Ghe dừa

Chiều buông xuống chầm chậm giữa không gian náo nhiệt ồn ào của thành phố Sài Gòn. Phía ven sông, trên chiếc ghe cũ kỹ, chú Tư ngồi bó gối dõi mắt ra phía dòng người tấp nập trên đường. Giờ tan tầm xe cô xuôi ngược qua lại vội vã trên cầu, chắc hẳn họ cũng đang tìm về với gia đình sau ngày làm việc mệt mỏi. 

Một góc quê hương. Photo courtesy: BBC

Thỉnh thoảng có những buổi chiều ngồi một mình như thế, chú Tư cảm thấy yêu thành phố Sài Gòn đến lạ, nhưng càng yêu mảnh đất xô bồ này, chú lại càng nhớ về vùng quê nghèo miền Tây nơi mình sinh ra và lớn lên.

Giữa tiếng ồn ào của tiếng còi xe trên đường, tiếng máy ghe nổ trên sông, Chú Tư ngồi trầm ngâm phía sau chiếc ghe, vừa rít điều thuốc trên tay, vừa đưa mắt nhìn dòng xe tấp nập phía trên cầu. Chú nhớ, cách đây tám năm trước, một mình chú rời bỏ vùng quê nghèo miền Tây, một thân một mình xuôi theo chuyến ghe chở dừa khô, lục bình, đi lên Sài Gòn lập nghiệp. Ngày đó, vợ chồng chú cũng đắn đo suy nghĩ nhiều lắm, cứ nghĩ đến việc bỏ lại thím Tư với mẹ già và ba đứa con nhỏ ở quê là chú không an tâm, nhưng không lên Sài Gòn kiếm tiền thì không khá nổi. Vợ chồng chú và người em trai quanh năm dưới Bến Tre sống bằng nghề trồng dừa. Trồng dừa, hái dừa, rồi từ cây dừa, trái dừa, lá dừa, lại chế ra bao nhiêu là thành phẩm để bán như kẹo dừa, dừa khô để làm hàng mỹ nghệ, lá dừa để chế biển thực phẩm công nghiệp. Lúc trước thì dễ buôn bán, dạo sau này giá thành cạnh tranh nhiều, thương lái thu mua cũng ép giá, nên rồi chú Tư mới nảy sinh ra ý định tự mình lên Sài Gòn kiếm mối bỏ hàng. Hồi đầu chú Tư định bụng một thân một mình lên Sài Gòn mưu sinh với chiếc ghe cũ kỹ này là nhà, rồi đi kiếm mối bỏ hàng, rồi cứ đi đi về về, để còn lo cho mẹ già, vợ con ở dưới quê.

Nhưng rồi không lâu sau đó, má chú Tư mất, nên vợ chồng chú quyết định bán căn nhà dưới quê, chỉ giữa lại cái vườn dừa để chú thím và vợ chồng người em trai làm ăn. Bán được căn nhà dưới quê, đủ tiền để chú thím mua chiếc ghe to hơn làm phương tiện đi lại, vận chuyển và sinh sống. Nói là to rộng hơn, chứ nhìn chiếc ghe cũng chỉ vỏn vẹn 2 mét chiều ngang và 15 mét chiều dài, nhưng với gia đình chú Tư đó là nơi cư ngụ, là tổ ấm của chú thím và ba đứa con nhỏ giữa đất Sài Gòn phồn hoa này. Thấm thoát cũng hơn sáu năm trôi qua rồi còn gì. Người dân ở trong xóm lao động ven chân cầu vẫn gọi tổ ấm của gia đình chú Thím Tư là ghe dừa. Cái tên nghe là lạ, nhưng bình dị với nhiều ý nghĩa vì lúc nào ở trên chiếc ghe này người ta cũng thấy dừa. Sọ dừa khô, xơ dừa, kẹo dừa, rồi vô số những đồ thủ công mỹ nghệ làm từ dừa. Cứ mỗi tuần dưới quê lại có người chở dừa lên cho chú Thím Tư bán, cuộc sống gia đình chú Tư trên chiếc ghe dừa neo ở bãi sông này cứ thế trôi qua đã hơn sáu năm rồi. Bãi sông nhỏ ven khu ngoại ô thành phố Sài Gòn, có hơn chục chiếc ghe như thế, có chiếc chuyên chở đồ gốm sứ, có chiếc chuyên chở gạch ngói, rồi trái cây, lá chuối, trứng gà trứng vịt. Mỗi chiếc ghe là phương tiện đi lại, nơi làm ăn mưu sinh kiếm sống, nơi cư ngụ, là tổ ấm của một gia đình hoặc cả một nhóm người lao động nghèo rời bỏ vùng quê miền tây lên Sài Gòn với ước vọng đổi đời.

