Bạch Công Tử và cô Bảy Phùng Há
GS Trần Văn Khê chúc mừng cô Bảy Phùng Há trong lễ mừng thọ 98 tuổi của cô
Từ năm 13 tuổi, cô Bảy Phùng Há bắt đầu vào nghề ca hát, trở thành đào chính của gánh Tái Đồng Ban, kiếm tiền nuôi mẹ… Thế nhưng “hồng nhan đa truân”, cuộc đời cô không có mối tình nào trọn vẹn.

Đồng Ban, sắc đẹp của cô đã làm ngẩn ngơ hai người thầy, một người dạy ca và một người dạy diễn: Huỳnh Thủ Trung và Năm Châu. Khi Năm Châu đang ôm mối tình câm chưa kịp nói ra thì Huỳnh Thủ Trung tuyên bố cưới cô Phùng Há. Năm Châu thất tình ra đi. Cô Bảy Phùng Há sống với Huỳnh Thủ Trung có một người con rồi chia tay vì không chịu nổi người chồng suốt ngày ngồi trong quán rượu, những chuyện ngoại tình, những trận đòn roi.

Khi Năm Châu đang lưu lạc với một đoàn cải lương ngoài Bắc, được tin cô Bảy Phùng Há thôi chồng và chuyển qua đoàn khác. Ông trở về, tìm gánh hát Trần Đắc với hy vọng nối lại tình xưa. Nhưng đò tình thêm một lần lỡ chuyến. Cô Bảy Phùng Há đã làm vợ của Bạch công tử và lập gánh hát Huỳnh Kỳ.

• Trở thành bà bầu

Bạch công tử – tức Lê Công Phước, còn gọi là George Phước, con trai của đốc phủ xứ Mỹ Tho Lê Công Sũng – sau khi chiếm được trái tim của cô Bảy Phùng Há đã bỏ ra năm trăm đồng trả nợ cho cô, chuộc cô ra khỏi gánh Trần Đắc, lập gánh Huỳnh Kỳ hoc ô làm chủ gánh. Thời ấy, giao thông cách trở, các gánh hát lưu diễn phải thuê ghe lườn vận chuyển sân khấu, công nhân và đào kép. Bạch công tử đã trang bị cho Huỳnh Kỳ bốn chiếc ghe chài, ba chiếc chở đồ đạc, đào kép và công nhân, một chiếc dành riêng cho đào chánh kiêm chủ bầu Phùng Há với đầy đủ tiện nghi như một toà lâu đài di động.

Có tiền bạc, có phương tiện, cô Bảy Phùng Há chiêu mộ những đào kép nổi danh; Huỳnh Kỳ thống lĩnh nghệ thuật sân khấu cải lương khắp Nam kỳ lục tỉnh. Nhưng chỉ được bảy năm, Bạch công tử sa vào con đường ăn chơi sa đoạ, bao nhiêu tiền của ông ném vào sòng bạc, tiệm hút, gái tơ. Huỳnh Kỳ suy sụp, đào kép lần lượt bỏ đi, cô Bảy ôm hai đứa con đau ốm cùng với bốn chiếc ghe chài nằm chơi vơi dưới chợ cầu Ông Lãnh. Trong cảnh khốn cùng, một người quen giúp cô ẵm con đi tìm chồng thì gặp Bạch công tử đang vui sống với một cô gái khác, một giai nhân nổi tiếng tên là Marie Anne Nhị ở khách sạn Minh Tân. Ông không quan tâm đến con mà lại trách mắng cô thiếu lịch sự, làm như thế là mất mặt ông với bạn gái của mình. Cô nuốt nước mắt ra về. Rồi cả hai đứa con lần lượt chết trên tay cô trong cảnh không tiền chạy chữa, cô đành phải chia tay với Bạch công tử để làm lại cuộc đời.

Người chồng thứ ba của cô Bảy Phùng Há là kiến trúc sư Hoàng Phi, con trai một quan huyện ở Gò Công, cũng là bạn thân với Bạch công tử.

