Số phận con tàu “Ioannis K” mắc cạn ở Bãi Sau


Tàu Ioannis mắc cạn tại Bãi Sau.

Từ năm 1990 trở về trước, người dân và du khách mỗi khi đến Bãi Sau, TP. Vũng Tàu đều thấy một con tàu lớn, bị bỏ hoang, rỉ sét, nằm phơi mình ngay sát mép nước. Tên của con tàu ấy là Ioannis K, do Công ty Saint Ioannis Shipping Corp, Hy Lạp là chủ sở hữu.

Ngày 3-1-1968, sau chuyến vận chuyển hàng từ Singapore về Sài Gòn theo hợp đồng với Cơ quan viện trợ Mỹ (USAID), trên đường quay ra biển, tàu Ioannis đã bị mắc cạn khi vừa qua mũi Nghinh Phong…

Theo tài liệu của Hiệp hội Thương thuyền quốc tế, Ioannis K là loại tàu vận tải dân sự không vũ trang. Tên ban đầu của nó là Liberty EC2-S-C1, được đóng bởi hãng Bethlehem Shipbuilding Corp Ltd., trụ sở đặt tại TP. Baltimore, bang Maryland, Mỹ, theo đơn đặt hàng của người Anh. Hạ thủy vào tháng 2-1944, Liberty có chiều dài 134,6m, rộng 17,3m, cao 10,6m tính từ đáy tàu lên mặt boong, sức chở khoảng 20 ngàn tấn. Thời điểm hạ thủy chiếc tàu cũng là lúc chiến tranh thế giới lần thứ II đang diễn ra ác liệt. Vì vậy, nó được đặt dưới quyền điều động của Bộ Giao thông Vận tải Anh quốc. Đến khoảng giữa năm 1944, nó làm nhiệm vụ chuyên chở lương thực, nhu yếu phẩm từ Mỹ sang Anh để phục vụ cho quân đồng minh đổ bộ lên bờ biển Normandy, Pháp ngày 6-6-1944.

Thế chiến thứ II kết thúc, tàu Liberty trở lại với vai trò thương thuyền. Trải qua vài lần mua-bán, năm 1965, nó được bán cho Công ty Saint Ioannis Shipping Corp, Hy Lạp và cũng từ đó tàu chính thức mang tên Ioannis - nhưng đăng ký tại Panama - để được hưởng quyền ưu tiên về thuế.

Ngày 22-12-1967, tàu Ioannis khởi hành từ Singapore đi Sài Gòn với 16 ngàn tấn hàng, trong đó chủ yếu là sữa bột và dầu ăn theo hợp đồng với Cơ quan viện trợ Mỹ. 5 ngày sau, tàu cập cầu tàu Tân Cảng, Sài Gòn. Ngày 2-1-1968, bốc dỡ xong hàng hóa, tàu Ioannis theo sông Sài Gòn ra biển dưới sự hướng dẫn của thiếu tá hoa tiêu Richard Dunne thuộc Tiểu đoàn tuần duyên số 6, Mỹ. Đến 9 giờ sáng ngày 3-1, sau khi ra khỏi cửa sông Lòng Tàu chừng 2km, thiếu tá Dunne được chiếc ca nô của Tiểu đoàn tuần duyên ra đón vào bờ. Từ đó, thuyền trưởng Klaus là người chỉ huy tàu. Nhật ký hải hành còn lưu lại sau khi tàu mắc cạn cho thấy lúc vượt qua mũi Nghinh Phong, để tránh những dải đá ngầm chìm dưới nước xung quanh Hòn Bà, thuyền trưởng Klaus đã cho tàu vòng qua bên trái, thay vì chạy ra vùng nước sâu, bởi ông tin rằng tàu đã dỡ hết hàng, độ nổi lớn nên khó có thể vướng đá. Theo thiếu tá Dunne, trước lúc xuống ca nô, ông đã chỉ vào bản đồ hàng hải, báo cho thuyền trưởng Klaus biết vị trí của những dải đá ngầm nhưng chẳng hiểu sao sự cố lại xảy ra!

