Xây chầu và Đại bội trong lễ Kỳ yên ở miền Nam

Vĩnh Thông

1. Dẫn nhập

Đại lễ Kỳ yên là nghi lễ đặc trưng của các đình làng ở miền Nam, với mục đích là cúng tế Thành Hoàng Bổn Cảnh cầu mong (kỳ) bình an (yên) cho làng thôn. Lễ Kỳ yên diễn ra mang tính định kỳ, theo cổ lệ là ba năm một lần, như dân gian xưa có câu: “Đại lễ Kỳ yên tam niên đáo lệ.” Tuy nhiên ngày nay khi đời sống sung túc hơn, đa phần các làng thường tổ chức lễ Kỳ yên hằng năm. Nội dung nghi lễ cơ bản giống nhau với những nghi thức chính như Thỉnh sắc, Túc yết, Xây chầu, Đại bội, Chánh tế, Hồi sắc…

Hát bội là một loại hình nghệ thuật, tuy nhiên trong lễ Kỳ yên nó không chỉ đơn thuần mang tính chất giải trí (phần hội), mà còn là một phần trong nghi thức cúng tế (phần lễ). Thông thường, hát bội diễn vở tuồng thứ nhứt sau lễ Túc yết (ra mắt thần), song trước khi bắt đầu buổi hát luôn phải có hai nghi thức: Xây chầu và Đại bội. Theo Sơn Nam [2015: 369] nhận định: “Nét đặc trưng của đình miếu Nam Bộ (kể luôn của Trung Bộ, là địa bàn của Gia Định Thành do Tả quân Lê Văn Duyệt cai quản) là dịp cúng tế Kỳ yên phải có lễ Xây chầu, Đại bội rồi đến hát bội.”

2. Xây chầu

Lễ Xây chầu nói một cách dễ hiểu là nghi thức đánh trống nhằm khuấy động không gian lễ hội vào đêm khuya. Về tâm linh, người ta tin rằng tiếng trống trong đêm thanh vắng là âm thanh “thông thiên triệt địa” vừa xua đuổi tà ma, vừa đem lại may mắn cho làng thôn. Về thực tiễn, tiếng trống chầu có chức năng báo hiệu cho dân làng biết đêm hát sắp bắt đầu, phần hội trong lễ Kỳ yên sắp được mở màn.

Do lễ Túc yết ở các đình không đồng nhứt về thời gian, nên lễ Xây chầu diễn ra sau đó vì thế cũng có sự khác biệt. Ngày xưa, đa phần các đình tổ chức lễ Túc yết vào ban đêm, như vậy lễ Xây chầu có thể sẽ diễn ra vào giữa khuya. Thời đó chưa có nhiều phương tiện giải trí, dân cư quanh năm cũng chỉ quanh quẩn trong làng mà không đi đâu vui chơi xa, mỗi năm chỉ có dịp Kỳ yên là lễ hội lớn nhứt, già trẻ xúm xít tập trung về đình làng và thức suốt đêm để đón chào thời khắc khai hội.

Song trong điều kiện xã hội phát triển ngày nay, việc tổ chức nghi lễ và hát bội vào đêm khuya e là khó giữ chân được người dân. Để bà con trong làng tiện việc dự lễ và Ban Quý tế các đình miếu lân cận tiện đến cúng bái tỏ lòng giao hảo, đồng thời để vở tuồng có được đông đảo khán giả, lễ Túc yết có thể được diễn ra sớm hơn (có đình tổ chức vào buổi trưa) nên lễ Xây chầu cũng diễn ra sớm hơn. Ngày nay, nhiều đình tổ chức Xây chầu vào khoảng 19 giờ, để đến 20 giờ thì vở tuồng đầu tiên sẽ chính thức được trình diễn đúng vào thời điểm đêm hội làng đông khách hành hương nhứt.

