Sài Gòn: từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh đến địa chí của Vương Hồng Sển

Trịnh Văn Thảo

A. THỦ ĐÔ CỦA MIỀN NAM TRONG CÁC TIỂU THUYẾT CỦA HỒ BIỂU CHÁNH

Sài Gòn là điểm đến chính yếu của các luồng di dân từ nông thôn lên thành thị trong suốt giai đoạn chuyển tiếp của xứ Nam Kỳ từ 1858 đến 1955 (năm Sài Gòn trở thành thủ đô của nước Việt Nam Cộng hòa). Trong suốt thời kỳ thuộc địa, Sài Gòn là nơi thu hút các luồng di dân với những hệ quả trái ngược nhau: là nơi tuyệt đỉnh của sự thành công trong xã hội và trong nghề nghiệp hoặc ngược lại là đáy xã hội của sự thất bại, nghèo khổ và bấp bênh. Trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, thông qua sự lựa chọn nơi ở của người dân hai yếu tố đối lập trên thể hiện rất rõ: một bên là ở tại khu trung tâm với các đại lộ thoáng đãng, có người châu âu và một số người bản địa giàu có cư ngụ, gần các trung tâm hành chính; còn bên kia là các khu vùng ven nghèo ví dụ khu Bàn Cờ, Khánh Hội, Cầu Kiệu, Xóm Chiếu, Ụ Tàu… nơi những người nghèo nhất trong xã hội quy tụ về; giữa hai thái cực đó là các khu vùng ven mới hình thành và là nơi sinh sống của những người thuộc tầng lớp trung lưu như khu Đa Kao, Phú Nhuận, Tân Ðịnh, Thị Nghè, Gò Vấp…

Chính Sài Gòn là nơi xuất hiện và phát phát triển mạnh những nghề gắn với sự hiện đại: những người áo cổ cồn trắng (tùy phái, kỹ sư, bác sĩ, giáo sư, luật sư…) làm việc cho các cơ quan hành chính địa phương, trường học, bệnh viện và tòa án; những người áo cổ cồn xanh làm việc cho hãng đóng tàu Ba Son, các cửa hàng bán hàng, các ga-ra xe hơi; người khố rách áo ôm sống bằng nghề mua bán lặt vặt, ăn cắp vặt, mại dâm và các hoạt động phạm pháp khác. Ngoài ra còn phải đề cập đến cộng đồng người Hoa với tính năng động trong thương mại ở khu vực thành phố Chợ Lớn, kề cận Sài Gòn.

Không gian – thời gian trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh, được thể hiện rõ trong tác phẩm đầu tiên (bằng tiếng việt) của nhà dân tộc học phương Nam, Vương Hồng Sển, “Sài Gòn năm xưa”. Thông qua các tác phẩm văn học và tác phẩm địa chí lịch sử của “hai chứng nhân gạo cội”, ta có thể tái khám phá thành phố rất sôi động và thân thương này.

Không gian địa lý và xã hội của Hồ Biểu Chánh

Hình ảnh Nam kỳ trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh

Mặc dù Hồ Biểu Chánh rất hiếm khi mô tả dông dài về các địa điểm (Ông thích tập trung nhiều hơn vào tình tiết, tâm lý nhân vật và bối cảnh xã hội), nhưng tiểu thuyết của ông thường bắt đầu bằng vài dòng xác định bối cảnh địa lý và không gian, trừ một số địa điểm quen thuộc như quê hương của Ông (Gò Công), khu nghỉ mát (Bến Súc ở Bình Dương), Đà Lạt. Ông có kiến thức rất sâu về những địa phương mình công tác và về Sài Gòn, nơi ông từng là nghị viên của Hội đồng thành phố. Có 3 khu vực sẽ được đề cập đến trong tham luận này: phía Bắc của Sài Gòn (cho đến Cao nguyên miền Trung), đồng bằng sông Cửu Long (giữa Tiền Giang và Hậu Giang) vùng đô thị Sài Gòn.

Sài Gòn và lục tỉnh: Đầu mối của các trục giao thông chính

Trước khi trở thành trung tâm của Nam Kỳ, thành phố Sài Gòn là đầu mối của các trục giao thông nối các tỉnh với nhau. Điều này được minh chứng trong đoạn trích sau đây trong tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh:

“Ở Sài Gòn, mình đi tàu Lục Tỉnh[1], nó chạy qua Mỹ Tho, lên Vĩnh Long, Sa Đéc, Châu Đốc, rồi xuống Long Xuyên, Cần Thơ hay là mình đi xe lửa xuống Mỹ Tho rồi đi tàu nhỏ qua Cần Thơ cũng được” (Bỏ Vợ, 6 / 47)