Sau năm 1945, Bạch công tử vừa bị phá sản, vừa nghiện ngập, vừa lâm bệnh ngặt nghèo không tiền chạy chữa. Nghĩ đến tình xưa nghĩa cũ, cô Bảy xin phép chồng đem ông về nuôi dưỡng trong nhà tại số 3 đường Ngô Tùng Châu, Sài Gòn. Năm 1950, Bạch công tử qua đời trong cảnh không có đất để chôn. Cô Bảy lại xin phép chồng đưa ông về an nghỉ trên đất nhà chồng ở Gò Công, và nhờ người con riêng của chồng trông coi mộ.

Hỏi vì sao cô chia tay với ông Hoàng Phi, cô không nói. Cô chỉ nói đó là một người trí thức và tử tế.

Phùng Há, Thanh Nga, Năm Châu trong vở “Vợ và Tình” của soạn giả Năm Châu trên sân khấu Thanh Minh – Thanh Nga năm 1958. Ảnh: Huỳnh Công Minh
• Chuyện tình buồn và đẹp

Với nghệ sĩ Năm Châu, cô Bảy cho rằng đó là một chuyện tình buồn và đẹp, cứ chập chờn, chập chờn như con đò lỡ chuyến suốt sáu mươi năm. Năm 1953, ngẫu nhiên cô và Năm Châu đầu quân trở lại gánh Trần Đắc. Vở Mộc Quế Anh đã đưa ngôi vị của Phùng Há – Năm Châu thành đôi bạn diễn ăn ý số một của sân khấu cải lương. Cô cảm nhận đó là tình yêu, cả hai đã trút cạn tình yêu cho nhau qua vai diễn, những điều khát khao mà chưa bao giờ được nói với nhau. Nhưng khi bước ra phía sau bức màn nhung thì cô cảm nhận được ánh mắt chừng như mất vui, chừng như có chút hờn ghen của nghệ sĩ Kim Cúc, bạn cô, cũng là vợ của nghệ sĩ Năm Châu.

Biết lửa gần rơm rồi sẽ cháy. Cô rời gánh Trần Đắc, lặng lẽ ra đi để bảo vệ hạnh phúc của bạn mình. Cô hiểu tình yêu của nghệ sĩ Năm Châu đối với cô càng ngày càng sâu nặng. Ông viết những vở tuồng Nợ dâu, Men rượu hương tình, Sân khấu về khuya như để gởi gắm, để giãi bày, như để hờn trách sự lạnh lùng, bạc bẽo của cô. Ngày nghệ sĩ Năm Châu hấp hối, cô chạy như điên, lê lết trên từng bậc cầu thang trong bệnh viện. Bất chấp sự có mặt của mọi người, cô ôm chầm lấy ông, cô gào thét: “Khoan, anh khoan hãy đi, anh hãy nghe em nói rồi mới yên lòng ra đi, em biết anh hận em, nhưng em không phải là kẻ vô tình, em làm như vậy là em hy sinh vì hạnh phúc của gia đình anh, vì vợ con anh. Anh biết không, tới giờ phút này em vẫn yêu anh. . .”

Chồng, con, và cả những người tình cũng lần lượt đi về bên kia thế giới. Theo thuyết giáo của nhà Phật, khi ta sống, cái gì ta cho thì cái đó chính là tài sản, ở lại với ta. Phải chăng, những thứ quý giá mà cô đã cho, đó chính là những vai diễn, những môn sinh mà cô đã nhọc công đào tạo để làm nên một thế hệ cải lương vàng son, vang bóng một thời. Một ngôi chùa nghệ sĩ, một nghĩa trang nghệ sĩ với bốn trăm ngôi mộ và gần bốn trăm bộ hài cốt, Cô như người tự nguyện đi trước về sau, níu kéo thời gian đến tuổi 98 này để làm điều đó, làm cho trọn tình trọn nghĩa với thế hệ mình và cả thế hệ cháu con.Phải, tất cả những gì mà cô đã cho, tất cả đã và đang ở lại với cô, bây giờ và mãi mãi.