Về diễn tiến nghi thức Xây chầu, đầu tiên giữa võ ca (nơi đặt sân khấu) đặt bàn hương án với nhang đèn, hoa quả, trà rượu… tượng trưng lời xin phép tổ hát bội, cạnh đó là trống chầu. Trống chầu là loại trống lớn, thân ngắn hơn trống thông thường, trên mặt có hình thái cực. Người đánh trống chầu là người cao tuổi, có sức khỏe, có đạo đức, được nhân dân kính trọng. Người ta tin rằng chọn một lão niên học cao đức trọng khai chầu sẽ mang lại may mắn cho làng thôn. Về cơ bản, trước khi đánh trống, người cầm chầu phải nguyện hương trình thần, trình tổ hát bội, cầm dùi xá hoặc lạy hương án… đó là một số bước chung đều thấy ở các đình.

Phần tiếp theo tùy vào nghi thức riêng của từng ngôi đình mà diễn tiến khác nhau. Có đình nghi thức đơn giản, chỉ hô lệnh, vẽ bùa rồi đánh trống. Vẽ bùa là một dạng tín ngưỡng dân gian mang màu sắc Đạo giáo, có nơi vẽ bùa tứ tung ngũ hoành, có nơi viết những chữ Hán mang tính tượng trưng lên nền đất hoặc lên mặt trống, chẳng hạn chữ “thạnh”, “sát quỷ”… Có đình phức tạp hơn, chuẩn bị sẵn cành dương và tô nước, người chấp sự nhúng cành dương vào tô nước và rẩy xung quanh gọi là “sái tịnh” hoặc “tẩy tịnh” ảnh hưởng từ nghi thức Tán dương chi (Dương chi tịnh thủy) trong Phật giáo Bắc truyền.


Nghi thức Xây chầu (Ảnh: Internet).

Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam là nơi thờ Mẫu tiêu biểu trong tín ngưỡng dân gian miền Nam, song cách cúng tế vẫn giống như các đình làng, vì thực tế nó được tổ chức theo mô hình lễ Kỳ yên đình Châu Phú (cả miếu và đình đều thuộc thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang). Ngày xưa, tương truyền đình nầy từng cử người ra kinh thành Huế học cách cúng tế, nên nghi thức đến nay ít bị biến đổi, đảm bảo tính truyền thống cao. Tiến trình Xây chầu diễn ra với nhiều bước khá phức tạp, đọc nhiều câu nguyện.

Trước tiên, người chấp sự vửa rẩy nước cành dương vừa đọc: “Nhứt xái thiên thanh, nhị xái địa ninh, tam xái nhơn trường sanh, tứ xái quỷ diệt hình.” Sau đó cầm dùi dâng trước bàn thờ đọc: “Pháp luân thường chuyển tứ thiên vương, bát bộ kim cang trấn tứ phương, hộ kinh khởi cổ đàn lai trợ, tùng thư xã tắc hộ miên trường” [Trịnh Bửu Hoài 2010: 32]. Ta thấy có sự pha trộn Phật giáo và Đạo giáo rất rõ ràng. Chưa dừng lại, đó chỉ mới là những câu đọc trước khi đánh trống, còn trong lúc đánh trống người chấp sự vẫn đọc tiếp.

Gõ nhẹ dùi bên trái, phải và ở giữa trống, mỗi lần đọc một câu: “Nhứt kích cổ chư thiên giáng phước, nhị kích cổ chư địa phi tai, tam kích cổ giáng thần lai khởi thủ.” Nhịp nhẹ dùi giữa mặt trống ba lần, mỗi lần đọc một câu: “Nhứt điểm huyệt hoàng trào tể chúa vương bá hà xương, vạn vọng trình tường thiên thu thiên hóa. Nhị điểm huyệt hải yến hà thanh, hư thần đinh ninh, uy linh hạt tấn. Tam điểm huyệt quốc thới dân cường, hoành trạch phong đăng, dân khương vật thạnh, bổn hội bá tánh thọ thọ phước.” Vừa đọc tiếp vừa bắt đầu vào hồi trống đầu tiên: “Hét tợ lôi oanh, biến cổ chấn kim, kinh thiên đạt địa, ly mỵ tiệm hành, án oanh oanh, án oanh oanh, án oanh oanh” [Trịnh Bửu Hoài 2010: 34].