Theo học giả Vương Hồng Sển, đó là tuyến giao thông thủy nối Sài Gòn với Phnom Penh qua các tỉnh của khu vực Tiền Giang (Mỹ Tho, Vĩnh Long, Châu Đốc…). Theo tác giả của “Sài Gòn Năm Xưa”, còn có một hãng tàu khác, hãng tàu Nam Vang, hoạt động ở khu vực các tỉnh thuộc Hậu Giang (nối Mỹ Tho với Bạc Liêu, Cần Thơ, Sóc Trăng…)

So sánh với số lượng xe hơi vào thập kỷ 30

Nhà văn mô tả sự phát triển dần dần của xe hơi tại khu vực Nam Kỳ, từ cuối Chiến tranh Thế Giới lần thứ nhất và sự phát triển bùng nổ của xe hơi vào những năm trước cuộc khủng hoảng năm 1930:

“Lúc ấy, trong Nam chưa có xe hơi nhiều như bây giờ, mà có cái nào thì chỉ chạy Sài Gòn- Chợ Lớn chớ dưới mấy tỉnh không có đường, nên không chạy được” (Con nhà nghèo, 28/100)[2].

Làng Bến Súc (Bình Dương, 1941)

“Bến Súc nằm dựa đường quản hạt số 14, là con đường chạy từ châu thành Thủ Dầu Một[3] lên mấy sở cao su miệt Dầu Tiếng, bởi vậy ngày như đêm xe hơi chạy ngang qua chợ nầy dập dìu. Bến Súc lại nằm trên một cái bưng lớn, ngó xuống phía mặt trời mọc, đất thấp lại được nhờ nước ngọt của ngọn sông Bến Nghé quanh co chan rưới, nên vườn tược thạnh mậu, hoa quả tươi tốt; còn dựa sau lưng, về phía mặt trời lặn, thì đất dốc cao, nên chỗ còn rừng bụi u nhàn, chỗ trồng cao su rậm rợp, chỗ làm ruộng rẫy chớn chở.

Nhờ địa thế như vậy, nên Bến Súc là một làng nhỏ nhỏ mà có cái thú lỡ chợ lỡ quê, và người sanh trưởng tại đó có cái thái độ nửa xưa nửa nay, về hình thức thì cư xử theo mới cũng như người chỗ khác, mà về tâm hồn thì chất phác theo cũ, không giống người chỗ khác. Địa thế ấy, người có chí ẩn dật hễ thấy thì yêu liền tâm hồn ấy, người còn trong luân lý hễ biết thì mến lắm” (Ái Tình Miếu, 1/84).

Đường xe hơi từ Sài Gòn đến Cần Thơ (1936):

“Nhà nước mới mở cái lộ quản-hạt cho xe hơi chạy từ Sài Gòn xuống Cần Thơ. Nhân dân ở dọc theo lộ nầy, thuở nay cứ xẩn bẩn trong chốn thôn quê lo lập vườn làm ruộng, phần nhiều chưa thấy những văn minh nơi thị thành, bởi vậy hễ nghe tiếng xe hơi chạy ồ ồ trên lộ, thì công cấy công mạ đương loi nhoi dưới ruộng đều xóng lưng xây mặt mà ngó, còn trong xóm trong làng thì con nít người lớn đều bỏ nhà chạy ra sân đứng mà coi.” (Nợ Đời, 1/72)

Sự thâm nhập của xe hơi và việc những người thuộc tầng lớp trung lưu sở hữu xe hơi không chỉ phản ánh sự hiện diện của chế độ thuộc địa – người cai trị, những người làm nghề tự do, thương nhân – mà còn làm xuất hiện những nghề liên quan đến công nghiệp cơ khí và giao thông vận tải: thợ cơ khí (Bỏ Vợ, Chị Đào Chí Đạo Lý…), nhân viên gara, người học việc, nhân viên trạm xăng…, đặc biệt là tài xế! Đến đây chúng ta nhớ đến người tài xế bị sỉ nhục và gây ra cái chết của ông Đốc phủ sứ trong truyện “Tiền bạc, bạc tiền”. Ngoài xe hơi, các phương tiện giao thông hiện đại khác như tàu hỏa, tàu thủy cũng góp phần làm thay đổi cảnh quan đô thị trong nền văn minh mới.