Cuộc sống lênh đênh trên ghe, mọi sinh hoạt và mua bán ngay trên bãi sông này. Thỉnh thoảng vợ chồng chú Tư cũng bị mấy người thanh tra kiểm soát đường thủy làm khó dễ. hôm thì kiếm chuyện việc neo đậu ghe lấn chiếm bờ sông nhiều ngày, hôm thì kiếm chuyện việc buôn bán gây ồn ào mất trật tự, nên rồi vợ chồng chú thím Tư với mấy chủ ghe khác cũng phải bỏ tiền chi cho tụi nó vài trăm để yên nhà yên cửa, an tâm làm ăn sinh sống. Mà tức một cái là tụi thanh tra kiểm soát đường thủy cứ thích là đến kiếm chuyện chứ chẳng bao giờ kiêng cử ngày tháng, như Tết hôm rồi mới sang mùng một Tết, có hai thằng thanh tra đường thủy đến đòi kiểm tra giấy tờ sở hữu ghe, chú Tư đưa cho tụi nó coi xong rồi tụi nó cười đòi chú cho tiền lì xì năm mới. Tết năm rồi là cái Tết thứ sáu gia đình chú Tư không về quê mà ở lại Sài Gòn lo kiếm tiền vào dịp Tết và ăn Tết ngay trên chiếc ghe dừa này. Từ Bến Tre quê chú, lái ghe đi đường sông lên Sài Gòn cũng mất ít nhất là 10 tiếng đồng hồ, nên sáu năm qua, từ ngày bán nhà lên đây lập nghiệp mưu sinh, chú thím cũng chỉ về quê một vài lần khi có việc quan trọng mà thôi. Quê chú nghèo lắm, nơi đó có những người bỏ xứ đi biền biệt cả chục năm không thấy về, đi lên Sài Gòn, rồi ra tận miền trung, lên Tây Nguyên, đi cả sang Hàn Quốc, Đài Loan làm ăn sinh sống.

Thỉnh thoảng có những buổi chiều ngồi một mình trên ghe hút điếu thuốc, nhìn dòng người tấp nập đi qua cầu, luồn lách vượt qua nhau trên con đường nhỏ phía trên bãi sông với tiếng còi inh ỏi, chú thấy nhớ về miền quê nghèo bình yên với những vườn dừa xanh nơi quê nhà, nhớ cả những con người đã từng một thời gắn bó với nhau như anh em đã thoáng cái đã hơn chục năm chẳng gặp lại, cũng không biết bao giờ có cơ hội gặp lại. Chú Tư cũng mong ước được một ngày trở về miền quê nghèo ấy, ngồi dưới gốc dừa trong mảnh vườn thân quen ngày nào, vừa ngắm sông vừa hát khúc dân ca xứ dừa quê mình. Dù có đi đâu, có bôn ba nơi nào, nhưng khúc sông ấy, mảnh vườn ấy, từng gốc dừa ấy vẫn thỉnh thoảng lạc vào trong giấc mơ của chú và nơi đó là nơi duy nhất mà chú luôn khát khao quay trở về.