Lăng Ông Bà Chiểu cũng là nơi nổi tiếng giữ được những nghi thức cổ truyền, song diễn tiến Xây chầu lại phức tạp hơn, nhiều câu nguyện hơn. Trước khi đánh trống là những câu chúc tụng, bài chú lau mặt trống, khai trống, điểm dùi… Sau đó để bắt đầu khai chầu, người chấp sự hô: “Phụng thỉnh thần cổ linh linh, lai giáng bổn đàn, minh minh chứng chiếu.” Tiếp theo ba hồi chín tiếng, mỗi lần đọc: “Nhứt kích cổ thiên thời đại thạnh, nhì kích cổ địa lợi trường tồn, tam kích cổ nhơn hòa vĩnh phước.” Đến ba hồi chánh, trước mỗi hồi đọc một câu: “Nhứt liên thấu triệt thiên đình, nhì liên thông toàn trung giới, tam liên đáo tận long cung” [Tư liệu điền dã 2015]. Những câu trên biểu thị rất rõ ý nghĩa “thông thiên triệt địa” của nghi thức Xây chầu.

Có đình đọc ngắn gọn hơn, chỉ bằng ba câu tương ứng với ba hồi trống chánh: “Hà an xã tắc, thôn trung khương thới, lê thứ thái bình” hay: “Nhứt đả cổ linh thần lai giáng hạ, nhì đả cổ bổn thôn hương chức bính đinh tân cựu khương thới, tam đả cổ bá tánh bình an vô sự.” Ở Miếu Hội (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) nơi thờ bốn vị vua đầu triều Nguyễn, mỗi hồi trống đọc một câu: “Nhứt đả cổ thiên hạ thái bình, nhì đả cổ nhơn dân an lạc, tam đả cổ quốc thới dân an” [Huỳnh Long Phát 2005: 29]. Ở đình Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) thì ba hồi trống lần lượt là các câu: “Nhứt động cổ thiên thiên thanh, nhì động cổ địa địa minh, tam động cổ trường trường sanh” [Tư liệu điền dã 2015].

Thống nhứt là đánh ba hồi, nhưng số tiếng trong từng hồi lại mỗi đình mỗi khác, chỉ cùng quy luật “tiền bần hậu phú” tức là càng về sau phải có số tiếng nhiều hơn và đánh gấp rút hơn, thể hiện ước mong dân chúng về sau sẽ sung túc hơn trước. Ngày xưa thường đánh ba hồi là 80 - 100 - 120 tiếng. Hiện nay rút ngắn lại còn 20 - 40 - 60 tiếng hoặc 30 - 40 - 50 tiếng, vì những người cầm chầu đều đã lớn tuổi. Có nơi lại đánh 18 - 36 - 72 tiếng hoặc 48 - 72 - 108 tiếng, đây là những con số tâm linh, mang tính thiêng. Nhưng cũng có nơi không cố định số tiếng, chỉ đánh mang tính tượng trưng, sao cho “tiền bần hậu phú” là được.

Cuối cùng, người chấp sự hô lớn những câu mang tính báo hiệu hát bội bắt đầu, mỗi nơi mỗi khác nhau, ví dụ như: “Ca công tiếp giá”, “Nhạc lễ ca công tiếp lễ khai tràng”, “Bổn bang nhạc công đồng tấu cửu liên nghinh thiên tiếp giá”, “Thôn trung hội viên nam nữ đồng thọ phước”, “Ba hồi trống đã phân minh, chúc thượng, chúc thánh, chúc nhạc công tiếp giá nghinh thần”… Tiếp đó, nhạc trỗi lên các diễn viên đoàn hát bắt đầu ra sân khấu để thực hiện lễ Đại bội.