Trên đường Đông-BắcSài Gòn (1957)

“Xe khỏi Bà Chiểu[4] thì gặp xe đủ thứ, tốp ra tốp vô dập dìu không ngớt. Đến cầu Bình Lợi xe cũng vẫn còn đông, ngó đường đi Biên Hòa hay là đường đi Thủ Dầu Một, đường nào xe hơi cũng nối đuôi mà chạy cả dọc, xe du lịch, xe nhà binh, xe đò, xe hàng chen nhau mà chạy rần rần. Từ Bình Triệu lên Bình Phước hai bên đường người ta trồng cây trái, đậu khoai, rau cải liên tiếp, coi còn thạnh vượng hơn hồi trước. Một khúc xa xa có tháp canh xây cho binh lính ở mà gìn giữ an ninh cho dân lành làm ăn. Sau rẫy vườn ấy thì là mía trồng minh mông, đám nầy giáp với đám khác, không dứt, trồng lên tới mé rạch Gò Dưa. Vô tới vùng Suối Chà.” (Chị Đào, Chị Lý, 87/128)

Đoạn văn trên minh chứng khá sống động và đặc biệt về một giai đoạn hạnh phúc dù rất ngắn trong lịch sử của Sài Gòn, từ lúc quân Pháp rút đi (1955) đến lúc khởi đầu cuộc chiến tranh lần thứ hai ở Việt Nam (1959): giai đoạn đầu của nước Cộng hòa Miền Nam Việt Nam dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm (1955-1963).

Các khu phố và khu vực ngoại ô

CHỢ ĐŨI[5] (1930)

“Trong châu thành Sài Gòn, nhứt là ở phía nhà thờ Chợ Đũi, thiên hạ qua lại dập dìu ngoài đường, kẻ làm việc mệt mỏi thì bươn bả đi về nhà mà nghỉ ngơi, người thung dung vô sự thì thả rều dặng tìm cách vui chơi cho thỏa ý. Lại thêm những đoàn xe lửa, tốp dưới Mỹ Tho, tốp trên Biên Hòa, tiếp nhau rầm rầm về tới, thổi sip-lê nạt đường nghe vang rân, làm cho cảnh càng rầm rộ náo nhiệt hơn nữa, rất phù hợp với tâm hồn hăng hái của hạng thanh niên, mà rất khó chịu cho tri ý trầm tĩnh của bực trưởng lão.” (HAI KHỐI TÌNH, 1/83)

Cuộc sống hàng ngày (1935)

Hồ Biểu Chánh đã dự đoán rất rõ ràng về tầm quan trọng của vùng ngoại ô trong sự tăng trưởng đô thị, đặc biệt là khu vực ngoại ô phía Bắc và Đông – Bắc của Sài Gòn: Gia Định – Bà Chiểu (nay là Quận Bình Thạnh), Quận Phú Nhuận[6] và Quận Gò Vấp. Trái với Phú Nhuận nơi phát triển mạnh về thương mại, Bình Thạnh và Gò Vấp là nơi thu hút những người bản xứ thuộc tầng lớp trung lưu (học sinh, cán bộ – công chức, nông dân từ vườn cây Lái Thiêu), đối lập với khu dân cư trung tâm (nay là Quận 1) là nơi sinh sống của người châu Âu và người bản xứ thuộc tầng lớp thượng lưu.

“Xe điện ở Gò-vấp[7] chạy ra Sài-gòn, tới nhà ga Xóm Gà, thì ngừng cho thiên-hạ lên xuống. Chuyến xe nầy nhằm chuyến của mấy thầy đi làm việc, bởi vậy trên xe hành-khách đông-đảo ngồi giáp hết, không còn một chỗ trống. Mà xe vừa ngừng thì dưới ga lại có gần 20 người chen lấn nhau giành leo lên xe nữa. Vì trong xe đã chật rồi, nên mấy người mới lên sau phải chòm-nhom đứng phía ngoài chớ không có chỗ ngồi.” (DÂY OAN, 18/35)[8].

Xóm lao động (1937)

Trong khi Bàn Cờ (nay là Quận 3) từng là nơi nhiều người nghèo khổ sinh sống, thì các khu phố bị lãng quên ở quận 4 và quận 5 là bối cảnh cho những tấn bi kịch về đói nghèo, tội phạm và niềm đam mê thái quá:

“Trời chạng-vạng tối.

Dãy nhà lá ở dài theo bờ kinh Dérivation, là cái kinh đào từ Lăng-Tô vô Rạch-Cát để chở lúa gạo trong các nhà máy Chợ Lớn đem ra thương-khẩu Sài Gòn, lần lần lu lờ, làm cho phai bớt cái vẻ nghèo hèn thấp thỏi được chút ít.

Tuy vậy mà đám con nít chạy chơi ngoài lộ, đứa quần áo lang-thang, đứa mặt mày dơ-dáy; những người đờn-bà ngồi ngoài cửa hứng mát, hoặc đút cơm cho con ăn, phần nhiều hình vóc ốm-o, tóc tai xụ-xọp; những đờn-ông làm ở các sở, mãn giờ đi về dập-dều, người nào cũng da nám tay chai; quang cảnh ấy, cũng đủ chứng cho cái xóm nầy là xóm bình dân lao động. Gió chiều hiu-hiu mát-mẻ, nước kinh cuộn-cuộn tàu kéo ghe thổi xúp-lê vang rân, bên thương cảng Sài Gòn đèn khí đã bực cháy sáng quắc.” (LẠC ĐƯỜNG, 1/62)

… Hai mươi năm sau (1956):

“Trời chạng vạng tối.

