Sự hình thành cây đàn ghi ta phím lõm


Thời Pháp thuộc ít nhạc sĩ nhạc truyền thống được thấy mặt mũi cây đàn Mandoline, một loại đàn thùng bầu dục, cần ngắn, tra 4 dây đôi bằng thép, bởi loại đàn này chỉ có vài bà đầm già khi rỗi rãnh, ngồi nhà ôm đàn chơi giải muộn.

Chợt năm 1930, tại Rạch Giá có thầy giáo TIÊN là người đầu tiên dùng đàn Mandoline để đàn bản Việt.

Lúc bấy giờ bản đàn truyền thống soạn đơn giản, ít có nhấn nhá, nên nhờ ngón đàn tươi mát của thầy giáo TIÊN, một số người chơi nhạc truyền thống bắt đầu noi theo mà sử dụng nó, trong đó có nhạc sư Vĩnh Bảo.

Tại Saigon, nơi đường Lagrandière (Gia Long) nay là đường Lý Tự Trọng có tiệm làm đàn hiệu MELODIA của ông Hội Khanh (một họa sĩ), và nhà sản xuất Trần Đình Thư ở Hà Nội. Đàn sản xuất do hai nơi này dáng vóc đẹp, âm thanh tốt, nhưng đàn sản xuất do nhà làm đàn Trần Đình Thư chót đầu cần đàn làm cong lại thành hình con dơi, còn phím đàn, thay vì khảm bằng dây thau thì được khảm bằng cọng thủy tinh lấy từ bóng đèn điện, không bị dây đàn làm trầy đầu phím đàn.

Do gợi ý của người chơi, đàn Mandoline được nhà sản xuất móc cần cho lõm phím.

Chưa hài lòng, khoảng năm 1934, dựa vào ý kiến của người chơi đàn, những nhà sản xuất đàn tại đường Hamelin (Hồ Văn Ngà, nay là đường Lê Thị Hồng Gấm) đóng ra đàn ghi ta nhỏ hơn ghi ta thông thường một 10 một 6, móc phím sâu, điều chỉnh khoảng cách của các phím theo cung bực nhạc truyền thống và tra 4 dây, gọi là đàn Guitare-Mando, và có người cho nó cái tên là đàn Octavina (danh từ nầy không có mặt trong tự điển)[1].

Thời điểm này, có những nhà sản xuất loại đàn này như Phùng Dinh, Trần Rắc, Mười Út[2]. Đàn sản xuất do anh Mười Út đóng đẹp, âm thanh trội hơn, phím chính xác so với 2 tiệm Phùng Dinh và Trần Rắc.

Những người chơi đàn Guitare-Mando được nhiều người biết đến là anh Armand THIỀU, cựu sinh viên trường trung học Huỳnh Khương Ninh, anh Hai DUYÊN Cần Thơ, anh Nguyễn văn KẾ (vũ sư), anh Bảy BÁ (soạn giả Viễn Châu), anh Hai LONG.

Khoảng đầu năm 1945, người chơi đàn lại xoay qua dùng đàn ghi ta kích thước thông thường, và dần dần đi đến gắn điện khuếch đại âm thanh, và được sung vào dàn đờn sân khấu cải lương, đồng thời được xem như cây đàn chánh (leader instrument) thay cho đàn kìm, bởi cả đào kép khi ca thường lắng nghe đàn ghi ta hơn các cây đàn khác.

Đàn thay vì 6 dây, giờ đây bớt đi một dây còn lại 5, bởi dây thứ 6, chơi nhạc truyền thống không có nhu cầu.

Nhiều nhạc sĩ chơi Ghi-ta phím lõm vang bóng một thời. Xin đơn cử ra đây một số người mà người viết được biết như:
  • Anh Hai NÉN ở xóm gà (Gia Định).
  • Anh MỘT ở xóm gà (Gia Định)
  • VĂN VĨ khiếm thị
  • Sáu KHỎE khiếm thị
  • VĂN GIỎI khiếm thị
  • Tư XIẾU ở Bến Tre
  • Ba LÍCH ở Long Xuyên
  • Năm CƠ ở Trà Vinh
  • Sáu HƯỚNG ở Đồng Tháp
Ngoài sân khấu Cải Lương, đàn Ghi-ta lõm phím lẫn đàn vĩ cầm thường xuyên có hiện diện trong ca nhạc Tài Tử Nam bộ, trái với những thập niên 1935-1945, người chơi đàn Tài Tử Nam bộ rất là kỵ.

Nhạc sĩ miền Trung và Bắc là tuyệt đối không dùng 2 loại đàn nầy.

_________________________

[1] Mười năm trước đây, trên đài Tiếng Nói Nhân Dân Thành Phố có 2 nhạc sĩ đề cập đến tên Octavina.

Một người cho rằng chữ OCTAVINA gồm 2 chữ OCTA và VINA ghép lại. OCTA có nghĩa là 8, còn VINA là tên của cây đàn VINA của Ấn Độ. Người kia nói VINA là Việt Nam.

Ngày xưa chưa có lối ghép chữ như ta thường thấy bây giờ như VIETCOMBANK, SEAPRODEX, IMMEXCO.....

Cây đàn VINA của Ấn Độ thùng đàn tròn phân nửa quả địa cầu, cần dài, tra 7 dây, cộng thêm 13 dây cộng hưỡng (13 cordes sympathique). Nó không liên quan gì với cây đàn Guitare-Mando.

(Chú thích của Nam Kỳ Lục Tỉnh: Octavina (hoặc còn gọi là Phi Luật Tân Octavina) là một nhạc khí của người Phi Luật Tân có hình dáng giống như cây đàn ghi-ta gồm 14 dây và lên dây giống như cây đàn laùd. Nguyên thủy cây đàn này là của người Tây Ban Nha nhưng sau này được các nước khác xử dụng, điển hình là Phi Luật Tân).


Đàn Octavina (Nguồn: Wikipedia)

[2] Anh Mười ÚT là tay đàn từ Mandolin sang Guitare-Mando. Sanh trưởng ở Vĩnh Long. Anh là chồng của Lão ca sĩ Năm CẦN THƠ hiện còn sống và ở Sàigòn, và là em của chị Ba NIỆM, một tay đàn tranh nổi tiếng vừa đàn vừa ca.