3. Đại bội

Đại bội là nghi thức trình diễn bảy tiểu đoạn mang nội dung giải thích sự hình thành trời đất vạn vật, dưới hình thức sân khấu hóa. Chúng sẽ lần lượ thể hiện các đề tài theo thứ tự gồm thái cực, lưỡng nghi, tam tài, tứ tượng, ngũ hành, bát quái và một phân cảnh phụ mang tính vui nhộn. Tuy nhiên cách gọi tên từng tiểu đoạn khác nhau tùy theo mỗi đoàn hát. Ở đây chúng tôi xin giới thiệu diễn tiến lễ Đại bội của đoàn tuồng cổ Thái Bình - đoàn hát bội nổi tiếng lâu đời ở tỉnh An Giang, bên cạnh đó có phụ chú thêm một số cách gọi khác.

  • Điềm hương điềm hoa (có nơi gọi Khai thiên lập địa): Nghi đại diện cho ngôi thái cực, thuở vũ trụ còn sơ khai, hỗn độn. Một kép hóa trang thành ông Bàn Cổ, múa động tác mở cửa tượng trưng cho mở các cửa trời. Đinh Bằng Phi [2014: 106] giải thích, trên tay ông cầm bó nhang với ý nghĩa biểu tượng ngọn lửa và ánh sáng mang nguồn sống đến vạn vật, nên gọi là điềm hương. Nghi nầy chỉ múa chứ không hát.

  • Xang mặt nhựt nguyệt (có nơi gọi Lưỡng nghi hoặc Khai nhựt nguyệt): Thái cực sanh lưỡng nghi là âm dương, hai thành tố nầy vừa đối lập vừa thống nhứt với nhau, đó chính là quy luật của vạn vật. Một nam mặc đồ đỏ và cầm chén bịt vải đỏ, một nữ mặc đồ trắng và cầm chén bịt vải trắng, hai người múa và giao hai cái chén lại với nhau, tượng trưng âm dương hòa hợp, sự sống sanh sôi nảy nở (yếu tố phồn thực). Nghi nầy cũng chỉ múa mà không hát, “xang” có nghĩa là múa, ở đây hiểu là điệu múa ca ngợi âm dương thông qua hình tượng mặt trời và mặt trăng.

  • Tam tài Phước Lộc Thọ (có nơi gọi Tam tài hoặc Phước Lộc Thọ): Từ lưỡng nghi sanh ra tam tài là thiên - địa - nhơn, đất trời người giao hòa thì vạn vật hóa sanh. Sân khấu khó có thể thể hiện tam tài nên hình tượng hóa bằng ba vị tiên ông Phước Lộc Thọ - ban phước lành, tiền tài và sức khỏe. Nghi nầy không múa, chỉ hát xướng với lời lẽ mang nội dung chúc tụng.

  • Tứ tướng thiên vương (có nơi gợi Tứ tượng hoặc Tứ thiên vương): Lưỡng nghi sanh ra tứ tượng là thái âm, thái dương, thiếu âm, thiếu dương. Sân khấu hình tượng hóa tứ tượng bằng bốn vị thiên vương trên cõi trời. Họ múa với những tấm liễn viết chữ Hán bằng mực đen trên giấy đỏ, nội dung cầu chúc những điều tốt lành cho làng thôn, sau đó trao lại cho Ban Quý tế đình.

  • Ngũ hành đại bội (có nơi gọi Ngũ hành hoặc Đứng cái): Từ tam tài sanh ra ngũ hành là kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Bốn cô gái đứng xung quanh tượng trưng cho bốn mùa (xuân, hạ, thu, đông) cũng là tượng trưng cho bốn hành (kim, mộc, thủy, hỏa) và một chàng trai đứng ở giữa tượng trưng cho loài người đồng thời cũng là cũng hành Thổ (hành trung tâm). Họ hát những lời hát khá dài, nội dung chủ yếu là chúc tụng triều Nguyễn, điều nầy rất hợp với tâm lý người miền Nam, ví dụ:
    “Vận mở trùng nguơn, vận mở trùng nguơn
    Rày mừng thấy Nam phang sanh thánh chúa
    Dẹp phá loài Bắc địch, khử tà quy chánh đòi noi
    Nguyễn Vương lên sửa trị, thiên hạ ca chơi thái bình”.