Đèn điện bựt cháy khắp Đô Thành Sài Gòn Chợ Lớn, đường nào cũng nhờ ánh sáng nhơn tạo nên khỏi chìm ngấm trong tịch mịch tối tăm.

Thế mà bên vùng Vĩnh Hội[9] có mấy xóm bình dân nằm dọc theo mé kinh phía trong, từ bến đò Long Kiển vô tới xóm Ụ Tàu, vì đường chưa giăng đèn điện, còn trong nhà lá thì đốt dầu leo heo, bởi vậy lúc gần tối mặc dầu dưới kinh nước đầy, gió chiều phất mát, mà quang cảnh trông có vẻ âm u, có hơi buồn bực.

Xóm Ụ Tàu, nằm xéo xéo vàm rạch Ông Lớn là xóm nghèo hơn hết ở vùng nầy, còn một vài ông thợ thuyền đi làm về trễ, nên xung xăng đi về riết kẻo vợ con chờ ăn cơm. Cũng có ít chị đàn bà mua bán, chị thì bán hết xôi bưng thúng về, chị thì gánh chè cháo ra đi bán dạo. Nhờ rãi rác có kẻ vô người ra như vậy, nên quang cảnh linh động vui vui làm phai lạt bớt hơi buồn bã.” (VỢ GIÀ CHÔNG TRẺ, 1/66).

Nếu LẠC ĐƯỜNG kết thúc như là một bi kịch vô vọng, thì VỢ GIÀ CHỒNG TRẺ đưa ra được một con đường dẫn đến thành công cho những người biết tận dụng những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống!

Hạnh phúc và bất hạnh trong thời chiến (1944 – 1957)

“Năm 1944, đầu tháng 5, trời tối một lát thì có tiếng còi báo động thổi rang tất cả vùng Sài-Gòn, Chợ-Lớn, Gia-Định. Tuân theo luật phòng-thủ thụ-động, ai cũng lo đóng cửa tắt đèn đặng xuống hầm.Tiếng còi dứt rồi thì quang cảnh im-lìm, châu thành vắng hoe chẳng khác nào bãi sa-mạc.

Cách chẳng bao lâu, mấy đoàn phi-cơ tiếp nhau bay ù-ù trên không-phận Sài-Gòn thả bom xuống nổ tưng-bừng từ Xóm-Chiếu qua phía chợ Bến-Thành làm cho nhơn-dân đều kinh hồn khiếp vía. Đến sáng người ta đồn vang có nhiều nhà tang hoang, có nhiều người vong mạng. Tôi tò-mò đi xem. Ôi thôi! Tôi rất đau đớn mà nhận thấy tai-nạn chiến-tranh tàn khốc của thiên-hạ gây ra cho lương-dân Việt-Nam phải gánh chịu.” (THẦY CHUNG TRÚNG SỐ, 1/26)
(…) “Trót mấy năm thời cuộc lộn xộn, binh đội Nhựt choáng hết mấy trường trung học lớn ngoài Sài Gòn, rồi kế binh đội Pháp tiến chiếm lại nữa (…). Đến nửa năm 1946, Trường trung học Trương Vĩnh Ký với Trường nữ học Gia Long mới mở dạy lại (CHỊ ĐÀO, CHỊ LÝ, 24/128)


Chợ Bến Thành xưa.

Quận Phú Nhuận năm 1935

Sự ra đời của một khu phố sầm uất:

“Ở sát một bên kinh thành Sài gòn, lại nhờ mấy năm lúa gạo cao giá làm cho cuộc kinh tế đâu đâu cũng thạnh phát, nên miệt Phú Nhuận mở-mang mau lẹ, ngày nay dân cư đông-đảo buôn-bán xôn xao xe hơi, xe điện rần rần, nhà gạch phố lầu chớn chở. Mà cách mười mấy năm trở về trrước thì Phú-nhuận bất quá là môt làng trộng trộng của tỉnh Gia-Ðịnh vậy thôi. Tưy trong làng có một cái chợ kêu là chợ Xã Tài, ở dựa bên đường xuống Cầu Kiệu, song cái chợ ấy leo-heo mỗi buổi sớm mai bạn hàng nhóm thưa-thớt một lát mà bán cá, tôm, rau, thịt sơ sịa cho bình-dân ở chung-quanh dùng hàng ngày, chớ không có món chi ngon, không có đồ chi quí. Dọc theo đường xuống Cầu Kiệu thì có năm ba tòa nhà ngói nền đúc, rào sắt coi sạch-sẽ mỗi chặn xa xa có môt tiệm chệt bán đồ tạp-hoá giống như các tiệm ở theo mấy chợ nhà quê còn bao nhiêu thì là nhà lá, hoặc phố lầu hay phố ngói mà vách ván cũ mèm cất chen lộn với nhau coi dơ-dáy mà lại không thứ-tự.