9 giờ 40 cùng ngày, sĩ quan trực báo cho thuyền trưởng Klaus biết mũi tàu đụng phải đá. Sau khi xem xét, Klaus ra lệnh cho tàu chạy hết 3 máy và chạy lùi nhưng chỉ được vài phút, Klaus lại nhận được tin bụng tàu cũng vướng đá. Biết không thể làm gì được, thuyền trưởng Klaus gọi điện cầu cứu Tiểu đoàn tuần duyên số 6, Mỹ. Khoảng hơn 1 tiếng sau, chiếc tàu kéo USS Lipan (AT85) được điều ra để giải cứu tàu Ioannis nhưng suốt gần 4 giờ đồng hồ xoay trở, chiếc Lipan không thể nào tiếp cận được chiếc Ioannis vì cũng sợ… vướng đá. Nó chỉ có thể giúp đỡ bằng cách thả những chiếc xuồng cao su xuống biển, đón thủy thủ đoàn trên chiếc Ioannis rồi đưa vào bờ vì thuyền trưởng Klaus quyết định bỏ tàu.

Lúc này, trên tàu Ioannis chỉ còn lại 9 người. Lợi dụng thủy triều lên, Klaus quyết định chơi ván bài chót. Tăng hết công suất máy, ông cho tàu lao về phía trước nhưng không may, một dải đá ngầm đã khiến tàu lệch sang một bên, mũi hướng vào bờ rồi dưới tác động của lực quán tính, nó ủi thẳng vào bãi cát ven bờ. Sau khi ra lệnh cho những người còn lại rời tàu, thuyền trưởng Klaus có lẽ ý thức được việc làm thiếu trách nhiệm của mình nên đã cắt mạch máu ở cổ tay tự sát.


Tàu kéo và trục vớt USS Lipan (ATF-85) của Hải quân Mỹ đang cố gắng cứu hộ nhưng không cứu được vì mực nước quá cạn.

Sau khi tàu mắc cạn, Công ty Saint Ioannis Shipping Corp đề nghị chính quyền Sài Gòn trước đây giúp xử lý con tàu và Hải quân Công xưởng Sài Gòn đã cử một nhóm thợ kỹ thuật ra Bãi Sau tháo lấy chiếc chân vịt bằng đồng cùng một số thiết bị trên tàu Ioannis, đồng thời hút hết dầu ra, chỉ để lại hầm chứa nhớt máy. Chiếc chân vịt được treo ở đuôi tàu một thời gian rồi Công ty Saint Ioannis Shipping Corp thuê xà lan chở đi. Theo bản tường trình của nhóm thợ lặn Hải quân Công xưởng, tàu Ioannis hư hỏng nặng phần mũi và bụng, không còn khả năng sửa chữa.

Khi thấy tàu không người trông coi, một số người dân đã theo sợi thang dây mà thủy thủ đoàn thả xuống lúc bỏ tàu, trèo lên hôi của. Họ tháo gỡ tất cả những gì có thể tháo được, từ những tay nắm cửa bằng đồng đến những chiếc giường của thủy thủ đoàn, các dụng cụ nhà bếp, bóng đèn, dây điện, dây cáp... Sau đó, khi sợi thang dây bị cắt, một số người lại bám theo sợi dây xích dùng để thả neo, trèo lên tàu để nhặt nhạnh những gì có thể lấy được. Rồi cũng như sợi thang dây, sợi dây xích dài hàng trăm mét và chiếc mỏ neo, tổng cộng nặng gần 1,5 tấn cũng bị lấy nốt.

Từ đó cho đến những năm cuối thập niên 1980, khu vực Bãi Sau và xác tàu Ioannis là một trong những địa điểm thu hút khá đông du khách đến chụp hình. Năm 1990, nhận thấy xác tàu Ioannis có khả năng ảnh hưởng đến môi trường biển, môi trường sinh thái, đồng thời ít nhiều cũng ảnh hưởng đến cảnh quan du lịch nên các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã giao cho một công ty thu mua phế liệu ở Sài Gòn tháo dỡ nó để lấy sắt thép tái chế.