  • Bát tiên tọa vị (có nơi gọi Bát tiên quá hải hoặc Bát tiên hiến thọ): Từ tứ tượng sanh ra bát quái (càn, khảm, cấn, chấn, tốn, ly, khôn, đoài) là các quẻ của Dịch lý. Để tạo sự sinh động, sân khấu hình tượng hóa thành bát tiên gồm: Hớn Chung Ly, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Tào Quốc Cựu, Lâm Thái Hòa, Lý Thiết Quài, Lữ Đồng Tân, Hà Tiên Cô. Tuy nhiên, không rõ vì nguyên do gì, tiểu đoạn nầy ngày nay dần không còn xuất hiện ở nhiều đoàn hát.

  • Gia quan tấn tước (có nơi gọi Địa gia quan): Diễn viên đóng vai Ông Địa bước ra sân khấu, vâng lệnh Ngọc đế xuống trần ban phước lành cho mọi người. Ý nghĩa nghi nầy là cầu chúc cho dân làng tăng quan, thêm tước, công thành danh toại… Đoạn nầy thường vui tươi, hài hước.


Nghi thức Đại bội (Ảnh: Internet).

Sau nghi thức Đại bội, đoàn hát bắt đầu diễn tuồng thứ nhứt. Thông thường các đình diễn ba tuồng vào ba ngày lễ Kỳ yên, song ngày nay có nơi thu gọn ngày lễ lại nên chỉ diễn hai tuồng, cũng có nơi cúng với quy mô lớn kéo dài nhiều ngày nên tăng lên bốn hoặc năm tuồng. Cơ bản những tuồng hát thể hiện lý tưởng tốt đẹp như Phụng Nghi Đình, Thần nữ dâng ngũ linh kỳ, San Hậu… Tuồng cuối cùng cũng đồng thời là nghi thức Tôn vương, hai đào kép chánh trong tuồng sẽ rời sân khấu mang dâng ấn kiếm dâng lên bàn thần.

4. Tóm kết

Lễ Xây chầu và Đại bội rõ ràng có sự pha trộn giữa tín ngưỡng dân gian với nhiều yếu tố như Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Dịch lý… đồng thời lại mang tính địa phương linh hoạt. Lễ tiết có lẽ rất rườm rà theo cách nhìn của giới trẻ thời hiện đại, song ông cha ngày xưa đã sáng tạo ra những sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo đó với mục đích không gì khác hơn là trân trọng lễ nghĩa truyền thống và giá trị làm người. Điều đó, theo một lý giải khá thi vị của cụ Đỗ Văn Rỡ [2015: 195] - nguyên Trưởng Ban Quý tế Lăng Ông Lê Văn Duyệt là: tròn đạo trời, vuông đạo đất, sáng đạo người.

_______________________

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Đinh Bằng Phi (2014), Nhìn về sân khấu hát bội ở Nam Bộ, Nxb Văn hóa Văn nghệ.
  2. Đỗ Văn Rỡ (2015), “Lễ Xây chầu, Đại bội”, trong Sơn Nam, Đình miễu & Lễ hội dân gian miền Nam, tái bản, Nxb Trẻ.
  3. Huỳnh Long Phát (2005), Di tích lịch sử Miếu Hội, Sở Văn hóa Thông tin An Giang.
  4. Huỳnh Ngọc Trảng & Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam Bộ xưa & nay, Nxb Đồng Nai.
  5. Sơn Nam (2015), Nói về miền Nam - Cá tính miền Nam - Thuần phong mỹ tục Việt Nam, tái bản, Nxb Trẻ.
  6. Trịnh Bửu Hoài (2010), Lịch sử xây dựng và phát triển miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, tái bản, Nxb Phương Đông