Hạng dân ở trong mấy nhà lá và phố cũ đây thường thường là:

  1. Những người chủ xe kiếng hoặc xe song mã, sắm xe ấy để mỗi ngày đem xuống chợ Bến Thành mà đưa hành-khách;

  2. Những thợ hồ, thợ mộc, thợ nguội, thợ sơn, cùng tiểu-công, làm ăn tiền ngày hoặc tiền tuần trong các sở, hãng dưới Sài-gòn;

  3. Những người mua bán hàng bông mỗi bữa lên vườn mua trái cây, bầu, bí, rau cải, gánh xuống chợ Bến Thành mà bán;

  4. Những bồi bếp ở dọn phường hoặc đi chợ nấu ăn cho Tây.

Lại còn có một hạng người nữa – hạng này đông hơn hết – ấy là hạng người không nghề-nghiệp nhứt định, đàn-ông có, đàn-bà có, làm ngày nào ăn ngày nấy, gặp việc gì thì làm việc ấy, việc phải cũng làm mà việc quấy cũng làm.” (ÔNG CỬ, 1/46)

Các khu vực ngoại ô của Sài Gòn (1957)

“Khúc đường từ chợ Thị Nghè sang chợ Bà Chiểu mới làm xong có mấy năm nay mà nó nổi danh, xóm Hàng Xanh[10] rộn rực tưng bừng. Quang cảnh đìu hiu ngày trước đã biến thành quang cảnh náo nhiệt không thua gì Phú Nhuận, Hòa Hưng, Vườn Lài hay Xóm Chiếu. Hai bên đường nhà phố cất liên tiếp giáp hết không còn chỗ trống mà chen vô ở được nữa. Tối ngày thiên hạ qua lại dập dìu, lại thêm đủ thứ xe tranh nhau chạy rần rần không ngớt.” (CHỊ ĐÀO, CHỊ LÝ, 1/128)

“Đến đây ai cũng nhớ cách lối ba mươi năm về trước, những người giàu có với những khách tầm hoa[11], chiều chiều hay mướn xe cyclo đi hứng gió. Hễ đi vòng chợ Bà Chiểu mà qua khỏi chợ Thị Nghè, thì từ mũi tàu, là chỗ sở Trường Tiền dượt thi đặng phát giấy phép lái xe hơi, vòng qua tới Cầu Mới, là ranh Châu Thành Bà Chiểu, hai bên đường đều là ruộng rẫy sình lầy, quang cảnh vắng vẻ im lìm, giống như quang cảnh thôn quê đồng bái. Nếu ở Thị Nghè mà ngó thẳng xuồng cầu kinh Thanh Đa[12] thì thấy mấy đám dừa nước xơ rơ, gió chiều thổi tàu lá xổng lên rồi oặt xuống như chào khách nhàn du, lại có mấy cây bần rạch đứng chần ngần theo mé xẻo, dưới gốc lác mọc bao chung quanh như lác trìu mến không nở bỏ bần, còn bần như tiếc nước ròng nên đứng ngóng trông nước mau lớn lại.” (CHỊ ĐÀO, CHỊ LÝ, 1/128)
Ra khỏi Sài Gòn, Cần Giuộc (1957)

“Chẳng cần phải lội lặng đi đâu cho xa. Chúng ta đi xuống vùng Cần Giuộc cách Sài Gòn vài chục cây số thôi. Chúng ta chung sống với nông gia một thời gian, thì cũng đủ cho chúng ta hài lòng và sáng trí. Năm nầy cũng như các năm khác. Bước qua đầu tháng 11 thì buổi chiều gió chướng thổi lai rai, còn đêm khuya gió bấc phất man mát (…) Trong vùng Cần Giuộc cũng như các vùng xa xôi khác, đến lúc nầy nhân dân giàu hay nghèo tất thảy đều hân hoan thơ thới, quên hết các cực nhọc đã qua để vui rước sung sướng sắp tới, bởi vậy già trẻ đều lăng xăng rộn rực, người đi thăm lúa, kẻ lo trồng rau, mong ước lúa bán được giá cao, hàng mua được giá thấp đặng ngày Tết vui say chơi ít bữa mà chào năm mới bình an mạnh giỏi.” (HẠNH PHÚC LỐI NÀO, 2/83)

Bãi tắm của người Sài Gòn: Vũng Tàu (1947)

Một dấu hiệu khác của sự hiện đại, sức hấp dẫn của một bãi tắm, nơi để thư giãn và biểu tượng của giới thượng lưu Sài Gòn: Vũng Tàu (Cap Saint Jacques):

“Ở Vũng Tàu, phía Bãi Sau, nước đương lớn, gió đương thổi hiu hiu, hơi nước hơi gió hiệp nhau làm cho bầu không khí rất mát mẻ.

