoà nhã, không nóng nảy như thanh niên, nên nó phù hợp với họ hơn. Do đó lớp dạy tranh lụa tuyển sinh viên ưu tiên cho phái nữ. Tuy nhiên khi ấy chỉ có 2 người nữ, không lẽ thầy PÐT chỉ dạy 2 người nên ông cố vận động cho lớp đông đến con số 7, thành ra 2 nữ mà có tới 5 nam!.

TTT: Anh học về tranh lụa mà lại vẽ toàn sơn dầu, xin cho biết lý do vì sao?

NÐT: Ở trường Mỹ Thuật, trong hai năm đầu sinh viên được học đủ các bộ môn là nhiệm ý có thực nghiệm. Năm thứ ba sẽ là lúc chọn ngành như luạ, sơn dầu, điêu khắc, sơn mài..v..v..

Vẽ sơn dầu rất thong thả không đòi hỏi nhiều kỹ thuật như tranh lụa cần sự mịn màng, chuẩn bị kỹ lưỡng, không đáp ứng được tâm hồn mình lại rị mọ, hợp phụ nữ hơn nên năm thứ ba, tôi chọn vẽ sơn dầu. Vả lại những chiêm nghiệm có được lúc học vẽ tranh lụa, tôi đem qua bên sơn dầu rất có lợi. Nói đến việc chuyển tải tâm tình của tác giả trong tranh lụa chỉ có tính biểu diễn, hình thể như người và hoa cỏ thôi. Sơn dầu trực tiếp đưa tâm hồn người vẽ vào tranh, nó khiến người vẽ dễ diễn dạt cảm xúc và ý tưởng trừu tượng của mình. Theo tôi, tranh lụa cốt yếu làm thoả mãn cảm xúc và cảm quan người xem do bố cục, màu sắc và hình ảnh hài hoà. Sơn dầu đánh động trực tiếp, có khi đường cọ mình đi rất tình cờ không một ý niệm, đó chính là tâm tình của mình. Không gò bó, tự do thênh thang.


Tranh Trừu Tượng – sơn dầu.


TTT: Pablo Picasso có nói “Không có nghệ thuật trừu tượng. Bạn phải luôn luôn bắt đầu với một cái gì. Sau đó bạn có thể loại bỏ tất cả dấu vết của hiện thực”. Anh nghĩ sao về tranh trừu tượng và có cảm tưởng gì khi sáng tác tranh trừu tượng?

NÐT: Nghệ thuật trừu tượng không thể hiện đối tượng một cách hiện thực như mắt nhìn thấy, mà biểu thị những ý nghĩ, cảm xúc của nghệ sĩ về một vài nét nào đó của đối tượng. Trong nghệ thuật tạo hình, trừu tượng là sự phát huy yếu tố biểu đạt của đường nét, hình khối, màu sắc để thể hiện ý tưởng hay cảm xúc (theo wiki).

Một xu hướng trừu tượng là gì? Theo tôi, nghĩa là sau khi có căn bản về hình thể, người và cảnh vật, mọi thứ mà con mắt nhìn thấy, người sáng tạo sẽ đi tới trước với quần chúng khi bước vào xu hướng trừu tượng.

Vẽ trừu tượng, với tôi nó là một thứ giải toả tâm hồn mình, sau khi nhận chân thẩm mỹ và đi xuyên qua các thang bậc của hội hoạ hình thể, bố cục, màu sắc. Trừu tượng thích hợp với sự bộc phát của tâm hồn. Nó đẩy thẳng một cách trực tiếp tâm tư người vẽ vào tranh, không cần chọn lựa và gò bó bởi hình thể. Trong trừu tượng cái “trừu tượng” là bậc trên của “không hình dung” nữa, chứ không phải là trừu tượng không. Cái “không hình dung” nó đi thẳng vào tâm hồn người thưởng ngoạn. Họ có thể không nhìn thấy theo cái ý niệm “nhìn là phải thấy một cái gì đó”. Trừu tượng có lợi thế đi thẳng vào lòng người do tác động sắp xếp của bố cục của người vẽ, từ màu sắc cho đến độ đậm nhạt. Ví dụ khi một hoạ sĩ dùng một mảng màu trông bàng bạc, có người thấy nó nhìn giống màu mây ở quê nhà mình ngày xưa, người lại cho là nó tựa một cánh đồng ở nơi mình đang sống. Nó chính là cảm thụ riêng của mỗi người. Nghệ thuật trừu tượng đi tới một độ sâu hơn, y như một câu thơ của Nguyễn Xuân Sanh “Ðáy đĩa mùa đi nhịp hải hà”. Câu thơ đọc lên nghe rất hay, nghe được sự chuyển động của từ ngữ mà câu thơ đó không biết nghĩa gì. Thành ra có khi người làm thơ dùng một ngữ nghĩa không có nghĩa mà đánh động tới tâm hồn người đọc. Bên hội hoạ màu sắc là thứ ngôn ngữ trực cảm, trừu tượng đánh động thẳng vào cảm thụ của người xem.

TTT: Trong cuộc sống, con người thường có một chỗ dựa tâm linh là một tôn giáo. Trong một cuộc đàm đạo, anh cho biết tôn giáo của anh là “Mỹ thuật” . Xin anh cho biết tại sao Mỹ Thuật đã ảnh hưởng đời sống tâm linh của anh thế nào?

NÐT: Thường ngày tôi thường nói chơi với bằng hữu như thế do quan niệm về tôn giáo của con người. Tỷ như các đạo Thiên Chúa Giáo, Phật Giáo, Lão Giáo chẳng hạn, đều có mục đích đem đến sự bình an cho tinh thần và cuộc sống. Do đó tất cả đều quy về việc làm đẹp cá nhân và tập thể, trong cố gắng xây dựng nên một tâm thế bình an, mới tạo được một xã hội có trật tự và hoà bình. Mỹ thuật cũng vậy, làm đẹp con người và cuộc sống. Người làm mỹ thuật cố gắng làm đẹp tôn giáo của mình theo đường hướng màu sắc. Giống các hoạ sĩ sáng tác để lại những hoạ phẩm đẹp, như các tôn giáo muốn con người sống lương thiện với nhau, sống, cư xử sao cho đẹp. Nên tôi xem mỹ thuật như một tôn giáo vậy.

TTT: Cám ơn anh và chúc anh luôn toại nguyện.