Xa xa ngoài khơi, mặt biển linh láng nổi lên cao, bị ánh mặt trời chiều giọi nên nhuộm màu vàng vàng. Mấy chiếc thuyền đánh lưới đều trương buồm nhắm bến mà về, thuyền chạy rề rề, cánh buồm trắng trắng.

Bên phía tay trái, núi miệt Long Hải, Long Phú nằm giăng ngang một dãy, uốn éo chỗ thấp chỗ cao, như ai phết một vết xanh lè nơi góc trời xám xám (…)

Chân trời xa mù, mặt biển mênh mông, sóng bủa lào xào, gió chiều hây hẩy.” (BỎ VỢ, 41/47)

Trong khi Tây Nguyên và thành phố Đà Lạt là nơi thư giãn, nghỉ ngơi của người Châu Âu, thì Vũng Tàu là một trong những địa điểm mới để vui chơi, giải trí.

B. VƯƠNG HỒNG SỂN, SÀI GÒN NĂM XƯA (1960?, 1968, 1992): HIỆN THỰC ĐỘC ĐÁO

Vài năm sau khi nhà văn qua đời, ở Sài Gòn xuất hiện một cuốn sách có thể được coi là một di sản văn học. Đó không phải là một tác phẩm về dân tộc học, cũng không phải là một tác phẩm lịch sử, mà đó là một tác phẩm “pha trộn” các thể loại: hai phần đầu của tác phẩm nhắc lại nguồn gốc lịch sử, văn hóa và nhân khẩu học của thành phố, phần thứ ba kể về những biến động của vùng đất này (Gia Định, Bến Nghé, Bà Chiểu) trong thời nhà Nguyễn đặc biệt là thời Nguyễn Ánh (1774-1820) và Minh Mạng (1820-1840). Phần thứ tư, phần quan trọng nhất (chiếm khoảng 100 trang trên tổng số khoảng 400 trang), mô tả sự hình thành và cấu trúc gần như hoàn chỉnh của vùng đất này dưới thời thuộc địa. Đồng thời, tác phẩm cũng cho chúng ta thấy tính phức tạp về dân tộc và lịch sử của vùng đất này (thành phố của ba thành phố: Prei Nokor năm 1680, Đề Ngạn từ 1778 và Bến Nghé của người Việt kể từ 1790). Đặc trưng của sự biến động nhân khẩu học-xã hội ở đây là sự biến mất nhanh chóng của những yếu tố liên quan đến người Khmer để chỉ còn lại các yếu tố Hoa và Việt tựu trưng ở Chợ Lớn (thành phố kinh tế) và Sài Gòn (trung tâm chính trị và văn hóa). Phần thứ năm của tác phẩm trình bày về di sản tôn giáo và văn hóa thông qua các địa điểm lịch sử của người xưa để lại (có nguy cơ bị biến mất do triều Nguyễn không được yêu mến) như chùa, đền, miếu, nhà thờ. Trong phần thứ sáu, tác phẩm liệt kê những nhân vật đã tạo dấu ấn trong thời thuộc địa từ người cai trị cho đến tôi tớ, từ công chức ở tất cả các ngành đến người dân bản địa bị kéo vào nền hành chính thuộc địa, sự phát triển kinh tế và thương mại và sự khởi đầu của đô thị hóa. Nhưng phần sinh động nhất của tác phẩm là phần nói về cuộc sống của những người ở ngoài lề xã hội, về những vùng trũng nơi người nghèo sinh sống và về những tay anh chị với các phi vụ nổi tiếng.

Cuối cùng, chúng ta chân thành cảm ơn tác giả đã giới thiệu về người Hoa và những nhân vật nổi tiếng trong giai đoạn đầu của thời kỳ thuộc địa, trong phần thứ bảy và cũng là phần cuối của tác phẩm. Nhờ ngòi bút sắc bén và nhiệt huyết bất tận của tác giả, nên ta mới biết những nhân vật có đóng góp rất nhiều trí tuệ và công sức cho vùng đất có truyền thống hiếu khách này, nhưng lại bị quên lãng trong các tài liệu chính thức.

Điều đáng ngạc nhiên là mặc dù có rất nhiều thay đổi trong thời kỳ sau chiến tranh và biết bao nhiêu lần thay đổi tên đường phố tùy vào thời cuộc cùng với những sửa chữa của bộ phận biên tập (trong lần xuất bản gần đây nhất, những chỗ thay đổi thậm chí đã được viết đè lên bản gốc, chứ không ghi chú riêng), nhưng tất cả những điều đó cũng không làm mất đi cái thần của tác phẩm, cái sắc bén trong cách nhìn và tính hài hước bất tận của tác giả. Với tinh thần ấy, ông đã viết một tập sách khác về Sài Gòn mang tên Sài Gòn Tả Pín Lù, xuất bản năm 1992.

Theo dấu chân của ông, đọc giả ngày nay tái khám phá một thế giới sôi động, nơi quá khứ và hiện tại đang xen với nhau và mỗi địa điểm ẩn chứa nhiều điều dưới lớp bụi của quá khứ, nơi dưới tên “Tàu Ô”, từ nổi tiếng để chỉ bọn cướp biển Trung Quốc mà chỉ cần nghe tên thôi thì dù đứa trẻ có ương ngạch đến mấy cũng nín bặt!

Còn hơn một chuyên khảo, Vương Hồng Sển nhắc nhở chúng ta rằng vào thời của cụ, không cần phải kiểm tra Carbone 14 mới biết được các luồng di dân diễn ra như thế nào mà chỉ cần biết lịch sử quá trình đặt tên đường phố là đủ để biết. Ví dụ như Dinh tổng thống (nay đổi thành Hội trường thống nhất), trụ sở Bộ nội vụ cũ và Mũi đất bọn tán dóc gần Cột cờ Thủ Ngữ. Nhờ cụ mà các thế hệ ngày nay còn có thể nhận biết nơi đặt trụ sở Trường dạy các quan tham biện (sau đổi tên thành trường đào tạo quan cai trị thuộc địa, có các giáo sư như Luro, Cheon, Trương Vĩnh Ký, Trương Minh Ký…), Trường đào tạo giáo viên tiểu học (nơi Ba tôi đã từng học nội trú) và Tổng nha giáo dục và trường Võ Trường Toản.

Từ Sài Gòn đến TPHCM, không gian khu đô thị không còn trùng khớp với nhau nữa vì bản đồ của Vương Hồng Sển thực hiện vào cuối thập niên 50[13]. Phần mô tả về rạch Bến Nghé (người Pháp đã đổi tên rạch này thành “Arroyo chinois”) làm chúng ta nhớ lại lời của Paul Doumer về Sài Gòn và Chợ Lớn:

“Có nhiều đường nối Sài Gòn với Chợ Lớn, trong đó đường thủy, qua rạch “Arroyo chinois” được sử dụng nhiều nhất. Con rạch này bắt đầu từ cảng Sài Gòn, tàu, thuyền và ghe đi lại rất nhộn nhịp vào một số thời điểm trong năm. Một con đường chạy dọc theo con rạch này, gọi là “đường dưới”, hai bên lưa thưa vài căn nhà. Như vậy, hai thành phố này đã thực sự nối kết với nhau. Nhưng nối bằng “đường trên” và “đường chiến lược” thì không. Hai con đường này băng qua đồng bằng rộng lớn, khô, bị bỏ hoang, nằm giữa Sài Gòn và Chợ Lớn, đồng bằng của những ngôi mộ.” (Đông Dương thuộc Pháp, Paris, Vuibert và Nony, 1905, p. 65)

Khu vực Chợ Lớn

Dưới góc nhìn từ các bến cảng, Chợ Lớn của Vương Hồng Sển có nhiều căn nhà sàn đẹp bên cạnh vùng đầm lầy nơi những người nô lệ của thời xưa sinh sống (?) và sau đó chuyển thành các động mại dâm từ đường Boresse đến đường Lefèbvre. Xung quanh Cầu Ông Lãnh là phố người hoa, mặc dù một nửa dân số ở đây là người Việt hoặc người Việt lai người Hoa.

Ngoài những khu phố vẫn còn giữ được tên gốc của mình như Xóm Than, Xóm Củi, Xóm Dầu, Xóm Bàu Sen, Xóm Rẫy,… tác giả cũng điểm qua những địa danh lịch sử có từ thời Nguyễn (p.160), dinh thự của người Hoa giàu có, những người đã biến thành phố này trở thành trung tâm cung cấp gạo cho cả nước và xuất khẩu ra nước ngoài.

Như nhận xét của nhà soạn nhạc Phạm Duy, khu vực phía Nam và khu trung tâm thành phố không chỉ là nơi cung cấp lương thực. Lịch sử của Sài Gòn còn gắn kết với đời sống tôn giáo, văn hóa và những câu chuyện làm phong phú thêm trí tưởng tượng và sự sáng tạo nghệ thuật. Thật vậy, Sài Gòn Năm Xưa là một tài liệu quý cho bất cứ ai quan tâm đến Trời, Đất và Người của thành phố ở Vùng Nam bộ này.

Nếu muốn hiểu lý do tại sao những biến động đô thị trong thập niên 20 đã dẫn đến sự ra đời của một tầng lớp trí thức Việt Nam tuy được đào tạo theo phương tây, nhưng lại đi tiên phong trong cuộc chiến chống chính quyền thuộc địa, trong khi số khác thì lại muốn khôi phục lại chế độ quân chủ đã lụi tàn, thì chỉ cần tham khảo danh mục những nghề nghiệp mới của giới trí thức sẽ thấy có sự thâm nhập của xã hội dân sự vào Việt Nam với luật sư, kỹ sư, nhà báo, nhà văn chuyên nghiệp và doanh nhân. Những người này do chế độ thuộc địa đào tạo ra, nhưng họ đã không theo chế độ đó.

Bạn muốn tìm hiểu về giai đoạn đầu của phong trào phụ nữ Việt Nam và sự bùng nổ của phong trào này trong thập niên 30? Chỉ cần lược lại nền giáo dục dành cho nữ sinh ngành báo chí và phụ trách đọc giả để khám phá cuộc gặp gỡ thú vị giữa nhà văn Phan Khôi – và Phan Văn Hum người kế nhiệm của ông – với Bà Bút Trà, từ đó ra đời tờ báo phụ nữ đầu tiên, tờ Phụ Nữ Tân Văn.

Không phải ngẫu nhiên mà tác giả của TÂN PHONG NỮ SĨ, CHỊ ĐÀO CHỊ LÝ, khi xây dựng hình tượng người phụ nữ hiện đại, có học thức, siêng năng và tham gia vào đời sống xã hội; hay ngược lại, khi xây dựng hình tượng “những kẻ đào hoa” sở khanh như trong NỢ ĐỜI, lấy bối cảnh xã hội và đô thị Sài Gòn trong tác phẩm của VƯƠNG HỒNG SỂN: Bệnh viện phụ sản, Bệnh viện Nhi đồng 1, Chợ Rẫy, Chợ Quán…, trường trung học phổ thông Chasseloup Laubat, Taberd và Petrus Kỳ, Trường nữ Áo Tím, Tòa phúc thẩm, Tòa Thị Chính, những nơi tình nhân hò hẹn ở Đa Kao hay Phú Nhuận.

_________________

[1] Tên cũ (Lục Tỉnh) để chỉ các tỉ miền Nam hoặc Gia Định Thành do Vua Gia Long lập (đầu thế kỷ 19); vùng này có trung tâm là Gia Định và bao gồm 6 tỉnh: Phiên An (bao gồm Gia Định), Biên Hòa, Vĩnh Thanh (Vĩnh Long và An Giang), Vĩnh Trường và Hà Tiên.

[2] Trong tiểu thuyết này, cũng có một phần trình bày về cơ khí xe hơi.

[3] Nay thuộc tỉnh Bình Dương.

[4] Chợ gần trung tâm thành phố Gia Định.

[5] Chợ vải, chợ Đũi cũ nằm trên trục đường nối Sài Gòn (Quận 1) và Chợ Lớn (Quận 5).

[6] “Ông Cụ” (1935).

[7] Vùng ngoại thành Sài Gòn, nơi có nhiều rau Vấp, nên gọi là Gò Vấp (theo Nguyễn Đình Đầu, Gò Vấp trước kia thuộc tỉnh Gia Định.

[8] Xem thêm “THẦY CHUNG TRÚNG SỐ” (1944).

[9] Khánh Hội, Tân Vĩnh, Vĩnh Khánh, Vĩnh Hội và Xóm Chiếu nay thuộc Quận 4, được bao bọc bởi Rạch Bến Nghé, Kinh Tẻ và Sông Sài Gòn, nơi những người công nhân của hãng đóng tàu Ba Son và của các công ty ở Chợ Lớn sinh sống.

[10] Quận Bình Thạnh.

[11] Người thích gái đẹp. Có phải đó là những người như Cô Ba Trà, Tu Nhi, Sáu Hương, Hai Thời…mà Vương Hồng Sến đã nói đến?

[12] Quận Bình Thạnh, nay đã trở thành một khu du lịch.

[13] Vì quận 1 hiện nay không còn gói gọn trong khu dân cư trung tâm như vào thời thuộc địa nữa mà đã mở rộng rất nhiều, nhất là về phía Bắc và Đông Bắc.